Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Trâu già gặm cỏ non- Phan Nhật Bắc

TRÂU GIÀ GẶM CỎ NON

Trâu già gặm cỏ non-

Ông Tấn dáo dác nhìn ra hướng cổng phi trường, tay cầm tấm hình con bé vừa mới quen khoảng 6 tháng trên mạng. Tuổi nó cở khoảng cháu gái của ông, hoàn cảnh rất bi đát. Nào mẹ bị bịnh tim, cha thì chết vì tai nạn từ khi nó còn nhỏ… một vở kịch thật hoàn hảo giăng ra chờ ông Tấn già còn yêu nhi đồng. Bao nhiêu năm sống trong gọng kèm kẹp của mụ vợ có bí danh La sát, ông hầu như mất cả tự do. Một lần, ông và mấy thằng bạn nhậu với nhau, đến lúc rượu vào lời ra, ông bèn đố mấy thằng già dịch một câu đố- chính câu đố này biến đổi đời ông: - Tao đố tụi mày con gì ăn ít nói nhiều, mau già mà lại lâu chết? Mấy ông bạn già đang đăm chiêu tìm câu trả lời thì bà vợ từ phía sau dằn tô xíu quách xuống giữa cái bàn cái rầm: - Là con vợ, là con này nè hiểu chưa? Cả bàn nhậu rã đám. Ông gầm lên như con sư tử già rụng hết lông, giáng cho bà vợ một cú tát nảy lửa. Bà ôm mặt ngạc nhiên: - Ối giời đất ơi thế lày là thế lào? (Bà vốn người Bắc di cư nói N thành L ). Ngày xưa bà chỉ nghe phong trào phụ nữ vùng lên do bà luật sư Ngô Bá Thành um tỏi trên báo chứ làm gì có phong trào đàn ông vùng lên. Không ngờ thằng chồng ngờ nghệch của mình mấy chục năm hôm nay dám trở chứng vùng lên đánh mình. Rồi bà rống lên bằng tiếng Anh: hiếp… hiếp … (help… help…), nửa nạc nửa mỡ, vậy mà bà người Greek hàng xóm cũng hiểu ra. Năm phút sau cảnh sát Úc đến, chuyện gì chớ chuyện đánh đàn bà tụi cảnh sát Úc nó nhanh lắm, không như bị cướp tụi nó nhởn nhơ đến nửa tiếng mới đến vì sợ bị ăn đạn. Vừa đến, thấy bà tay cầm đôi guốc dính đầy máu vì vừa đánh ông chồng vừa la làng; tụi nó không cần biết ai phải ai quấy bắt ông chồng quăng vô xe thùng cảnh sát rồi hạ hồi phân giải. Bà bù lu bù loa nhưng nước mắt ráo hoảnh: He hit me, he hit me… (ổng đánh tôi, ổng đánh tôi…), rồi bí quá chen luôn mấy câu tiếng Việt cho khỏi suy nghĩ lôi thôi! Bà cảnh sát Úc gật đầu lia lịa...

Như một thước phim quay chậm, ông Tấn nhớ lại quãng đời từ khi dẫn Phượng, người yêu chạy từ Pleiku xuống Tuy Hoà theo đoàn đi tản trên liên tỉnh lộ 7 năm 1975. Ông là một sĩ quan bàn giấy nên rất sợ khi nghe tiếng bom rít trên đầu, 2 chiếc A37 quần vũ vừa thả bom vừa nã đạn xuống đồng, cảnh đoàn người hoảng loạn chạy xuống con suối cạn núp… Đất trời như vỡ vụn ra từng mảnh. Ông và Phượng mới quen không lâu, cô chịu theo ông đến góc bể chân trời, bỏ cha mẹ ở lại Pleiku, chẳng lẽ đành chịu kẹt nơi này sống chết không biết ra sao? Bom vừa dứt thì Biệt động quân tấn công lên đồi, ông Tấn ngồi dậy lôi Phượng chạy tiếp. Đến cầu sông Ba chờ qua sông thì bạn gái ông đói lả người , ông đành dừng lại: -Em ngồi đây, anh đi tìm gạo sấy hay thứ gì ăn đỡ. Đắn đo một hồi, ông lấy dây thẻ bài lính của mình tròng vào cổ Phượng: - Em giữ cái này, có tên họ và số quân của anh, nếu có gì thì tìm về Nha Trang mình gặp lại. Còn không… biết đâu anh với em đã có con với nhau, hãy giữ lấy sau này cha con còn tìm nhau. Dìu Phượng ngồi xuống bìa rừng, ông đi ngược về phía sau, gặp toán lính từ trong rừng đi ra có người bạn cùng khoá cho ông ba túi gạo sấy. Ông vội vã trở lại cây cầu thì Phượng đã biến mất tăm hơi. Ông hốt hoảng đi tìm nhưng không thấy. Sau đó ông chạy từ Pleiku đến Nha Trang, lên xà lan ra Phú Quốc rồi đi một mạch đến Guam. Ông bặt tin Phượng từ đó.

Nỗi đau đớn thất vọng tràn trề, ông xin đi Úc vì có bà con tại đây. Ông gặp một người chung cảnh ngộ, quen rồi lấy nhau, chính là bà La sát vợ ông. Trong nỗi buồn ly hương nơi đất khách, ông lấy vợ đại nhưng trái tim của ông đã có người ngự trị. Mỗi khi nhớ đến Phượng, nước mắt ông nhạt nhoà. Cuộc đời ông bị trói bởi bàn tay của bà vợ, lúc mới quen nhau bà ngọt ngào chìu ông tới bến, nhưng khi có một thằng cu ra đời thì bà xiết ông như giọng kềm chẳng cựa quậy gì được. Đôi khi bà cũng nhả thắng cho ông nhậu nhẹt bù khú với bạn bè với điều kiện là không nói chuyện gái gú, mà mấy ông bạn của ông ông nào cũng lính chiến ngày xưa, không nói chuyện gái thì mất hứng. Cứ thậm thà thậm thụt, biết chỗ nào có em út mới là thì thầm với nhau; một hôm bà nghe được chửi một trận trước mặt bạn bè: - Tôi lói cho ông biết, banh nổ tai ra mà nghe lày. Con lào bốn vú hai nồn thì ông đi kiếm, còn con lào hai vú một nồn thì tôi đây cũng có tại sao thế hả? Bàn nhậu nhanh chóng tan rã , bạn bè ông biến mất, ông cô đơn vì chẳng ai dám đến nhà . Thời gian sau, trong nước mở cửa cho Việt kiều về thăm, làm ăn. Quê hương là chùm khế ngọt, những ông bạn chống cộng to mồm nhất lần lượt léng phéng kéo về Việt Nam. Ông nhấp nhổm muốn về nhưng mụ vợ càng xiết chặt hầu bao, lương lãnh về giao hết, chỉ chừa vài chục đổ xăng. Chiều chiều ông ra sau vườn ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều thì ít mà hậm hực thì nhiều. Sau vụ cảnh sát đến nhà vì ông đánh vợ, cả hai ly dị và chia tài sản. Thằng con đã có gia đình nên ông chẳng có gì lo lắng, hối tiếc. Ông lên mạng làm quen với một cô gái bên Việt Nam, cô làm ông chếnh choáng men say. Và ông quyết định về Việt Nam…

- Anh Tấn…

Ông thoáng giật mình quay lại. Cô gái ông quen trên mạng xuất hiện bằng xương bằng thịt, tới nắm tay ông. Ông cười toe toét, miệng đã rộng càng rộng hơn. Trước khi về VN gặp người yêu trên mạng, ông đã tân trang lại dung nhan, nhuộm tóc, cấy răng, tập thể dục cho phong độ.Ông Tấn mới 6 bó rưỡi (65 tuổi), nếu chịu khó tẩm bổ sâm nhung, bào ngư nấm đông cô thịt dê kèm theo Viagra ông dư sức tiếp chiêu đối thủ mọi nơi mọi hoàn cảnh.

Lên xe taxi về khách sạn, ông ôm cô bé sát rạt, tên tài xế cứ nhìn kiếng chiếu hậu hoài:

- Lái xe đi bác tài, coi chừng đụng xe. Ông lên tiếng

Vừa vào khách sạn, ông nhào vào phòng tắm tắm gội và nuốt viên thuốc trợ lực, xong nhìn ra nói:

- Em vào tắm luôn đi

Nhìn ông già Việt kiều da thịt nhão nhoẹt Trâm đâm ra mất hứng nhưng lão chi tiền đẹp quá, bỏ uổng. Thôi mọi sự được lúc nào hay lúc đó, chỉ sợ lão thượng mã phong thì khổ. Trâm thoát y đi vào phòng tắm…


- Trời anh tuổi này mà còn mạnh ghê làm em lên đỉnh. Anh có dùng thuốc cường dương không vậy ?

- Đâu có, anh không thích thuốc đó.

- Em sợ mấy ông già dùng thuốc rồi đứt tim trên đồi cỏ thì mệt với công an. À mà khi mình ra đường em kêu anh bằng ông ngoại nhá. Cho đỡ quê đấy mà.

- Em gọi gì cũng được. Ban ngày quan lớn như cha, ban đêm quan lớn lò mò như con.

- Trời ông già văn chương dữ nghe, mà em chẳng hiểu gì ráo.

- Thì mình anh hiểu được rồi.

Ông cảm thấy thật hạnh phúc. Giờ thì con tim đã yêu trở lại. Mẹ, thà chết trên đồi cỏ non còn hơn gặm cỏ già, cỏ già sao nó nhiều gai và đắng quá. Sau bao nhiêu năm bị kèm kẹp, ông Tấn như con chim sổ lồng thoát khỏi ngục tù bay tìm chân trời cao rộng. Đêm ông nằm suy nghĩ: mấy bà Việt Nam lấy chồng Việt thì ăn hiếp thậm tệ, mà lấy chồng ngoại thì nhu mì phục tòng tới bến. Như mấy tên Phi Luật Tân khoái con gái VN, còn nói con gái Việt Nam dại trai. Ông nghe tức tối muốn đấm vào mặt nó một cái vì dám xúc phạm đến phụ nữ VN, nhưng rồi ông nghiệm ra nó nói đúng chẳng sai chút nào. Quanh ông mấy bà VN nuôi tụi chồng Phi Luật Tân cúc cung nó muốn gì được nấy. Ông gục đầu than: Trời, sao thân đàn ông VN thật tội nghiệp, chắc bụt nhà không thiêng…

Rong chơi khắp nơi, số tiền ông Tấn đem về chi nhiều quá cũng sắp cạn. Ông đề nghị về Nha Trang thăm mẹ con bé - con bé giẫy nẩy không chịu. Ông thấy như có điều gì bất ổn, thuyết phục mãi rồi con bé cũng đồng ý đáp máy bay về Nha Trang. Nhà con bé ở xóm Bóng trên con dốc nhỏ được xây bằng tiền của ông- thoáng mát, có đầy đủ máy lạnh. Vào nhà, một người đàn bà nửa chừng xuân đi ra làm ông khựng lại, đôi mắt như của Phượng người ông yêu? Ông lắc đầu rồi định thần nhìn lại, mẹ cô bé tên Trâm cười mời ông vào:

- Mời ông vào.

Nàng ấp úng không biết xưng hô thế nào với ông bạn già của con gái mình. Ông này đáng tuổi cha mình- nàng đâm ra chưa xót cho cuộc đời. Ngồi xuống ghế, ông đưa mắt nhìn quanh căn phòng trang trí gọn gàng không màu mè. Trên đầu tủ có một khung hình người đàn bà, ông dụi mắt hai ba lần rồi đứng dậy:

-Cho tôi thắp cây nhang trên bàn thờ.

Ông choáng người muốn sụm xuống khi nhìn thấy trên bàn thờ hình người đàn bà đúng là Phượng của ông. Thấy ông loạng choạng hai mẹ con cùng chạy lại:

- Ông có sao không ?
- Không.

Ông Tấn lắc đầu ngồi xuống:

- Tôi hơi chóng mặt.

Giọt nước mắt ứa ra, ông nghẹn lời nhìn người đàn bà trước mặt: có phải là con và cháu ngoại của ông không?

Ông từ từ khơi ra với hy vọng người đàn bà không phải là con của ông. Nhưng mọi việc dần dần sáng tỏ, Phượng của ông sau 1975 vẫn còn sống và người đàn bà này là con của ông. Người đàn bà lấy ra tấm thẻ bài mà ông đưa cho Phượng với tên và số quân:

- Nè bác, cái này mẹ con để lại nói là của ba con, hai người lạc nhau lúc di tản. Trên tấm thẻ bài này tên Tân nhưng mẹ cháu nói tên là Tấn.Trước bác có đi lính không?

Trâm chen vào:

- Ông Việt kiều này tên Tấn đó mẹ.

Ông hoảng hồn nói:

- Tên thì trùng nhau, nhưng tôi không có ở Pleiku. Tôi dân vùng miệt dưới Đồng Nai. Ngày xưa cũng đi lính, nhưng ở vùng 4.

Ông Tấn chết điếng trong lòng. Ông đã ngủ với cháu ngoại ông mà ông không biết. Dòng đời và định mệnh sao nghiệt ngã. Ông xin ra ngoài sân nằm trên chiếc ghế bố suy nghĩ miên man, bây giờ có nên thú nhận hay làm thinh? Dằn vặt mãi, ông ngủ quên lúc nào không hay. Trong cơn mê ông thấy Phượng về trách móc ông đủ điều. Có một bàn tay để trên ngực ông, là Trâm, và ông đẩy tay nàng ra. Trâm ngạc nhiên không biết ông già này sao kỳ lạ, lúc nàng không muốn thì ông kéo vào bây giờ lại đẩy ra. Bó tay! Bộ đồ tươi mát nơi xứ biển của con bé không còn làm ông háo hức. Ông đã dày vò tấm thân của cháu ngoại ông hơn một tuần lễ mà không biết. Phải chi bà vợ của ông không dằn tô xíu quách xuống bàn nhậu, ông không đánh bà ta, không ly dị thì đâu đến nỗi phạm vào tội lỗi nhơ nhớp này. Ông vò đầu, dù thế nào đi nữa cũng phải nán lại để xem cuộc sống con cháu mình ra sao…


Bình minh vừa ló dạng, ông vội vã ra phi trường. Ông đi như chạy. Con Trâm không biết sao ông già Việt kiều này tự dưng dở chứng đòi vô Sài Gòn sớm sau khi vét hết tiền trong túi dúi vào tay mình. Khoé mắt ông đong đầy nước mắt. Trâm nghĩ là ông buồn khi xa nàng. Còn về phần ông Tấn, sau hai ngày nán lại, ông biết Phượng không lấy chồng, vẫn chung thủy với ông. Và nàng đã mất từ lâu vì một cơn bạo bệnh. Lòng ông đau đớn vô cùng. Ông đi một mình không cho Trâm theo.

*  *
*
Tôi đến thăm ông bạn già, tại một nơi cách xa thành phố Melbourne khoảng 100 cây số, nghe ông kể lại câu chuyện đau lòng. Sau khi từ VN về, ông gom hết tiền hưu một nửa gởi về VN giúp con gái và cháu ngoại; số còn lại ông cúng hết vào ngôi chùa Tây tạng ở Bendigo rồi xin xuất gia tu hành. Ông giờ trở thành nhà sư pháp hiệu Nhật Quang, ở một mình phía sau hậu liêu của ngôi chùa... Đời ông không cũng hoàn không, nếu còn chăng là nỗi dằn vặt của lương tâm vì ông đã về VN gặm cỏ non lại đúng ngay cháu ngoại của mình. Nỗi ân hận này chỉ riêng mình ông biết. Rồi ông vào chánh điện thắp hương và đánh ba tiếng chuông, nhìn lên khuôn mặt từ bi của Đấng Thế tôn lòng ông dịu lại. Bên ngoài cảnh đồng xa tít một đàn bò đang gặm cỏ và mùa xuân cũng sắp về…

Phan Nhật Bắc (cuối đông 2020 )

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian