Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Em chở mùa hè của tôi đi đâu?- Đặng Vỹ

"EM CHỞ MÙA HÈ CỦA TÔI ĐI ĐÂU?"

     Câu thơ tuyệt tác của Đỗ Trung Quân được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc đã bắt đúng nhịp rung của hàng triệu trái tim tuổi mới lớn.

     Có thể nói, những năm 1985-1995, lớp học sinh trung học phổ thông và đại học yêu bản nhạc đến mê đắm. Đêm đêm, trong những khu ký túc xá nữ Đại học sư phạm Quy Nhơn, bọn con trai chúng tôi mang đàn sang. Dưới gốc cây phượng già buông những chùm hoa hồng rực, bọn con trai con gái xếp bài vở ngày mai lại, cùng nhau hát say sưa. Không thiếu những đứa con trai đã mượn bài hát gửi tâm tư, tỏ tình với người bạn lâu nay mình âm thầm thương nhớ.

Em chở mùa hè của tôi đi đâu

     Kể cả những bạn nhỏ chưa đến tuổi thanh niên, những bạn trẻ dù chưa bước qua ngưỡng cửa trung học hay đại học, cũng yêu mê bài hát, dù nó không thấm đẫm đến tận sâu thẳm con tim như những người đang ngồi trên ghế giảng đường. “Phượng hồng” là tên bài hát, đã trở thành bài hát phổ biến nhất trong giới trẻ những năm cuối thập kỷ 80-90 của thế kỷ 20.

     Vì sao vậy? Ai cũng biết rồi. Vì hoa phượng đã trở thành biểu trưng của tuổi học trò. Là thầy cô, là bè bạn, là sách vở, là thương thương nhớ nhớ, là trái tim hồng rực trẻ trung của lứa tuổi vừa chạm vào ngưỡng cửa tình yêu. Những người đã đi qua thời học trò như chúng tôi đây, tuổi đã bước sang ngưỡng gần đi cuối con đường của đời người, mà mỗi khi bất chợt gặp hoa phượng, lòng vẫn cứ nôn nao nhớ về một thời trẻ trung nồng thắm.

     Ngày ấy ra trường, người yêu thời phổ thông trung học đi lấy chồng. Một lần tôi về thăm lại ngôi trường cũ (trường PTTH Hoài Ân, là trường Tăng Bạt Hổ bây giờ). Mùa hè, thầy cô và học sinh nghỉ rồi. Trường vắng hoe. Chỉ có những cành phượng vĩ đỏ rực trời trong cái nắng chói chang, cùng tiếng ve ngân ra ra như nhói vào trái tim học trò những năm tháng mộng mơ thương nhớ. Tôi đứng dựa vào gốc cây phượng. Dưới bóng mát của tán cây xanh, tôi khắc tên em vào thân cây, ghi ngày tháng. Nhìn ra xung quanh, thấy nơi nào cũng thấp thoáng hình dáng người xưa. Bàn ghế như vẫn còn vương đâu đây mùi hương của phấn, của giấy mực sách vở và cả hương sả, hương bồ kếp trên làn tóc óng mượt, thơm tho. Tôi ngẩn ngơ viết:
"Em về bên ấy xa xôi
Mang theo hết cả một trời yêu thương
Bóng cây đổ xuống sân trường
Ngỡ ai đứng đợi người thương năm nào"
Tên bài thơ chỉ một chữ NGỠ.      Rồi đêm đó, lòng bồi hồi giở lại những trang nhật ký. Tràn ngập, rất nhiều lần viết về hoa phượng. Khi thì kể chuyện đứng đợi em dưới gốc cây phượng già, khi miêu tả màu phượng hồng trong nắng sớm ban mai. Tôi lại viết tiếp. Bài này tôi chỉ xem là văn vần, không phải là thơ:
"Anh trở về trường nhỏ ngày xưa
Mùa nắng gắt đã thay bằng mùa lá úa
Không làm sao gặp người em nơi đó
Anh tìm em từng góc cũ sân trường.

Em trở về trong mơ có dáng phượng buồn
Ta lưu lạc triền miên miền ký ức
Tuổi thơ ta đã về nơi miền xa tít tắp
Thuở học trò bao nhiêu chuyện buồn vui.

Con đường quen về tận phía chân trời
Đường thêm vắng vì từ nay không còn in dáng nhỏ
Anh tìm dáng em trên từng lổi cỏ
Buổi sáng hồng, chim bướm cũng nôn nao…"
     Phượng hồng và áo trắng, hai màu sắc, hai sắc thái trái ngược nhau, một sặc sỡ một tinh khôi, nhưng lại hòa hợp không thể thiếu nhau. Hai màu ấy, hai vật ấy, mãi mãi đi vào quãng đời tuổi trẻ, và đi cả từ tuổi thanh xuân đến đi hết quãng đường của cuộc đời người.

     Có thể nói, đời người, phú quý nhất là tuổi cắp sách, tuổi hoa niên. Và tuổi đó có hoa phượng là bầu bạn, nên hoa phương cũng được quý yêu. Đã có hàng trăm bài hát, hàng vạn câu thơ ca ngợi loài hoa tuy không kiều diễm nhưng chứa đầy sắc thái tình yêu này. Đến như Diệp Minh Tuyền, khi đã ở tuổi khá cao, ông vẫn viết nhạc về hoa phượng:
"Bóng điệp già
đứng bên cổng trường này
in kỷ niệm trong tôi.
Đến giờ này
sắp xa cánh phượng hồng
tôi chợt xao xuyến lòng.

Đẹp sao phượng vĩ
cánh hồng lung linh.
Phượng như bạn quý
một thời ngây thơ.
Phượng in hình bóng biết bao thầy cô yêu
Và bao bạn mến có bao giờ tôi quên".
     (Giã từ cành phượng vĩ – Diệp Minh Tuyền).
     Hay “Hạ thương” của Hàn Châu, khi ngân lên những câu đầu tiên, đã thấy lòng nôn nao, xao xuyến:
"Hạ ơi! Anh xa em mấy mùa phượng rồi
Mà lòng ngỡ như mình vừa xa cách ngày hôm qua
Lối xưa có còn những tà áo trắng tung bay
Cho anh ngây ngất từng ngày
Bên người tình yêu nhỏ bé..."
     Nói đến đây không thể không nhắc đến một người. Thậm chí, người này lẽ ra phải được nhắc đến đầu tiên: Nhạc sĩ Thanh Sơn, người đã có hàng chục ca khúc về hoa phượng, về mùa hè, về tuổi học trò áo trắng thơ ngây. Có thể kể ra đây: Nỗi Buồn hoa phượng, Hạ buồn, Hai cánh phượng buồn, Lưu bút ngày xanh, Nhật ký đời tôi, Cung buồn tháng hạ, Lá thư học sinh, Màu áo hoa phượng, Màu phượng úa, Ngày tựu trường, Thương ca mùa hạ, Thuở còn đi học, Ve sầu mùa phượng… Ca khúc nào của ông cũng thấm đẫm màu hoa phượng, áo trắng học trò tinh khôi, đầy cung bậc tình cảm thân thương, yêu mến.

     Trong đó, “Nỗi buồn hoa phượng” đã được đưa vào hàng kiệt tác. Bản nhạc được giới trẻ phong tặng là “quốc ca mùa hè” quả là xứng đáng. Như trên đã nói, có những người tuy chưa qua mái trường ở tuổi hoa niên, nhưng vẫn hoa phượng vẫn trong tim họ, dạt dào tha thiết. Nhạc sĩ Thanh Sơn thuộc trường hợp này.

     Nhạc sĩ Thanh Sơn không được may mắn ở tuổi đến trường. Ông chỉ học đến lớp đệ tứ (tương đương lớp 9), rồi sau đó từ Bạc Liêu lên Sài Gòn mưu sinh. Nghĩa là ông không có thời học trò ở lứa tuổi biết yêu và mơ mộng, cái tuổi mà màu hoa phượng thắm đốt cháy con tim. Thế nhưng, nhạc của ông viết về hoa phượng, về tuổi học trò thì tràn ngập cảm xúc, cảm xúc rất thực. Ca khúc ông viết về tình yêu học trò gây rung động hàng triệu triệu con tim không chỉ với giới học sinh sinh viên, mà cả với người lớn.
"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!..."
     Có điều rất lạ là, ngay khổ nhạc đầu tiên, nhạc sĩ chưa hề nhắc đến hoa phượng, nhưng vừa ngân lên, trong ta đã hiện ngay ra hình ảnh của loài hoa này, với một khung cảnh đỏ rực trời và ngập nắng! Quả là cái hay, cái tài của nhạc sĩ.

     Vâng đúng vậy, nếu ai đã ngồi dưới mái trường, đã biết thương yêu nhung nhớ, thì sẽ cảm nhận ngay được ngay từ những câu đầu tiên của ca khúc. Tuổi học trò ai cũng đã nếm trải cảm giác nhớ nhung, khi mùa hè chỉ 3 tháng mà ngỡ như dài dằng dặc. Chỉ mong ngày ngắn lại, đêm chóng qua, để được sớm trở lại trường, để được nhìn “người ấy” trong tà áo dài thướt tha trong nắng sớm ban mai, nón lá chớp long lanh những giọt sương sớm đầu ngày khi bước chân vào lớp.
"Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn.
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
mỗi lần hè thêm kỷ niệm.
Người xưa biết đâu mà tìm?"
     Có thể nói, màu hoa phượng là màu máu, thì đúng rồi. Nhưng viết nên câu “Màu hoa phượng thắm như máu con tim”, thì quả là thần bút và thần nhạc. Do sáng tác nhạc và thơ cùng lúc, nên tác giả cho từ “tim” cuối câu rơi vào nốt hạ áp âm, nó mênh mang đến nao lòng, cảm xúc cứ như từng đợt sóng dập dềnh, nối tiếp, miên man không dứt.

     Cũng tương tự như vậy, nếu cứ miên man về hoa phượng, về mùa hè, thì bài viết này cũng miên man không dứt, sẽ không biết kết thúc ở đâu. Viết trên đây cũng không có nghĩa muốn nói rằng xin đừng vì cái tình cảm học trò mà chặt cây phượng vĩ. Chỉ nói lên lời tiếc nuối rằng, nếu chỉ vì sợ trách nhiệm mà lại chặt hết phượng, thì đáng tiếc biết bao nhiêu.

     Một mai không còn phượng vĩ, thì câu thơ “Em chở mùa hè của tôi đi đâu” cũng không còn ý nghĩa nữa. Lẽ nào một mai kia, khi hát những bài hát này, thế hệ học sinh sinh viên về sau phải dùng đến trí tưởng tượng, và cái tình yêu tuổi học trò chỉ còn lại là tà áo trắng đơn độc, chơ vơ?

     Và lúc đó có ai còn hát lên được khúc thương nhớ miên man:
"Giờ đây, anh bôn ba khắp nẻo đường đời
Lòng nặng niềm thương
Về người em gái nhỏ miền quê
Anh sẽ về trong mùa phượng vĩ đơm hoa
Anh em vui tuổi ngọc ngà
Ta bỏ đi nỗi buồn ngày qua".


         (Hạ thương - Hàn Châu)
Đặng Vỹ

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian