Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Đọc "Cõng Mẹ" của Nguyễn Văn Song- Đặng Xuân Xuyến

ĐỌC "CÕNG MẸ" CỦA NGUYỄN VĂN SONG

     Tôi đọc "Cõng Mẹ" của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song cũng lâu rồi, cách đây chừng vài tháng. Những câu thơ mộc mạc mà tinh tế, giàu hình ảnh, gợi nhiều cảm xúc như: "Mẹ như mảnh trấu chợt vương gió gầy" / "Cõng con qua hết khổ đau / Mẹ còn trơ một dáng cầu oằn cong" / "Vai con thiêm thiếp mẹ nằm / Bàn tay rệu rạo buông dần trên lưng",... cứ vương víu, ám ảnh khiến chiều qua buộc tôi phải vào trang facebook cá nhân của anh đọc lại để viết vài dòng cảm nhận cho vơi bớt ám ảnh.

Đọc "Cõng Mẹ" của Nguyễn Văn Song


CÕNG MẸ

Bất ngờ mùa chuyển vô thường
Mẹ như mảnh trấu chợt vương gió gầy
Đê làng tất tưởi bông may
Con về cõng mẹ một ngày đổ mưa

Ngõ nhà một đoạn vòng cua
Chẳng xa mà ngỡ như thừa trăm năm
Vai con thiêm thiếp mẹ nằm
Bàn tay rệu rạo buông dần trên lưng

Thuở nao chân bước ngập ngừng
Con ngồi lưng mẹ qua vùng ấu thơ
Ông trăng như chiếc mâm to
Ngàn sao thắp lửa nhấp nhô khoảng trời

Gặp bao gương mặt rạng cười
Nghe buồn vui những tiếng đời lắng sâu
Cõng con qua hết khổ đau
Mẹ còn trơ một dáng cầu oằn cong

Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con
Mà nghe muôn vạn núi non đổ ào
Lưng dài, vai rộng, thân cao
Một lần cõng mẹ nháo nhào bóng xiêu.


NGUYỄN VĂN SONG

     Đọc những câu thơ:

"Ngõ nhà một đoạn vòng cua
Chẳng xa mà ngỡ như thừa trăm năm
Vai con thiêm thiếp mẹ nằm
Bàn tay rệu rạo buông dần trên lưng"

tôi đã khóc. Khóc vì ám ảnh từ những câu thơ thẳm sâu những xót xa của người con hiếu thảo.

     Anh khôn quá khi phủ bàng bạc màu sắc dân gian lên những câu lục bát viết về Mẹ, vì thế mà Tượng hình Mẹ trong "Cõng Mẹ" gần gũi, chân thật mà vẫn phảng phất hình dáng Mẹ thiêng liêng trong tiềm thức dân gian.

     Tôi vẩn vơ nghĩ, nếu những câu thơ này mà Nguyễn Văn Song viết theo lối "cách tân Hậu hiện đại" thì hình tượng Mẹ trong "Cõng Mẹ" sẽ thế nào nhỉ? Chắc chắn vẫn rất đẹp bởi vốn dĩ Mẹ đã đẹp rồi, hơn nữa, cũng không người con nào lại viết Mẹ kém đẹp đi cả. Nhưng rất có thể Mẹ đẹp đấy nhưng Mẹ sẽ trở nên xa lạ và những câu thơ viết về Mẹ sẽ khó có sức truyền cảm, lay động lòng người vì những câu thơ đó chỉ được đẹp xác chữ mà không có hồn.

     Đọc “Cõng Mẹ”, tôi rất thích 4 câu thơ cuối bài:

"Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con
Mà nghe muôn vạn núi non đổ ào
Lưng dài, vai rộng, thân cao
Một lần cõng mẹ nháo nhào bóng xiêu."

     Bốn câu thơ với những chữ gợi nhiều cảm xúc như: "nhẹ bẫng", "nháo nhào" khiến câu thơ dễ thấm sâu vào trái tim người đọc. Hai chữ "nhẹ bẫng" trong câu "Mẹ nằm nhẹ bẫng lưng con" làm người đọc nghẹn lòng chưa kịp lắng xuống thì 2 chữ "nháo nhào" trong câu kết bài thơ: "Một lần cõng mẹ nháo nhào bóng xiêu" như bồi thêm để cảm xúc nơi người đọc thêm se sắt. Bốn câu thơ đó chưa đến mức tuyệt hay nhưng để viết được những câu thơ hay như thế thì ngoài tình yêu, lòng biết ơn sự vất vả hy sinh của Mẹ luôn đậm sâu trong tâm tưởng thì sức lao động, sự sáng tạo của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Văn Song góp phần không nhỏ!

     Cám ơn anh! Cám ơn nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Văn Song đã cống hiến cho bạn đọc thêm một phiên bản Mẹ rất đẹp!

Hà Nội, chiều 13 tháng 12-2020
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian