Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Mối sầu như râu tóc...(Tạ Văn Sỹ)

MỐI SẦU NHƯ RÂU TÓC…

MỐI SẦU NHƯ RÂU TÓCBất giác câu thơ của Phan Khôi ùa về không cưỡng nổi: -“Mối sầu như râu tóc/ Cứ cắt lại dài ra!”. Đúng là hay… không cưỡng nổi! Khó có ví von nào giỏi hơn! Mà sao lại “sầu” nhỉ? Có phải cứ sầu mới có thơ? Có phải do thế mà người đời thường bảo thơ là buồn, có buồn mới ra thơ? Vậy thì buồn, tức sầu, có phải là thuộc tính của thơ? Không lẽ các thi nhân chỉ là những người hay sầu não vẩn vơ, kiểu như nhà thơ Hải Bằng khẳng định: -“Ngẫm ra ai cũng đều như vậy/ Không có buồn thì chẳng có thơ!”.

Nói đến “sầu” có lẽ người đầu tiên phải nhắc đến là lão trượng thi bá Tản Đà. Vị trích tiên Xứ Đoài này có hẳn một bài văn luận về chữ sầu, chỉ cần đọc qua ai cũng nhớ, thậm chí thuộc: -“Từ độ sầu đến nay, ngày nào cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu, nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu. Sầu không có mối chém sao cho đứt, sầu không có khối đập sao cho tan?!...” (Giải sầu).

Mượn bài “luận sầu” này làm đà để xin dẫn thêm một ít ví dụ về những mối “sầu” của các thi nhân kim cổ, để xem nó có quả thật như là… râu tóc không?

Mùa xuân tượng trưng cho niềm hân hoan, tươi trẻ, thế mà ngay giữa lúc xuân về, Chế Lan Viên (lúc còn đang rất trẻ) lại có tâm trạng “lạ đời”: -“Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Mang chi xuân đến gợi thêm sầu/ Với tôi tất cả đều vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!”… -“Có ai trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng/ Với những hoa tàn muôn cánh rữa/ Đem về đây chắn lối xuân sang!”...

Nhà thơ có mối cảm quan vũ trụ mạnh mẽ và sâu sắc như Huy Cận cũng sầu: -“Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm/ Gió trăng ơi nay còn nhớ người chăng/ Hơn một lần chàng đã gửi lên trăng…” (Mai sau).

Người được cho là “ông hoàng thơ tình”, “con tuấn mã của phong trào thơ mới” luôn luôn lúc nào cũng “vội vàng”, “giục giã” với yêu cuồng sống gấp của một hồn tươi non hớn hở kiểu “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần… Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”, thế mà cũng có lúc: -“Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”…

T. T. KH vô cớ đặt câu hỏi: -“Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi, người ấy có buồn không?”! Hỏi… “hơi bị thừa”! Bởi hỏi làm gì, buồn quá đi chứ! Ở đây cho thấy đâu phải chỉ buồn cho người được (bị) hỏi, mà nó đã biểu lộ, tố cáo một cách hiển nhiên rằng người đặt câu hỏi cũng… đang buồn, ngay cả lúc “ngày vui pháo nổ rượu nồng”!

Quái lạ hơn, có cái không đáng sầu, thế mà tự dưng lại sầu khơi khơi (!): -“Chưa biết tên nàng biết tuổi nàng/ Mà sầu trong dạ đã mang mang!…” (Lưu Trọng Lư).

Cũng “quái lạ” không kém là đang êm ấm quá, không chịu nổi, cũng… sầu!: -“Có những đêm trường buông gối chăn/ Giận mình êm ấm chán tình thân/… Đêm đêm gió cuốn từng cơn nhớ/ Từng trận sầu tư lướt thướt đường…” (Quang Dũng).

Rồi cũng có một cái nét “sầu” độc đáo của người đẹp (tức của nhân vật trữ tình chứ không phải tác giả) mà chỉ có thơ mới có được: -“Hôm nay Nga buồn như con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh/ Đôi mắt cá ươn se sẽ vươn mình/ Để anh giận sao chả là nước biển!” (Nguyên Sa).
Vân vân và vân vân…

Đó những câu (bài) thơ nêu rõ chữ sầu, nói thẳng chuyện sầu. Những câu thơ (bài thơ) này thì dễ thấy, dễ hiểu. Còn những câu, những bài không đả động gì đến chữ sầu, chữ buồn, chữ đau cả, mà đọc vào cứ nghe buôn buốt một nỗi buồn xa sâu, thăm thẳm, mênh mang, cứ vướng vất vị ngậm ngùi. Ấy là những sầu gì vậy?


Sầu trước cõi mang mang trời đất: -“Người trước chẳng còn ai/ Người sau chưa thấy tới/ Ngẫm trời đất vô cùng/ Riêng đau dòng lệ chảy!” (Trần Tử Ngang).

Sầu với kiếp người ngắn ngủi, mỏng manh: -“Trăm năm nào có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì” (Cung oán ngâm).


Sầu cho thân phận: -“Ta có riêng gì ngoài đôi tay/ Với dăm thằng bạn lúc buồn say/ Nói cười như thể thân nhàn hạ/ Kỳ thật lòng riêng khó giải bày!” (Phù Sa Lộc).


Sầu chí chưa thành: -“Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” (Phạm Ngũ Lão); -“Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca/…Quốc thù vị phục đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma” (Đặng Dung)…

Sầu “tiêu cực” của kẻ bất phùng thời: -“Tài cao phận thấp chí khí uất/ Giang hồ rong chơi quên quê hương” (Tản Đà).

Sầu vì cám cảnh nghề nghiệp: -“Năm năm tay cầm viên phấn trắng/ Vẽ rồng vẽ rắn trắng tay không/ Năm năm ta vẽ hoài bóng mộng/Quên tình em đẹp tựa chân dung!” (Phạm Ngọc Lư).

Sầu trong chiều chia tay người yêu: -“Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu có đò không cũng chìm!” (Đồng Đức Bốn).
Sầu nhân tình thế thái: -“Những tưởng đầu đường thương xó chợ/ Ai ngờ xó chợ cũng… chơi nhau!” (Bùi Giáng).

Vân vân…

Không thể kể xiết và cũng khỏi phải bình luận gì thêm!

Có người viết những dòng thơ đắm đuối nỗi sầu (Như Giọt lệ thu của nữ sĩ Tương Phố chẳng hạn). Có người viết tưng tửng như chơi mà ngân ngấn nỗi sầu. Lại có người viết thoạt nghe ngỡ tiếng reo vui, nhưng ẩn đằng sau cái “vui là vui gượng kẻo là…” (Kiều) ấy thấp thoáng bóng dáng một nỗi sầu hiu hắt. Ai đọc nhiều và thuộc thơ nhiều đều dư sức trích dẫn để chứng minh điều này được cả.

Nói thế, không lẽ không có thơ vui? Và thơ vui không lẽ không hay? Có đấy chứ, có nhiều nữa là khác, mà cũng hay đáo để, tuyệt vời. Nhưng chuyện ấy để dành khi khác, bây giờ ta đang “luận” chữ… sầu!

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng bảo “Ngày vui ngắn chẳng tày gang!”. Và cũng chính Cụ còn bảo “Sầu đong càng lắc càng đầy!”. Hóa ra niềm vui thì ngắn ngủi mà nỗi buồn thì dài, dài miên viễn. Con người ta lạ lắm, cái vui thì vỡ òa ra rồi qua đi nhanh chóng, còn nỗi buồn thì cứ tẩm ngẩm tầm ngầm ở lại lâu dài, lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn không dứt, không nguôi.

Buồn, tức sầu, tức đau, thì rất dễ khiến con người ta nản chí, yếu mềm, tiêu cực. Nhưng buồn chưa hẳn là xấu, nếu… biết buồn! Buồn không để làm gì, hoặc để buông xuôi là cái buồn bi quan, cái buồn riêng nhỏ lẻ, không giống ai, không đụng chạm đến ai, nên nó cũng chẳng… “ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới”! Buồn có ý thức, buồn trong tâm thế chủ động, buồn chung cho mọi người là buồn… lạc quan! Để ý mà xem, những mối sầu lớn thì luôn có thơ lớn, còn những mối sầu nhỏ ắt chỉ là thơ… “nhỏ”!

Ấy là những nỗi buồn đau lớn lao vời vợi, cao đẹp tót vời! Là cái "sầu" của Trần Hưng Đạo: -“… ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…”. Là cái "đau" của Tú Xương thao thức: -“Thiên hạ có khi còn ngủ cả/ Dại gì mà thức một mình ta!”. Cũng trong tâm thế ấy, Hồ Chí Minh: -“Một canh, hai canh, lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành…”. Thế nên Tố Hữu viết: -“Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau/ Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu”. Đấy không phải cái đau lớn, cái sầu lớn bao trùm cả nhân gian thiên hạ thì là gì?

Tôi, tự nhiên hôm nay cảm thấy “sầu” vẩn vơ giữa một vùng sâu nơi miền đại ngàn hoang vắng Trường Sơn nên tiện tay viết chơi. Mà cũng là do bởi tự nhiên một số thơ sầu bất ngờ đáp vào trí nhớ, rồi cứ lởn vởn ở lại, không đi, bèn ghi lại cho… vui!
 
Đồ rằng nếu ai đó chủ tâm luận về chữ sầu trong thơ thì có lẽ bài viết ấy ngắn nhất cũng đến hàng trăm trang, còn nếu có ý viết thành sách thì cuốn sách ấy dẫu có nghìn trang cũng không trích dẫn hết thơ sầu của các thi nhân đông - tây, kim - cổ!

Hóa ra “sầu” vốn dĩ là thuộc tính của con người, rồi con người làm thơ, đưa nó vào thơ, nên thơ phải… “sầu”! Thi nhân chỉ là “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu” (Huy Cận). Do vậy nên mới có chuyện “Mối sầu như râu tóc/ Cứ cắt lại dài ra”!
Tạ Văn Sỹ(tavansy.vnweblogs.com)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian