Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Học cao chưa thấy rộng- Sông Cửu

HỌC CAO CHƯA THẤY RỘNG.
“Tặng T,  người bạn thích nổ của tôi”

      Nhớ mỗi lần năm hết tết đến, ba tôi thường  viết “liễn - tượng” bằng chữ quốc ngữ theo dạng Hán tự treo lên cho vui cửa vui nhà.  Ông viết nét vòng vèo giống hệt chữ nho; “hai ngang, xổ xuống, đóng ngoéo, chấm đít”  y chang  như của mấy ông thầy đồ “thứ thiệt” ngày xưa. Tết năm Mậu Thân ba tôi mua giấy đỏ, mực Tàu về viết 3 câu. Câu thứ nhất treo bên phải là:

      Cây có cội gìn cây cho thẳng.

      Câu thứ nhì đối lại treo bên trái là:

       Nước có nguồn giữ nước cho trong


Học cao chưa thấy rộng

      Bác Hai tôi xem xong, sửa lại tấm tượng còn lại hai chữ Tổ Quốc thôi. Bác bảo viết gọn như vậy đủ rồi. Tổ Quốc cũng gồm nước nhà tiên tổ trong đó rồi. Tượng mà đề nhiều chữ quá không đẹp . . . Chỉ có thế  mà hai người cãi nhau cả ngày không xong. Tối hôm đó, ông nội tôi bảo tôi nấu trà, mời ba tôi và bác tôi ngồi lại, nghe ông  phân giải. Thay vì bảo nên lấy hai chữ như ý bác Hai hay bốn chữ theo ý của ba tôi thì nội tôi lại kể cho hai người nghe một câu chuyện đời xưa  nhan đề là: “Học Cao Mà Chưa Thấy Rộng”. . . Kể xong, bác Hai tôi hỏi:

      - Tía định ám chỉ việc tui sửa lại câu liểng của chú Ba nó đó hả?

         Ông nội uống tiếp một hớp trà, rồi nhìn tôi đáp:

       - Đâu có. Tao nói chuyện đời xưa cho thằng cháu nội đích tôn tao đây nghe chơi thôi. Chuyện thi họa anh em bây tía hơi sức đâu mà xía vào…

       Nói xong nội vuốt râu cười khà khà. Bác Hai và ba tôi ngồi êm re không dám hỏi nữa. Đây là một trong những câu chuyện mà mỗi năm, đến ngày giỗ nội tôi, bác Hai tôi thường kể lại cho cả họ tộc nghe. Đã qua mấy mươi năm, bây giờ bác  Hai tôi cũng đã theo nội về cõi vĩnh hằng. Năm nay, nhân ngày kỵ cơm nội tôi. Tôi nhớ và ghi lại câu chuuyện nội kể để tỏ lòng kính nhớ ông bà. Chuyện như sau:

 *
       Khoảng thế kỷ 13, ở Trung Hoa có một Đại Học Sĩ tên TÔ ĐÔNG PHA. Ông cũng là nhà thơ nổi tiếng thời nhà Tống lúc bấy giờ. Một hôm Tô Đông Pha đến thăm quan Tể Tướng Vương An Thạch, nguyên là bạn học hồi thuở thiếu thời. Lúc Tô Đông Pha đến dinh Tể Tướng thì Vương An Thạch đi triều kiến vua Tống chưa về. Tể Tướng phu nhân sai tỳ nữ dâng trà ngoài hoa viên và mời học sĩ dùng trà ngoạn cảnh chờ đợi. Tô Đông pha thấy giữa “Vọng Nguyệt Lầu” và nhà “Thủy Tạ?” có hai câu thơ Vương An Trạch viết trên tấm bia dựng cạnh đầm sen:

      “Nguyệt minh sơn đầu khiếu
      Hoàng khuyển ngọa hoa tâm”


      Tô Đông Pha xem xong thì cười ha hả . . . bảo tỳ nữ mang bút mực ra, ông bèn sửa lại  hai câu thơ của Tể Tướng Vương An Thạch như sau:

      Nguyệt minh sơn đầu chiếu
      Hoàng khuyển ngoạ hoa âm


      Nghĩa là:
     > “Đầu non mặt trăng chiếu
       Bóng mát chó vàng nằm”

     

       Sửa xong Tô Đông Pha ghi để lại mấy dòng cho Vương An Thạch: “Mặt trăng không thể “hót” được? Chó vàng làm sao “nằm” giữa đoá hoa . . . rồi thi sĩ nhà ta bỏ ra về.

      Khi  triều kiến xong trở lại tư dinh, Vương An Thạch thấy thơ mình bị sửa ông mỉm cười nói cùng Tể Tướng phu nhân rằng:

      - Học cao mà chưa thấy rộng thì khó mong thành bậc hiền tài giúp ích cho quốc gia.

      Tể Tướng phu nhân hỏi chồng:

      - Phải chăng Tướng Công muốn nói về học sĩ Tô Đông Pha?

      Vương An Thạch gật đầu rồi giãi bày thêm ý mình cùng vợ:

      - Phu nhân biết không? Nếu thuộc làu kinh thi sử sách thì rõ là khó có người nào qua được Tô Đông Pha. Chính đức vua cũng ngợi khen. Nhưng tiếc thay hiểu biết về cuộc sống trong thế nhân thì người bạn tâm giao Tô Đông Pha của ta còn quá nghèo nàn. . .

      Mấy tháng sau Đại Học Sĩ Tô Đông Pha nhận được chỉ dụ từ phủ Tể Tướng điều động đi khai phóng dân sự vụ tận quần đảo Nam Hải. Quần đảo nầy gồm những cù lao hoang vu nằm tận eo biển phía Nam Trung Hoa lúc bấy giờ. Đời sống dân cư còn rất thấp, tháng ngày người dân chỉ biết lo phá rừng trồng bắp, bắt cá, mò cua, trồng lúa, trồng rau lao động độ nhật. Phần đông dân chúng trên các đảo đều không biết chữ. Mấy năm đầu tới đây, thay vì mở trường dạy học mở mang dân trí, Tô Đông Pha lại buồn đời, tối ngày cứ ngao du uống rượu ngâm thơ, vì Học Sĩ nghĩ rằng Vương An Thạch cố ý đày ông ra chốn sơn lâm cùng cốc nầy để trả hận; Một Học Sĩ dám phạm thượng sửa thơ của Tể Tướng triều đình.

      Một ngày nọ, Tô Đông Pha đang ngắm trăng uống rượu với các già làng bên bờ suối. Trong lúc ngà ngà say, thì một con chim, có bộ lông màu thiên thanh, mỏ đỏ, chân vàng sà xuống đậu bên sườn non phía trước mặt, cất tiếng hót lãnh lót:

      “Hoàng khuyển . . . Hoàng kh. . .uyển . . .”

      Tô Đông pha hỏi các già làng “Chim gì”? Một ông cụ lễ phép đáp:

      - Thưa Đại Học Sĩ, đó là chim “Nguyệt Minh”. Loài chim nầy cứ mỗi đầu đêm trăng tròn là nó hót để báo tin có hoa Chu- Huỳnh nở. Lát nữa thôi, cả bầy chim Nguyệt Minh sẽ bay về đây bắt  “Hoàng Khuyển” để thịt.

      Tô Đông Pha ngạc nhiên hỏi tiếp:

      - Chó vàng đâu đây mà chim Nguyệt Minh bắt?

      - Dạ bẫm không phải bắt chó vàng. Một già làng giãi bày  thêm:

      - Thưa học sĩ, Hoàng khuyển là tên của một con sâu. Mỗi đoá hoa Chu-Huỳnh nở đều có một chú “Hoàng Khuyển” ú na ú nần nằm chính giữa. Chim Nguyệt Minh chỉ nhẹ nhàng xớt con sâu thôi. Bông Chu-Huỳnh còn nguyên không bị trầy trụa chi hết.
                                 
      Đêm hôm ấy. Tô Đông Pha về nhà nằm thao thức không ngủ. Ông cố nhớ lại từng nét chấm phá trong hai câu thơ của Vương An Thạch treo ở hoa viên Tể Tướng mà ông đã cạo sửa ngày nào:

      Nguyệt Minh sơn đầu khiếu
      Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm.


      (Nguyệt Minh hót đầu núi
      Hoa nở Hoàng-Khuyển nằm)


      Như vậy, Nguyệt Minh là tên một loài chim. Hoàng Khuyển là tên một giống sâu. Nào phải đâu mặt trăng hay chó vàng . . . Tô Đông Pha tự trách vốn kiến thức về cuộc sống của mình còn quá kém, nên vô tình xúc phạm đến vị Tể Tướng triều đình và làm sứt mẻ tình bằng hữu thâm giao.

      Sáng hôm sau, Đại Học Sĩ viết một bức thư phân bày và tạ lỗi cùng Vương An Thạch với lời lẽ hối tiếc chân thành nghe thật cảm động. Một tháng sau Tô Đông Pha nhận được phúc đáp của Tể Tướng là Ngài rất mừng, vì hai câu thơ của Ngài không còn bị hiểu lầm. Ngoài ra Vương An Thạch còn có nhã ý xin nhà vua triệu hồi Tô Đông Pha về kinh lãnh chức vụ mới cao hơn. Nhưng Đại Học Sĩ  khẩn khoản xin được ở lại Hải Nam. Từ đó ông miệt mài viết sách, mở lớp dạy học, đào tạo thêm nhiều nhân tài . . . góp phần  khai phóng dân trí . . . đến mãn đời mình.

      Nghe nói, tại quần đảo Hải Nam  hiện vẫn còn ngôi miếu thờ “Đại Học Sĩ Tô Đông Pha”.



 Sông Cửu

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian