Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Vĩnh biệt mẹ kính yêu- Phan Nhật Bắc

VĨNH BIỆT MẸ KÍNH YÊU

     Khuya ngày hôm qua, lúc 1.30 sáng ngày 8 tháng 3 năm 2021- mẹ vợ tôi, cô Sáu Gò Công đã ra đi vĩnh viễn sau gần 6 tháng bạo bệnh và mổ nằm bệnh viện nhiều lần. Dịch Covyd 19 đã không cho chúng tôi về tiễn đưa người đàn bà chất phác hiền từ quê Gò Công lần cuối. Cuốn sách viết về bà có tên Cô Sáu Gò Công  đang dỡ, vì khi biết tôi khai thác về đề tài này mẹ vợ tôi nói: - Con lấy xà beng cạy răng má cũng không nói tiếp. Má  vợ tôi không muốn khơi  dậy một chuỗi ngày dài đau khổ của kiếp làm dâu trong gia đình với người mẹ chồng cay nghiệt, nhưng người đàn bà có một tinh  thần và nghị lực dù không được đi học vẫn đêm đêm chong đèn tập đánh vần và ráp chữ, đọc được kinh Sư Vãi bán khoai. Cuốn kinh này mẹ vợ tôi đọc lần cuối cùng cho hai vợ chồng tôi nghe qua Skype. Tôi rất ngạc nhiên vì tưởng bà đánh vần ê a từng chữ nhưng không, bà đọc vanh vách không ngập ngừng như một người tốt nghiệp tiểu học.  Với mệnh Kiếm phong Kim, bà bị chị em dâu kiêng dè vì tin theo tử vi là mạng này tiền trảm hậu tấu, ai cũng lép vế. Vì lẽ nầy trong thời gian mẹ vợ tôi bạo bệnh không mấy ai đoái hoài cho đến lúc lâm chung. Ước ao cuối cùng của đời người là được gắn solar cho bớt tiền điện và muốn được tận mắt thấy con tôm hùm với con bào ngư- chúng tôi bằng mọi cách đã làm bà toại nguyện.

Vĩnh biệt mẹ kính yêu- Phan Nhật Bắc

     Hôm qua đón vợ tôi làm ca chiều về đến nhà là tôi lăn ra ngủ. Vợ tôi gọi về nói chuyện với bà, bà hỏi tôi đâu? Lúc đó má chỉ còn phân nửa hơi thở. Tôi trách vợ sao không gọi tôi dậy nhưng vợ tôi nói tôi mất ngủ nên không dám gọi. Biết má vợ tôi không thoát nỗi căn bệnh này, hai vợ chồng tôi tụng kinh Di đà và Kinh phổ hiền mỗi đêm cầu mong cho bà bớt đau đớn với căn bệnh ung thư ác tính. Người mẹ suốt đời chèo chiếc xuồng trên con sông Sài Gòn bán xôi nuôi một đàn con thơ chín đứa và đứa nào cũng thành đạt dù ba vợ tôi cũng rất giỏi; từng làm ông bầu gánh hát đến thầu xây cất nhà cửa... nhưng làm đâu thua đó vì quá tin người và rất tốt với bạn bè- đến nỗi có  thời gian phải ngồi hàng đêm trước máy vắt sổ… cho đến khi đi Úc  theo diện bảo lãnh và về trở lại Việt Nam với tên ông Sáu Việt kiều. Chuỗi ngày thơ ấu của mẹ vợ tôi được sung sướng trong vòng tay cha mẹ nhưng thời cuộc và chiến tranh đã cướp đi tất cả. Cha bị Pháp đem ra đồng bắn vì nghi tiếp tế cho Việt minh.  Mẹ thì chết vì đạn pháo. Năm 17 tuổi mẹ vợ tôi được ông anh cho 15kg gạo và một ít tiền một thân một mình  lên Sài Gòn lập nghiệp. Bà lăn lộn giữa cõi đời nghiệt ngã:  làm phụ hồ, làm công nhà máy diêm quẹt, rồi lấy chồng, sống cơ cực trong gia đình bên chồng vì ai cũng coi thường mẹ vợ tôi nghèo và không bà con. Tiền lương đi làm về phải giao nộp cho mẹ chồng, khi có con mẹ vợ tôi ăn toàn rau muống luộc nên sinh ông anh thứ hai còi cọc yếu đuối. Bà tưởng sinh cho mẹ chồng đứa cháu trai mọi việc sẽ thay đổi vì ba vợ của tôi là con trai độc nhất nhưng không, mọi thứ càng tệ hại hơn. Mẹ vợ tôi phải quyết định bồng con dứt tình ra đi về quê khi muốn ra ở riêng nhưng ông già vợ tôi không đồng ý. Cũng may là mọi việc êm đẹp khi ông già vợ tôi dựng được một túp lều lý tưởng và năn nỉ mẹ vợ tôi bồng thằng cu về

     Cuộc đời mẹ vợ tôi được tôi viết lại, và có lẽ không đến hồi kết vì mẹ vợ tôi đã vĩnh biệt trần gian về một nơi nào đó. Bà đã thọ đến 89 tuổi, chưa toại nguyện mong ước được sống qua 90 và gặp lại chúng tôi sau thời Covyd 19. Mong rằng nếu có kiếp sau bà sẽ được may mắn hơn kiếp hiện tại, nhưng chúng tôi thì vĩnh viễn không bao giờ còn được gặp lại bà cô Gò Công lần nữa…

     - Rồi một ngày nào đó anh về nhìn mẹ yêu và nói với mẹ rằng mẹ có biết không ? Biết rằng con thương mẹ không? (*)

Phan Nhật Bắc
-------------------------------------
(*): Nhạc phẩm: Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian