Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tôi đi dạy (hồi ký Sơn Ca)- Phần 1

TÔI ĐI DẠY
(Hồi ký của Sơn Ca)

P1- TÔI ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI CHO MÌNH VỀ GIÁO DỤC

Tôi đi dạy (hồi ký)- Sơn Ca

    Khi tôi về dạy cấp 3, tôi 35 tuổi, hơn các em học sinh của tôi khoảng 20 năm, một khoảng cách thế hệ khá dài. Có thể nói lúc đó tôi không thể thích nghi với việc giảng dạy và hiểu được học sinh của mình. Tôi ngây thơ nghĩ, tôi đã được giáo dục như thế nào thì bây giờ tôi cũng truyền lại như những gì tôi đã được giáo dục.

   Xã hội Việt Nam vào giai đoạn đó bao nhiêu là thay đổi, từ văn hóa cho đến giáo dục. Nó đã làm thay đổi đạo đức và giá trị con người.
        
  Mỗi con người sống trong một môi trường khác nhau, và đương nhiên cũng tạo ra những suy nghĩ và con người khác nhau. Tôi cứ hồn nhiên nghĩ ai cũng như mình.
        
   20 năm tôi chìm trong cơm áo gạo tiền, cố gắng ngoi lên trong cuộc sống, mà không có thời gian nhìn ra xung quanh mọi người đang sống như thế nào. Con người mà, khi chìm trong khốn khổ, thì đau đớn và chỉ nghĩ đến mỗi đau đớn của mình, mà không biết rằng xung quanh cũng còn nhiều người còn khốn khổ hơn ta.

  Bây giờ nhìn lại, ngày ấy nhiều người cũng rất khổ để kiếm sống và tồn tại, họ là những phụ huynh có con học ở trường bán công P. ngày ấy. Họ cũng mãi miết kiếm tiền, bằng mọi giá kiếm tiền, và vô thức xem đồng tiền là tất cả, họ đâu có thời gian nghĩ đến điều khác đi, như giáo dục hay văn hóa....
        
    Xã hội ngày đó mang danh xã hội chủ nghĩa, được tuyên truyền những điều tốt đẹp mà xã hội hứa hẹn đem đến, con người ai cũng như ai, ngang bằng. Người giỏi bị đánh đồng và gạt xuống cho bằng nhau....Những người sống khác đi, không giống nhiều người, cho dù học sống đúng với lương tâm mình đó là bị cô lập.

ĐỊNH LUẬT CON CUA

   Nếu bạn đã từng đi mò cua, bắt ốc sẽ nhận ra rằng, nếu như bỏ một con cua vào trong giỏ tre, thì cần phải đậy nắp giỏ lại, nếu không con cua sẽ bò ra ngoài.Tuy nhiên, sau khi bạn câu được thêm mấy con cua nữa cho vào trong giỏ, thì không cần phải đậy nắp giỏ lại nữa, lúc này cho dù con cua có vùng vẫy kiểu gì cũng không thể bò ra ngoài được. Đó là bởi vì khi có trên hai con cua ở bên trong cái giỏ tre, mỗi một con đều tranh giành bò về phía lối ra.

   Chỉ cần một con cua bò đến miệng của chiếc giỏ tre, ngay lập tức những con cua còn lại sẽ dùng cái càng của chúng để kẹp chặt con cua đó, sau đó kéo nó xuống phía dưới cùng, để cho con khác bò lên phía trên. Cứ như vậy, cuối cùng không có một con cua nào có thể tẩu thoát thành công.

   Đây chính là định luật con cua hàm chứa triết lý đáng suy ngẫm. Trong xã hội hiện đại, đây cũng là tâm thái của rất nhiều người.Vì bản thân không hạnh phúc nên muốn người khác sống không hạnh phúc. Bản thân không thể trèo lên trên cao nên nhất định phải kéo người khác xuống, khiến người khác cũng không thể nào trèo lên cao được.

    Điều tất yếu sẽ đến là, không có cái nhìn vượt trội, nhìn xa trông rộng, nhìn cho tương lại, dự đoán những điều sẽ đến. Tất cả đều song hành đều bước, hành quân.

    Tôi cũng đã nhiều năm ngụp lặn trong buôn bán rong, buôn bán lẻ, sống trong chợ lẻ ở chợ để kiếm sống, tôi thấu hiểu những gì mà tiểu thương kiếm sống.

    Ở chợ, nơi đó đừng đòi hỏi họ dễ dàng nhường phần lợi nhuận cho ai, đòi hỏi họ phải kiềm chế những gì không bằng lòng. Họ tự cho mình có quyền chửi bới ai đụng đến quyền lợi họ hay thậm chí, chỉ cần họ nhìn thấy không ưa,  môi trường đó thuận lợi cho những hành động như vậy. Mặc dù tôi không nghĩ rằng ở đó là những người không tốt. Thật ra những tấm lòng tốt ở đó lại có nhiều hơn những chốn quan trường, nơi con người có đầy đủ những điều kiện tốt nhất.

    Môi trường sống rất quan trọng, ở với người tốt , ta được hưởng sự tử tế, lòng tốt có thể lây sang ta, làm ta muốn sống tốt, và cần phải sống thế nào để ta được đối đãi tử tế.

    Sống chung với những người xấu, luôn ghen ghét hại người, ta sẽ thấy trong lòng bất an, một môi trường mà luôn đồng lõa cho cái ác cái xấu hoành hành, nếu ta không nhận biết và chống lại cái ác, ta sẽ ác mà vẫn luôn biện mình cho cái ác của mình. Xã hội sẽ càng bất an, và đương nhiên cái kết của cái ác sẽ nhận hậu quả cay nghiệt.

    Phụ huynh của tôi là những đối tượng này.

SỰ VÔ CẢM CỦA CÁI THIỆN LÀ LÒNG DŨNG CẢM CỦA CÁI ÁC
( Bài tôi copy trên mạng )

Chúng ta thường khẳng định tuyệt đối thế giới quan của chính mình. Do đó khi đứng trước sự khác biệt ở người khác, ta có xu hướng cho rằng đó là điều sai, ta cho rằng họ là tha nhân nên không thể đồng cảm. Khi ta mang tâm lý như thế, khi ta cắt đứt mọi liên hệ giữa ta và người khác và cho rằng dù họ có đau khổ ra sao thì đời ta chẳng mảy may tích sự, chính khi đó ta khước từ khả năng đặt mình vào vị trí người khác, ta chối bỏ tiếng nói của tình thương và lòng bác ái để thoả mãn cái tôi, một cái tôi bất mãn, giận dữ.

 Giữa mối quan hệ người với người, sự khác biệt (khiến ta thường gọi là “người khác”) miễn nó không vi phạm chuẩn mực đạo đức thì nó không nên là cái cớ tạo dựng cho sự thù ghét.

 Ta hãy phản tư lại chính mình để tìm ra bản chất, động cơ của những hành vi trong đời sống của ta. Có đôi khi ta nghĩ mình là người tốt, ta lên tiếng chỉ trích một người nhưng đằng sau cái lớp vỏ trượng nghĩa, ta không phải là một Lục Vân Tiên mà ta lại là bà cô Thị Nở.

 Đôi khi cuộc sống không có đúng và sai, có chăng chỉ là sự khác biệt. Và là một người văn minh, ta cần biết tôn trọng sự khác biệt đó.

“Địa giới giữa Thiện và Ác chỉ được phân chia bằng một sợi tóc”

Lời thoại của nhân vật Thành trong tác phẩm truyện ngắn của Thạch Lam luôn nhắc nhở tôi về cách sống của chính mình, để tôi phản tỉnh mình trước sự manh nha của cái thấp hèn, để tôi đủ can đảm phủ định sự giả dối để sống trung thực, để tôi hướng về cái Thiện để cái Ác đổ bóng về sau.

Công nhận sự tồn tại của cái Ác nhưng không thoả hiệp với sự thống trị của cái Ác trong tâm hồn mình. Mỗi người trong hoàn cảnh khác nhau sẽ dẫn đến những lựa chọn khác nhau song hãy đặt niềm tin vào cái Thiện, hãy lấy những điều tốt đẹp làm giá trị sở cứu đời mình.

 Đó là cách để ta miễn nhiễm với cái Ác và nuôi dưỡng mảnh đất tâm hồn.

Nhân sư Sphynx với hình ảnh một con vật khát khao làm người những vẫn còn bị ghì chặt bởi lớp thú khiến cho tôi cảm thấy danh xưng con người, tự thân nó đã là một trọng trách.

Sự vắng mặt của cái Thiện khiến con người trở về với bản tính của loài dã thú, thích máu tanh và luôn gầm gừ giận dữ. Nhưng việc triệt tiêu cái Ác hoàn toàn là một điều bất khả, một mơ mộng hão huyền. Không phải là đích đến, dường như quá trình đấu tranh để cán cân cuộc đời dù hiện hữu cái Ác nhưng phần thắng vẫn nghiêng về cái Thiện mới là điều cốt yếu, mới là cứu cánh, là ý nghĩa cuối cùng.

 Con người chân chính không là thần thánh, cũng không là thú vật, mà là sự kiểm soát, giáo hoá những thuộc tính của “loài bốn cẳng” trong thân xác “hai chân”.

“Thế kỷ hai mươi. Ai phiêu bạt trên đường
Giữa lửa cháy có khi nào sực nghĩ
Làm thú vật, làm thánh thần cũng dễ
Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu!”

             (Vinokurov)

                                                       (TRẦN TRỌNG ĐOÀN)

        ***
    
Trường học là một xã hội thu nhỏ, trường học cũng như trường đời, chỉ khác nhau là trường học thì học sinh học theo sự chỉ dẫn của thầy cô, được chấn chỉnh, được cho điểm và được đánh giá, còn cha mẹ các em ở trường đời, thật khắc nghiệt. Phải đấu tranh để được tồn tại.

Là con người Việt Nam, không ai thoát khỏi lịch sử, văn hóa và giáo dục của dân tộc mình. Tôi đang nói riêng về đạo đức và giáo dục ( sự nghiệp 25 năm của tôi).

Cha mẹ và thầy cô bao đời nay được cho là luôn luôn đúng, là con, là học trò thì phải luôn nghe lời và tuân theo những gì người trên đã dạy.
( ở đây tôi đang nói đến giai đoạn mà tôi đi dạy, bây giờ đã khác xưa rồi, nhưng quá khứ cũng luôn là nguyên nhân của hiện tại).

Phụ huynh của tôi ngày ấy có nhiều người vất vả kiếm sống, nhưng họ vẫn làm tất cả vì con, vì họ luôn mong muốn thoát nghèo, không muốn con mình phải khổ sở như mình. Họ không biết rằng xã hội đang thay đổi, cũng như giáo dục đang thay đổi. (Xấu hay tốt, họ không thể biết và đánh giá được).

Một khoảng cách thế hệ 20 năm, khi tôi thực sự đứng trên bục giảng, sau 2 tháng trở về dạy phổ thông, tôi bị sốc và muốn bỏ dạy.

Tình huống tôi gặp phải không phải ở lớp tôi chủ nhiệm mà ở một tiết tôi dạy thay cho giáo viên cùng tổ Anh Văn.

Hôm đó tôi cho lớp kiểm tra bài, học sinh ngang nhiên mở sách ra, bốn đứa chụp đầu vào nhau chép mà không cần biết đến sự có mặt của tôi, chán nản tôi nói bài kiểm tra này sẽ không có giá trị. Một học sinh nữ ngang nhiên lên trước mặt cầm hộp quẹt nói rằng sẽ đốt nó. Khuôn mặt nó hất lên vẻ côn đồ mất dạy, không sợ ai. Tôi sốc trước cảnh này.

Khi chưa bỏ được nghề, còn đứng lớp thì tôi còn chứng kiến nhìn cảnh còn kinh khủng hơn, mà các đồng nghiệp tôi gặp phải.

Chuyện đóng cửa lớp đánh thầy, chuyện tức tối tát cô giáo ngay bục giảng, rồi những lúc chúng cố tình gây rối với những thầy cô nào không làm vừa lòng nó.

Kể ra thì không biết bao nhiêu chuyện.

Câu cha nào con nấy cũng có cái đúng của nó. Khi con thành đạt, thì vui vẻ nói câu này, còn trái lại thì họ đổ cho xã hội rồi nhà trường.

Có một người quen, khi biết tôi dạy trường này lo lắng kể lại câu chuyện mà họ nghe được khi đi xe liên tỉnh. Phụ huynh kể với lòng căm thù, dọa bẻ chân bẻ tay thầy cô giáo, khi về nghe con mình kể về thầy cô giáo, biện minh cho những vi phạm của mình, và bị kỷ luật. Họ nghe và tin con mình, họ thương con một cách mù quáng.

Thời gian đó đi dạy, tôi cũng rất sợ, sợ những hiểm họa vô tình đổ xuống đầu tôi, như học sinh gây án trong trường và ngoài xã hội. Giáo viên rất khổ.

Những cuộc họp kéo dài để kỷ luật, rồi sau đó còn lắm vấn đề nữa.

Có lẽ trong cuộc đời tôi, và cả trong cuộc đời đi dạy tôi không bao giờ nghĩ hay muốn họp hội đồng kỷ luật học sinh, và thật ra là tôi bao che bằng tất cả khả năng có được. Nhà trường thì phải có kỷ luật, nhà trường khi thi hành kỷ luật học sinh để tránh bị kiện cáo thì phải dựa vào thông tư của bộ đề ra, ( là người ăn lương nhà nước thì phải thi hành theo chính sác nhà nước chứ), tôi không quan tâm lắm đến thông tư số 8 được ban hành năm 1988.

Nhưng chuyện không thể tránh được khi làm giáo viên chủ nhiệm tôi cũng phải tham dự những cuộc họp để thi hành kỷ luật học sinh và phải đọc và biết đến thông tư đó. Họp cho đúng quy trình chứ để bênh vực học sinh mình thì rất ít có cơ hội, tôi cảm giác gần như đều ngoài tầm tay với của tôi.

Khi những học sinh bị kỷ luật hay bị đuổi học 1 tuần hay 1 năm là một nỗi buồn cho phụ huynh. Đó là sự bất lực của gia đình và nhà trường. Một câu nói của phụ huynh buông ra nhưng lại gieo vào lòng tôi nỗi buồn. “ Tôi không có điều kiện và thời gian giáo dục con cái, tưởng nhà trường giáo dục được chứ”

Không bỏ dạy được tôi phải nghĩ ra cách sống chung với lũ, phải tìm ra cách thích nghi để tồn tại.

Bản chất hiền lành và nhân ái của tôi, ngay từ đầu bị thất bại. Học sinh không sợ, vì tôi được giáo dục từ bé, không bao giờ làm tổn hại ai. Dưới mắt học sinh, đây là điểm yếu của tôi. Lớp tôi chủ nhiệm không bao giờ đạt điểm thi đua.

Cuộc đời đi dạy, tôi chưa bao giờ đánh học sinh và ủng hộ cho việc đánh học sinh, mặc dù thời tôi đi dạy, đó là biện pháp thích hợp và nhanh nhất.

Ngày ấy giáo dục còn đề cao khái niệm, “ thương cho roi cho vọt”

Tôi kể bạn nghe tình huống sư phạm mà tôi gặp phải trong trường.

Hôm đó là ngày họp phụ huynh đầu năm, tôi mặc một chiếc áo dài màu xanh nước biển, trông tôi rất trẻ trung, mặc dù lúc đó tôi đã hơn 40 tuổi.

Tôi ăn nói nhẹ nhàng với phụ huynh và đưa ra phương án giáo dục của mình. Tôi lấy tình thương và kết hợp với gia đình để giáo dục học sinh, và tôi cũng đưa ra phương pháp cũng như cách giáo dục của tôi là không bao giờ đánh học sinh.

Một phụ huynh với vẻ lam lũ chất phác, đứng lên chửi tôi ngay tại cuộc họp ( chắc anh ta nghĩ rằng tôi còn non lắm, không có kỷ năng giáo dục), anh ta nói rằng “ cô như vậy thì không thể làm giáo dục được, cô phải thẳng tay với những học sinh lười biếng không chịu học hành”. Tôi vẫn rất bình tỉnh và mời anh ta ngồi xuống rồi tiếp tục cuộc họp.

Tiêu chí giáo dục của tôi là luôn quan tâm và yêu thương học sinh, cho dù đó là học sinh nào.Sau một lúc họp thì phụ huynh đã hiểu ra những gì tôi nói. Một cách giáo dục mang tính nhân văn.

Phụ huynh quay lại tấn công anh đó và nhìn anh ta với đôi mắt trách giận. Sau đó anh ta đã hối hận.... Tôi cũng không trách gì. Đó cũng là một mặt của xã hội .

***

Đi qua rồi nhìn lại, thật ra ngày đó học sinh còn có tình cảm và ân tình hơn những học sinh sau này. Khi trường tôi được tuyển những học sinh được chăm sóc cẩn thận, được học hành tử tế, và có kết quả cao trong học tập, các em được gia đình chăm sóc cẩn thận, đã được học trước khi trên lớp ở nhà những giáo viên được đánh giá là giỏi.

Lên lớp không còn gì phải học nữa,chức năng giáo dục của giáo viên không còn giá trị như trước đây, và đi theo đó không còn nhiều ân nghĩa hay là lòng biết ơn người thầy.

Những ngày lễ 20 tháng 11 để suy tôn người thầy chỉ là hình thức với một phong bì, một bó hoa hay một món quà.

Ngày đó giáo viên trường tôi, ngoài việc dạy học còn phải thu tiền học phí và đủ các thứ tiền khác, 10 phút sinh hoạt chủ nhiệm là làm sao phải thu kịp tiền học phí hai tháng một lần.

 Đối với nhà nghèo thì đó là khoảng tiền không dễ kiếm được, cho nên có những học sinh mà giáo viên cứ thu hoài không xong. Ngày đó tôi cứ ước mơ một ngày nào đó tôi không phải thu tiền học sinh.( ước mơ đó đã thành hiện thực sau này, khi trường tôi trở thành trường công lập).

Lớp tôi chủ nhiệm đầu tiên khi về trường phổ thông là lớp 10 B, lớp đó tập trung người ở phường Y, và có một số con của công an và cán bộ.Tôi về nhận lớp khi đó đã nửa năm học, tình người, tình cô trò ngày ấy vẫn đẹp, mặc dù tuổi học sinh luôn hiếu động, luôn trải nghiệm những niềm vui bất chợt, tôi yêu thương học sinh và được đáp lại chân thành, năm đó là năm 1999. Có học sinh lấy tiền của bố mẹ, bỏ nhà đi 2 tháng, hết tiền không dám về nhà, tìm đến cô ( chắc em tìm thấy yêu thương và bao dung ở cô khi em sai lầm), tôi tìm cách đưa em về với gia đình, tôi tìm cách nối lại, vì biết cả hai luôn tìm nhau và không thể bỏ nhau.

Tôi đem các em về nhà và dạy dỗ như những đứa trẻ, không phải dạy kèm kiếm sống, mà chỉ dạy các em về cuộc sống, cho các em những ngày vui và hạnh phúc. Các em có thể nói với cô, em đói hay em muốn gì....
Sơn Ca

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian