Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Chiều mưa đất khách- Phan Nhật Bắc

CHIỀU MƯA ĐẤT KHÁCH .

     Úc mùa này đầy gió chướng, những cơn gió đôi khi tốc độ lên cả trăm cây số một giờ. Các cây hoa anh đào tôi trồng trước sân nhà oằn mình trong cơn gió, bông rơi rụng bay như xác pháo. Gió vừa chấm dứt rồi mưa đột ngột, từng hạt mưa đá lăn tăn rơi trên mái ngói. Tôi lo lắng không khéo năm nay lại có bão lớn. Trong nhà vợ tôi gói bánh chưng trái mùa để giỗ ba tôi, người cha đã khuất núi năm 1984. Thắm thoát tôi xa quê hương hơn 40 năm…

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy khoé mắt xanh xao .

Chiều mưa đất khách

      Bản nhạc Diễm xưa qua tiếng hát Khánh Ly êm đềm vang lên trùng hợp với cơn mưa báo hiệu mùa đông miệt dưới sắp hết, xuân sẽ về. Căn nhà rộng thênh thang 4 phòng ngủ giờ chỉ còn hai vợ chồng già. Tôi nhói tim khi nhìn lại mình trong gương: tóc đã bạc màu muối tiêu, răng thì hàng tiền đạo sắp gục ngã, hàng hậu vệ đã tiêu hết. Ông nha sĩ Úc già cứ càm ràm sao mày lười đi nạo răng, thật tình mà nói tôi nghe tiếng cà răng ớn lạnh còn hơn mọi đòn tra tấn của kẻ thù. Dường như khe khẽ có tiếng chân, tôi chợt kêu lên một cách vô thức:

     - Boy!

     - Anh kêu ai đó ? Vợ tôi đang gói bánh ngừng tay hỏi.

     - À anh quên mất tưởng con chó Boy còn sống.

     Tôi hay quen miệng kêu khi nhớ nó. Con chó vừa mới sanh 2 ngày ông quý tử của tôi đem đổi cái PlayStation, mang về nó chưa mở mắt bò thụt lùi. Ông con tôi rất thích súc vật, dám hy sinh trò chơi thích nhất của mình đem về. Trời ạ hồi giờ tôi có nuôi chó con đâu? Con chó lông vàng thật dễ thương. Cả hai vợ chồng tôi vừa vui vừa loay hoay với con chó

     - Mình đặt tên cho nó đi anh!

     - Tên Boy nhé (vì nó là con chó đực )

     Vợ tôi ra chỗ bán đồ dùng cho chó mua đủ thứ như bình sữa, khăn v..v .Tôi nhai cơm trộn thịt đút cho nó ăn hàng ngày, nuôi nó dưới chân cầu thang, ủ trong cái nón len mùa đông. Con Boy nhờ cơm pha nước miếng của tôi nó lớn nhanh như thổi. Hai vợ chồng đi đâu cũng mang theo, tội nghiệp nó xa vú mẹ nên thỉnh thoảng ngậm góc cái mền mà núc.

     Những bước chân đầu tiên của con Boy là cái nền nhà, rồi nó nhảy lên được lên cầu thang mừng rỡ, lúc xuống sợ quá la um xùm. Vợ tôi đem chocolate từ chỗ làm về cho nó ăn, may là nó không chết, thật là dại dột sau này mới biết. Mấy hôm sau nhà có thêm một con chó tên Loundy màu đen cũng do ông quý tử tôi mang về. Mùa hè ở Úc trời nắng như lửa đốt đến 40 độ C, không biết con chó này ai đem bỏ ngoài đường ngắc ngoải, thằng con tôi nhặt được vác trên vai đem về. Ông quý tử tôi có tấm lòng rất ư là nhân hậu, ông nuôi đủ từ gà, cá, chó… nhưng cứt đái thì ông trốn biệt không đụng tay vào.

     Thời gian trôi qua… con chó Boy được ngự trị trong nhà, con Loundy thì ở bên ngoài. Con Boy bắt đầu phá, nó cắn hết dây loa của dàn máy Yamaha, chơi luôn dây nhợ của cái computer, đái cả vô máy In…. tất cả lịm chết trong nước đái. Đi làm về mùi nước đái nồng nặc, vợ tôi lau chùi không một chút than phiền. Chúng nó vui mừng đón chúng tôi mỗi lúc đi về, mừng rỡ tựa đầu vào chúng tôi. Còn ông quý tử của tôi lại ít khi gặp, đã đến tuổi dở chứng, đi học xong là bạn bè ngao du đến tối mới về, tôi điên cái đầu nhưng xứ này đâu dám đụng đến, roi vọt coi chừng bị cảnh sát Úc nó còng tay. Khi con tôi có bạn gái ít khi có một bữa ăn gia đình, hai con chó đem lại nguồn an ủi nhiều nhất cho chúng tôi. Có một bữa đi làm về hai con chó biến mất, vì tôi quên khóa cổng sau, con chó Loundy dẫn con Boy đi ta bà ha đến chiều mới về . Tôi trên lầu nhìn xuống, con Loundy ngồi bên kia đường để con chó Boy vào cào cửa nhà sủa lên, nếu có ăn đòn thì con chó Boy lãnh đạn còn ông Loundy chạy mất. Tôi không ngờ chó mà cũng ma cạo hết biết. Con Boy biết lỗi nằm mẹp xuống, tôi để cây roi lên lưng nói: - Mày mà làm rớt cây roi tao đánh chết- tội nghiệp nó nằm im gần nửa tiếng đồng hồ. Còn ông Loundy sau đó bị tôi lôi vào tẩn cho một trận, từ đó về sau không dám đi ra ngoài. Tôi không hiểu vì sao loài chó nó trung thành với chủ cho dù đói, hay bị đánh đập nó không bỏ đi. Con Boy sau bao nhiêu năm sống với gia đình tôi nó biết nghe tiếng Việt, luôn cả tiếng lóng. Khi con Loundy phá tôi bảo con Boy: dớt nó cho ba- thì nó nhào đến đè đầu con Loundy xuống gầm gừ, con kia chịu lép vế vì nhỏ hơn. Mỗi bữa sáng chúng tôi đi làm đồ ăn dành cho hai con đầy đủ. Chiều về là chúng đứng bên cánh cổng mừng rỡ, mở cửa là chúng chạy ra đón, mỗi ngày đều như nhau. Chúng như vậy nên nhiều người Úc già chết để lại gia tài cho chó cả triệu dollars, còn con cháu bên này hiếm khi chúng nó đến thăm, có chăng trừ khi cha mẹ ở Viện dưỡng lão sắp chết và cần ký tên vào di chúc. Sống nơi xứ người, bọn trẻ người Việt sinh ra nơi này chúng giống như tụi Úc rặt, ngẫm nghĩ thật buồn cho số phận khi về già. Chiều chiều hai vợ chồng cứ loay hoay trước sân tỉa cành tưới cây, dưới chân là hai con chó.

      Hai con chó sống vui buồn với hai vợ chồng tôi, chúng tôi ăn gì chúng ăn nấy, từ phở đến bún bò Huế, không chê một thứ gì. Có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Một hôm tôi giặt đồ đến lúc vắt khô thì cái máy lộn nhào, tôi cúi xuống nhìn hỡi ơi vì máy chỉ còn 3 chân, chân kia bị nước đái chó làm mục, sét rỉ ăn mòn hết trơn. Cái tủ lạnh cũng chung số phận mục hết chân, bộ ghế sa lông da nơi phòng khách tan tành, thêm cái ti vi đầy nước đái tắt ngấm không lên hình. Ngày vợ chồng tôi hí hửng đem chiếc xe mới toanh về, vừa vô garage con chó Boy chồm lên cào lên cánh cửa, vết trầy sâu vô lớp sơn vô phương cứu chữa. Tôi lặng người nhìn cánh cửa xe mà lòng đau xót, làm gì nhau với đôi chó cưng của vợ tôi. Một hôm chúng mày mò ở đâu bắt được hai con chuột đem bỏ trước cửa phòng ông quý tử của tôi khoe chiến công, sáng sớm dậy đi học ông quý tử là bài hãi, chúng vô tư còn đứng vẫy đuôi, chờ thưởng cho xúc xích.

     Mỗi lần bạn bè đến nhậu, tôi thường dặn:

     - Làm gì thì làm, đánh chó phải kiêng chủ nhà, nếu muốn tiếp tục nhậu nơi nhà tao tụi mày đừng đụng đến con chó của bả...

     Mấy ông bạn tôi xếp re, nhưng ghét cay ghét đắng lâu lâu cũng hất một cái khi nó đến gần nhưng không qua mắt vợ tôi, bà cảnh cáo ngay:

     - Anh Chín. Anh muốn nhậu cỡ nào cũng được nhưng không được đánh chó của em nghe chưa!

     Ông này rất ghét chó, không thích nuôi chó mà con Boy nó cũng ghét ông ra mặt, khi ông đến nhà nó chẳng thèm ngó.

     Dòng thời gian qua đi, tôi già về hưu thì hai con chó cũng già. Chúng đui hết hai mắt nhưng vẫn còn biết đường đi. Một thời gian sau chó Loudy bỏ ăn một ngày rồi chết, năm sau đến con Boy cũng vậy. Trước khi chết nó quấn quýt chúng tôi không rời, nước mắt đong đầy. Vợ tôi cứ luôn miệng nói tay thì vuốt ve:

     - Con đi đi đừng tiếc nuối. Chết đi đầu thai làm kiếp khác, may mắn lên kiếp người

      Cả một ngày nó cứ muốn đứng lên đôi chân đã yếu, tôi đút sữa nó cố gắng nuốt để mà sống, tôi bất lực trước sinh lão bệnh tử, nước mắt lưng tròng. Đến hai giờ trưa nó chết tôi đem xuống cái hố đã đào sẵn nơi góc vườn chôn cạnh con chó Loundy. Tính ra chúng đã gắn bó với chúng tôi hơn 14 năm. Sau đó vợ chồng chúng tôi không dám nuôi thêm vì không muốn có cuộc chia ly đau buồn. Ngôi nhà trống vắng không thể tả vì ông con quý tử lấy vợ ra riêng. Tôi đã có cháu nội nhưng khó mà gặp, muốn gặp phải hẹn trước, nếu đến mà không hẹn con dâu tôi không cho gặp thằng cháu nội. Tôi bó tay không muốn làm rắc rối đến cuộc sống của con trai.



     Chúng tôi bó gối ngồi nhìn mưa nơi đất khách, những cơn mưa triền miên trên một thành phố vừa dứt cấm túc do dịch virus. Gió thổi miên man, hết mưa nặng hạt đến mưa thì thầm rơi trên mái hiên… càng làm chúng tôi nhớ đến hai con chó. Vợ tôi lên tiếng

     - Không biết hai con chó đầu thai chưa? Em nghe Thầy giảng nói kiếp chó là bước kế tiếp của kiếp con người, biết đâu tụi nó đầu thai làm cháu nội của mình

     Tôi đâm ra bán tín bán nghi. Sau khi con Loundy chết, trong chiêm bao tôi thấy nó về nói là nó đầu thai làm cháu của tôi, sau đít có cái bớt màu xanh. Tôi đi thăm cháu nội tôi, lật tã thằng bé ra coi thì có cái bớt màu xanh đậm nơi mông thật. Thật kỳ lạ. Tôi tần ngần nhủ thầm không lẽ nó đầu thai làm thằng bé cháu nội tôi thật? Cả hai vợ chồng tôi lặng thinh không hé môi, nếu có kiếp trước và kiếp sau giữa vạn vật với nhau thì chuyện chuyển kiếp có thể xảy ra, tại sao không?

     Cơn mưa đã dứt , tôi đi vào nhà lấy hai cái bánh đem ra hai nấm mồ con chó rồi thắp nhang thì con Việt Nam hàng xóm thắc mắc hỏi có phải tôi đang yểm phong thủy? Tôi bật cười gật đầu. Nó không biết việc tôi chôn hai con chó nơi bồn nước mấy năm trước, nếu biết có khi nó đi thưa ra Hội đồng thành phố nơi tôi ở thì phiền hà. May là con nhỏ này rất mê và tin phong thủy nên không nghi ngờ gì. Tôi quay sang nắm tay vợ tôi vào nhà. Tôi nói:

      - Em ơi mưa đất khách làm anh nhớ quê nhà vô tận, mùi đất sau cơn mưa không bao giờ quên được. Nó như gắn liền với anh, nhưng bên này … chắc vì đường được tráng nhựa và trồng cỏ phủ lên nên mùi thơm của đất biến mất, mưa không còn nghe mùi vị dư hương Việt Nam…

Phan Nhật Bắc
(Melbourne, chiều mưa tháng 11 Năm 2020)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian