Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Một thời binh lửa (Kỳ 3)- Phan Nhật Bắc

MỘT THỜI BINH LỬA
(Hồi ức của Phan Nhật Bắc)
 ( xem lại kỳ 1, 2     
Một thời binh lửa
Kỳ 3:

     Tiếng phi cơ trục thăng bành bạch phát ra từ đôi chong chóng của UH1 Hồng thập tự đáp vội trên sân bệnh viện, nhân viên phòng cấp cứu chạy ra khiêng về 2 thương binh. Một người trên cổ áo có một bông mai đen, nắp áo tên Dũng và con rắn ngụy trang nằm mê man, chai nước biển treo lủng lẳng trên băng ca. Một trực giác lạnh bén chạy nhanh trong đầu tôi, không lẽ thằng Dũng? Tôi bỏ vội băng ca bên nầy chạy sang:

     - Dũng, Bùi Anh Dũng mày phải không ?

     Đôi môi khô cằn, bộ đồ đầy máu khô hôi nồng nặc, ánh mắt hé ra thất thần nhìn tôi nhìn tôi gật đầu. Mày sao ra nông nổi nầy? nước mắt ứa ra, tôi bật khóc nhìn vào khoảng bụng vết thương đã đen xì dòi bò lúc nhúc. Tôi cắt vội vải băng, nhìn thấy vết thương xuyên bọng đái, liền lật đật bỏ lên xe cứu thương với y tá tự lái chạy ngay lên phòng quang tuyến chụp hình. Nếu bể bọng đái bạn tôi sẽ chết, không cứu được trừ phi đem về bệnh viện quân y 71 của người Mỹ tại Pleiku. Chụp hình xong tôi nhìn vào tấm phim được phóng đại vết đạn cắt một đoạn ruột xuyên xuống bọng đái, tôi chạy đi tìm bác sỹ Diếp chuyên khoa mổ ruột. Ông bảo tôi đưa vào phòng mổ gây mê ngay. Tôi chụp điện thoại quay ngay xuống ngoại thương 2

     - Phương, thằng Dũng bị thương nặng lên phòng giải phẫu ngay.

    - Dũng nào?

     - Dũng Bắc kỳ

     - Tao lên ngay.

    Bác sỹ Diếp mở toang khoang bụng dòi bò lúc nhúc hỏi tôi:

     - Anh loại máu nào ?

     - Máu O

    - Tốt, anh sắn sàng truyền trực tiếp, chúng ta thiếu máu nầy.

     Phương giúp bác sỹ Diếp gắp dòi và bơm trực tiếp trụ sinh vào đường ruột cho dòi bò ra những hột cơm chưa tiêu và dòi trộn lẫn với nhau, trong khi tôi tiếp máu cho Dũng.

     Ông cắt một đoạn ruột hai tấc rồi may lại, bàn tay ông như một ảo thuật gia thoăn thoắt, vừa làm vừa giảng dạy như một giáo sư tài danh. Ông từng tu nghiệp tại Mỹ về chuyên khoa lồng ngực và bàng quang, sau bác sỹ NDC- một bác sỹ lừng danh về khoa nầy (Sau 1975 ông được lôi ra từ trại cải tạo để về tại bệnh viện Nguyễn Văn Học Sài Gòn để giải phẫu cho một nhân vật đặc biệt của chế độ mới)

     Gần một tiếng rưỡi công việc hoàn tất, bàng quang của Dũng bị đạn làm tổn thương nhưng không vỡ, chúng tôi bàn nhau nên đi tản Dũng về Tổng y viện Sài Gòn ngay ngày mai có chuyến bay của Cục tiếp vận.

     Tôi trở về phòng hồi sinh, đầu óc vẫn choáng váng vì mất 600cc máu cho Dũng. Phương quay lại với ly sữa hột gà và bánh mì:

    - Mày ăn đi, tao thấy mày xanh như tàu lá.

     -Ok cám ơn ông bạn, mày về làm việc đi tao sẽ cho biết tình trạng của Dũng sau

     Tôi uống vội rồi ăn, mồ hôi tháo ra như tắm. Nhưng Dũng chết ngay trong đêm đó vì y tá trực vô ý để bệnh nhân shock nước biển do chảy nhanh quá không kiểm soát. Tôi gục đầu bất lực. Bác sỹ Diếp bên cạnh cũng buồn lây.

    Phương và tôi khóc ngất. Tôi lục túi áo Dũng lấy địa chỉ gia đình và gọi về Tổng đài của Tổng y viện Cộng hoà nhờ thông báo cho gia đình Dũng ngay trong đêm. Hai đứa tôi thay phiên nhau trông xác thằng bạn nổi tiếng với bài hát Người em xóm Đạo những ngày còn trong Quân trường .

    Sáng sớm chúng tôi chuyển Dũng ra xe cứu thương giao cho tiểu đoàn 23 quân y nhận để chuyển về Sài Gòn trên chuyến bay dự định cho Dũng tản thương, nhưng Dũng đã không còn sống nữa. -Dũng Bắc kỳ ơi! Tôi, Phương và y tá phòng hồi sinh chào Dũng lần cuối. Tiếng còi xe cứu thương vang vọng xa dần trong sương mù dày đặc của núi rừng KonTum. Đúng là Kon Tum đi dễ khó về, hoặc dễ về với quan tài và vành khăn sô...
* *
*

     Những gì để lại của Dũng gói gọn trong chiếc ba lô. Tôi lục ra thu xếp lại, thấy bức thư của một cô gái tên Như Nguyện

Một thời binh lửa

     “Sài Gòn ngày 20 tháng 2 năm 1972

    Anh Dũng, đây là lá thư thứ 6 em viết cho anh từ khi anh đáo nhậm đơn vị, chỉ nhận lại duy nhất nơi anh 2 lá thư. Anh ơi! bây giờ hơn hai giờ sáng, làm xong bài tập cho kỳ thi sắp tới em lại viết thư cho anh. Nỗi nhớ nhung chồng chất về vây chặt lấy em trong đêm dài. Thương anh và nhớ anh, nhớ đôi tay vạm vỡ cùng đôi môi tham lam, hơi thở nồng nàn trong ngày anh về phép vừa qua. Anh đi để lại ngây ngất của nụ hôn đầu đời thời con gái, em chợt rơi vào một đam mê thật tuyệt vời. Anh ơi, tình yêu có phải là một ân sủng tuyệt vời mà Thượng đế dành cho loài người như em đã mường tượng ra khi biết và yêu anh. Nhưng mà anh ơi nó có phải là hạt sương của buổi ban mai chợt tan dưới ánh bình minh ló dạng, em lo sợ vẩn vơ có gì đó đến với anh. Trời em không dám nghĩ đến, không muốn nghĩ đến. Em tự an ủi mình, chiến tranh sắp chấm dứt anh sẽ trở về và học tiếp con đường anh mới đi phân nửa. Anh yêu, Anh yêu .

     Con đường Duy Tân cây dài bóng mát vẫn chờ đôi chân chúng ta dìu nhau đi tiếp cuối đường tình. Chiến tranh làm phân ly, chiến tranh dã màn và tàn ác. Em ghét chiến tranh, nhưng chúng ta làm được gì ? Đành bất lực. Em nhớ một câu thơ nào đó như thế nầy: Có những người đi chẳng dặn dò. Để người ở lại chít khăn sô . Em bậy bạ quá suy nghĩ lung tung, anh tha lỗi nhé. Anh ơi ngày cuối anh đi em muốn dâng hiến hết cho anh nhưng em sợ anh coi thường em, cuối cùng anh cũng tôn trọng mà đôi tay anh không đi xa hơn nữa, nếu không em chết mất. Anh yêu đêm sao em thấy quá dài, thời gian như dừng lại. Bên ngoài tiếng người bán hàng rong đã vang lên, năm giờ sáng rồi, thôi em đi ngủ đây. Hy vọng mơ thấy anh trong giấc ngủ muộn màng. Em yêu anh.

      Như Nguyện"

     Tôi gấp lại lá thơ mà nước mắt rơi tự bao giờ, một sự trống vắng lạ lùng bao trùm. Tôi moi tiếp những gì còn lại trong ba lô Dũng thì thấy một gói giấy bao nhựa cẩn thận, tôi mở ra thì một cái quần lót màu hồng dễ thương với miếng giấy viết tay
Gởi anh một chút hương tình
Để anh sưởi ấm tháng ngày chiến chinh
     Đúng quá lãng mạn và đa tình. Tôi thu xếp lại cẩn thận, chợt có một luồng hơi thở phà vào gáy. Tôi giựt mình quay lại, không có ai cả. Tôi nổi da gà: Dũng mày hả, Dũng, đừng làm tao sợ…Tôi từng thấy ma nhiều lần trong căn phòng trực nên quen nhưng hôm nay là ban ngày, lẽ nào??? Tôi đứng lên, vác ba lô của bạn về phòng và lên ban Quân bưu đánh một điện tín báo báo gia đình Dũng cho người ra nhận, hoặc tôi mang về khi có dịp.

    Hai ngày sau tôi nhận được một điện tín từ văn phòng Air Viet Nam

     - Gởi L. Chị sẽ ra trên chuyến bay ngày N…, em đón chị. Ký tên Trang

     Trang là chị của Dũng. Chắc chị làm trong hãng Air Viet Nam, hay là tiếp viên hàng không gì đó ? Tôi không nghe Dũng nói nhiều đến gia đình, nó rất kín miệng .

Một thời binh lửa

     Ngày N đến, tôi và Phương ra phi trường. Các chuyến bay nối lại Sài Gòn- Kon Tum sau khi hiệp định Ba Lê ký xong. Chờ gần một tiếng trong phòng đợi. Trên trời chiếc phi cơ Air Viet Nam với logo con rồng bay, mấy ông nhà báo gọi là Air Rồng lộn từ từ đáp xuống, chậm dần, lửa toé ra từ 2 động cơ cánh quạt, rung lên rồi ngừng hẳn. Hành khách đi xuống. Phi công là một trung tá không quân biệt phái lái, cùng một cô gái trẻ đẹp nhìn vào sân như kiếm ai .

     Tôi chạy lại. Chắc chị Trang nhìn phù hiệu Quân y và bảng tên, chị nhào lại ôm tôi khóc trước sự ngỡ ngàng của ông pillot và hành khách. Tôi đứng yên chịu trận, để chị áp mặt vào vai mà khóc. Phương đứng sớ rớ một bên với chiếc ba lô của Dũng. Rồi chị buông tôi:

     - Em là L?

     Tôi gật đầu nhìn về hướng Phương:

     - Đây là Phương, tụi em với Dũng là bạn thân cùng tiểu đội .

     Chị ôm Phương, một cái ôm rất Tây nồng ấm thân quen. Rồi chị giới thiệu ông trung tá:

     - Đây là anh Trung bạn trai của chị

     Tôi mời anh chị ra xe:

     - Hân hạnh biết anh, thôi chúng ta ra quán Bạch đằng ăn trưa, không biết có tiện cho anh chị không?

     Hai người gật đầu. Quán vắng buổi trưa nắng cháy, con đường Lê Thánh Tôn như bốc khói. Chị Trang vừa ăn vừa khóc khi nhận lại chiếc ba lô của em trai mình. Chúng tôi im lặng tôn trọng phút giây nầy của chị dù món ăn đã dọn ra. Tôi ngắm chị ngẩn ngơ. Chị đẹp tuyệt, khuôn mặt thanh tú, đôi chân mày cong vút, mắt môi không chê được dù giọt nước mắt còn đọng bờ mi. Ông Trung tá không quân cười cười nheo mắt...

     Bữa ăn chấm dứt. Về lại phi trường chị Trang ôm tôi và Phương thật lâu trong đôi tay mềm mại. Chị còn vuốt tóc tôi và hôn vào trán. Tôi và Phương cứ đứng nhìn theo chiếc phi cơ cất cánh mang theo di vật của bạn tôi về lại Sài Gòn cho đến khi khuất dạng. Chị Trang là tiếp viên của Air Viet Nam tuyến đường quốc tế, hèn gì chị đẹp và lịch sự. Còn ông trung tá không quân thì quá may mắn- Tôi thầm nhủ…

Phan Nhật Bắc
(xem tiếp kỳ 4)     

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian