Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Người chơi đàn ở ga trung tâm (P8)- Xichlo-LtBNN

NGƯỜI CHƠI ĐÀN Ở GA TRUNG TÂM
- Truyện của Xichlo-LtBNN-
(xem lại P7)  
P.8

Aya được đưa lên trực thăng cứu hộ sau nhiều phút chìm dưới nước. Nhờ các phương tiện hiện đại trên trực thăng và sau đó là ở bệnh viện, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sinh được thân xác của cô bé, nhưng Aya đã không tỉnh lại được nữa. Khi họ thông báo rằng não của Aya đã chết và chỉ có thể duy trì được đời sống thực vật cho em, Leila đã lao vào cấu xé Shahram điên cuồng đến nỗi đội bảo vệ đã phải giữ chặt nàng lại cho các bác sĩ chích thuốc an thần. Kỳ nghỉ hè của gia đình họ đã trở thành cơn ác mộng!

Người chơi đàn ở ga trung tâm- Xichlo-LtBNN

Vài ngày sau, đúng vào thời khắc pháo hoa mừng năm mới nở bừng trên cầu cảng Sydney, trong phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện, Leila nghiêm nghị nói với Shahram:

-Ngày mốt chúng ta phải tiếp tục đi làm. Em muốn anh chấp nhận cho rút ống thở của Aya. Con bé đã đi rồi và chúng ta không thể tiếp tục duy trì tình trạng này hoài được!

Shahram phản đối quyết liệt:

-Không thể được! Anh tin rằng một ngày nào đó Aya sẽ tỉnh lại. Sao em có thể làm vậy với con bé? Thề có Chúa là anh sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai đụng vào nó chừng nào anh còn sống!

Leila lạnh lùng trả lời:

-Vậy thì anh ở đó mà giữ lấy cái xác không hồn này nhé! Em không có thời gian và cả tiền bạc để bỏ vào công việc vô ích vô nghĩa này đâu! Anh suy nghĩ kỹ lại đi, mấy đồng lương tài xế cộng với bảo hiểm của anh, của con bé, trợ cấp của chính phủ, kể cả một nửa căn nhà của anh đó sẽ duy trì được trong bao lâu? Em sẽ chờ câu trả lời của anh đến hết ngày mai, sau đó thì luật sư của em sẽ nói chuyện với anh!

Leila rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt mà không nhìn Aya lấy một lần!

***

Một năm sau đó là thời gian sống ly thân bắt buộc trước khi có thể ly hôn của họ theo luật pháp Úc. Cả hai vẫn tiếp tục công việc của mình như trước đây, nhưng không còn có hai ngày cuối tuần của một gia đình như trước nữa. Shahram dành hai ngày đó ở bên Aya trong bệnh viện, ông ngồi hàng giờ bên giường bệnh với cây đàn ghi-ta cũ kỹ mà ông luôn mang theo bên mình từ thuở còn làm việc bên các giếng dầu. Ông chỉ chơi đi chơi lại một bản nhạc, bài Feste Lariane, như gởi gắm tất cả tình yêu thương cho đứa con gái nhỏ đang ngủ say giữa mớ dây nhợ lằng nhằng trên gường bệnh.

Kể từ sau khi thông báo dứt khoát với các bác sĩ và luật sư của Shahram về quyết định không tiếp tục duy trì tình trạng của Aya nữa, Leila không còn vào thăm con trong bệnh viện. Nàng bằng lòng với những buổi dạ tiệc, những bãi biển ngập nắng, những chuyến đi trượt tuyết hay những kỳ nghỉ ở những resort năm sao cùng với giới chủ hãng và đối tác, những người cùng đẳng cấp với nàng...

Tình hình tài chính của Shahram trở nên khó khăn dù Leila vẫn chi trả một nửa cho gánh nặng chăm sóc y tế cho Aya, nhưng họ thỏa thuận với nhau rằng số tiền đó nằm trong một nửa căn nhà mà nàng sẽ chia đôi cùng Shahram khi họ ly hôn. Bởi vì về nguyên tắc thì Leila không đồng ý duy trì đời sống thực vật cho Aya nên nàng không có nghĩa vụ phải chia sẻ khoản chi phí cho việc đó.

Một hôm, người điều vận các chuyến xe tải của công ty nói với Shahram:

-Ông chủ muốn gặp anh sau giờ làm việc cuối tuần này.
-Thông thường giờ đó tôi phải vào bệnh viện với con gái. Anh có biết chuyện gì mà ông chủ cần gặp tôi không?
-Tôi không rõ lắm, chỉ biết rằng sau khi đọc bảng chấm công của anh ông chủ hỏi tôi rằng sao anh làm thêm giờ nhiều quá vậy. Có lẽ ông ấy muốn biết thêm điều gì đó về tình hình tài chính của anh! Từ trước đến nay thỉnh thoảng vẫn xảy ra chuyện đó.
-Và rồi chuyện gì xảy ra sau đó? Họ có bị sa thải không?- Shahram lo lắng hỏi lại. Ông rất cần công việc này, số nợ của ông trong thẻ tín dụng đã tới mức báo động đỏ, và ông chưa đủ thâm niên để nhận được khoản bồi thường kha khá nếu bị chủ cho nghỉ việc.
-Đa số họ xin nghỉ việc chứ không bị sa thải anh bạn à. Anh cứ đi gặp chủ nhé. Tôi không được phép nói gì mà cũng không biết chuyện gì để nói với anh đâu!

***

Chủ tịch công ty đón Shahram ngay bên ngoài kho hàng lúc 1 giờ sáng thứ bảy. Đây là lần thứ ba Shahram gặp gỡ người đàn ông gốc Ý này nhưng ông vẫn không sao quen được với cảm giác rờn rợn khi nhìn vào đôi mắt xanh nhạt vô hồn của ông ta. Shahram có cảm giác dường như đây là một bóng ma đang nắm giữ vận mệnh của ông trong tay. Cảm giác đó khiến cho ông mất hết tự chủ. Ông bắt tay người đàn ông Italian như một cái máy:

-Chào ông chủ! Ông cần gặp tôi có việc gì ạ?
-Nghe bên kế toán báo lại là công ty tài chính đang đề nghị tăng mức khấu trừ lương của anh để bảo đảm thu hồi nợ. Tôi biết anh gặp khó khăn rất nhiều nên đến để giúp anh.
-Cảm ơn ông chủ. Chỉ cần ông nói giúp bên đó rằng công việc của tôi ổn định lâu dài là họ có thể tăng hạn mức tín dụng của tôi lên. Tôi cũng cần làm thêm vài giờ ban ngày để trang trải chăm sóc y tế cho con gái tôi. Mong rằng ông chủ không phiền lòng vì điều đó.
-Tôi rất hiểu hoàn cảnh của anh. Vì vậy tôi đang cố gắng giúp anh đây. Nhưng, anh không thể lái xe giao hàng cả ngày lẫn đêm đươc, các tài xế khác của công ty cũng cần phải có việc làm, phải không nào?

Shahram gãi đầu, một cử chỉ thật xa lạ đối với ông kể từ khi ông trưởng thành cho đến bây giờ. Ông ngập ngừng như muốn nói điều gì nhưng ông chủ đã vội vàng xua tay... Ông ta kéo ông vào phòng điều phối, chỉ tay lên tấm bản đồ Sydney cỡ lớn chiếm hết cả nửa bức tường trước mặt:

-Nhà anh ở đây, đúng không? Bây giờ anh lái xe về nhà từ đây... vậy là anh sẽ đi ngang qua chỗ này... anh hãy ghé trạm xăng này để đón một người bạn của tôi và đưa anh ta ra phi trường... cũng chỉ là tiện đường cho anh thôi mà. Chiều thứ hai anh đi làm sớm hơn một chút để đón một vị khách khác từ phi trường trở về trạm xăng đó. Công việc chỉ có vậy.

Ngừng một giây như để thăm dò phản ứng của Shahram, người chủ gốc Italia nói tiếp:

-Anh cần nhớ rằng đây chỉ là việc giữa các bạn tôi và anh, tuyệt nhiên không dính dáng gì tới công việc chính thức của anh ở đây cả. Coi như anh là "chuyên cơ" chở những người khách giữa trạm xăng và phi trường, và họ sẽ trả tiền mặt cho anh. Giá cả giữa anh với họ thỏa thuận và tôi cam đoan với anh là không dưới 3 chữ số cho mỗi chuyến, và mỗi tuần anh chỉ cần làm việc này có hai lần vào đầu tuần và cuối tuần là kiếm được gấp đôi lương chính thức của anh trong công ty rồi. Anh hiểu ý tôi chứ, Shahram?

Cái nhìn của ông chủ trong suốt tràng độc thoại như thôi miên Shahram. Ông không có phản ứng gì khác ngoài việc gật đầu chấp nhận. Ông lặng lẽ lấy áo khoác và ba lô trong ngăn tủ của mình rồi chậm chạp bước đến bãi đậu xe cho nhân viên trong khi người đàn ông Italian nói gì đó vào bộ đàm với nhân viên điều phối. Một lát sau, hai chiếc xe phóng vút ra khỏi khu công nghiệp. Ánh đèn pha như những lưỡi dao xuyên qua màn đêm đen đặc đầy bí ẩn của vùng ngoại ô Sydney, hướng về một vầng sáng xa xa, nơi đó là thành phố bình yên đang say ngủ...

(xem tiếp phần 9)     
Sydney, 2010
Xichlo-LtBNN

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian