Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tôi vào trại cách ly tập trung- La Thụy

TÔI VÀO TRẠI CÁCH LY TẬP TRUNG
–  La Thụy -

Những ngày đầu tháng 7/2021, đại dịch Covid-19 ập đến thị xã La Gi. Một trong những điểm xuất phát là tiệm phở Hồng Phong ngay trước nhà tôi. Anh con rể tiệm phở là tài xế xe tải chở hải sản vào quận Bình Chánh, TP HCM xét nghiệm dương tính. Thế là xe bịnh viện đến chở anh ta (F0) đi ngay. Toàn bộ thành viên gia đình anh ta ở tiệm phở Hồng Phong (những người tiếp xúc trực tiếp với F0 là F1) ngay sau đó cũng được chở đi vào trại vào trại cách ly tập trung. Bà con nhốn nháo bu quanh xem và bàn tán.

Chỉ trong 3 ngày sau, người dân khu phố 1 phường Phước Hội gần quán phở Hồng Phong đều phải tham gia test. 11g30 đêm 13/7/2021, sau khi test, vợ tôi nhận kết quả dương tính (F0) dù chỉ băng qua đường mua phở về nhà ăn mà cũng bị lây nhiễm... Tôi có kết quả xét nghiệm âm tính. Vợ tôi xét nghiệm dương tính (F0) lập tức chuyển vào bịnh viện lúc 12g đêm. Do bà ấy chịu khó súc miệng bằng nước muối và uống nước gừng sả nóng, nên kết quả test nhanh đó chưa rõ ràng, bệnh viện phải lấy máu gửi ra Pasteur Nha Trang, 3 ngày sau kết quả xác định dương tính. Ngay lập tức, địa phương thông báo cho tôi và cháu nội (F1) vào trại cách ly tập trung.  Nhà nước không cho xe đón tại nhà mà phải tập trung tại Trạm y tế phường, chờ xe bịnh viện chở đi.

Thế là tôi lấy xe máy tự chở cháu nhỏ 5 tuổi và hành lý tập trung tại trạm y tế Phường Phước Hội. Trước đó gửi xe để đi trại cách ly tập trung cũng không dễ dàng chi. Xe máy tôi gửi nhà người quen gần trạm y tế phường. Tôi phải để xe trước cổng nhà ông bạn, ném chìa khóa vào hiên nhà, xong mới gọi điện thoại cho ông bạn, biết ông bạn đã nhận xe và chìa khóa rồi mới an tâm. Sở dĩ, có việc này là vì mình là F1, người tiếp xúc với mình sẽ là F2.

Ở thị xã La Gi, những ai là F1 đều bắt buộc phải vào trại cách ly tập trung cả. F2 cũng phải cách ly ở nhà 14 ngày.

Mình đang là F1, người tiếp xúc với mình là F2. Nếu vào trại, nếu sau khi test cho kết quả dương tính thì mình ngay tức khắc biến thành F0, trong vòng 10 phút xe cấp cứu chở đi bịnh viện. Người tiếp xúc với mình đang là F2 sẽ biến thành F1 và a lê hấp vào trại cách ly tập trung, thân nhân họ biến thành F2...

Tôi vào trại cách ly tập trung- La Thụy
(hình minh họa)

Cùng với một số người, chúng tôi được đưa đến trại cách ly số 5: Trường PTCS Bình Tân nằm trên đường CM tháng 8, phường Bình Tân, thị xã La Gi. Chúng tôi được cấp phát mùng, mền, ly, tô, muỗng, đũa và thau giặt, thau rửa mặt, móc phơi quần áo, mấy cuộn giấy vệ sinh... Tất cả đều hoàn toàn mới.

Hai ông cháu tôi được bố trí vào phòng 12 (vốn là phòng học số 2) ở tuốt tầng 3 lầu cao nhất. Phòng chỉ có 5 người gồm 2 ông cháu tôi và một cặp 2 cha con, người thứ 5 chỉ có mặt trong ngày đầu sau đó không thấy ở trong phòng. Tôi kê 2 giường của 2 ông cháu sát lại với nhau, gần với bàn giáo viên có ổ cắm điện thuận tiện.

Bàn ghế học sinh được dồn ra hành lang, trong phòng có sẵn 6 cái giường mới đóng. WC nam, WC nữ tạm đủ dùng, nhưng để tắm thì hơi bất tiện, mỗi phòng vệ sinh chỉ có 2m vuông, có gắn vòi hoa sen, bồn cầu chiếm một nửa diện tích, áo quần sạch và khăn tắm tạm vắt ở tay nắm cửa, vắt không khéo thì rơi xuống đất. May thay còn có “phòng để dụng cụ vệ sinh” nằm phía trong WC nam, phòng khá rộng có bồn cầu, có chỗ vắt quần áo, đủ rộng để giặt quần áo. Chỉ có điều bất tiện duy nhất là lavabo xả nước tiếp ra nền phòng chứ không thông với ống thoát, nên nước lênh láng. Mấy trại viên nữ, “tận dụng” “phòng để dụng cụ vệ sinh” này để tắm giặt, mà họ khá đông nên trại viên nam tôi nhiều khi bị kẹt. Ở tầng 2, nam trại viên phải cấm vận trại viên nữ sử dụng phòng này bằng cách dán tấm bảng bằng giấy ghi “WC NAM”. Áo quần giặt xong, móc phơi trên các song bàn học sinh lật ngược chất trước hành lang.

Trừ ngày đầu phải tự túc, chúng tôi đăng ký cơm ăn ngày 3 bữa, do trại đọc tên kêu đại diện mỗi phòng nhận đưa lên.

Vào trại chúng tôi được test liền, gửi mẫu ra Nha Trang. Không chỉ ngoáy mũi lấy dịch như test nhanh ở địa phương mà lấy “dịch tị hầu” của cả mũi và họng. Ba ngày sau kết quả xét nghiệm của tôi âm tính, cháu nội 5 tuổi của tôi có kết quả xét nghiệm dương tính. Như vậy, hai ông cháu chỉ ở được với nhau ba ngày trong trại cách ly rồi cháu phải chuyển vào bịnh viện với vợ mình. 22g30 ban quản trại thông báo cháu nội 5 tuổi của tôi mau chóng lên xe đi bịnh viện. Từ tầng 3, tôi kéo 2 cái va ly lớn, 1 va ly nhỏ của đứa cháu nội, 1 bao mùng mền từ nhà mang đi và 1 bao chứa thuốc, sữa tươi, cháo dinh dưỡng của đứa cháu nội, rồi dẫn cháu nội xuống lầu ra sân.

Xuống sân, áo tôi ướt đẫm mồ hôi như bị mắc mưa. Cháu nội tôi được phát bộ đồ bảo hiểm y tế cách ly. Bộ áo quần dành cho người lớn lại phát cho cháu bé. Lòng lo âu và quá mệt mỏi, tôi lụp chụp mặc cho cháu. Lần đầu chân bé xỏ chân vào ống tay áo, lần thứ 2 thì hai chân cháu cùng xỏ vào một ống chân áo. 12g đêm xe cứu thương chở cháu nội vào bịnh viện, không cho ông nội theo, tôi chỉ biết gửi gắm cháu cho những người đi cùng chuyến xe đó. Nửa giờ sau qua điện thoại, biết cháu nội đã được đưa vào chung phòng với vợ tôi (bà nội của cháu), tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi kéo hành lý tôi ngược cầu thang lên tầng 3, cả phòng đều đi bịnh viện, chỉ mình tôi ở lại. Nhân viên y tế lên phòng phun xịt thuốc khử trùng mù mịt. Một đêm không ngủ vì lo âu, mệt nhọc...

Sáng hôm sau, ban quản trại điều tôi xuống phòng số 1 (vốn là phòng học số 11) ở tầng trệt gần cổng ra vào.Ở đây rất thuận tiện, dãy phòng tầng trệt gần sân rộng ngay trước dãy phòng, gần cổng. Phía trên cùng dãy phòng là một khoảng trống rộng để học sinh dẫn xe vào nhà gửi xe phía sau dãy phòng cạnh căn tin nhà trường.

Trại cách ly số 5 (Trường PTCS Bình Tân) có phong cảnh đẹp, không khí trong lành có cả hương đồng gió nội và không khí biển. Trước mặt trại là bãi cỏ xanh, trâu bò thung thăng dạo bước với hình ảnh nên thơ “có một chú nghé lạc giữa đàn bê, cùng nhau gặm cỏ” (thơ Lê Thị Kim), xa hơn là con lạch từ đồng bằng đổ ra biển, xa hơn là cánh rừng tràm. Bên phải là cánh đồng lúa Tân Lý rập rờn trong gió “lúa thì con gái mướt như nhung” (thơ Nguyễn Bính). Xa xa, nhà thờ giáo xứ Tân Lý với tháp chuông cao vút cắt hình lên nền trời. Gió đồng nội trong lành suốt ngày lồng lộng thổi, “Gió vẫn đầy ngàn nội bốn phương bay” (thơ Xuân Diệu) xua bớt oi nồng và không khí ô nhiễm của các trại viên có thể là F0 chờ chuyển đi bịnh viện.
Bên trái trại là đường ra biển Đồi Dương chỉ cách trại khoảng 300m, nên vị mặn của hương biển có thể cảm nhận được.

Chỉ có chỗ tắm giặt hơi bất tiện, tắm trong WC nam chỉ có diện tích 2 mét vuông có vòi hoa sen như đã viết ở trên. Chỗ giặt giũ chung của trại là nơi rửa tay của học sinh cũ, nhiều người cùng ra giặt, vắt khô không có nơi treo, lại bỏ vào thau có áo quần chưa vắt...

Hằng ngày, tôi dậy sớm lúc 4g sáng ra sân tập. Tôi đếm bước đo: chiều dài 80 bước, chiều rộng từ tường hành lang đến dãi dây cách ly 27 bước, đủ rộng để đi bộ, chạy chậm và tập thể dục. Khoảng 5g sáng, khi có thêm người ra sân, tôi vào súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi, đánh răng và uống nước nóng.

Khoảng trống rộng phía trên cùng dãy phòng tầng trệt (để học sinh dẫn xe vào nhà gửi xe phía sau dãy phòng, cạnh căn tin nhà trường – được ông bảo vệ trường rào lưới B40 ngăn cách) có một dãy ghế đá đặt sát tường rào nối với cổng trại, gần đường nhựa.  Tôi đếm bước đo: chiều dài 35 bước, chiều rộng 20 bước. Không biết ai đặt sẵn 2 bộ bàn ghế, nhưng hầu như ít ai ngồi, tôi chiếm hữu một bộ, khi nhận phần cơm thì mượn bình xịt khử trùng bỏ trên bàn “nhận đồ thân nhân gửi” gần cổng trại để xịt tay và bàn ghế rồi ăn. Ăn xong mượn xịt khử trùng lần nữa. Tôi ngồi đó và lững thững dạo bước gần như suốt ngày. Chỉ khoảng 12g30 trưa và 21g30 tối mới vào phòng ngủ.

Ở một thời gian lại phát hiện có thể đi vòng cuối dãy phòng trệt ra nhà để xe và có nơi tắm giặt của ông bảo vệ. Thế là mấy ngày cuối trước khi ra trại, tôi có chỗ tắm rửa thoải mái.

Tôi vào trại cách ly tập trung- La Thụy

Được 1 tuần, trại viên phải test lần thứ hai. Nhân viên xét nghiệm thọc sâu vào mũi họng và ngoáy mạnh “tàn bạo” làm nhiều người già và em nhỏ bị sặc. Lần này một trại viên phòng số 1 của chúng tôi cho kết quả dương tính, anh ấy (F0) được chuyển đi bịnh viện ngay. Lại phun thuốc khử khuẩn mù mịt. Toàn bộ trại viên phòng số 1chúng tôi cũng phải chuyển lên lầu tầng 3 phòng số 11 (phòng học số 1), phòng này sát ngay phòng 12 khi ông cháu tôi ở lúc mới vô. Lại một vòng lẩn quẩn: từ dãy phòng ở lầu cao nhất chuyển xuống dãy phòng thấp nhất, rồi chuyển trở lại dãy phòng ở lầu cao nhất. Dù chuyển lên tầng lầu cao nhất, tôi suốt ngày vẫn ở nơi mình ăn cơm và tĩnh tâm, chỉ về phòng để nghỉ trưa và ngủ tối thôi

Ở trại cách ly tập trung này, có những chuyện cười ra nước mắt. Có một nữ trại viên nọ, sau 3 ngày nhập trại khi có kết quả xét nghiệm, được ban quản trại đọc tên cho biết là F0 (dương tính), nhận bộ đồ bảo hiểm y tế, đã mặc vào người ra sân chuẩn bị lên xe đi bịnh viện. Một lúc lâu, cô ấy lại xách hành lý về phòng. Hỏi ra, thì “bị lộn”. Cô ấy trao đổi qua điện thoại với chồng con đang là F2 bị cách ly ở nhà, giờ họ biến thành F1, đang di chuyển xuống tập trung ở trạm y tế Phường chờ xe chở vào trại cách ly... Khoảng một giờ sau, chồng con cô báo cho biết là đang gồng gánh hành lý trở về nhà vì nhận thông báo “lộn”... Một trại viên sức khỏe bình thường, bỗng nửa đêm ho sặc sụa làm cả dãy phòng thức giấc hoang mang. Sau khi anh ta vào phòng vệ sinh rửa mặt, súc miệng, nhỏ mũi thì trở về phòng với trạng thái bình thường, hóa ra do gió lộng tung bụi bặm của tấm màn cửa sổ vào mặt mũi anh ta. Vội tháo tấm màn cửa một năm học không giặt giũ ra, anh ta mới yên thân...

- Một trại viên phòng số 1, sau khi có 2 người xét nghiệm dương tính và chuyển đi bịnh viện, anh ta lập tức xin đồ bảo hiểm y tế dành cho F0 mặc khi chuyển viện, anh mặc vào rồi chuyển hành lý (xịt khuẩn) ra khu căn tin đã rào bằng lưới B40 của ông bảo vệ trường ở, tự cách ly lần nữa. Ngủ nghê, giặt giũ suốt ngày suốt đêm trùm kín mít bộ đồ BHYT suốt cả một tuần. Qua tuần sau, qua camera gắn ở căn tin, ông bảo vệ thấy được, vào chưởi tưng bừng và đuổi anh chàng “minh triết bảo thân” này ra...

Cháu nội tôi chuyển vào bịnh viện ở với bà nội, cháu vẫn khỏe, hiếu động làm cho bà nội thêm mệt. Vợ tôi do lo buồn, ăn uống không được nên sức khỏe yếu, phải thở oxi bịch. Bịnh viện chuyển qua phòng cấp cứu hồi sức và vào kháng sinh, truyền dịch. Sau khi chuyển sang phòng cấp cứu hồi sức, sức khỏe của vợ tôi giờ có khá hơn, đã tự ăn uống được rồi.

Những ngày ở trại, sức khỏe tôi ổn định. Chỉ lo lắng cho vợ và cháu nội, nhất là khi nghe vợ tôi phải cấp cứu thì nỗi lo lắng dâng lên tột cùng...

Trại cung cấp ngày 3 bữa ăn, nghe trại viên nói “mỗi ngày đóng 80 000 đồng”. Nhưng gần đến ngày sắp ra trại, chúng tôi nộp chứng minh nhân dân (hoặc chụp hình CMND) để ban quản trại làm hồ sơ, mọi người đều được miễn khoản tiền ăn ở. Những nhà hảo tâm gửi bánh mì, nước uống đóng chai, mì gói ăn liền và những bao sả, trái cây thanh long cho trại viên chúng tôi. Muôn vàn cảm tạ lòng tốt của những nhà từ thiện này. Cuối cùng, sau khi test lần 3 ở trại tôi có kết quả âm tính, được cho về nhà.

Tối 29/7/2021 mới có xe chở về. Ra sân lúc 18g30, chờ 1giờ rưỡi, lúc hơn 21g xe mới tới. Xe chở đến trạm y tế Phường rồi bỏ tôi xuống. Vào trạm làm tờ khai cam đoan. Trạm thu giấy ra trại của tôi để làm hồ sơ, hẹn 7 ngày sau để họ photocoppy rồi mới trả lại. Đành chụp hình giấy ra trại.

Liên hệ ông bạn để lấy xe đã gửi, nhưng ông bạn này đem xe tôi gửi ở bịnh viện rồi... Thế là tôi lủi thủi kéo 2 va ly hành lý đi bộ về nhà (may mà không quá xa). Đường rẽ vào nhà tôi, chốt chặn đầu tiên đòi xem giấy ra trại, cho họ xem hình chụp mới lòn dây qua về nhà. Tới chốt chặn thứ hai, gần sát nhà tôi sau khi báo cho họ biết tôi vừa ra trại, họ để cho tôi lòn qua dây giăng đường để về nhà. Trước cổng nhà tôi dây phong tỏa giăng sát cổng. Bùi ngùi mở cổng vào nhà, lúc này đã hơn 22g đêm...

Tôi phải cách ly ở nhà thêm 14 ngày và test thêm 2 lần nữa với kết quả âm tính mới được tự do ra khỏi nhà. Ôi lại chờ đợi !!!

La Thụy

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian