Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Lũ nhóc xóm Gà cồ- Hoàng Thị Viễn Du

LŨ NHÓC XÓM GÀ CỒ

     Thế là mẹ con nhỏ Lê lại lếch thếch theo bố về Pleiku.

      Nhỏ chả biết vì sao? Lúc bắt đầu nhận biết, nhỏ nghe bố mẹ nói nhà mình đang ở xã Lạc Giao - Ban Mê Thuật. Nhỏ được mẹ gởi vào học trường sơ, lúc vào lớp phải đọc kinh. Nhìn các bạn ê a, nhỏ cười ngặt ngẽo. Thằng nhóc con bác Doanh ở gần nhà, chừng như ngứa mắt, lúc ra chơi cầm cây sắt nung sẵn trong đống lửa từ bao giờ ịn luôn vào cùi tay Lê, nhỏ khóc thét chạy về nhà, nhất định không đi học nữa.


Lũ nhóc xóm Gà cồ
Dốc Hội Phú- Pleiku, nơi có cóm Gà cồ ( 1967)
     Rồi bố đưa cả nhà đi An Khê, vài tháng lại đến Pleiku. Mẹ phải thuê nhà vì cứ theo bố nay đây mai đó. Vừa dọn đến nhà mới buổi sáng, nhỏ Lê đào hố chôn giấu kho tàng: gồm vài chùm dây thun, vài đồng xu, mấy hòn đá nhẵn dể chơi chuyền. Đùng một cái, chiều tối bố phải chuyển đi Kon Tum, mẹ than mất toi tiền cọc thuê nhà, hối hả dọn đồ đạc. Bố bế xốc Lê lên xe, nhỏ khóc oà, tiếc cái kho tàng chưa kịp đào lên. Ở Kon Tum đâu được vài tháng lại về Pleiku, Lê nghe mẹ bảo thuê nhà ở mặt đường xóm "Gà Cồ" đối diện trại lính để bố đi về cho tiện.

      Mặc chị với mẹ sắp xếp, nhỏ dẫn đứa em đi tha thẩn ngắm con gà cồ trước hàng tạp phẩm rồi đi ngược lên nhà thờ, đối diện ngã ba một đi Qui Nhơn, một đi Ban Mê Thuật (nhỏ nghe mẹ nói thế). Hai bên hông nhà thờ có hai hẻm nhỏ đi sâu xuống suối, cách hẻm nhỏ đi xuống phố khoảng chục căn nhà là một hẻm lớn đi vào chùa và chợ. Từ đó kéo xuống khu nhà Lê ở hơn chục căn lại thêm một hẻm cũng đi vào cái chợ nhỏ trong xóm đó có thêm một cái nhà nữa mới đến tiệm Gà Cồ nhưng người ta gọi luôn là xóm Gà Cồ, chợ Gà Cồ

      Lê nhớ đầu xóm có vài tiệm giặt ủi, tiệm may chị Hà, tiệm tạp hoá bác Tàu, tiệm hớt tóc chú Bình Định, chú sửa xe, rồi đến tiệm may của bác người Huế, tiệm bán báo của cô Phúc; từ nhà Lê xuống thêm vài tiệm nữa và lũ nhóc thì cũng đủ vừa để ầm ỹ cả xóm.

      Nhỏ nhanh chóng hoà nhập với lũ trẻ. Nhà nào cũng nhiều con, riêng bác chủ nhà đã có ba nhóc. Không kể những anh chị lớn, nhà Lê năm nhóc, sáu đứa của hai nhà thợ may và bán báo đã thấy nhiều nhiều, thêm hai nhóc con chú người Tàu nữa là đủ mặt anh hùng hảo hán.

      Nhỏ chả hiểu tại sao mẹ con cứ theo bố hết chỗ này đến chỗ khác thế mà về đến Pleiku thằng nhóc em đã kịp học bằng nhỏ. Lũ nhóc trong xóm chọc ghẹo, Lê vênh mặt: Tại tao chờ chứ bộ!


Lũ nhóc xóm Gà cồ
Dốc Hội Phú- Pleiku 1965(?)
      Ngoài những buổi đi học, Lê lang thang theo lũ nhóc trong xóm chơi đủ trò bắn bi, đánh đáo, tạt lon, năm mười, rượt bắt, u mọi, ô quan, rồng rắn... Nhỏ chơi tất, tóc vàng hoe cháy nắng. Đêm đến, lũ trẻ chơi năm mười, rượt bắt huyên náo cả một góc phố. Lê thích nhất trò bắn ná, bọn trẻ không dùng chạng với dây thun mà dùng muỗng nhựa dẻo, bỏ viên đá nhỏ vào lòng muỗng kéo lui rồi thả tay, bắn rất xa, chiều lại cả bọn tụ tập bắn chim đậu trên dây điện. Nghịch ngợm hơn, bọn trẻ leo lên cây mít của bác chủ nhà, nằm ép sát mấy cành khuất rình bắn các chị đi nhà thờ mặc "mini rip"; nhất là nhỏ Mai nhà ở cầu Hội Phú hay bị bắn vì điệu, đang đi nhỏ giật bắn nguời, khựng lại xoa xoa đùi nhìn dáo dác, bọn Lê nằm im thít đợi nhỏ đi qua rồi phá lên cười vô tôi vạ...

      Ngay hẻm Gà Cồ đi vào trong xóm chợ có tiệm thuốc Bắc của gia đình bác người Bình Định cũng đông con lắm. Lê nghe mẹ với các bác trong xóm bảo hai bác ấy rất nhân hậu, các anh chị lớn của nhà bác nhỏ không quan tâm lắm, chỉ có con nhỏ Ng thu hút sự chú ý của Lê, nhỏ có vẻ hiền lành bẽn lẽn. Thỉnh thoảng mẹ sai Lê xuống mua chai "Tiêu ban lộ" hay viên "Búa bổ đầu" gặp nhỏ ở quầy. Nhỏ trắng trẻo, có khuôn mặt thật xinh, hay cười chúm chím khép hàng mi dài trông thật dễ thương. Nhỏ hiền nên chả bao giờ nhập bọn với lũ nhóc trong xóm, dù có những buổi trưa nắng cả bọn rượt nhau chạy ngang nhà nhỏ, đứa nào cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Lê tạt vào xin nước rủ nhưng nhỏ không đi làm Lê phải cắm đầu chạy theo cho kịp lũ nhóc. Trong bọn có anh em thằng Hoá, Lý con chú Tàu là thân với Lê nhất, Hoá trắng trẻo, mắt một mí hay bênh và nhường nhỏ chứ không như bọn con bác chủ nhà Sinh, Bình, Tâm hay về hùa với Phước, Phong, Chúc bắt nạt nhỏ. Lũ nhóc xê xích nhau vài tuổi nên cũng dễ hoà nhập với nhau, bá vai bá cổ cười đùa vừa xong lại quay ra thụi nhau, khóc la inh ỏi.


Lũ nhóc xóm Gà cồ
Suối Hội Phú- Pleiku 2016
     Có lần lũ nhóc rủ nhau đi chơi dọc theo suối Hội Phú, hai bên bờ thỉnh thoảng có cây hoa rất nhiều màu, trái màu đen sẫm ăn ngọt ngọt. Bọn Lê gọi là nho, khi cả bọn xúm xít giành nhau hái ăn thì Hoá (cao nhất bọn) với hái những chùm trên cao cho nhỏ ăn. Lúc về không may Hoá giẫm phải mảnh chai, máu dầm dề, cả bọn rối rít hái lá nhai đắp cầm máu, nhỏ hào phóng đưa chiếc khăn thêu để Sinh cột chân cho Hoá. Nhìn Hoá đau đớn mỗi lần nhón chân bước, Lê sốt sắng: Để tao cõng mày. Nói là làm, nhỏ ghé lưng vào cõng, Hoá vốn cao hơn nhỏ một cái đầu, nên khi nhỏ cõng hai chân Hoá lết dưới đất, nhỏ bước đi loạng choạng, bọn Phong, Sinh cười ồ rồi thay phiên cõng, về đến nhà trời đã nhá nhem tối, đứa nào cũng bị mắng.

      Sáng hôm sau, mẹ sai Lê sang tiệm Tàu mua cho em cuốn vở, lúc quay ra Hoá đã nấp sẵn sau những cánh cửa gỗ xếp gọi khẽ: Lê, tao đền khăn cho mày nè. Lê nhìn chiếc khăn mới tinh, biết chắc Hoá mới ăn cắp của mẹ, nhỏ ngúng ngoảy: Tao không thèm, khăn của tao có thêu cơ! Hoá nằn nì: Mày cầm đi, mai tao lại đưa chỉ cho mày thêu. Lê sung sướng nhét chiếc khăn vô túi chạy về, thấy thương thằng Hoá ghê.

      Có một chuyện lạ! Người lớn trong xóm kéo đến nhà nhỏ Chúc thật nhiều. Lê nghe mẹ nói Chúc chết vì bịnh thương hàn, nhỏ ngúc ngắc đầu, không hề biết: chết là không bao giờ gặp lại! Lũ trẻ vẫn chơi, vẫn giỡn. Rồi một buổi chiều nữa, cả bọn đang chơi tạt lon, anh trai Hoá ra gọi hai em về ăn cơm. Nhỏ Lý chạy trước, vấp đống đá xanh trước nhà, nhỏ khóc thét, ngất lịm. Cả nhà cuống cuồng bế nhỏ vào, một ngày, hai ngày, nhà Hoá im ỉm, rồi Hoá lò dò ra chỗ bọn Lê chơi đồ hàng bảo Lý chết rồi bị đá xanh găm vô tim. Bọn trẻ đón nhận sự mất mát với vẻ hờ hững, chúng vẫn chưa hiẻu thế nào là chia ly. Hoá cũng chả buồn lâu, bọn trẻ vẫn chơi, vẫn nghịch, dù trong bọn đã khuyết đi hai đứa.


Lũ nhóc xóm Gà cồ
Dốc Hội Phú Pleiku 1969
      Thế rồi Lê nghe mẹ bảo với bố: Cô Phúc sát vách có đứa cháu ở Đà Nẵng rớt Tú tài vào trốn lính muốn mở dạy kèm, phải cho chị em Lê đi học thôi, học ở trường một buổi, còn một buổi độc dãi nắng. Vậy là mỗi buổi sáng Lê và nhóc em lại ôm vở sang nhà sát vách để học. Nhà Lê có chị đầu tên Xuân đang học Đệ Tứ, nhỏ nghe mọi người bảo chị xinh và có duyên ngầm, nhỏ chả hiểu "duyên ngầm" là gì, chỉ hiểu ngắn gọn là chị đẹp. Thầy Hổ lại thích dạy chị em nhỏ tập viết và tập đọc, thầy lấy vở viết từng chữ đầu dòng làm mẫu: Xuân một dòng, em một dòng, ơi một dòng với bài tập đọc "Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê".

      Thầy dặn hai chị em, tối về phải đọc to cho thầy nghe thấy, mai thầy cho nhiều điểm. Ăn cơm xong, hai chị em học ngay, hai cái miệng cùng rống: Xuân em ơi! Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê...

     Lê ranh ma hơn, nhỏ cố kéo gân cổ gào để thầy nghe rõ giọng nó. Bất chợt bà chị cú đầu Lê đau điếng: Mày la cái gì đó, học hành gì lạ vậy? Đưa vở tao coi! Nhỏ Lê ngoạc miệng khóc, đưa hai cuốn vở cho chị, mếu máo: Thầy Hổ dạy chứ bộ! Đồ mắc dịch, không học nữa, chị Xuân quát.

      Nhỏ Lê méc với con Phước, thằng Hoá. Nhỏ Phước lớn hơn Lê hai tuổi nên ranh hơn, nhỏ nói:Ổng tán chị mày đó. Thằng Hoá hỏi: Chỉ cú mày đau không? Lê gật. Hoá bảo: Để đó tao trả thù cho.

      Sáng chủ nhật, thầy Hổ nằm vắt chân lên cửa sổ, rung rung hát: "Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn...". Thăng Hoá chạy sang kéo áo Lê, dúi vào tay nhỏ cái muỗng với mấy viên sỏi, hai đứa bò dọc theo bể nước, ngắm chân thầy tương một phát.Thầy Hổ giật phắt chân, chồm ra cửa sổ: Đứa nào, đứa nào chơi kỳ vậy? Bọn Lê nằm im không nhúc nhích. Dưới sân nắng vàng tươi, mỗi chị Xuân đứng phơi áo...


Lũ nhóc xóm Gà cồ
Dốc Hội Phú Pleiku ngày nay
      Lê, Hoá đi tìm Phước khoe thành tích, nhỏ "xì " rõ to: Bay làm vậy ăn nhằm chi, sáng nào ổng cũng mặc quần đùi nằm dọc theo ghế băng tập tạ đó! Bắn đúng chỗ phải bắn chớ. Nhỏ cười hì hì. Mấy hôm sau, Lê đang bế em chơi ở sân, Phong, Bình xô đẩy nhau chạy vào cười hỉ hả: Lê ơi, tụi tao trả thù cho mày rồi! Cả bọn phá lên cười, cái mũi thò lò của thằng Bình không làm nhỏ ghét nữa. Thật ra lúc ấy nếu cái đầu bé xíu của Lê có chút khái niệm "Nhất tự... bán tự...", thì nó đã không để bọn Bình làm thế, bởi thầy Hổ đâu có lỗi gì khi yêu!

      Cứ thế bọn nhóc hồn nhiên lớn. Lê thi đậu vào lớp sáu trường Pleime, Hoá vào trường Tàu Tuyên Đức, Sinh Bồ Đề, Phong, Phước Phạm Hồng Thái, Bình nam tiểu học vì nhỏ tuổi hơn. Bọn nhóc vẫn chơi năm mười mỗi tối, một lần Lê bị "mê" đầu tiên, lúc đứa bị năm mười đi tìm mấy đứa khác, Hoá chạy ra "mê" được, bay qua ôm chầm lấy Lê ríu rít: Tao cứu bồ con Lê! Nhỏ xô Hoá ra, Hoá vẫn hồn nhiên choàng vai nhỏ: Tao cứu mày mà! Lê im lặng, tự nhiên nhỏ thấy xấu hổ ngượng ngập sao sao đó.

      Bác chủ nhà có đứa con trai tên Minh học hơn Lê một lớp ít nói mà cũng chẳng bao giờ chơi với bọn Lê. Hôm mấy đứa nhóc em nhỏ đánh nhau với bọn Sinh, Bình, Minh đi học về bênh em, xông vào định đánh nhóc em Lê, đang bận bế em bé trên tay, nhỏ cuống quýt, bê luôn rổ than của mẹ để ngay đó, ụp lên đầu Minh rồi lùa lũ em vô nhà đóng chặt cửa lại...

      Sau hôm đó, mỗi lần thấy Minh từ xa nhỏ ngượng ngùng quá. Lũ nhóc lại chơi với nhau, rồi nhà thằng Hoá chuyển đi, nhà nó chuyển lên chợ Mới. Với Lê, chợ Mới xa lắm phải đi xe lam mới đến đựơc. Lúc xe chuyển bánh, Lê muốn chạy ra chia tay Hoá nhưng sao chẳng nhấc nổi chân, nhỏ nhìn theo xe chạy, rưng ,rưng nước mắt.



      Rồi lên lớp mười, Lê chuyển lên trung học Pleiku để theo một ban mới mở. Đang học trường con gái giờ lên trường toàn con trai, Lê không dám ra khỏi lớp. Tan học nhỏ ôm cặp cắm đầu chạy ra cổng bỗng khựng lại: Minh lù lù trước mặt! Té ra Minh cũng học trường này. Lê lạnh toát người vì sợ Minh hét: Ê! Nhỏ kia, mày úp rổ than lên đầu tao rồi tưởng trốn được hả? Nhưng Minh ra dáng đại trưọng phu không thèm chấp, quay lưng đi thẳng, nhỏ Lê hú hồn, không dám đi cùng đường mà phải chạy qua bên kia đường cắm đầu bước.

      Chiến sự xảy ra. Lũ nhóc chơi thân với nhau ở xóm Gà Cồ tan tác. Gia đình bác chủ nhà đi đâu không rõ. Phong vào miền Nam, Phước vào Lâm nghiệp, nhỏ nhà thuốc Bắc chuyển xuống ở cầu Hội Phú, Lê vào học sư phạm và gặp nhỏ ở đấy, vẫn nụ cười bí hiểm và hàng mi khép hờ hững, nhỏ làm bao chàng điêu đứng, ra trường về dạy cùng huyện, chơi với nhau hiểu và thân nhau hơn...

      Rồi Lê lấy chồng, theo chồng xa Pleiku, có lần về thăm nhà, tình cờ gặp Phước ở quán cà phê ôm chầm lấy nhau mừng rỡ, hẹn hò vậy mà sao khó quá, cách mỗi con đường nhựa (nhỏ ở sau lưng chợ Phù Đổng, Lê ở trong hẻm Chùa) mà sao xa vời vợi. Lúc đứa này rảnh thì đứa kia bận, khi Phước đến tìm thì Lê đã đi rồi. Một lần Lê về, vừa vào nhà nghe mẹ bảo: Con Phước chết rồi, nghe đâu bị ung thư buồng trứng, chiều nay chôn...Lê xoay người chạy băng qua đường (sao giờ dễ dàng thế). Quan tài giữa nhà nghi ngút khói hương, tấm hình Phước tươi roi rói. Đôi mắt sau cặp kính nhìn Lê như muốn nói:Giờ tao rảnh rồi nè! Mày sao?

      ...Dòng đời cứ thế trôi, có lần mẹ nói: Mấy chị em con bác chủ nhà tìm về thăm, mẹ nhắc đứa thò lò mũi, Bình bảo: Là cháu đấy ạ! Cháu là thằng thò lò mũi đây bác... Nghe mà thương quá, thằng bạn ấu thơ...

      Pleiku. Bảng hiệu Gà Cồ và Bình Định vẫn còn nhưng đã chuyển qua hình thức kinh doanh khác. Lũ nhóc ngày xưa giờ còn mỗi Lê và nhỏ nhà thuốc Bắc, mỗi lần về hai đứa lại tíu tít, cà phê, karaoke, chỉ khác là bây giờ nhỏ sẵn sàng cười hở cả níu mỗi khi bạn bè tụ tập. Câu hát: Có những dòng sông không trở lại đâu... có những chiều vàng, chếnh choáng bè bạn... ký ức tuổi thơ... xa rồi mộng mơ... luôn là câu hát mà mấy "ngoại" yêu thích. 


                                              Hoàng Thị Viễn Du

COMMENTS G+/FB:

4 Comments:
  1. Rất hay, chân thực đến nao lòng chị HVP ơi

    ReplyDelete
  2. Hoảng thị Viễn Du10/5/15

    cám ơn PTT đã đọc và đồnng cảm

    ReplyDelete
  3. Hay lắm chị Viễn Phố ui.Kí ức của một thời thơ ấu

    ReplyDelete
  4. hoàng viễn phố21/5/15

    cám ơn em NÚI phố

    ReplyDelete

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian