Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Cái lược nhôm- Trần Việt

P/S: Bạn tôi Nhân (*) và Lê hai đứa cùng trang lứa, cùng quê. Gặp nhau, mừng bạn có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc trong nếp nhà khang trang đầy ắp tiếng cười, bờ giậu quanh nhà xanh một mầu xanh đậu biếc.Chuyện cũ đã qua, nhắc lại như để nhớ về một thời những người đã sống ở đất Vĩnh Thạnh.

Sau năm 75 là chuỗi ngày dài bao cấp không sống nổi bằng đồng lương ít ỏi thiếu thốn trăm bề, cả hai bỏ nghề làm cán bộ viên chức “cổ cồn” nằng nặc đòi về quê “cuốc đất” để kiếm cái ăn, thoát nghèo và viết tiếp ước mơ. Rêng hoàn cảnh của Nhân mà tôi sắp viết ra đây là một nhát cuốc oan nghiệt cuộc đời.

CÁI LƯỢC NHÔM

Cái lược nhôm- Trần Việt

Cái tên Vĩnh Thạnh tôi biết nhiều qua truyền khẩu, vài lần hiếm hoi xem báo ở phần tin tức chiến sự hằng ngày “Những buổi chiều trong quán nước mở trang báo ra đọc thấy tên gia đình người thân bạn bè trên trang cáo phó chết trận cao nguyên….Đêm qua cộng quân đã tấn công quận lỵ Vĩnh Thạnh, lực lượng Bảo an đã truy quét hàng chục tên Công quân và vân vân” . Vĩnh Thạnh trước 75 vùng tạm chiếm “ngày đich đêm ta” đây một vùng thuần nông, vùng bán sơn địa là địa bàn vùng 3 thuộc vùng khó khăn nhất của tình Bình Định.

Tôi đã có lần mục sở thị đặt chân lên mảnh đất này. Theo chân người anh họ hôm ấy hai anh em rủ nhau về quê dự chạp mả, hai anh em đạp xe ra bến từ mờ sáng, chiếc xe đạp được anh lơ xe chất lên mui cùng nhiều thứ hàng hóa nông thô sản và quang gánh lỉnh kỉnh khác. Chúng tôi xuống xe ở ngả ba Vĩnh Thạnh lại thay phiên đèo nhau trên đoạn đường khá xa hơn 30km. chúng tôi về đến nhà thờ họ thì trời đã quá trưa, con cháu đã về khá đông đủ, mọi người đang quây quần xúm xít ở nhà ngang và trong gian bếp để chuẩn bị lễ giỗ, tiếng cười nói hỏi han râm rang của các cô, các mẹ một không gian thật đầm ấm sum vầy.

Năm ấy Nhân 12 tuổi nó học chung lớp trông nó bé loắt choắt, quắt queo với nước da đen sạm trông nó già dặn hơn tuổi. Chiến tranh quá át liệt, gia đình Nhân đông anh chị em nên cuộc sống ở quê rất nhiều thiếu thốn, ba mẹ nó đành gửi nó về ngoại ở thị xã An khê để nó đi học. Tính nó chân chất ở lớp ít nói không tò mò hỏi han như những đứa khác. Nhìn bạn ấy hiền quá, tôi tò mò không biết bạn ấy học có giỏi không?  Nhân mới nhập học cô giáo xếp Nhân ngồi gần tôi, cô dặn tôi phải giúp đỡ bạn ấy học tập?. Giờ ra chơi tôi ngồi đọc sách Nhân cứ ngồi bên cạnh nhìn tôi thật  lâu, thấy vậy tôi quay sang hỏi:

-Nhân mày nhìn gì vậy?
 
Nhân mỉm cười nói:

"Đó là quyển sách mình thích được đọc nó “

Từ đó chúng tôi là bạn của nhau vì chung sở thích đọc sách. Nó bảo ở nhà ngoại đi học mình mới có thời gian rảnh để đọc sách….

Ở quê ngoài giờ học Nhân phải phụ cha mẹ lên nương làm rẫy, lúc rảnh rỗi Nhân thường nhặt nhạnh sưu tầm mọi thứ trong đó có cả vật liệu phục vụ chiến tranh, Nhân đã biết tìm những mảnh bom, vỏ đạn và biết phân biệt kim loại đồng, chì, sắt, kẽm.. trong đống đồ bỏ đi đem bán được nhiều tiền. Nhân thường đầu têu dẫn bạn vào rừng bắt chim, hái quả rừng mùa nào thức nấy có khi cặm cụi dũa từng lưỡi câu, mày mò làm cạm ba que bẫy chim, bẫy thú, cuốc giun đi câu cá

Nó kể có lần nó trèo lên cây phá tổ bắt được một đôi chim non khá đẹp, hôm sau bầy quạ bay đến tận nhà kêu la inh ỏi khiến bố mẹ Nhân lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chuyện quạ kêu quanh nhà là điềm báo trước không lành, hôm ấy Nhân bị một trận đòn lằn mông và phải mang chim trả về tổ cũ…

Nó bảo mỗi khi có lính Mỹ hành quân qua đây, bọn lính Mỹ rất thân thiện và thích trẻ con, do vậy tụi trẻ trong xóm thường chạy theo lính Mỹ để xin đồ hộp kẹo cao su…nhiều hôm cả bọn trong xóm được một bữa no nê ngon như chưa từng được ăn bao giờ. Thằng Nhân nó tìm đâu ra được mấy băng đạn còn nguyên; nó tháo ngù phần thuốc đạn gói riêng để dành hôm sau làm pháo, vỏ đạn còn đính hạt nổ nó mò mẫm cạy lấy hạt nổ không may hạt nổ bị kích và một tiếng nổ lớn vang lên hai bàn tay Nhân bê bết máu, tay nó phải cắt cụt hai ngón và nằm lại trạm xá bỏ học cả tuần và cũng từ đấy cái tên thằng Cụt đã gắn liền với cuộc đời của nó và nó cũng đã quen gọi cái tên như vậy.

Hôm ngày chạp mả thằng Cụt có mặt ở đám từ rất sớm, thấy tôi nó liền nhảy phóc lên xe hai đứa đèo nhau chạy về hướng rừng, xa xa là xóm nhà nó bảo nhà của nó ở trong xóm đấy. Nó tỏ ra rất thông thạo việc đi rừng, bước chân thoăn thoắc nó luồng rừng rất nhanh nhẹn, theo nó tôi đi vào nhưng lại vướng dây rừng gai cào xướt cả tay chân thôi đành bỏ cuộc. Nằm trên vạt cỏ bìa rừng đợi nó, chẳng mấy chốc nó túm lấy vạt áo có mấy chùm trái dâu đất chín đỏ trông rất thích và nước bọt trong miệng cứ ứa ra, nó nhanh nhẩu bảo ăn đi cho đỡ khác nước….

Cuối năm ấy, cả mấy đứa chúng tôi chơi thân đều đậu Tiểu học, hè đến chuẩn bị thi vào lớp Đệ thất (lớp 6) trường Đề Thám (*) mọi người rất cố gắng học để thi đậu vào trường công mới được giảm miễn học phí và giảm gánh nặng cho gia đình.

     Chúng tôi học với nhau được vài năm, chưa hết bậc trung học đệ nhất cấp (cấp II). Chiến sự miền Nam sôi sục những cuộc biểu tình rầm rộ từ Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ không làm vơi đi nỗi buồn ưu tư vận nước, phía Bắc miền trung chiến sự vùng Đông Hà, Quảng trị.. xảy ra át  liệt, trên trang nhất các tờ nhật báo luôn hiện diện những dòng tít lớn đậm mùi chết chóc vì “pháo kích” vì ‘tấn công” được lập đi lập lại, hiếm hoi lắm mới có được giây phút yên bình tiếng súng.

Sáng hôm ấy không khí sân trường Đề Thám khác hơn mọi ngày, các bạn đến sớm lại tụm năm tụ ba xì xầm về chuyện thằng Cụt “nhảy núi”, thằng Cụt “ lên xanh” mọi sự bàn tán là phỏng đoán chỉ vì thằng Cụt nghỉ học mấy hôm không xin phép. Mật thám, Cảnh sát Chi khu Quận vào cuộc luôn để mắt đến học sinh và thầy cô giáo trong trường, nhằm ngăn chặn phong trào đấu tranh của  học sinh sinh viên ở các thành phố lớn đang nổ ra dữ dội. Mình biết thằng Cụt rất rõ; bàn tay trái nó bị cụt mất hai ngón làm sao cầm được súng để theo VC ??? sau bao tháng năm nguội lạnh, chuyện thằng Cụt cũng quên luôn…

Sau ngày 30-04-75 nước nhà thống nhất nhóm học sinh sinh viên chúng tôi tham gia tổng vệ sinh đường phố. Tôi gặp thằng Cụt khi nó đang làm nhiệm vụ tiếp quản cơ sở do Ủy ban Quân quản thành phố phân công. Thoạt nhìn nó oai phong trong bộ đồ quân giải phóng ra dáng “ông cách mạng” ?. Hôm ấy, chúng tôi mừng lắm ngồi tạm trên vỉa hè hỏi nhau chuyện quê nhà, chuyện tinh hình sức khỏe gia dình và bạn bè ai còn ai mất. Thằng Cụt kể lại nó đã “nhảy núi” theo dường dây bí mật là thật; nó tham gia làm giao liên tiếp chuyển vũ khí, rồi nhận chỉ thị vào nội thành gây dựng cơ sở chuẩn bị cho các trận đánh lớn. Nó đã lập nhiều thành tích xuất sắc góp sức cho cách mạng cho đến ngày toàn thắng. Nó khoe đã có lần đơn vị cử đi dự Đại hội thi đua cấp Quân khu được ngồi chung với bậc đàn anh “dũng sỹ diệt mỹ” với  nhiều chiến công lừng lẫy.  “Nó rút vội chiếc lược làm bằng nhôm ở túi áo, chiếc lược được nó cất giữ trang trọng. Nó bảo chiếc lược này là quà tặng kỷ niệm về dự Đại hội. Chiếc lược bằng nhôm xinh xinh được chế tác bằng tay rất đẹp; nó bảo miếng nhôm được lấy từ xác máy bay Mỹ bị quân ta bắn hạ; gìn giữ kỷ vật như một lời tri ân món là quà không thể thiếu trong hành trang người lính.

Nó bảo mày cất cái này để làm kỷ niệm mừng ngày hội ngộ sau chiến tranh hai thằng còn sống và lành lặn. Nói xong nó lầm lũi bước đi bóng nó lại khuất dần sau ngã rẽ, tôi đứng tần ngần nhìn theo bóng nó trên tay vẫn còn mân mê chiếc lược…

 Cuộc sống cứ thế dần trôi tôi tiếp tục đi học ra trường nhận việc ở một tỉnh xa, ngày ấy phương tiện đi lại khó khăn ít có dịp về thăm quê, thời bao cấp mọi thứ đều thiếu thốn ai nấy đều cố sức bươn chải. Đơn vị cho thằng Cụt chuyển ngành ra quân về lại địa phương nó được bố trí một công việc hành chính cấp huyện “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” có lẽ cái nghề này không hạp với tính hiếu động của nó, Hơn nữa cuộc sống gia đình quá khó khăn bầy con còi cọc nheo nhóc, mẹ Cụt nay đã già yếu nó xin thôi việc nhận tiền một cục để trang trải nợ nần và bắt đầu làm lại cuộc đời…

Rồi một hôm, tôi nhận được tin thằng Cụt nó đã mất trong khi nó đang vỡ đất khai hoang thêm phần đất mới quanh bìa rừng để lấy cái ăn, nó cuốc trúng phải mìn còn sót lại trong chiến tranh. Bà con hàng xóm vô cùng tiếc thương cái tính vốn hiền lành chân chất nó ra đi không được vẹn nguyên hình hài bà con phải nhặt nhạnh gom từng miếng thịt để làm ma cho nó….

Cái lược nhôm của thằng Cụt ngày ấy vẫn còn, tôi gói cẩn thận và đặt sâu vào ngăn tủ như muốn chôn chặt một chứng nhân xót xa cho số phận và tôi đã kịp ghi lại cảm xúc rất thật về một người ban. Nó là thằng Cụt !!!

Trần Việt
------------------------------------------------------------------------
(*): Ghi lại sau một chuyến đi- Nhân:  tên nhân vật đã thay đổi
(**): Trước năm 75 trường TH Đề Thám quận An túc- tỉnh Bình Định

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian