Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Một thời binh lửa (kỳ 6)- Phan Nhật Bắc

MỘT THỜI BINH LỬA
(Hồi ức của Phan Nhật Bắc)
(xem lại kỳ 1, 2, 3, 4, 5)      
KỲ 6

     Mùa thu năm 1974 mặt trận Thường Đức bùng nổ, sau một thời gian tạm lắng với những suy tính thiệt hơn, những cảnh giác của Mỹ về tái chiếm Hoàng sa, dù kế hoạch lên ông T đã hủy bỏ

     Hai sư đoàn chủ lực 304 và 324  Bắc Việt đánh nhau với quân dù ở Quận Thường Đức Quảng Nam, miền Trung nóng như lò nước sôi 100 độ. Bảy tiểu đoàn dù lâm chiến trong ba tháng và quận lỵ bị mất, chiến tranh bộc phát trở lại. Người Mỹ im lặng, tin tức được loan truyền trên đài BBC mỗi sáng, tất cả chúng tôi và dân hoang mang tột độ. Một sáng, bỏ dỡ ly cafe nửa chừng, tôi chạy lên phòng truyền tin nhờ nối tần số về Long hộ (mã số của Phan Thiết), gặp anh Năm tôi:

     - Em đây, L đây. Anh khỏe không? Nhắn với gia đình em khỏe. Tình hình vùng 1 căng quá.
     - Thôi mày lo liệu lấy bản thân. Thằng Tám chết rồi, sư đoàn 22 mới đưa xác về tao đang trực gấp, cúp máy nha.

     Tiếng cụp khô khan, ông anh thứ năm tôi không nói thêm một lời về cái chết của anh Tám. Tôi gục xuống ôm mặt khóc mùi mẫn. Hoà bình rồi sao anh tôi lại chết? Tôi đau đớn không hiểu nỗi. Tôi đi như người say rượu. Tôi mơ ước một ngày anh em chúng tôi đoàn tụ trong tiếng cười… Chỉ có nước mắt, một người đã nằm xuống vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Tôi nhớ cái nón sắt và áo giáp đưa cho anh tôi lúc lên máy bay triệt thoái về Quy Nhơn năm 1972 …Trằn trọc suốt đêm không ngủ được, căn gác về khuya vào mùa thu bỗng lạnh, từng cơn gió lòn qua khe cửa. Tôi choàng dậy khép lại, bên ngoài có một khuôn mặt nhìn vào mờ mờ hư ảo, tái nhợt giống như anh Tám tôi. Tôi đổ mồ hôi toàn thân lạnh ngắt nổi da gà…, thì ra chỉ là ảo giác mỏi mệt và nhớ đến người thân.

Một thời binh lửa

     Tôi phải chờ điện tín và giấy báo tử mới xin được 7 ngày phép để về nhà. Tôi mua vé máy bay Air Vietnam về Nha Trang xong đi xe đò về Phan Thiết trong ngày. Mọi người ào ra khóc ngất, bàn thờ khói hương nghi ngút. Chị Bảy tôi, người đưa xác anh Tám tôi về sụt sùi nước mắt đã cạn dòng. Ba tôi ánh mắt lạc thần như mất hồn, ông không buồn nhìn tôi. Mấy đứa cháu đầu chít khăn tang vẫn nô đùa ngoài sân chẳng biết gì về chết chóc

     - Anh Tám đụng trận hả chị Bảy?
    - Chết vì sốt rét.

     Lại sốt rét! Tôi đã chứng kiến cả chục xác chết lính của Sư đoàn 23 tại KonTum, bây giờ đến phiên ông anh tôi chết vì bệnh nầy. Ký sinh trùng Plasmodium Falciparum không tha cho ai nếu không phòng ngừa và điều trị dứt điểm. Tôi mệt nhoài im lặng trong căn nhà tang tóc thê lương. Tôi và người anh thứ tám ít có thân thiết vì ông ưa quậy phá làm tôi bị ăn đòn lây. Năm lên tám tuổi ông rủ tôi vô Sài Gòn đi bụi đời, tôi dại dột theo anh. Đói quá, mò vào nhà bà cô ruột ở gần nhà thờ Ba chuông bị xua đuổi thậm tệ, vứt cho tiền xe rồi đóng cửa lại. Tôi lò dò ra bến xe về Phan Thiết, còn anh Tám bị xúc vô Trung tâm giáo hoá thiếu nhi Thủ Đức. Tôi bị một trận đòn nhớ đời, nên cạch ông từ đó

     - Chị Bảy, hồ sơ tử tuất như thế nào? Có được quy trách cho công vụ không?

     Bà lắc đầu không biết.

      Sau khi xong mộ mả anh tôi, còn đến 2 ngày phép, tôi trở lại đơn vị bằng xe đò, ghé Trung tâm chỉnh hình Nha Trang thăm thằng Phương Phương mừng rỡ:

     - Mày gặp Huyền chưa ?
     - Tao không muốn gặp, Huyền làm bé cho tên Đại uý T quân tiếp vụ, mày biết mà không tin cho tao
     - Tao không muốn mày bận tâm, đàn bà đẹp là người đàn bà không thủy chung
     - Tuỳ người! Thôi bỏ đi, tao- mày đi lai rai vài lon cho đỡ buồn, tao bao
      - Ngon rượu đi !

     Ngà ngà cơn say hai thằng đèo nhau trên chiếc Honda tông vào cột đèn, mê man. Tỉnh dậy thấy đầu đau như búa bổ, giường nệm trắng toát. Chết, đang ở đâu đây? Tôi ngồi dậy nhìn sang trái. Phương mặt sưng vù, mắt híp lại nhe răng cười . - Mình đang nằm ở QYV Nguyễn Huệ. Thằng vật nầy lúc nầy còn cười được. Nhoài mình lấy tấm phim nơi đầu giường, tôi rọi lên ánh đèn, nhủ thầm không sao

     - Hai ông sao nhậu nhẹt be bét vậy, may không toi mạng. Chờ bác sỹ đến rồi quyết định. Y tá nói

     - Tôi cho 2 anh xuất viện, lần sau đừng rượu chè nha, quân y gì mà hư quá. Ông bác sỹ H khiển trách xong cắt băng, xem vết thương rồi tống ra khỏi bệnh viện tức khắc.

     Tôi về nơi Phương lấy ba lô xong lên xe đò trực chỉ Quy Nhơn, đầu còn ê ẩm hơi men. Tôi thiếp trên ghế xe mặc kệ mọi người chung quanh.

     Trình diện trả phép với vết cắt trên trán, ông Chỉ huy trưởng bệnh viện nhìn tôi dò xét. Tôi tỉnh queo chào quay ra:

     - Giấy khai tử đâu ? Ông nói lớn, tôi xin lỗi rồi lục túi đưa ông- Anh ba gai vừa thôi, tôi tống đi Quảng Đức bây giờ.

      Chẳng nói năng gì tôi về phòng, ông Bác sỹ H nói: - Chuẩn bị tinh thần đi, tôi và anh bị ông K đì không biết lúc nào đi. - Em đếch sợ, nơi đây đã là cuối địa ngục, có xuống tầng a tỳ em cũng chơi luôn, hai thầy trò mình có nhau. Ông cùng tôi cười ha hả.

     Quay lưng ra tôi gặp ngay một người đàn bà lớn hơn vài tuổi đứng trước cửa phòng trực hỏi L phải không

     - Vâng tôi đây, chị là ai?

     - Chị là Hoa con cậu Sáu đây. Chị làm ở bên dân y phòng sản khoa. Chị em đối mặt nhau mà không biết, chị về Phan Thiết mới biết em làm ở đây

     Tôi mừng rỡ cùng chị vào phòng. Nhìn kỹ chị giống cậu Sáu, đôi mắt thật buồn. Ông cậu chuyên dụ tôi nắn thuốc tể vì ông là thầy thuốc bắc, tôi thèm ngọt nên nắn rất đẹp để ông cho nước xái cuối cùng dính nơi cái chảo luyện linh đơn của ông. Ông cậu hay say xỉn vì chán đời. Vợ ông, mẹ người chị đang đứng trước mặt cũng không ngó ngàng gì đến ông. Cậu đã mất hôm tết Mậu thân vì suy thận. Ông cậu của tôi ơi, tôi nhớ mấy viên thuốc tễ và cái miệng nhai trầu của ông quá chừng, ước gì tôi có thuốc tể xái để mà gặm

     - Nhà chị ngoài phố, chiều về ăn cơm nói chuyện nhiều.

     Tôi gật đầu tiễn chị về. Từ hôm đó tôi có thêm một chốn đi về thân thương nơi phố núi…
* *
*

     Chị Trang gởi điện tín trách tôi về cái chết anh tôi không cho gia đình mẹ nuôi hay rồi cho biết hai con bé Thảo và Trang đi Kon Tum. Tôi mất hồn, nhưng đành chịu thôi. Kệ thích thì chìu, bọn con gái nhóc nầy mệt quá, rắc rối quá. Mấy hôm sau Thảo và Trân đến Kon Tum. Tôi không dám dùng xe Jeep ra đón hai con bé, vì lệnh cấm tuyệt đối dùng công xa cho việc riêng, bèn chạy xuống ban Quân xa nhờ lấy xe cứu thương đi đón. Hai con bé e dè leo lên nói lần đầu tiên tụi em đi xe nầy. - Thông cảm đi tụi anh không dùng xe khác được. Ra cổng phi trường KonTum mấy ông Quân cảnh chận lại, nhìn vào xe thấy hai nàng đẹp quá nên cho qua rồi cười tình, hai con bé cũng đá lông nheo chọc lại. Về nhà căn phòng bé tý chỉ có hai chiếc giường kê gần nhau.

     - Hai em ngủ hai giường, anh nằm dưới sàn.
     - Không! tụi em ngủ chung, anh nằm giường nầy.

     Con bé già mồm nhất là Trân mắt nó sắc lẻm nhìn tôi:

     - Mẹ và chị Trang giận anh đấy, liệu mà về xin lỗi, anh nhiều tội lắm nha.

     Tôi cười trừ:

     - Thôi có mệt thì nghỉ đi, anh đi mua đồ ăn. Nhớ chốt cửa coi chừng ăn trộm nó rinh hai đứa đó.

     Tôi không biết nấu nướng, hai đứa ra thăm thôi cho chúng nó ăn cơm hàng cháo chợ cho vui

     Ăn trưa, dọn dẹp xong đi xuống phố. Hai con bé lần đầu tiên thấy cái thị xã bé tí và người dân Thượng đóng khố nên sợ sệt. Đi dăm phút chẳng biết đi đâu, loanh quanh lại về chốn cũ, tôi dẫn ra ngắm con sông Đakbla về chiều, dòng sông chảy ngược về hướng tây

Một thời binh lửa

     - Anh ơi nước chảy phải về hướng đông chứ sao kỳ vậy?

     - Tuỳ theo địa hình em à. Ở đồng bằng các con sông đều chảy từ tây sang đông và đổ ra biển, còn con sông này lại chảy từ đông sang tây đổ về Campuchia. Người dân ngày trước từ miền xuôi lên khai phá thấy vậy mới gọi "ĐăkBla nước chảy ngược dòng", đó cũng là một điểm rất riêng của KonTum.

     Bờ sông gió miên man, vườn mía ngút ngàn. Hai con bé lội xuống khúc cạn nghịch nước trong veo. Tôi chạy mua một khúc mía cho hai con bé, mía dòn mềm gặm ngọt lịm.

     - Mai anh đưa hai đứa qua làng Phương Hoà ăn vú sữa và mít. Giờ mình về

     Sáng hôm sau tôi dắt hai đứa mua cho hai bộ đồ thổ cẩm, mua thêm chị Trang một bộ rồi vào Dân y viện nhờ chị Hoa mượn chiếc xe Daihatsu màu trắng đi Phương Hoà. Thứ 7 tôi không có ca trực nên được thong dong bên 2 người đẹp thoải mái. Chiều về Thảo đòi ở lại nhà chị Hoa tâm sự. - Ôi cái con bé nầy mày chơi trò gì đây? Nó nhìn tôi nheo mắt…

     Ánh trăng vàng trải dài trên khu vườn có cái giếng, Trân muốn đi tắm nhưng sợ ma nên đòi tôi đi theo. - Anh ơi em tắm một mình em sợ. Tôi miễn cưỡng đi xuống với nó. Nó vụng về loay hoay với cái gàu, sợ nó té xuống giếng nên tôi giành lấy gàu rồi múc nước. Tôi đội nước lạnh từ đầu xuống chân cho nó tắm. Bộ đồ ngủ mỏng manh đẫm nước, khuôn trăng lồ lộ, nó ngửa mặt cho nước chảy dài theo mái tóc đen tuyền lon ton xuồng nền đá. Năm nay 17 tuổi, nó đã phổng phao trọn vẹn, tròn trịa hơn Thảo em tôi. Tôi quay mặt để nó rửa ráy những nơi bí hiểm của đàn bà .

     Nửa đêm con bé thức dậy gọi tôi:

     - Anh ơi, sang nằm với em, em lạnh.

     Mà lạnh thật, mùa thu nơi đây lạnh hơn Sàigon. Tôi bảo:

     - Để anh lấy áo choàng cho em.
     - Anh sang đây còn không em qua anh.
     - Đừng em, không ngủ chung được đâu!

Một thời binh lửa

     Tôi không chịu qua, nhưng rồi ngủ quên nó chui qua ôm tôi. Giây phút yếu lòng tôi ôm nó trong vòng tay đàn ông, nó khẻ cựa quậy: - Em nhớ anh nên rủ Thảo đi với em, em yêu anh anh có biết không? - Em còn bé đừng nghĩ đến chuyện yêu đương. Nó cãi lại: - Em lớn rồi, 17 rồi, có quyền yêu và được yêu. Mẹ đồng ý nên cho em đi, chị Trang cũng khuyến khích. Chỉ có anh là ngu thôi chẳng biết gì. Trời đất ơi nó dám gọi mình ngu…Rồi nó tấn công tôi tới tấp, tôi đầu hàng vô điều kiện…

     Tôi dẫn hai đứa đi nếm mùi cơm nấu ống tre và cá lùi than hồng, đặc sản Kon Tum thời đó. Em gái tôi nhìn tôi với ánh mắt kỳ quái, còn Trân lầm lỳ không nói gì. Chuyện đêm qua làm tôi hối hận và dường như con bé cũng cùng tâm trạng. Em tôi cũng đã lớn, là con gái nó khôn hơn con trai trong vấn đề nam nữ. Rất tế nhị nó để tôi và Trân gần gũi nhau trong thời gian quý báu còn lại. Căn phòng quá nhỏ, nó lấy đủ mọi lý do để sang nhà chị Hoa với dăm phút đi bộ. Trân không đòi đi theo. Em đang dành hết cho tôi từng phút từng giây, bù đắp xoa dịu vết thương lòng khi Huyền bỏ tôi một cách khó hiểu mà tôi không cần tìm lý do tại sao

     - Anh ơi ! Mình yêu nhau nữa đi. Sáng mai em về Sài Gòn rồi, em muốn tận hưởng hết những gì mình đang có, em sợ mất anh.
     - Đừng nói bậy, em làm anh bất ngờ quá, anh chưa chuẩn bị, còn em như cơn bão làm anh mất phương hướng
     - Vậy anh không yêu em sao? Đôi mắt Trân nhìn tôi lặng lẽ êm đềm, tôi chới với trong ánh mắt hồ thu ấy, yêu đương nồng cháy tiếp diễn…

     Sáng hôm sau tôi đưa hai đứa về Sài Gòn, khi phi cơ Air Vietnam cất cánh tôi lủi thủi ra về, lòng nặng nề theo từng bước đi .
* *
*

     Công việc bình thường như dòng sông chảy thầm lặng, khi không đến ca trực tôi lại tìm đến những nơi tôi đưa Trân và em tôi đi qua để tìm một chút dư hương còn tồn đọng đâu đó. Tôi ủy mị và lãng mạn, chung thủy và đa tình. Ba tôi nói tôi có sao Hồng loan chiếu mệnh thêm Sao Tuyệt và sao Thai nên coi chừng nhiều vợ và con rơi. Tôi vốn không tin vào những đều ông nói, nhưng bắt đầu tin. Sợi dây tình ái vô hình nhưng sẽ trói chặt cuộc đời mình vào tay người đàn bà nào đó nếu có duyên nợ. Trân ơi anh yêu em… Nỗi nhớ cuồng nhiệt quây quanh, không gian nào em cũng hiện diện rực rỡ như vầng trăng mười sáu. Tôi đang yêu và tôi quên mau cuộc tình chớp nhoáng với Huyền. Thực sự tôi không có nhiều kỷ niệm với Huyền nên dễ quên.

     Tình hình chiến sự khá ngột ngạt, các trận đánh lại xảy ra dù khi chữ ký bốn bên trên hiệp định đình chiến còn chưa ráo mực. Chúng tôi bất lực không biết được chuyện gì sẽ đến, thôi cũng đành nhắt mắt buông tay để xem con tạo xoay vần đến đâu.

     Tôi quên khuấy chuyện tìm cô gái tên Như Nguyện bạn của Dũng gần hơn 1 năm vì tôi bận rộn đủ thứ chuyện, nhưng tôi an tâm khi biết mẹ nuôi tôi và chị em Trang, Trân đã tìm ra Như Nguyện nhờ có lá thư của Dũng. Họ có buổi gặp mặt, cũng chỉ là nước mắt đớn đau. Như Nguyện hối hận, nỗi hối hận muộn màng khi biết Dũng là con trai duy nhất. Nàng xin Dũng để dành cho ngày cưới. Tôi bàng hoàng chợt hiểu vì sao Trân cho tôi trọn vẹn, không gìn giữ. Cô bé gần 18 tuổi trưởng thành và chín chắn hơn tôi tưởng, dám gọi tôi gã đàn ông khù khờ, chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì. Tôi chợt thở dài. Nơi tôi đóng quân là nơi tận cùng của sự sống, chết lúc nào không hay. Ăn đạn pháo, bị tấn công, bị lạc đạn chính phe mình, bị sốt rét…, đủ 1001 kiểu chết!

     Một tuần khi nàng và em gái tôi về, ban quân thư đem thư Trân đến

     “Sài Gòn ngày .....tháng ...năm…

     Anh yêu. Về Sài Gòn hai ngày em thư cho anh. Nhớ anh da diết không ngủ được. Bài vở em không đụng đến, chỉ nghĩ đến anh. Anh, một ngày 24 tiếng nỗi nhớ không thể viết hết được. Anh có nhớ em không? Mong rằng anh đừng quên em mà léng phéng với cô nào nha. Anh coi chừng em, em sẽ lên KonTum và bỏ học nếu anh như vậy!

     Em kể hết cho mẹ và chị Trang chuyện hai đứa, mẹ và chị đồng ý cho anh và em yêu nhau, nhưng anh phải chờ em học xong 12. Anh có hứa với em không? Hai năm nhanh lắm, đừng bậy bạ nha. Em lo quá. Anh Trung về nói đánh nhau đâu đó, không biết chừng nơi anh. Cố gắng liên lạc với anh Trung có gì anh theo anh Trung về Sài Gòn, vì anh bay tiếp tế lên Kon Tum thường xuyên. Đừng làm em lo nhé, thôi em ngủ đây, hôn anh ngàn cái. Trân”

     Lá thư viết vội ướt nhoè nước mắt làm tim tôi như ngừng đập, một tâm trạng vui buồn hoang mang. Cơn mưa nhẹ rơi trên thị xã. Tôi đi bộ dưới cơn mưa. Từng hạt, từng hạt mưa bay bay tạt vào mặt đem đến một cảm giác đê mê thật lạ, khó tả. Tôi đi miệt mài như một người mộng du, đến khi thấm ướt và run vì lạnh mới chạy về nhà, chui vào chăn ấm cuộn mình như con sâu ngủ một giấc thật dài…

Phan Nhật Bắc
(xem tiếp kỳ 7  

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian