Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Nhân mùa thi nói chuyện "học hành" của các "cậu ấm cô chiêu"- Trần Tiến

NHÂN MÙA THI NÓI CHUYỆN "HỌC HÀNH" 
CỦA CÁC “CẬU ẤM CÔ CHIÊU”

Có thể nói phần đông con nhà giàu, lại được nuông chiều từ bé, thường chểnh mảng việc học hành. Tâm lý của các cô cậu ấy là hưởng thụ những gì mà bản thân mình đang có, học nhiều hay không học thì cuộc sống cũng vẫn đầy đủ, sung sướng. Chính vì thế, việc học là của bản thân mình nhưng lại coi như việc của thiên hạ, của bố mẹ nên luôn dửng dưng, đủng đỉnh. Mặt khác những thú chơi, những trò tiêu khiển dường như cũng đã lấy đi phần lớn thời gian và tâm trí, thì còn đâu cho việc học. Nên không ít cô cậu đến trường học chỉ là vì nghĩa vụ bắt buộc và để cho mình có một cái danh phận với xã hội, chứ không có chút hứng thú nào. Thành tích học tập thì lúc nào cũng ở tư thế "vớt vát", thậm chí là học lại.

chuyện "học hành" của các "cậu ấm cô chiêu"
Tác giả Trần Tiến

Những gia đình có con như vậy có lẽ không phải là vì họ không quan tâm. Nhưng có lẽ vấn đề là ở cách thức quan tâm của họ, họ "vung" tiền ra cho con đi học thêm lớp này, thầy nọ nhưng lại không kiểm tra kết quả học tập của chúng. Thậm chí, con cái dùng tiền đóng học thêm để chơi bời cũng không hay, đương nhiên lại tạo điều kiện cho chúng đi vào hư hỏng.

Hàng xóm nhà tôi là một gia đình lập công ty riêng rẽ lĩnh vực vật liệu xây dựng, rất giàu có. Nhưng thời gian gần đây, gia đình thường phải cử một người đưa cậu con trai quý tử đang học lớp 11 đến trường, vì gần đây nhà trường đã thông báo cậu thường xuyên nghỉ học nửa chừng. Hơn nữa chỉ trong vòng một tháng trởi mà cậu ta gây sự đánh nhau với bạn bè trong lớp tới ba lần, mà nguyên nhân được biết thì chỉ vì cái tính hách dịch, ngông cuồng.

Cũng bởi cái tính ấy mà cậu ta đã phải học đến hai năm lớp 10 mới lên được lớp. Không trông mong gì cậu con trai ngỗ ngược và lười nhác ấy, gia đình chỉ còn mong cậu cố gắng thi lấy cái bằng tú tài. Nhưng điều ấy có lẽ cũng rất khó vì tối ngày cậu chỉ mê mẩn với những trò đánh đấm, chát chít và game...

Để kể ra những trường hợp tương tự như cậu hàng xóm của tôi thì quả là vô vàn. Thông thường những học sinh phổ thông hư hỏng, bỏ bê học hành cũng theo bè kết phái. Chúng đua đòi, học hỏi những cái xấu ở nhau rất nhanh, để rồi bao che, biện bạch cho nhau những hành vi tiêu cực. Đã không còn lạ lẫm gì những cảnh tượng những ông bố bà mẹ phải phân chia nhau đi tìm con vào cái giờ mà đáng lẽ cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm hạnh phúc. Tìm được con về trong niềm vui sướng nhưng lại nơm nớp lo lắng sợ rằng ngày mai chúng lại bỏ đi. Nhiều bà mẹ quá thương con, quá sợ mất con đến mức nhu nhược mà nói rằng "Bây giờ chẳng cần nó học mà chỉ cần nó nghe lời ở nhà, không bỏ đi hoang nữa".


 các "cậu ấm cô chiêu"

Đối với các cậu ấm cô chiêu đã bước chân vào các trường đại học thì lại khác, họ tự do trong học tập, không bị ai kèm cặp. Đây là lúc để họ tự khẳng định năng lực của mình, vì phần lớn họ có đầy đủ điều kiện. Nhưng sức ì và tinh thần ỉ lại của bộ phận sinh viên con nhà giàu này là khá lớn. Nhiều khi họ nghĩ rằng đi học đại học là để được vênh váo với thiên hạ và có điều kiện để ăn chơi thỏa thích.

Ngoài việc "sành điệu" chạy theo mốt, tham gia vào các cuộc vui thiếu lành mạnh, đề cao lợi ích vật chất và sống thực dụng thì một bộ phận không nhỏ sinh viên còn thể hiện thái độ học cầm chừng, không cố gắng hết mình. Một số sinh viên có khuynh hướng học tủ, học gạo theo kiểu "mì ăn liền; ;thậm chí là nhờ người chép bài, mượn bài để phô tô, thuê người thi trả môn... Cốt sao để qua và cuối khóa lấy được cái bằng. Tất cả những kiểu học ấy đã thể hiện việc họ không hề quan tâm đến tích luỹ kiến thức cho công việc sau này.

Theo nhận xét của một nhóm nghiên cứu trẻ thì việc đối phó học tập của một bộ phận sinh viên là phần lớn họ dành thời gian và công sức vào việc ăn chơi, đua đòi, chạy theo những dục vọng tầm thường của giới trẻ. Họ coi việc học là để tạo dựng cái "mác" - hữu danh vô thực, nhưng mỗi kỳ đều phải thi lại không dưới 5, 7 môn, danh sách học lại thì ngày một dài dằng dặc.

Là con gái cưng của một gia đình giàu có ở Nam Định, Linh có thành tích nổi trội về "khả năng" tiêu tiền từ thời học phổ thông. Từ khi ấy mà tủ quần áo của cô dã toàn hàng hiệu, cái nào "bèng" nhất cũng 300 - 400.000 đồng, mỗi bộ quần áo đều có một đôi dày tương xứng... chỉ đơn giản là Linh "thấy đẹp thì mua, giá cả chẳng quan trọng gì cả". Linh chưa bao giờ đầu tư nhiều cho học tập, chỉ ở mức vừa phải để lên lớp. Chính vì thế mà thi đại học năm đầu tiên Linh đã trượt một cách thê thảm, cả 3 môn thi mới đạt 10,5 điểm. Sau đó là một năm dong chơi và ôn thi ở nhà, được mấy cô gia sư đến kèm cặp nên lần thi năm sau Linh đã vừa đủ điểm đỗ vào một trường Đại học dân lập ở Hà Nội. Thành tích ấy đã đủ vui sướng với cả gia đình của Linh lắm rồi.

Vào trường đại học được một năm, thành tích học tập thì chẳng thấy đâu, nhưng sự sành sỏi trong ăn chơi thì đã "trưởng thành" lên bội phần.

Đã có "Mác" sinh viên, lại thoát khỏi sự kèm cặp của gia đình, Linh đi vào yêu đương lăng nhăng, chán rồi lại bắt bồ với một ông hơn cô đến 20 tuổi giàu có. Những chuyến phiêu du đây đó quá cuốn hút đã thay thế dần cho lịch học trên giảng đường. Để "bịt mắt" bố mẹ, đảm bảo không bị cấm thi vì nghỉ học quá số tiết quy định, cô nàng đã thuê luôn cô bé gần phòng trọ đến lớp "học hộ" với giá 3.000.000/tháng. Cô khẳng khái nói răng "các thấy cô đến lớp điểm danh thấy đủ người là xong, chẳng ai thừa công đi điều tra học trò của mình là đứa nào".

Hay như Hà, cũng là con của một gia đình kinh doanh lớn giàu có của thành phố Hải Phòng, cô luôn tạo cho mình một phong cách "quý sờ tộc". Cô luôn tự hào "cả nhà chỉ có mình em đỗ đại học nên các cụ cũng chiều, thích gì được nấy; Mấy ông anh và cậu em trai học hành chẳng đâu vào đâu". Mặc dù mới lên Hà Nội nhập học được nửa năm nhưng các tụ điểm ăn chơi cô đều nhẵn lối, những cú điện thoại gọi về xin tiền ngày một dày lên, với đầy đủ những lý do hợp lý: Lúc thì đi học thêm tin học, khi thì tham gia lớp tiếng Anh nâng cao, rồi học bơi, học khiêu vũ, đóng tiền quỹ lớp, đóng tiền thăm quan... Điều quan trọng là trong mỗi khoản đóng góp ấy cô nàng đều "báo giá" đến gấp đôi, gấp ba để rồi "ẻm". Nếu những khoản tiền ấy đều được sử dụng vào mục đích học tập thì chẳng có gì đáng chê trách, nhưng đằng này cô lại dùng vào những vũ trường, quán bar, những cuộc chơi xa xỉ. Đến khi gia đình chu cấp không kịp, cô thậm chí còn lừa bạn thân mượn xe đi cắm. Trong khi đó, việc học thì bê bối, buổi có buổi không, kỳ thi thứ 6 có 7 môn học thì phải thi lại cả 7 môn. Đến khi cuống cuồng với những môn thi lại mà biết chắc sẽ không thể qua nổi, cô bắt đầu tìm cách "đi thầy".

Điều đáng buồn là bố mẹ của những sinh viên này ở quê vẫn luôn tự hào con mình đang "tu luyện", chờ ngày lấy tấm bằng đại học. Họ đâu ngờ, những cậu ấm cô chiêu nhà mình đang lao vào những cuộc đỏ đen, những thú chơi điện loạn, những cuộc tình "lãng mạn" chẳng lo lắng cho việc học hành. Thậm chí có nhiều gia đình vẫn không hề biết là con mình đã bị đuổi học, cứ lang thang, trôi dạt hết nơi này đến nơi nọ ăn chơi. Nếu có lên thăm con thì chúng lại có đủ mánh khóe để che giấu, chỉ khi có được sự thông báo của nhà trường tới gia đình thì mọi chuyện mới vỡ lở, nhưng lúc đó đã trở nên muộn màng.


TRẦN TIẾN
Địa chỉ: Nhà 6, ngách 20, ngõ 107, phố Hồng Mai,
quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Email: trantienkv20@gmail.com

COMMENTS G+/FB:

1 Comments
  1. Chỉ tại ba mẹ không biết kiểm soát, quan tâm con cái mà thành ra như vậy

    ReplyDelete

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian