Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Đất dốc- Trần Việt

ĐẤT DỐC

Hằng ngày cứ đến 5 giờ sáng sau tiếng chuông báo thức nhà thờ Thánh Tâm đầu hẻm lại vang lên. Hẽm nhỏ lại rầm rì thức dậy, để bắt đầu cuộc mưu sinh ngày mới. Bà con quanh đây đa phần có đạo mọi người đi lễ cầu mong “niềm tin” và an lành cho ngày mới.

Thằng Hùng con chú Tư giúp mẹ đẩy chiếc cộ đã chất đầy hàng đi chợ, tiếng bánh xe sắt chà xát trên mặt đường kêu kin kít, khô khốc lúc khoan lúc nhặt nghe rõ mồn một, từ mờ sáng một âm thanh quen thuộc ở hẽm. Hằng ngày Hùng nhận làm những viêc nặng nhọc để đỡ đần như vơi đi nỗi nhọc nhằn bố mẹ, cả nhà đang vật lộn vì miếng ăn cùng ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Đất dốc
 Nhà thờ Thành Tâm tại Ngã ba Phù Đổng trước 1975

 Chú Tư chân bước vòng kiềng (đi chữ bát) theo sau với dáng vẻ khuềnh khoàng. Nhìn bàn chân to bè, các ngón chân quặp xuống như muốn bám chặt nền đất trong mỗi bước đi, đôi vai nghiêng lệch như để minh chứng « cuộc đời- vật nặng-thời gian » đã làm biến dạng hình hài của một con người vốn là nông dân lực lưỡng như thế nào ?

Sau năm 75 giải phóng gia đình chú Tư lên Tây nguyên theo diện đi kinh tế mới, sau cuộc di dân thất bại ăn hết phần lương thực chỉnh phủ hổ trợ 6 tháng lại tiếp tục thiếu ăn, đau ốm triền miên, cả nhà mang thêm căn bệnh sốt rét …đổ liều chú lại quay về tá túc nhà người quen hẽm Gà cồ đầu thị xã Pleiku.

Hằng ngày lân la tìm việc chú gia nhập đội quân bốc vác được người quen là bạn cùng cảnh ngộ giới thiệu. Làm nghề bốc vác công việc khá nặng nhọc, cuộc sống gia đình quá khó khăn, lại ít chữ nên chú vẫn phải lao theo và cố bám lấy nghề, tất cả cũng chỉ vì cuộc sống. Lúc mới vào nghề, hôm nào có việc vác xi măng là da thit chú nổi mẩn đỏ và ngứa. Tối về thoa dầu rồi sáng ra lại đi làm, ngứa riết rồi quen dần. Nhiều hôm về đến nhà do quá mệt vừa cơm nước xong lại lăn ra ngủ quên cả tắm gội…

Thời bao cấp mặt hàng xăng dầu vô cùng khan hiếm chỉ cấp bằng tem phiếu, các phương tiện cá nhân như xe máy; Hon da, xe Lambretta.. gần như vắng bóng người dân đi lại chỉ trông nhờ vào chiếc xe đạp hoặc đi bộ. Xe xích lô ở Pleiku không nhiều do đường dốc và ít được người dân xứ này mến mộ. Ở vùng đất dốc phương tiện xích lô chỉ huy động vào việc đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu hoặc dành cho các bà đến kỳ sanh nở khi đến và lúc ra viện.

Đất dốc
Đường Hùng Vương- một cung đường dốc dẫn vào thị xã Pleiku

Đường ở thị xã Pleiku với đặc trưng vốn có là rất dốc, dốc nối liền dốc từ dốc từ Làng Nhao xui về đến dốc Trà bá và cả ngã ba dốc Vông Q lộ 19 đều đổ dồn về ngã ba Phù Đỗng trước khi đến ngã ba Diệp kính, về bến xe lam chợ mới nhưng vẫn còn nghe lảng vảng sau lưng cái tên “dốc Hội phú”… kinh hoàng một vùng đất dốc. Sau lần đầu dạo phố, êm về trong giấc ngủ lại thấy bồng bềnh đưa như đong đưa trên võng.

Hàng nông thổ sản tập trung về bến xe Liên tỉnh ngày càng nhiều, hàng đóng vào bao tải lớn cồng kềnh và nặng đến cả hai ba người khiêng như: Măng tươi, trái su su, bơ, mít, khoại lang Lệ cần, củi đun cột bó... Chú Tư lại nghĩ cách « độ chế » ra chiếc xe cộ để vận chuyển hàng về chợ mới và đưa hàng đến nhiều nơi khác.

Thú vị nhất ở Pleiku ngày ấy, người dân đã biết lợi dụng những cung đường nhiều dốc dữ dằng để cho ra đời CÁI CỘ. Đến nay bậc tài giỏi và hiểu biết nhiều thứ như ông Google mà vẫn chưa biết CÁI CỘ và NGƯỜI LÁI CỘ đã tồn tại ở Pleiku sau năm 75 là như thế nào ? Cái cộ thồ hàng chỉ có ở thị xã Pleiku và ai là người tiên phong làm ra nó?

NÓI VỀ CÁI CỘ

CÁI CỘ ban đầu được người dân đóng bằng gỗ (sau đó làm bằng sắt) mặt sàn là tấm ván dày đến 3 phân với kích thước cỡ 0.8 x1.2m làm mặt sàn để chất hàng. Phía trên có khung khá chắc chắn làm tay vịn để đẩy và thêm cái cần điều khiển bánh lái, xe di chuyển trên 3 hoăc 4 bánh. Hai bánh trước là bánh lái có liên kết với tay điều khiển, kích cỡ bánh xe không lớn tầm 25-35 cm (tận dụng bánh sắt của bình cứu hỏa của Mỹ). Do vậy, sàn xe không cao rất tiện cho việc khiên chất vật nặng có thể thồ cả tạ hàng. Nối phía với sàn xe là sợi dây xích lớn có gắn thêm miếng vỏ lốp cũ để làm phanh. Khi đổ dốc môt tay giữ hướng để lái, một chân lò cò đạp lên miếng lốp kéo sau, cả xe và người bị lôi tuột về phía dốc. Lực phanh chủ yếu là nhờ vào trọng lượng người và đạp lực đè lên miếng cao su, xe được hãm tốc nhờ lực ma sát mặt đường và miếng cao su. Khi lên dốc hai người lại phụ nhau cùng đẩy. Xe có thể chất đầy cả tạ hàng nên khá nặng, chú Tư lấy hết sức đến nỗi bạnh căng cả quai hàm, các cơ bắp vồng lên sau khi hít một hơi thật sâu như để lấy đà đẩy chiếc cộ lao về phía trước và lập lại như thế mỗi lần vượt dốc….

Hằng ngày chú có thêm thu nhập ngoài tiền bốc dỡ hàng lên xuống xe và đẩy cộ. Bản tính vốn thật thà, chú Tư được chủ hàng tin tưởng giao thêm việc: chú chở hàng đi giao, tập kết hàng hóa thu xếp bến bãi để chủ hàng rảnh tay làm việc khác.


Cái cộ đã phát huy được công năng của nó ở một nơi nhiều dốc, sắt thép phế liệu chiến tranh được tận dụng làm ra chiếc cộ chắc chắn, chở được nhiều hơn. Bà con đến Hợp tác xã Cơ khí Hội phú, Cơ khí nông nghiệp Gà cố đặt hàng. Các xã viên như Bốn Xứ, Ông Mã, Ông Cần, Hoàng Thanh… tranh thủ nhận thêm hàng mang về nhà làm ngoài giờ để kịp tiến độ.

Cái Cộ cũng có môt thời theo chân lên nương, lên rẫy với khẩu hiệu ‘Tất cả cho sản xuất” chiều về cộ lại mang theo những bó củi, trái bí , bao khoai .. xuôi theo con dốc về phố.

Kể từ ngày sắm được cái cộ, thím Tư đỡ vất vả hơn, nhất là khi nhà hết củi đun, thím Tư phải vào tận dốc Trà bá, dốc làng Nhao đến các xưởng xẻ gỗ để hốt bột cưa và xin thêm ít củi vụn rồi khệ nệ gánh về.

Nhiều gia đình từ vùng kinh tế mới về thăm nhà, bước chân xuống bến xe Liên tỉnh tay xách nách mang đủ thứ: nào túm bắp, túm khoai, nào trái bơ quả mít, chậm chân không kịp theo về chuyến xe lam, cứ thế mọi thứ đều chất lên chiếc cộ cả nhà lại rảnh tay thong thả. . Cái cộ cũng góp thêm phần quà tấm bánh cho lũ nhỏ. Chiều về chú Tư có lần tự thưởng cho mình vài cút rượu như để giải mỏi
Với chú Tư NGHỀ LÁI CỘ xem như một cơ duyên phần số. Chọn một nghề lại tự vắt kiệt sức mình để bán đổi lấy đồng tiền khó nhọc kiếm được “chưa ráo mồ hôi” đã đi vèo …vì đồng tiền chạy ăn từng bữa. Hàng ngày từ tờ mờ sáng đên chiều sức vóc người cần lao luôn bị vắt cạn

Trong cuộc sống quanh ta vốn có rất nhiều câu chuyện vô cùng thú vị. Mọi người ai cũng phải mưu sinh kiếm sống, mỗi người tự chọn cách riêng để tồn tại. Cuộc sống hôm nay đã khác xưa nhiều lắm “NGHỀ LÁI CỘ” của chú tồn tại không lâu và chỉ riêng ở Pleiku mới có, chỉ là cách mưu sinh như bao công việc nhọc nhằn khác.

Riêng Chú Tư người hàng xóm đã đi vào ký ức của tôi, một thời gắn liền với con hẽm nhỏ. Nhớ lắm bởi tiếng kêu kin kít , tiếng bánh xe sắt chà xát trên mặt đường như để nhớ về cái một nghề đặc biệt.
Vẫn thấy nhói lòng lại gợn buồn về một miền ký ức xưa cũ ở nơi đất dốc.

TRẦN VIỆT

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian