Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Cách nhận biết ban thờ Tứ phủ công đồng- Đặng Xuân Xuyến

CÁCH NHẬN BIẾT BAN THỜ TỨ PHỦ CÔNG ĐỒNG

Trong dân gian Việt Nam thờ phổ biến nhất là "Tứ phủ công đồng" (chư linh của bốn miền trụ: Trời, Rừng, Nước, Đất), với trung tâm là "Tam Tòa Thánh Mẫu".

Mẫu là quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất nhưng lại hoá thân thành tam vị, tứ vị Thánh Mẫu cai quản các miền khác nhau của vũ trụ: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Tam tòa là bộ tượng các Thánh Mẫu trong các đền thuộc tín ngưỡng Tứ Phủ và thường được đặt ở nơi thâm nghiêm, sâu nhất (hậu cung có cửa ngăn).

Cách nhận biết ban thờ Tứ phủ công đồng

Các Mẫu trở thành một hợp thể thần linh hỗ trợ cho cuộc sống đời thường. Trong điện thần Tứ Phủ, Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh xuất hiện khá muộn (vào thời hậu Lê - khoảng thế kỷ XVI) nhưng nhanh chóng trở thành vị thần chủ của Đạo Mẫu (Đạo Nội) và được tôn vinh cao hơn tất cả các Thánh Mẫu khác.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh vừa là thiên thần (tiên) vừa là nhân thân với đời sống trần gian, với cha mẹ, chồng con, chu du khắp nơi trừ ác, diệt bạo, ban lộc khiến cho người đời vừa sợ, vừa trọng.

Mẫu Liễu Hạnh với tư cách là Mẫu Thượng Thiên luôn được thờ ở vị trí trung tâm, mặc trang phục màu đỏ. Dân gian cho rằng Mẫu Liễu còn có thể hoá thân vào Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền rừng núi. Mẫu Liễu Hạnh còn hoá thân thành Địa Tiên Thánh Mẫu - bà mẹ đất, cai quản mọi đất đai và đời sống của các sinh vật.

Cấu trúc thờ tự của Tứ Phủ rất phong phú, với nhiều ban thờ, nhiều tượng thờ, thể hiện tinh thần hoà đồng tôn giáo.

Cấu trúc thờ tự đơn giản nhất ở phủ bao gồm các ban thờ sau:

1. Hậu cung:

Là nơi thâm nghiêm nhất đặt bàn thờ Mẫu, thường là "Tam tòa Thánh Mẫu" bao gồm:

- Một tượng Mẫu ở vị trí cao nhất, toạ ở vị trí chính giữa, thường mặc áo màu đỏ (có nơi dùng sắc phục màu vàng). Đó là tượng bà Chúa Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

- Ở bên trái thấp hơn tương ứng là Mẫu Đệ Nhị, có sắc phục màu xanh, đó là Mẫu Thoải.

- Phía bên phải thấp hơn tương ứng là Mẫu Đệ Tam, có sắc phục màu xanh, đó là Mẫu Thượng Ngàn.

2. Phía trước hậu cung là một ban thờ lớn:

Gồm 3 lớp thờ tự (tính từ trong ra ngoài).

- Lớp thứ nhất gồm: Vua cha Ngọc Hoàng ở chính giữa, bên trái là Bắc Đẩu, bên phải là Nam Tào.

- Lớp thứ hai gồm: Năm vị quan lớn gọi là Ngũ vị Thái tử.

* Đệ Nhất: Áo đỏ - Quan Thượng Thiên.

* Đệ Nhị: Áo xanh - Quan Giám Sát

* Đệ Tam: Áo trắng - Quan Thuỷ Phủ.

* Đệ Tứ: Áo vàng - Quan Khâm Sai.

* Đệ Ngũ: Áo đen (đôi khi áo màu tím, lam) - Quan Tuần Tranh.

Năm màu áo này tượng trưng cho năm màu của Ngũ hành: Kim (trắng), Mộc (xanh), Thuỷ (đen), Hoả (đỏ), Thổ (vàng).

3. Hai bên tả hữu của ban thờ lớn:

Bên trái là Động Sơn Trang. Bên phải là ban thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Chính giữa lớp thứ hai và thứ ba là hai dãy đồ tự khí ở 2 bên (bát bửu, tàm lọng).

Tiếp theo hai lớp trên, ở giữa là bát hương to, bên trái là thờ ông Hoàng Bảy, bên phải là thờ ông Hoàng Bơ.

Ngoài cùng ban thờ giữa phủ là 1 hương án.

4. Ngoài cùng:

Là những ban thờ Thần Hoàng, Thổ Địa, Thủ Đền tại vị, ban thờ Cô, Cậu...

Cũng có phủ đặt ban thờ ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười bên trái, và ban thờ cô Ba, cô Chín bên phải ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu ở trong hậu cung, nhưng nhìn chung thì đa số các phủ có cấu trúc thờ tự như trên.

(trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT,
Đặng Xuân Xuyến; NXB Văn Hóa Thông Tin 2006)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian