Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Lời muộn cho ngày 30.04.2020- Nhiều tác giả

LỜI MUỘN CHO NGÀY 30.04.2020

       (BBT có nhận được bài của tác giả Sông Cửu và Đặng Xuân Xuyến vào lúc đã hết ngày 30.04.2020. Bỏ qua một chút yếu tố nhạy cảm và độ trễ thời sự, các bài viết đều rất trăn trở điều mà những con người Việt Nam vẫn đau đáu lâu nay: đó là thân phận con người sau chiến tranh; khát vọng về hòa giải, hòa hợp dân tộc...

Lời muộn cho ngày 30.04.


BẢN THÔNG ĐIỆP TÌNH NGƯỜI
                        (Nhân 30/4.
Kỷ niệm kết thức cuộc chiến Nam Bắc Việt Nam.)

Vợ chồng người Việt Nam
Vào tham quan nghĩa trang Arlington
Nơi cải táng những liệt sĩ Mỹ Miền Nam thua trận
Trong thời chiến tranh Nam Bắc
Cách nay hơn một trăm bốn mươi năm.

Mấy trăm bia mộ sơn màu xanh
Xếp quanh tượng đài vòng cung
Nhìn xa như tòa nhà Quốc Hội
Trên đỉnh
Nổi bậc hình một thiếu phụ quàng khăn sô
Tượng trưng cho các bà mẹ Mỹ Miền nam
Có con hy sinh trong phe lâm chiến
Chấp nhận
Thua cuộc.
Đầu hàng.
Dưới vách bệ tượng đài
Khắc nổi mấy vần thơ chữ Mỹ. Đại ý

“Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ
Ở đây chẳng có binh đòan hay cấp bậc
Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu
Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ
Những người nằm đây hiễu rõ
Họ phải trải qua gian khổ hy sinh
Liều mình và sau cùng là đã chết . . .”

Xem chưa hết bài thơ
Người đàn bà Việt Nam bật khóc!
Người chồng rút khăn giấy chặm nước mắt vợ
Nhỏ giọng an ủi:

“Bình tĩnh chứ em . . .”
Người vợ bất hạnh nói một mình như rên rỉ
“Phải chi bên thắng có chút tình người
Nghĩa trang bên thua đâu bị đào bới di dời
Mồ mả con trai mình đâu đến nỗi rã rời nát tan !”
Người chồng cắn môi, lắc đầu
Dằn một cơn đau vừa nhói lên trước ngục, bảo vợ

“Phải chi ...chuyện tình người ư ?
Ảo tưởng làm gì để chuốc lấy thất vọng hở em!

Bất giác ông đưa tay vịn lấy tượng đài
Mắt nhìn ra rừng mộ ngòai xa, rồi cất giọng như một diễn giả
Lời ông chẳng những làm người vợ nín khóc
Mà cả khách viếng nghĩa trang cũng im lặng đứng nhìn.

“ Em xem kìa !
Đây mới là bản thông điệp hòa hợp lịch sử của nước Mỹ
Họ viết rất kỷ, lâu dài , công phu và viết bằng mực tình người…
Viết từ tiếng kèn đón tiếp viên tướng tư lệnh Miền Nam
Phi ngựa đến doanh trại quân thắng trận Miền Bắc ký văn bản đầu hàng.
Bằng thâm tình của hai viên tư lệnh Bắc Nam ôm nhau
Bằng binh sĩ thua trận không một ngày cải tạo
Bằng hằng ngàn nghĩa trang phía đầu hàng khắp nơi luôn được chỉnh trang . . .
Bằng tòan dân Mỹ đều hiểu rằng
“Một người Mỹ bị nhục.
Dù Mỹ miền Bắc hay Mỹ miền Nam, thì cũng là người Mỹ bị sỉ nhục . . .”

Ông cao hứng dịch luôn những tâm ý từ tim óc của mình ra tiếng Mỹ
Nhiều khách viếng nghĩa trang vỗ tay tán thưởng đồng tình . . .
Người chồng nắm tay vợ, ôm bó hoa hồng đứng lên
Nghiêng mình cám ơn . . .rồi đi chậm rãi đến từng ngôi mộ
Họ đặt lên mỗi vách bia một cành hoa . . .
Nắng đã lên cao. Gió thu từ đồi núi thổi về.
Bầu trời mùa mùa Thu bỗng dưng ấm và mát.

Vợ chồng người Việt Nam đi sát vào nhau
Ông lại cất tiếng ngâm một đọan thơ thuộc lòng mà ông cho là bất hủ
(Của thi sĩ Thanh Nam dành cho tử sĩ Nghĩa Trang Biên Hòa trước đây)
Tiếng ông ngâm rất khẽ.
Có lẽ chỉ dành riêng cho mình vợ ông
Một người mẹ Miền Nam Việt Nam mất con nghe . . .
Mà cũng có thể cho hồn thiêng con trai ông nghe nữa!

“Ta như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa”

Bây giờ thì đến lượt người chồng
Âm thầm nuốt dòng lệ đắng . . .vào lòng!
. . .
                    Sông Cửu
 (Thi Ký chuyến vòng quanh Mỹ &
Vancouver- Canada, October 14. 2015)



HOA TÓC
     (Theo ý  thư em Lê Nhựt gửi tặng ba, nhân ngày 30/4)

Tóc ba đơm hoa vầng trán
Chứng tích một thời dọc ngang
Nhượm trắng chặng đường ly loạn
Nay ngồi nhặt lá thời gian !

Đêm đêm ba ngồi tư lự
Dư âm tình tự bũa giăng
Nhớ từng con đường mòn cũ
Hoa tóc phủ mờ giọt trăng

Nhớ lần ba về cố hương
Ruộng vườn chìm trong nước lũ
Mái ấm vườn xưa thay chủ
Gió ru lá ủ bụi đường

Thương ba bao năm xa xứ
Giờ tóc nhượm xám hoàng hôn
Một đời mõi mòn - sinh tử
Níu chút mầm sống cho con!

Từng ngày lòng ba mơ ước
Thăng trầm vận nước nhục - vinh
Biển trời Hoàng Sa đã mất
Con ơi! Suốt đời đừng quên...

           Sông Cửu



THÁNG TƯ MÀU NHỚ
                                     (Thơ Phạm Đức Mạnh,
                                      Lời bình: Đặng Xuân Xuyến)

Tháng Tư
đất trời rợp sắc đỏ
cờ
hoa
tiếng khóc vỡ òa màu nhớ
người qua cõi chết trở về
nổ bung nụ cười chiến thắng
non sông một dải nối liền

Tháng Tư
những người lính kiệt sức vì đạn bom
thoi thóp sống
lết tìm nhau
nhặt mảnh vụn xuân thì đang trôi mất
hàn rỉ sét chiến tranh
bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội

Tháng Tư
ký ức dâng tràn
mẹ thắt ruột chờ con
nỗi đau tê dại
hình viên đạn chẻ đôi găm xé vào tim mẹ
đứa bên này
đứa bên kia
hết đối đầu chĩa súng vào nhau
sao lặng lẽ không về

Trắng hồn khăn tang
kiếp phong trần bày lên niết bàn lạnh lẽo
mẹ thắp nén hương đắng đời sinh nở
dằn cơn vật vã cô đơn
húp cháo
chờ được phong danh hiệu

Tháng Tư
những ngôi biệt thự nguy nga
phơi quyền lực
giàu sang trước phố
ẩn náu gam xấu hổ
người qua vội bước chân xa

Tháng Tư
mùa tha thứ cho nhau
nhìn từ nhiều phía
hạnh phúc
khổ đau
ai muốn quên
ai hoài nhớ

Người lính
bị nhuốm chất độc da cam
ngâm đời trong bể khổ
làm sao gieo hạt tương lai

Ngày
sống ngồi niệm được thua
nuôi ký ức

Đêm
tập chết mơ chốn vô thường
chuông hồn
ru giấc thời gian cũng ám ảnh
giật mình…

           27.04.2020
       Phạm Đức Mạnh

LỜI BÌNH:

     Sáng 30 tháng 04.2020, đọc bài thơ TÔI của Phạm Đức Mạnh, nhà phê bình Nguyễn Xuân Dương đã chia sẻ trên dòng thời gian của ông, tôi còm: “Cái giá của "chiến thắng" sao mà đắt thế? đau thế?”. Tối nay, đọc nhà thơ Phạm Đức Mạnh trả lời: “Còn hơn thế Đặng Xuân Xuyến ạ. Có người may mắn vượt qua, đổi đời. Có người không may mãi chìm ngập trong nỗi đau, cơ cực không thoát ra được.”. Tôi tự hỏi: - Chả lẽ cái giá của chiến thắng sao mà đắt thế? Hiển nhiên kẻ gây nên chiến tranh là tội ác? Và hậu quả để lại sau cuộc chiến cũng dai dẳng kéo dài thật phũ phàng. Nhiều người lính trở về bị thương tật, mất sức, vất vả kế mưu sinh. Có người bị nhấn chìm trong nỗi đau bị ngấm chất độc màu da cam phải gánh những hậu quả không lường trước. Tôi tin chắc ông cũng đang đau lắm, và nhiều người cũng nghĩ như ông rất căm ghét chiến tranh phi nghĩa, làm cho cả dân tộc ta chìm trong đau thương mất mát. Và hiện tại, sau 45 năm đất nước sống trong hòa bình thống nhất, chứng kiến xã hội “với những mảng tối” có những bất công, ngang trái; những mảnh đời vất vả mưu sinh, trong đó có những người lính,…đang hiển hiện trước mắt, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong xã hội; những tiêu cực đang làm xói mòn niềm tin; những luân thường đạo lý đang dần làm phai mờ cội rễ; thậm chí có những quan chức còn bị “tiền, quyền” làm mất đi những giá trị cốt lõi, và chỉ biết sống cho riêng mình…(01)

     Chiều, đọc bài “Tháng Tư màu nhớ” của ông, tôi đã còm: “Những câu thơ như cứa vào tim người đọc!”. Và rất nhanh ông trả lời: “Để ta luôn nhắc mình đừng quên quá khứ, đừng bao giờ mất cảnh giác, thỏa hiệp,...Đặng Xuân Xuyến"

     Đến giờ, tôi vẫn bị ám ảnh những hình ảnh người lính trở về sau cuộc chiến vẫn chịu nhiều thiệt thòi, vẫn hàng ngày, hàng giờ chữa những vết thương không thể lành do chiến tranh để lại - Đó là những đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam,…như ông đã khắc họa trong “Tháng Tư màu nhớ”. Nỗi đau âm ỉ sau chiến tranh - đó là những lát cắt của cuộc sống đang diễn ra và chưa biết đến lúc nào sẽ kết thúc:(02)
Tháng Tư
những người lính kiệt sức vì đạn bom
thoi thóp sống
lết tìm nhau
nhặt mảnh vụn xuân thì đang trôi mất
hàn rỉ sét chiến tranh
bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội
câu: “bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội” đau và đắt quá. Tôi ngẩn người với suy nghĩ có phần ngờ nghệch: Sao người ta cứ rầm rộ tổ chức những lễ kỷ niệm “ngày chiến thắng”, “ngày giải phóng” làm gì nhỉ? Giá người ta hiểu được nỗi đau bị bỏ rơi, bị phụ bạc của những người lính sau cuộc chiến: “bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội”, để giảm bớt những ngợi ca chiến thắng, những chúc tụng làm tứa máu hàng triệu con tim người Việt không chỉ một thời ở phía bên kia chiến tuyến thì hay biết bao.

    Vâng. Những người lính “thoi thóp sống / lết tìm nhau” không chỉ để “nhặt mảnh vụn xuân thì đang trôi mất / hàn rỉ sét chiến tranh” mà còn “bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội” để an ủi phần hồn của những người đã nằm xuống. Tuy không hẳn tất cả đều vậy nhưng những hình ảnh như thế lại khá phổ biển thì đau và đáng hận lắm chứ?!

     Khi đọc những câu thơ: “mẹ thắt ruột chờ con / nỗi đau tê dại / hình viên đạn chẻ đôi găm xé vào tim mẹ / đứa bên này / đứa bên kia / hết đối đầu chĩa súng vào nhau / sao lặng lẽ không về”, tôi lặng người nhớ tới những câu thơ tài hoa của nhà thơ Chử Văn Long: “Mùa xuân về trên mộ hai người lính / Một phía bên kia, một phía bên này / Những ngọn cỏ gà bò lan chầm chậm / Như những bàn tay tìm gặp bàn tay.” (Xuân về trên mộ hai người lính - Chử Văn Long). Tôi giật mình với suy nghĩ: Chiến tranh, mãi mãi chỉ những người dân, người lính mới thấm thía tội ác của chiến tranh bởi chỉ họ mới là những người phải trả giá, phải chịu mất mát, hy sinh vì thế dù “thắng” hay “thua” thì họ vẫn là những người bị mất mát, đau khổ nên thơ của những người dân, người lính mới đau với nỗi đau của tình người, của nhân tình thế thái. Vâng. Cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” đã kết thúc 45 năm nhưng hệ lụy của cuộc chiến “nhồi da xáo thịt” có lẽ còn nhức nhối rất lâu.

Đặng Xuân Xuyến
-------------------------
CHÚ THÍCH BỔ SUNG: Lời tác giả Đặng Xuân Xuyến:

Sáng nay, 01 tháng 05 năm 2020, nhà văn, nhà báo Phạm Đức Mạnh trao đổi qua điện thoại với chúng tôi về 2 đoạn trong bài viết “ĐỌC “THÁNG TƯ MÀU NHỚ” CỦA PHẠM ĐỨC MẠNH” của tác giả Đặng Xuân Xuyến:

(01): - Chả có lẽ cái giá của chiến thắng là nhục? Là tội ác? Thế thì phũ quá, mà nói thế cũng chả hẳn đúng, chả nên. Tôi không trả lời ông vì tin ông đang đau lắm, đang hận cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” nhiều lắm. Nói đúng hơn, ông đang hận xã hội này với đầy rẫy những bất công, ngang trái, những mảnh đời sống không bằng chết đang hiển hiển trước mắt, đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong cái xã hội đang dần mất đi những luân thường đạo lý, đang bị “tiền” - “quyền” và “côn đồ” khuynh đảo.

(02): Đến giờ, tôi vẫn bị ám ảnh những hình ảnh người lính sau cuộc chiến bị chế độ phụ bạc, bỏ rơi như ông đã khắc họa trong “Tháng Tư màu nhớ”: Phũ, mà đau, nhưng oái oăm lại đúng, chả ai phản bác được vì đó là những lát cắt của cuộc sống đang diễn ra và chưa biết đến lúc nào sẽ kết thúc:

cảm nhận bài thơ chưa thật đúng với ý của tác giả Phạm Đức Mạnh.

Đành rằng một bài thơ có nhiều góc nhìn, nhiều cách tiếp cận, cảm nhận, không nhất thiết phải như ý của tác giả thơ và cảm nhận của chúng tôi dựa trên câu chữ, hình ảnh của bài thơ nhưng để đồng thuận với tác giả thơ, chúng tôi thay 2 đoạn văn trên như trao đổi của nhà văn, nhà báo Pham Đức Mạnh.

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian