Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Người đem Xuân về- Hà An

NGƯỜI ĐEM XUÂN VỀ

Trở lại phố nhỏ Pleiku sau bao năm dài bôn ba sinh sống nơi xứ người, Nguyễn muốn tìm gặp người thân và thăm lại mãnh đất là nơi chôn nhau, cắt rún của anh.

Nguyễn vô vùng ngạc nhiên vì Phố Núi đổi mới nhiều quá: đường xá, nhà cửa giờ khang trang hơn ngày xưa rất nhiều Một thành phố nhỏ bé, nhà cửa liêu xiêu, những con đường nhỏ gập ghềnh, nắng bụi mưa bùn giờ không còn nữa nhưng anh có cảm giác buồn tênh trong lòng vì những hình ảnh thân quen của con phố xưa, của người xưa rất gần gủi với nhau như để đùm bọc, níu kéo nhau trong bom đạn, khói lửa chiến tranh giờ không còn lưu vết.

Chiều cuối năm đi tảo mộ, Nguyễn ghé một shop hoa ngoài chợ để mua bông và cây trái. Bất ngờ lớn xảy ra với anh. Anh gặp một bóng dáng quen quen đứng bán hàng, cả cô chủ shop và anh nhìn nhau ngờ ngợ. Sau khi thăm hỏi thì anh nhận ra đó là T.- cô bé “ Pleime” thân thương của anh ngày nào…

Người đem Xuân về
Nữ sinh Pleime- Pleiku trước 1975

Hồi ấy, hai người quen nhau bắt đầu từ những nghịch ngợm của tuổi học trò. T. học lớp Tám, còn anh trên một lớp. Cô bé có khuôn mặt ngây thơ nhưng có đôi môi hơi vểnh vì chiếc răng khểnh nên trông có vẻ bướng bỉnh, nam tính; còn anh thì ngược lại hơi nhu mì, nhút nhát. Lần đầu tiên họ gặp gỡ là cuộc cắm trại cuối năm do liên trường trung học Pleiku tổ chức. Sau khi dựng trại,tham gia sinh hoạt nhóm, sinh hoạt chung; các trò chơi dành giải giữa các trường diễn ra, Nguyễn nhớ như in cuộc “đụng độ” giữa anh(của trường Pleiku) và cô bé Pleime trong trận đấu “u mọi”; mặc dầu con trai khỏe hơn có thể chụp giữ đối thủ, nhưng con gái dài hơi hơn nên khi quơ trúng mấy ông “đực rựa” thường thoát về chỗ dễ dàng và tóm được nhiều tù binh . Khi tới phiên của T. và anh đấu, cô nhỏ đánh tay trúng người anh nhanh chóng và nhanh nhẹn quay về . Nguyễn thấy phe mình sắp thua tới nơi, anh liều bay mình chụp chân T.khiến cho cô nhỏ té trầy sướt cả chân tay,rách áo. Thấy mình quá sốc nỗi, anh vội vàng xin lỗi cô bé, nhưng cô vẫn còn tức nên trề môi, ngúng nguẫy bỏ đi. Bất phước thay lều trại của nhóm anh cách lều trại nhóm cô nhỏ bằng một đoạn dây thừng căng ngang làm rào và tối hôm đó Nguyễn đang cùng bạn bè nằm ca hát thì mọi người bỗng dẫy đựng lên la làng vì bị bọn kiến nhọt dưới đất bò lên cắn. Bên lều trại của cô bé có tiếng khúc khích và sau đó không nhịn được phá lên cười. Anh hiểu đó là cách các cô gái bắt kiến nhọt bỏ vô chỗ nhóm anh để trả thù.

Mọi chuyện tưởng chừng quên lãng theo thời gian thì thêm những chuyện hy hữu khác xảy ra. Khi anh lên lớp Mười Một, không bận bịu với thi cử nên Nguyễn đăng ký học một lớp võ Judo. Vị huấn luyện viên trưởng bận dạy cho số đông nên cử người kèm anh. Người đó không ai khác chính là cô nhỏ T. Anh hơi ngạc nhiên thầm hỏi “Hổng biết cô bé này học võ hồi nào mà có đai đen rồi cà?”, nhưng anh không nói ra; cô bé cười mím chi, dạy anh các tư thế căn bản. Một thời gian ngắn sau, khi học qua các đòn thế,anh cố tình choàng qua cổ để vuốt mái tóc đen mượt của cô bé nhưng bị cô vào một đòn vai quật anh té thẳng cẳng trên sàn tập. Mọi người trong phòng tập cười ồ làm anh sượng cả mặt. Anh định bỏ tập thì cô nhỏ tìm đến nhà an, động viên anh đi học lại…

Người ta thường nói: “ yêu nhau lắm thì cắn nhau đau”. Câu này có lẻ đúng trong trường hợp của Nguyễn và T., mặc dầu còn chút rắc rối, tinh nghịch của tuổi học trò nhưng tình cảm hai người dành cho nhau nẫy nở sâu đậm. Cả hai cùng nhau tìm đến những chốn hẹn hò thanh tịnh hay đưa nhau vào quán kem, quán cà phê … Tận hưởng những thời gian, không gian hạnh phúc bên nhau.

Rồi ngày tháng mau chóng trôi qua, Nguyễn sau khi đậu tú tài, anh lên Dalat tiếp tục học lên đại học, chia tay T. với tất cả thương nhớ, đợi chờ…

*
* *
Xuân-Hạ-Thu-Đông, mùa nối tiếp đi qua, mỗi mùa cho những biểu cảm riêng về nỗi nhớ người phương xa, Nguyễn giữ một kỷ niệm đẹp đẽ của mùa đông khá lạnh của Dalat năm ấy, -năm anh tốt nghiệp đại học,-nhưng anh thấy trong lòng ấm áp vì T. đã mang đến mùa xuân cho anh và một chút “ góc xuân” của phố núi Pleiku:

Số là gia đình T. có cửa hiệu bán các mặt hàng từ các loại bông hoa đẹp như huệ, lay-dơn,ly…( mà lúc ấy Pleiku chưa sản xuất được), trái cây như dâu, mận, các loại mứt cho đến áo len, măng tô… Lúc này hàng được lấy từ các tiểu thương đi buôn bằng máy bay hoặc thỉnh thoảng nhận đồ ký gởi qua xe đò hoăc xe ba- lua. Nhưng năm ấy gần sắp Tết rồi mà khan hiếm các mặt hàng Dalat vì lý do chiến tranh ở Pleiku leo thang máy bay sợ bị pháo kích nên giảm chuyến, còn đường bộ thì xe cộ ít dám đi vì thường có các cuộc đánh nhau dọc theo quốc lộ. Trước tình hình như vậy, ba của T. quyết định đánh chiếc xe bán tải của mình lên Dalat chở hàng về ( không phải vì lợi nhuận nhiều mà ông thấy xuân Pleiku sao hàng hóa ít ỏi, đơn điệu quá nên ông muốn mình góp thêm phần nho nhỏ cho xuân phố núi ). Đây là dịp để cô nhỏ gan lì như T. đòi đi theo mặc dầu ba má cô hết sức cản ngăn. Động lực chính để được theo ba là mong muốn được gặp Nguyễn sau bao ngày xa cách.

Chiếc xe nhà T. trông cũ kỷ, mọi người sợ nó không kham nỗi đoạn đường dài. Âý vậy nhưng ba T. rất tự tin vì ông có tay nghề thợ máy rất cao, ông cũng đã chuẩn bị phụ kiện xe phòng khi các bộ phận xe hỏng thì ông có thể thay thế.

Sau một ngày, một đêm ; chiếc xe “ lão” chở hai cha con cũng tới Dalat. Họ ăn bờ, ngủ bụi dọc đường và giữ vững tinh thần khi vượt qua những đoạn đèo dài,đầy quanh co với những khúc cua gấp,cua khuỷu tay,…trên quốc lộ 19 chật hẹp,đầy ổ gà, ổ voi rất nguy hiểm của đèo Mang Yang(cổng trời),đèo An khê hay đoạn đèo Prenn từ Nha Trang đi Dalat với một bên là vách đá sạt lở, một bên là mấp mé vực sâu… ấy là chưa kể tiếng súng đạn vang vọng trên đường đi của họ. Một cuộc hành trình đầy phiêu lưu mạo hiểm của hai cha con!

Người đem Xuân về

Đến phố hoa, sau khi mua hàng hóa cung cấp cho thị trường Tết ở Pleiku; hai cha con có ít thời gian nghỉ ngơi, ông già đi nhậu với người quen ở đây để T. được tự do tìm gặp Nguyễn. Đôi trẻ gặp nhau, tận hưởng niềm vui sau bao ngày xa cách. Họ dành vài tiếng đồng hồ ít ỏi của mình bằng sóng bước dạo chơi nơi sân trường đại học có những hàng thông râm mát, bước qua chiếc cầu nhỏ xinh xinh , rồi đến đồi Cù lộng gió , tiếp đến khuôn viên thơ mộng , đẹp như khung cảnh trời Âu của trường trung học Pháp Grand Lyceé và họ sớm kết thúc chuyến dạo chơi bằng ngồi tựa bên nhau trên chiếc xe đạp nước ( pédalo) trên hồ Xuân Hương, chờ ba đến đón về Pleiku (dịp này Nguyễn cũng quá giang xe T. để cùng về nhà đón Tết)

Đem sắc xuân của Dalat về Pleiku dẫu cho thành phố biên giới này còn nghe tiếng đại bác vang vọng, nhịp đều và ánh hỏa châu lập lờ đêm đêm hòa cùng ánh nến lung linh trên bàn thờ gia tiên của mọi nhà. Dẫu vậy Nguyễn và T. cũng tận hưởng đươc một mùa xuân ấm áp, ngập tràn hạnh phúc bên nhau để rồi sau tết Nguyễn phải lên đường nhập ngũ và họ đã xa nhau từ đấy…

Hà An 12/1/ 2020

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian