Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Người chơi đàn ở ga trung tâm (P2)- Xichlo-LtBNN

NGƯỜI CHƠI ĐÀN Ở GA TRUNG TÂM
- Truyện của Xichlo-LtBNN-
(xem lại P1)  
P.2

Sau khi ăn tối xong, Shahram (tên của ông già) dẫn anh sinh viên đi dọc theo con đường chính của thành phố đến khu Town Hall (Tòa Thị Chính), họ xuống dưới một con đường hầm khác bên dưới tòa nhà Nữ Hoàng Victoria, một cung điện nguy nga được xây dựng hàng trăm năm trước, nay là một trung tâm thương mại thuộc hàng xa xỉ nhất Sydney, trong đó bán những thứ hàng hiệu hàng đầu thế giới và tất nhiên là giá cả cũng ngất trời.

Người chơi đàn ở ga trung tâm- Xichlo-LtBNN

Shahram chỉ cho anh sinh viên một ngách khuất gió sát bậc tam cấp từ trên mặt đất bước xuống đường hầm, gần ngay cánh cổng sắt mà lát nữa đây đội bảo vệ sẽ khóa chặt sau khi đã truy quét mọi ngóc ngách trong hầm để chắc chắn rằng không còn người nào trong đó, cánh cổng đó sẽ chỉ được mở ra vào 5 giờ sáng mai, khi những chuyến tàu điện đầu tiên trong ngày của thành phố bắt đầu hoạt động. Sydney là một trong những thành phố lớn hiếm hoi trên thế giới này ngưng mọi hoạt động giao thông công cộng, kể cả phi trường quốc tế cũng ngưng các chuyến bay từ nửa đêm đến sáng hôm sau, để cho tất cả cư dân của thành phố này có được giấc ngủ yên bình.

-Chú mày sẽ ngủ ở đây. Chỗ này bình thường ta vẫn ngủ nhưng hôm nay ta nhường cho chú mày, còn ta, ta sẽ ngủ ở phía bên kia đường, cạnh nhà thờ Thánh Andrew. Cứ việc yên tâm mà ngủ không có ai quấy rầy chú mày đâu. Ta đã tuyên bố chủ quyền cái ngách này từ rất lâu, và tất cả những người vô gia cư ở thành phố này đều biết rõ điều đó. Giờ chúc chú mày ngủ ngon, hẹn gặp lại vào chiều mai sau giờ tan học ở đường hầm ga Trung tâm.

Không đợi anh sinh viên trả lời, Shahram xách cây đàn bỏ đi một hơi mặc kệ anh chàng xoay xở cách nào tùy ý, có lẽ cuộc sống đã dạy ông không nên dính dáng gì nhiều đến những con người không thân thiết ruột thịt ngoài những việc có liên quan trực tiếp giữa mình và họ.

***
Xế chiều hôm sau, Shahram vẫn ngồi chơi đàn ở chỗ cũ khi anh sinh viên khoác chiếc ba lô nặng trĩu tiến lại gần. Trông dáng anh có vẻ mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng chắc là vì đêm qua không ngủ được. Anh nói:

-Chào bác ạ, bác khỏe không?
-Ta không sao. Còn anh, đêm qua chắc là không ngủ được phải không? Nhìn mặt anh ta biết. Bây giờ anh tính sao, có định tối nay tiếp tục ngủ ngoài đường nữa không?

-Dạ cháu vẫn ngủ ở đó nếu bác cho phép. À, nói cho bác mừng là cháu đã tìm được một công việc khả dĩ có thể sống được qua ngày để tiếp tục theo đuổi việc học. Giờ cháu chỉ còn lo việc tắm gội giặt giũ nên muốn hỏi bác là lâu nay bác thu xếp cách nào ạ?

-Chúc mừng anh tìm được việc làm. Còn việc tắm giặt thì đơn giản thôi. Đây anh cầm cái túi này, trong đó có mấy bộ đồ của ta, anh hãy bỏ đồ cần giặt của anh chung vào đó rồi mang đến tiệm giặt ủi, cầm thêm mấy đồng lẻ này nữa để trả cho họ. Trọn gói giặt, sấy, xếp chỉ có 6 đô một lô thôi, coi như ta trả công anh mang đồ đi giặt giúp ta. Trong khi chờ đợi tiệm giặt ủi làm cho anh, anh hãy cầm tấm thẻ này, đến
phòng tập gym ở gần quán Ba Con Khỉ, ta đã thuê bao trọn gói ngày 2 lần ở đó mà mỗi ngày ta chỉ dùng có một lần thôi. Anh cứ việc quẹt thẻ, vào trong đó múa may gì tùy ý, xong đi tắm, rồi anh sẽ trở về tiệm giặt ủi lấy đồ về, sạch sẽ bảnh bao như một ông hoàng!

Anh chàng sinh viên xách túi đồ đi rồi, Shahram nhìn theo những bước chân sải dài không một tiếng động trên nền gạch cứng của anh, khuôn mặt khắc khổ của ông chợt bừng lên một ánh sáng ấm áp trong đôi mắt. Rồi ông cầm lấy cây đàn, vặn volume lên hết cỡ... Trong khung cảnh chộn rộn của đường hầm ga Trung Tâm giờ tan học, khúc nhạc mở đầu của bản Feste Lariane vang lên mạnh mẽ, vang dội nhưng vẫn đầy vẻ dịu dàng thanh thoát...
(xem tiếp phần 3)     
Sydney, 2010
Xichlo-LtBNN

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian