Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Một thời binh lửa (kỳ 7)- Phan Nhật Bắc

MỘT THỜI BINH LỬA
(Hồi ức của Phan Nhật Bắc)
(xem lại kỳ 1, 2, 3, 4, 5, 6)      
KỲ 7 (hết)

     Mặt trận Ban Mê Thuột bùng nổ. Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Bắc quân tấn công với một số quân áp đảo, tỉnh lỵ nầy chỉ có một trung đoàn 53 của sư đoàn 23 bộ binh Nam Việt trấn đóng và một vài tiểu đoàn Địa phương quân lính Thượng, sự chênh lệch không thể chống đỡ. Bệnh viện chúng tôi tất cả hoang mang và âu lo, không biết sau Ban Mê Thuột rồi đến tỉnh nào. Mỗi người cứ ôm cái radio nghe tin tức hết đài Voa đến BBC. Liên đoàn 21 BĐQ do trung tá NQD chỉ huy được lệnh giải vây Ban Mê Thuôt nhưng bị điều động sang hướng phi trường để cứu gia đình ông tướng Tư lệnh sư đoàn 23. Ngày 12 tháng 3 cuộc đổ quân hai trung đoàn 44 và 45 của sư đoàn 23 về cứu BMT thất bại vì rơi vào phục kích, binh sỹ rã ngũ tháo chạy. Mọi cố gắng của Nam quân gần như tuyệt vọng. Như vậy Kon Tum không sớm thì muộn cũng như số phận Ban Mê Thuột. Bệnh viện khủng hoảng còn hơn mùa hè đỏ lửa năm 1972. Quân dụng xăng nhớt cạn kiệt, bông băng thuốc men thiếu thốn. Thời kỳ quân viện thừa mứa không còn nữa, kho dự trữ trống trơn, chúng tôi không biết làm gì hơn ngoài việc phải tiết kiệm tối đa thuốc và bông băng. Kim chích phải dùng lại nhiều lần, mỗi lần chích bị dội ra, thương binh đau đớn. Những thuốc quá date không hủy bỏ mà dùng lại, may sao vẫn tốt, không bị xảy ra chết người.


Ngã 6 Buôn Mê Thuột ngày 10.03.1975

     Cuộc rút lui cao nguyên ngày 14 tháng 3 được tiến hành bằng lệnh bỏ KonTum, PleiKu, Quảng Đức cùng toàn dân cho phía bên kia do ông Tổng tư lệnh Thiệu ban hành trong im lặng, cấp tiểu khu trưởng cũng không được thông báo- nhưng tất cả đều biết trò chơi nầy sau 24 tiếng. Cả quân dân náo loạn như con kiến chạy trên miệng chén. Đơn vị tôi tập hợp lại, yêu cầu thương binh tự túc về đơn vị sau khi nhận phiếu xuất viện và tất cả nhân viên bệnh viện tự quyết định số phận của chính mình- hoặc ở lại tiếp tục công việc với phía bên kia, hoặc là rút đi theo đơn vị về PleiKu. Mọi người nhốn nháo trong tuyệt vọng. Tôi như bị một cú đánh choáng váng váng vào thái dương không biết quyết định thế nào. Lảo đảo chạy về khu nội thương thì ông bác sỹ H biến mất, chỉ còn thương binh ủ rũ chờ lấy giấy xuất viện.

     Tôi thay mặt bác sỹ trưởng trại ký 30 giấy xuất viện đánh máy họ tên xong phát cho thương binh hối họ rời trại. Tất cả đều khóc, tiếng khóc nỉ non ai oán giữa trưa nắng cháy. Vài thương binh không đi.

     - Sao các anh không đi?
     - Bác sỹ ơi gia đình em ở Quy Nhơn, em biết về đâu khi mang cái bệnh như vầy

     Nhìn cái bụng của ông tôi thở dài. Trời ơi! Thân phận chính tôi không biết sẽ ra sao ?

     Bên ngoài tiếng xe hối hả. Tiếng còi giục gấp, khói bốc mù mịt. Anh y tá nói với tôi:

     - Tôi ở lại, tình thế nầy thì miền nam cũng không còn trụ vững, chạy đâu cho thoát. Anh ở lại với chúng tôi, đừng đi, nguy hiểm quá.

     Tôi phân vân chưa biết thế nào thì Tỉnh- người Phan Thiết tài xế xe cấp cứu nhào vào:

     - Thiếu uý đi không lẹ lên, tôi chuẩn bị sẵn hết dầu nhớt, thức ăn đủ về Qui Nhơn. Mấy ông lớn chạy hết rồi.

     Tôi quay lại ôm những y tá và bệnh nhân lần cuối đứng nghiêm chào họ:

     - Chúc các anh may mắn.

     Tiếng xe rú lên nhập vào đoàn đi tản. Hướng về cổng bệnh viện tôi chợt thấy một đoàn người Thượng đi về hướng mặt trời lặn. Ông già làng thấy tôi la lớn:

     - Thằng quốc gia thua rồi bỏ chạy, tụi tao về với thằng cán bộ thôi.

     Như một đàn ong vỡ tổ, bằng đủ mọi loại phương tiện, dân quân KonTum không người chỉ huy mạnh ai nấy chạy thành dòng thác cuồn cuộn trên quốc lộ 14. Đơn vị tôi đi tản trên 5 chiếc xe GMC và 3 xe Jeep, toàn bộ gia đình quân nhân nhồi nhét lên chật cứng. Xe qua cầu, trông về cuối con sông, một nhóm người Thượng vẫn bình thản tắm gội không buồn nhìn đám người Kinh hốt hoảng trốn chạy.

     Con đường quốc lộ 14 không bị địch đóng chốt, có lẽ họ cũng không ngờ là chúng tôi tự bỏ chạy. PleiKu cách khoảng 45 cây số nhưng hơn 10 cây số là người và xe chật ních. Đám con nít dường như biết có một chuyện gì to lớn xảy ra nên im lặng không một tiếng khóc. Đoàn người về đến đồi Đức mẹ PleiKu là trời sắp hoàng hôn, ngõ vào Biển Hồ hoang vắng, phi trường Cù hanh và quân đoàn khói bốc lên ngùn ngụt. Tách đoàn người chúng tôi chạy vào liên đoàn 72 Quân y viện Pleiku. Liên đoàn trống trơn không có một bóng người, thật ra họ đã chạy trước chúng tôi 5 tiếng đồng hồ, không biết họ đi đâu. Những đám cháy nhỏ khắp mọi nơi Pleiku trong cơn hấp hối, cả một thành phố chỉ còn một vài người dân già nua ngồi trước mái hiên nhìn đoàn người Kon Tum như nhìn đám khách lạ không mời mà đến:

     - Bác ơi, cho con hỏi họ chạy hướng nào ?
     - Liên tỉnh lộ 7 hướng về Cheo Reo. Người già trả lời

     - Sao bác không chạy ?
    - Già rồi chạy đâu nữa co? Tụi Mỹ nó đã bỏ, rồi thì cũng mất thôi.

     Tôi lắc đầu ngao ngán, đúng là chưa đánh mà chạy hết rồi. Vào kho xăng kiếm thêm ít nhiên liệu, bơm được hơn 200 lít dầu treo tòn ten bên hông chiếc xe GMC chúng tôi quay đầu trở lại thì đoàn người Kon Tum đã mất dạng ! Không ai chờ ai, mạnh ai tự lo lấy thân. Xe của tụi tôi là đoàn cuối cùng còn ở thành phố nầy.

     Chúng tôi không dám đi vào quốc lộ 19 đã bị chia cắt, cứ theo lính còn sót lại chạy lẻ loi trên con đường về liên tỉnh lộ 7 rồi cũng bắt kịp họ. Con đường lở lói đầy ổ gà bị bỏ hoang lâu ngày hôm nay chịu một sức nặng quá tải. Thị trấn Cheo Reo (Phú Bổn) nhỏ bé gồng mình hứng chịu đoàn người di tản từ KonTum và PleiKu như muốn nổ bung ra. Muốn lấn về phía trước để đi cũng không được.

     Bấy giờ là đêm 16 tháng 3 năm 1975. Tôi nằm bên dưới bánh xe nhìn lên bầu trời trong vắt không một gợn mây. - Uống cafe đi ông. Tiếng người tài xế - gần sáng rồi mà không nghe tiếng gà gáy. - Chắc đám gà bị thịt hết rồi còn đâu mà gáy. Nhấp vội chút cafe của Tỉnh đưa sao nó không có chút mùi vị gì hết, sợ làm ông bạn buồn tôi ráng nhắm nháp cho tỉnh ngủ.


     5 giờ sáng tất cả động cơ xe đồng loạt nổ máy, tiếng ầm ì của chiến xa… đủ mọi âm thanh dồn dập trong buổi sáng tinh mơ. Qua Phú Bổn con đường trước mắt là Phú Túc, rừng cây bị thuốc khai quang của Mỹ thả rụng hết lá, cho dù vẫn còn mùa Xuân nhưng không còn sức để đâm chồi nảy lộc. Tỉnh lui về bên phải cạnh bìa đường tránh để mấy ông thiết giáp đi trước. Đường về Tuy Hoà còn cả trăm cây số nữa; nhiên liệu, thức ăn đủ dùng cho chúng tôi nếu không có gì xảy ra. Rồi đêm xuống. Đêm thở dài, không một tiếng chim hay thú vật nào hiện diện trong núi rừng câm lặng. Địch cũng không có, sự im lặng kinh người. Không biết có chuyện gì đang chờ phía con đường trước mặt. Đêm 17.03 qua đi trong bình yên.

     Cuộc bỏ chạy sang ngày 18.03 đã được gần nửa đoạn đường, cam go chỉ mới bắt đầu. Có những tiếng súng nổ lẻ tẻ chắc của phe ta vì không phải tiếng súng AK. Con đường liên tỉnh lộ bỗng biến mất, chung quanh là đồng cỏ bao la. Các xe đi trước sụp hố, đám lính dùng súng uy hiếp xe khác móc dây kéo. Tiếng trẻ con bắt đầu khóc, tiếng lạy lục van xin, tiếng niệm Phật, tiếng kinh cầu Chúa vang lên một âm thanh hổn độn. Mấy ông Biệt động quân đến hồi nổi loạn rồi. Tỉnh ơi bình tĩnh nghe ông, đừng vội, có gì chúng ta quay lại Phú bổn, dương cờ Hồng thập tự lên để họ tha cho tụi mình.

     Lá cờ Hồng thập tự như lá bùa hộ mạng cho đoàn xe bệnh viện chúng tôi. Bạo lực bắt đầu, các ông lính hung thần rừng núi bắn một ông Thượng sỹ quân cảnh đều hành lưu lượng xe cho trật tự, nhưng cũng còn chút lưu tình không đụng chạm gì đến cánh quân y. Quân cảnh biến mất, họ trở thành “Biệt động quân” áo trên thì rằn ri dưới thì xanh lè.

     Một toán mặc đồ địch xuất hiện phía bìa rừng mang AK đi dép râu, tôi thót tim, nhưng họ không có hành động nào. Toán BĐQ biên phòng dường như biết họ nên không phản ứng, có lẽ họ là biệt kích trấn giữ vùng nầy.

      Đoàn xe lại khởi hành thật sớm, đèn chói sáng cả một góc trời. Nghe tin 2 tiểu đoàn Địa phương quân người Thượng làm loạn giết chỉ huy người Kinh chiếm Phú Bổn truy kích phía sau, lại thêm mấy ông lao công đào binh của binh chủng biệt động cướp giật hãm hiếp giữa ban ngày không kiêng dè một ai.


     Trời sáng dần. Phía trước có con suối cạn trơ sỏi đá, bên nầy dốc thấp nhưng phía bên kia bờ con dốc thẳng đứng. Đoàn xe ùn lại. Những chiếc xe be, xe quân sự đen thui như những con bọ hung nhào vào con đường hẹp, cán lên tất cả mọi vật, cây cối ngã rạp kể cả con người. Một cái chảo khổng lồ, trong đó một đàn kiến người đủ mọi thành phần vật lộn để tranh nhau đi. Đoàn của tôi đồng ý tách ra làm 2 nhóm để yểm trợ nhau lúc cần thiết, tôi thay người tài xế lái xe lên vào con đường hẹp lên dốc. Chiếc xe bốc khói mù mịt nơi đầu máy

     - Lùi lại, lùi lại, xe hết nước kết nước bị chảy rồi . Tỉnh la lên

     Lùi phía sau không được vì chiếc xe kế không chịu nhường, hắn ủi mạnh vào xe đẩy xe tôi lên con dốc. Đàn bà con nít khóc vang trời, chiếc xe bạt ngang nằm chỏng gọng trên con dốc nhưng may chưa lật, tôi hết sức lái tạt vào góc rừng, mồ hôi nhễ nhại, ngồi thở dốc. Phía sau đám bà bà con nít và nhân viên hú hồn chưa chết. Chiếc xe khật khù rồi im bặt, kim đồng hồ nước lên hết mức.

     - Kết nước lủng rồi chắc bỏ xe quá. Tài xế nói

     Tôi im lặng không một lời. Giữa rừng với một đám đàn bà con nít, làm sao đi bộ nốt đoạn đường còn lại ?

     Nhảy xuống xe tôi và Tỉnh mở nắp máy, hơi nóng mịt mù không thấy gì, chờ máy bớt nóng, coi lại thì may mắn nắp kết nước đóng không chặt nên nước thoát ra trong ba ngày trời mà không biết. Điều quan trọng là tìm nước, nước mang theo để uống không dám dùng bừa bãi. Tôi lấy chiếc thùng nhựa đi men về cuối con suối cạn ráng moi lớp đất sỏi múc được khoảng 3 lít nước đem về, đổ vào thì được hơn phân nữa kết nước. Tạm đủ ráng đến Tuy Hoà rồi tính.

     Trời bắt đầu về chiều, mặt trời nhạt nắng khuất sau cánh rừng trơ trụi lá, đám con nít đủ mọi lứa tuổi nhào xuống khoảng đất đầy cỏ tranh đi vệ sinh, đứa nào đứa nấy bơ phờ trông thật tội. Lửa nhóm lên, từng đụn khói bốc cao, bữa ăn vội vã nuốt vào nghẹn ngay cổ họng. Lính công binh chiến đấu đang ủi một con đường qua khúc rừng thưa, qua khúc nầy thì tới Củng Sơn- một quận lỵ của Phú Yên, rồi đến sông Ba. Tôi ngước lên bầu trời xanh thẳm cầu nguyện trời Phật cho đoàn người đi bình yên. Tám giờ tối đoàn xe bắt đầu chuyển mình đi để kịp thời gian. Chiếc xe của bọn tôi ho hen lẹt khẹt mới chịu nổ máy. Kiếm soát lại lần cuối nhân viên không thiếu ai, chiếc xe lò mò chạy nuối đuôi năm cây số nữa tới quận Cũng Sơn, chặng đường vượt thoát sắp đến đích Tuy Hoà

     Cánh rừng chồi trước mặt, có tiếng rì rầm của chiến xa vang lại. Không lẽ xe tăng địch? Chúng tôi lạnh người. Rộ tiếng súng nổ vang khoảng chục cây số phía trước, hỏa châu sáng cả góc trời. Rồi hai chiếc phi cơ bay đến, tiếng đại liên khạc như bò rống, đạn lửa tỏa ra từng tràn nhảy múa trên không trung như những vũ điệu của thần chết treo trên đầu, những đóm lửa hãi hùng tôi chưa bao giờ chứng kiến.

     Tôi thiếp đi một giấc ngủ dài ngay sau dứt tiếng máy bay, bầu trời vẫn vang tiếng ầm ì như tiếng chiến xa, nhưng chỉ là xe ủi đất của công binh. Họ làm suốt đêm, kéo những chiếc xe bị nằm cản đường lấy lối đi. Trời gần sáng, ánh sáng mang lại nhiều hy vọng vì kẹt lại ban đêm giữa rừng dễ bị tập kích trong khi không có ai lên kế hoạch phòng thủ cả. Đám chạy loạn mạnh ai nấy lo hồn ai nấy giữ, ranh giới sống chết như sợi tóc. Tiểu khu Phú Yên mở đường lên để bắt tay đoàn di tản nhưng bất lực trước hàng chục cái chốt địch đóng dọc 20 mươi cây số. Còn 10 cây số nữa đến sông Ba, hàng chục chiếc xe của Biệt động quân toàn quân phục rằn ri ào tới, họ bỏ tuyến đoạn hậu chạy về phía trước, coi như khúc sau không có quân án ngữ. Nhân viên bệnh viện đã dậy nhưng không ai xuống xe. - Chạy, chạy tiếp. Tiếng tài xế la lên. Từng loạt động cơ vang lên, bụi cát mịt mù lẫn với sương mai của núi rừng … Đoàn xe như con rắn lại di chuyển, lần nầy có trật tự hơn, tốc độ nhanh hơn do đường đã thoáng.


     Bấy giờ là ngày 22.03, tức ngày thứ 6 của cuộc chạy loạn. Sông Ba đã ngay trước mặt, nước không sâu lắm, nhưng chảy xiết. Đoàn xe chậm lại chờ qua sông. Phía trước lại có đánh nhau, phía sau địch cũng xuất hiện cắt đôi đoàn di tản. Bom thả liên tục, đạn pháo rơi tới tấp giữa dòng người. Khúc đầu đã qua sông an toàn, còn khúc sau chủ yếu là dân chúng bị kẹt lại giữa hai làn đạn, thất lạc tan tác, chết và bị thương vô số kể. Chúng tôi dừng lại một quãng trước đập Đồng Cam chờ thiết giáp đi trước, lính biệt kích tiến lên đánh dấu bãi mìn, mở đường. Con đập vắt ngang dòng nước giống như một bờ đá. Xe qua khỏi đập, dọc đường xe cộ bỏ đầy, nắng nung đốt, không khí dường như cháy loãng, mùi hôi thúi của xác chết bốc lên nồng nặc không thở nổi. Ráng chạy hết đoạn đường chết chóc đến một ngôi làng trù phú chúng tôi tấp lại. Dân làng lố nhố nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thương cảm âu lo. Tiếng súng vẫn râm ran từ xa, chỉ còn vài cây số nữa là chúng tôi qua khỏi tử địa. Tôi quyết định dừng xe lại

     - Đi thêm tý nữa đến khúc an toàn, ông dừng lại làm gì ?
     - Tạm nghỉ lại đây cho tụi trẻ con ăn uống đã , đang còn đánh nhau phía trước nguy hiểm lắm .

     Đám trẻ con nhảy xuống, xiêu vẹo vì ngồi trên xe quá lâu. Thật tội nghiệp, chúng nó bị vạ lây bởi bọn người lớn say máu, hoà bình hiệp định chỉ là tấm giấy vô giá trị. Đất nước tôi vẫn lầm than trong địa ngục, máu vẫn tiếp tục đổ, xương vẫn tiếp tục phơi trên khu rừng già trơ lá nầy.

     Chiều ngày 28 sau gần một tuần kẹt giữa con đường ở Đồng Cam, những người đi tản may mắn đến được Tuy Hòa, nước mắt mừng vui và cũng khóc cho hàng ngàn người chết thảm trên đoạn đường liên tỉnh lộ 7…
*  *
*

     Chúng tôi tạm nghỉ tại Tuy Hoà cho tỉnh hồn rồi quyết định chia tay, ai quê Quy Nhơn về Quy Nhơn, còn lại tiếp tục đi Nha Trang. Những cái ôm bịn rịn, nước mắt không còn để khóc, chỉ chúc nhau qua cơn loạn lạc còn sống là còn gặp nhau. Sau khi đổ đầy nhiên liệu, tôi lái chiếc xe bên cạnh là ông chỉ huy trưởng dẫn đầu cả đoàn đi bình yên về đến Nha Trang. Tìm đến Quân y viện Nguyễn Huệ, mấy ông lớn biến mất không một lời từ giã. Chúng tôi phối hợp làm việc chung với những người còn lại của Quân y viện, qua ngày hôm sau cho xuất viện hết bịnh nhân. Bên kia phi trường tiếng trực thăng đổ thương binh vần vũ , tướng LTT bị thương nhẹ cũng bỏ mặt trận về bệnh viện để chữa vết thương không đáng. Sư đoàn 23 đại tá Đức lên thay. Rồi Nha Trang bỏ chạy khi nghe tin Quy Nhơn mất mà không thấy bóng địch ở đâu. Thành phố biển rối tung. Đoàn người từ KonTum, Pleiku ngơ ngác, gục ngã trước những tai ương chụp lên đầu. Người ta kêu tên mấy ông đầu sỏ cao cấp ra chửi không còn một từ nào nể vì.

     Rồi Quân y viện Nguyễn Huệ cũng chạy nốt. Tôi đi tìm Tỉnh tài xế thì Tỉnh đã bỏ đi lúc nào không hay. Chiếc xe Jeep móp méo nằm trơ vơ cuối căn nhà có hình thờ bác sỹ HTN. Tôi thẫn thờ muốn khóc vào thắp nén nhang lạy ông mấy lạy. Lên xe xem lại nhiên liệu đủ chạy về Cam Ranh, tôi qua Trung tâm hồi lực kiếm Phương để cùng đi. Doanh trại lác đác chỉ còn vài người, hỏi thăm thì người ta nói Phương đã về Sài Gòn hôm qua. Tôi quay lại quân y viện Nguyễn Huệ ngủ trên xe như con thú hoang lạc đàn, mê mệt đói meo. Tỉnh dậy đi bộ ra phía biển, thằng bé bán bánh mì ngồi khóc bên chiếc rổ đầy ắp bánh mì

    - Sao con khóc?
     - Ế quá chú ơi, ai cũng chạy hết rồi, con không biết chạy đi đâu. Ba con là phế binh cụt 2 chân, mẹ con thì không có.

     Tôi móc hết vốn liếng vài trăm lấy đủ năm cái bánh và đưa phân nửa số tiền cho nó

     - Thôi con về đi, đem về cha con ăn. Chú chỉ cần nhiêu đây.

     Thằng bé tần ngần nắm tiền trong tay, quên cám ơn nhưng nước mắt tràn mi. Rồi bất ngờ tôi gặp lại Đức, bạn cùng khoá chạy từ Ban Mê Thuột về. Hai đứa đi với nhau về tới Cam Ranh. Cảng Cam Ranh đông nghẹt Thuỷ quân lục chiến và các sắc lính khác. Chắc là không xuống tàu hải quân được, có khi lại bị ăn đạn của phe ta. Hai đứa bàn nhau bán cái đồng hồ, gom tiền bắt xe đò đi từng chặn về Phan Thiết. Lính tiểu khu Ninh Thuận vẫn còn dù ông tỉnh trưởng đã chạy trước, đường xá an toàn vì sư đoàn 2 và nhảy dù sắp lập phòng tuyến mới để kháng cự. Gặp trường Võ bị quốc gia từ Đà lạt cũng di tản, họ đi bộ lầm lũi nhưng kỷ luật trong tuyệt vọng. Tôi không biết đánh đấm thế nào mà cứ bỏ chạy hết từ tỉnh nầy đến tỉnh khác. Dọc đường khá đông dân Chàm ngơ ngác nhìn đoàn người di tản. Có cả một đàn sâu không biết từ đâu bò lúc nhúc như một đoàn quân băng ngang quốc lộ kéo về hướng biển, bị xe cộ cán hết lớp nầy đến lớp khác. Nghe nói công binh hận ông Thiệu bỏ miền Trung, họ dùng máy ủi san bằng mộ cha mẹ ông Thiệu- không biết có đúng không.

     Ngồi trên chiếc xe cũ kỷ, ông tài xế đăm chiêu, chúng tôi không ai nói nên lời. Đoàn quân khuất dần phía sau trong đám bụi mù. Về đến Phan Thiết cuối ngày. Tôi bảo Đức:

     - Về nhà tao ngủ một đêm, mai hãy về Bình Tuy
     - Ừ

     Ba tôi mừng rỡ khi thấy tôi về. Ông luôn sợ tôi đã bỏ mạng trên tỉnh lộ 7.

     -Tinh hình nầy miền nam rồi cũng mất, biết chạy đâu nữa ? Ba tôi lên tiếng
     - Con không biết, đến đâu hay đến đó, chạy hoài có đánh đâu ba

     Phan Thiết được sáp nhập vào quân khu 3 nhưng cũng chưa biết mất lúc nào. Quân đoàn 2 coi như xoá sổ. Có tin đồn tướng tư lệnh Phú tự sát trên lầu Ông Hoàng nơi đặt bộ chỉ huy. Tôi chán nản khi nghe mấy ông anh nói về chuyện vợ ông Phú đến phút cuối còn ra giá cho cái chức tỉnh trưởng lưu vong Ban Mê Thuột khi Đại tá Luật tỉnh trưởng bị mất tích. Một lũ người sống trên máu xương người lính, họ chỉ biết làm tiền còn đánh nhau thì dở ẹt. Người lính chịu nhiều thiệt thòi khi cấp chỉ huy bất xứng.

     Thay đồ, tôi và Đức ra trước nhà tắm lại dòng sông cũ Cà Ty. Con sông trong vắt thấy từng con cua dưới đáy. Tôi không ngờ đây là lần cuối cùng được bơi lội thỏa thuê trên con sông quê nhà. Phan Thiết vẫn tạm bình yên. Căn nhà trở nên chật chội vì có các anh tôi trở về, tôi và Đức ra ngoài hiên ngủ

     Sáng hôm sau Đức về quê. Tiễn bạn ra bến xe, tôi lên Quân y viện Đoàn Mạnh Hoạch trình diện, nhưng rồi giống như Nha Trang, không ai còn tâm trạng hơi sức mà làm việc. Tất cả chỉ muốn chạy. Tôi được phân công xuống phố cùng toán cứu thương giúp đỡ dân di tản. Không có tiền lương, sức lực cạn kiệt nên tôi không mấy hứng thú với công việc

     Những trái pháo địch bắt đầu rơi vào thành phố. Đơn vị Địa phương quân bắn làm chết vài ông lính mặc đồ rằn ri về từ miền Trung quậy phá. Chợ Phan Thiết bị đốt cháy cả đêm. Phan Thiết bắt đầu lên cơ sốt không thuốc chữa. Nam Việt Nam như con bệnh lâm sàng chỉ có phép lạ mới cứu nổi.

     Ngày 19 tháng 4 sau một đêm ngủ sáng dậy địch đã đầy Phan Thiết. Tôi thay đồ dân sự ra phố. Lính Địa phương quân tan biến như bọt nước, súng đạn và quân trang vất đầy các hiên nhà. Xe tăng Bắc quân đậu khắp các đường phố. Nhìn những khuôn mặt non nớt ngơ ngác ngước nhìn toà nhà Việt Nam thương tín tôi nhủ thầm: họ thắng chúng tôi với những chú lính vừa rời ghế nhà trường. Có chiếc xe M113 bị chìm ngoài bãi Thương Chánh chứa đầy tiển lương lính không phát sợ phát xong lính đào ngũ, ngư dân lượm cả mớ. Vừa về đến nhà thì hai chiếc F5 xuất hiện gầm thét trên bầu trời, đủ mọi loại súng bắn vang rần, từng chùm bom thả xuống làm nát cây cầu Quang. Những trái còn lại rơi vào nhà dân chết một mớ. Dân bỏ mạng trên chiếc cầu Quang không nhận diện được, vài ngày sau từng phần chân tay đầu nổi lềnh bềnh.

     Mấy ông anh tôi đi mất tiêu không còn ai kể cả vợ con. Ba tôi bảo tôi trốn cho lẹ. Tôi bồn chồn chờ đêm đến đi theo ghe đánh cá vô Vũng Tàu với giá cắt cổ. Sau hai ngày một đêm tôi đến Vũng Tàu, bãi biển toàn là tàu chiến đậu đặt. Quân cảnh kiếm soát gắt gao. Tôi trình giấy tờ chứng minh xong đến trường TSQ xin ở tạm. Ngôi trường tôi nhập học năm 12 tuổi, các cán bộ đều mừng khi thấy tôi an lành


     Ngày 27 tháng tư tôi còn kẹt tại Vũng Tàu. Chiến sự Long Khánh đang dữ dội. Cầu Cỏ mây bị giựt sập. Tôi đành ở lại chờ cơ hội về Sài Gòn. Vũng Tàu bây giờ là điềm hẹn để ra đi, tàu được ưu tiên cho mấy ông Tổng trừ bị, còn Thiếu sinh quân không được lên. Ông Thiệu từ chức rồi đến ông Hương lên tivi khóc bàn giao cho ông Minh. Chính quyền mới yêu cầu Mỹ rút nhân viên DAO và toà đại sứ ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng. Ngày 30.04 ông Minh như con gà cồ khàn khàn yêu cầu Nam quân buông súng đầu hàng. Một trang quân sử khép lại. Trên trời trực thăng bay rợp bóng, dưới biển tàu hối hả ra khơi. Tôi đứng chết lặng trước bãi biển cùng hàng ngàn người gục đầu uất hận cho cuộc dâu bể tang thương.
* *
*

     Trưa ngày 1 tháng 5 tôi về được Sài Gòn. Dọc đường súng đạn, quân trang vất ngổn ngang, đủ mọi binh chủng tan hàng đi vất vưởng bên lề. Tôi bắt xe ôm đến Tổng y viện Công hòa. Bệnh viện với sức chứa một ngàn bệnh nhân đã quá tải, các thương binh dắt dìu nhau ra khỏi bệnh viện, người đui cõng người què… không biết về đâu, tình cảnh rất thảm thương. Bác sỹ trưởng PhT vẫn còn, ông không đi dù chiếc trực thăng riêng dành cho ông còn đậu ở viện. Các bác sỹ ở lại mặc thường phục tiếp tục làm việc.

     Tôi vào phòng cấp cứu ngỏ lời muốn giúp di chuyển thương binh đến bệnh viện khác. Một bác sỹ trực hỏi: - Em lái xe được không? - Được. Thế là tôi lấy một chiếc xe cứu thương chạy ra cổng đón họ, nhét vào như cá hộp chạy đến các bệnh viện tư nhân của người Hoa. Họ rất nhiệt tình cứu giúp. Tất cả các xe còn sử dụng được đều hành động tương tự. Tôi mệt nhoài sau gần bốn tiếng làm việc, vứt luôn chiếc xe cạn xăng bên lề đường rồi vào quán ăn vội. Xong tôi đến trường Quân y, sân trường đầy bộ đội, chủ nhân mới đang nhóm bếp nấu ăn khói lửa mịt mù. Không còn một ai quen, ngỡ như tất cả đều tan biến.

    Đón xe bus về nhà mẹ nuôi, cũng là nhà Dũng bạn tôi. Tôi có chìa khóa riêng mở cổng vào. Hai con chó nhào ra, nhận ra tôi chúng mừng rỡ. Ngôi nhà vắng tanh, không có một ai, chạy lên phòng tôi thì có một lá thư nằm trên bàn

     “Anh, cả nhà ra đi. Em không biết anh còn sống hay đã chết, không tin tức gì nơi anh. Khi cao nguyên di tản em và gia đinh không chờ được. Nên em phải đi theo. Anh biết rằng em mong anh từng giờ không?

     Anh yêu, em nhớ anh. Cầu xin ơn trên phù hộ cho anh trở về an lành. Tiền và một ít vàng mẹ để lại cho anh nơi vú nuôi. Cố gắng tìm cách ra đi. Em chờ anh, em yêu anh thật nhiều. Hôn anh. Trân”

     Tôi chết lặng. Đi hết các phòng đồ đạt vẫn còn nguyên, ly nước uống nửa chừng của Trân vẫn còn đó. Cầm cái ly trên tay, tôi muốn tìm lại hơi hám người yêu đã vĩnh viễn ra đi.

     Thắp trên bàn thờ Dũng nén nhang xong, tôi ra sân nhìn sang nhà bên cạnh vắng hoe, chắc họ cũng đã đi rồi. Hai con chó có lẽ nhịn ăn đói mấy hôm nay. Ôm chúng vào lòng, tôi lục tủ lạnh lấy thịt cho chúng. Đồ ăn đầy ắp, tôi dư sức sống trong một tháng. Vào phòng Trân ngủ một giấc đến chiều thì vú nuôi về. Bà hoảng hồn:

     - Trời, vú tưởng con chết rồi. Cả nhà lo lắng, tội cô Út khóc sưng cả mắt . Thôi con ở lại đây. Vú giao nhà. Giấy tờ, tiền vàng bà để lại trong tủ.

     - Vú ơi, vú đi đâu? Ở lại với con…

     - Vú về quê thôi. Không biết mai nầy sẽ ra sao, nhưng ở quê sẽ yên lành hơn…

Phan Nhật Bắc

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian