Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Người chơi đàn ở ga trung tâm (P3)- Xichlo-LtBNN

NGƯỜI CHƠI ĐÀN Ở GA TRUNG TÂM
- Truyện của Xichlo-LtBNN-
(xem lại P2)  
P.3

Thả mình dưới vòi sen trong nhà tắm tiện nghi của phòng tập gym, anh sinh viên vừa gột bỏ những địa tầng tích tụ trên cơ thể mấy ngày nay từ khi anh gia nhập vào đội quân vô gia cư, vừa ngẫm nghĩ đến những câu nói đầy tính triết lý của ông già.

Anh đã từ bỏ những tiện nghi của cuộc sống bình thường để dấn thân vào con đường gì vậy? Anh không nghi ngờ tính chất ngay thẳng và rõ ràng của mục tiêu mình đã chọn, cũng không băn khoăn nhiều về khả năng thích nghi và sức chịu đựng của chính mình trong những tình thế khó khăn... nhưng đôi khi anh cảm thấy một cảm giác bất lực khi nghĩ đến những việc anh sẽ làm, đến con đường anh sẽ đi, liệu nó có ích lợi gì cho những người thân quen mà anh yêu mến và quý trọng, hay kết quả cuối cùng cũng chỉ là cái cảm giác rằng mình đã sống một cách thanh thản với những giá trị mà mình đã tôn thờ trong suốt cuộc đời mình?

Người chơi đàn ở ga trung tâm- Xichlo-LtBNN

Cái cảm giác thỏa mãn với chính mình, với tư tưởng của mình, niềm tin của mình liệu có làm cho thế giới này bớt đi được sự thương hại đối với những cố gắng của đồng bào anh để vươn lên sống một cuộc sống tử tế hơn, văn minh hơn, một sự thương hại mà cho dù những người dân bản xứ có cố che giấu cũng không tránh được trong sự thương hại thông cảm đó vẫn hàm chứa vài phần rẻ rúng, coi thường một đất nước bốn ngàn năm lịch sử!

Anh nghĩ đến nhóm bạn học người Trung Quốc trong lớp học của anh, họ là những thanh niên nhỏ hơn anh hàng chục tuổi, hàng ngày luôn khoe với anh những thành tựu về khoa học kỹ thuật và kinh tế của đất nước "vĩ đại" của họ một cách đầy tự hào. Khi biết anh là người Việt họ đã rất ngạc nhiên và thắc mắc rằng tại sao anh không chọn những ngành học đơn giản và dễ dàng hơn cho việc định cư ở nước Úc này thay vì theo học ngành này. Họ nói:

-Bọn tao tưởng phần đông du học sinh Việt nam sang đây chỉ cốt cho có mặt để tìm cách hợp thức hóa tư cách thường trú, làm những công việc mà những người bản xứ không thèm làm, và luôn trốn học, dành phần lớn thời gian để đi làm thêm kiếm tiền...

Anh dù nóng mặt nhưng vẫn cố gắng kiềm chế để không gây sự với đám choai choai này, hơn nữa trong thâm tâm anh cũng thấy bọn họ nói cũng có phần đúng, dù không phải là tất cả!

Dân tộc anh, đồng bào anh đã từ bao lâu rồi hình thành nên trong mắt bạn bè thế giới hình ảnh một dân tộc nghèo khổ, đói khát, thèm thuồng những giá trị vật chất và đã trở nên hèn yếu, thực dụng, sẵn sàng thỏa hiệp với bất cứ điều gì miễn là có thể đem lại lợi ích trước mắt cho bản thân mình?

Và nếu nước Úc này, hay những nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... kể cả "gã hàng xóm ồn ào" TQ không "rủ lòng thương", hoặc đơn giản chỉ là "lợi dụng lẫn nhau" mà ban phát sự đáp ứng những lợi ích đó theo mỹ từ "nhân đạo" "giúp đỡ"... thì liệu có bao nhiêu người xem những nơi này là "miền đất hứa", để cố sống cố chết, có khi bán cả lương tâm và phẩm giá để đến cho bằng được?

Và cả anh nữa, anh có cách nào để đi ngược lại một khuynh hướng xã hội đã trở thành phổ biến từ rất lâu rồi hay không, hay cũng như những kẻ cứng đầu khác, rồi sẽ bị "bánh xe lịch sử" nghiền nát vụn như cám, và những hạt bụi trước đó là anh rồi cũng sẽ tản mác tứ tung trong lớp bụi mờ của thời gian và quên lãng...?

***

Một giờ sau, đến lượt ông già Shahram trợn tròn mắt ngạc nhiên khi anh vừa trả lại tấm thẻ ra vào phòng tập gym, vừa nói ngắn gọn:

-Cảm ơn bác rất nhiều về sự giúp đỡ tận tình, nhưng có lẽ tối nay cháu không ngủ ở chỗ cũ nữa ạ. Cháu sẽ bắt chuyến tàu đi Bondi Junction, có một người bạn cháu ở đó và cháu sẽ ghé lại thăm bác hàng ngày chừng nào cháu vẫn còn đi học ở đây!

Lần đầu tiên anh sinh viên nghe thấy trong giọng nói của Shahram có một chút nghẹn ngào, khác hẳn với giọng điệu hào sảng thường ngày:

-Ta đã bắt đầu cảm thấy quý mến anh... Nhưng thôi anh đi mạnh giỏi bình an và hãy nhớ rằng, bất cứ lúc nào anh cũng có thể ghé lại đây chơi bài Feste Lariane và chia sẻ bữa ăn tối cùng nhau, con trai ạ!...
(xem tiếp phần 4)     
Sydney, 2010
Xichlo-LtBNN

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian