Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Ba và cái ruột tượng- Hà An

BA VÀ CÁI RUỘT TƯỢNG

    Được người bạn cũ mời lên chơi, tôi đã đi xe đò lên vùng cửa khẩu biên giới thuộc huyện Đức Cơ ( Gia Lai). Khi xe đi ngang qua xã Ia Dom, có người chỉ cho tôi  địa danh tên là Suối Đôi- nơi có hai con suối nhỏ chảy gần như song song với nhau khá nên thơ. Nhưng cái tên này nhắc lại cho tôi một kỷ niệm mà mấy mươi năm nay tôi đã lãng quên. Đó là vùng đất đơn vị Ba tôi đóng làm doanh trại để làm con đường tới biên giới. Ký ức về hình ảnh của Ba tôi và lời tâm sự của ông khiến tôi không khỏi bồi hồi.

Ba và cái ruột tượng

     Kể từ khi tôi lớn khôn, dịp để ba và tôi đươc gần gủi bên nhau là khoảng thời gian cuối năm âm lịch,  đơn vị của ba phải đốc sức làm cho xong con đường, vì thế khá lâu rồi ông không được về thăm gia đình.Nhân tiện có xe đơn vị về thị xã  chở thực phẩm, mẹ  bảo tôi mang thức ăn và một ít đồ dùng cho ba trong những ngày Tết sắp đến. Tôi đang được nghỉ học, nên hăng hái theo xe ra đơn vị của ba nhưng khi tôi gặp ba thì ba chuẩn bị ra công trường. Còn lại mình tôi thui thủi trong gian phòng nhỏ của ba nhưng được bày biện rất gọn gàng, ngăn nắp. Khi tôi tò mò giở  mấy tấm ván kê làm chỗ nằm, nhìn xuống cái hộc đóng theo kích thước giường, tôi thấy ngoài quần áo, vật dụng của ba, còn có một tấm vải cũ sắp mục nhưng ông gói rất cẩn thận trong bao nylon. Lúc ba về, tôi thắc mắc với ba về tấm vải ấy. Ông trả lời đó là cái ruột tượng mà bà nội tôi đã trao cho ông ngày xưa. Đêm ấy với giọng trầm trầm, ba tôi đã kể lại phần đời đã qua gắn liền cái ruột tượng…

      Khi ba tôi vừa đến tuổi mười tám, đang còn là thư sinh ngày ngày cắp sách đến trường, cuộc sống đầy lạc quan, yêu đời thì một biến cố xảy ra với ba tôi, thời ấy ở vùng quê của ông còn duy trì tục tảo hôn nên giữa nhà ba tôi và nhà một người hàng xóm đã có sự đính ước ( dù bằng miệng ) cho ba và một cô gái lớn hơn 5 tuổi ngay từ lúc còn nhỏ, khi ba tôi  đã trưởng thành thì bên nhà gái yêu cầu tổ chức đám cưới. Không muốn ràng buộc chuyện gia đình, muốn tương lai mình rộng mở hơn, ba tôi chối nhận cuộc hôn nhân này và quyết định bỏ nhà ra đi, mặc dầu bà nội tôi khóc lóc, năn nĩ. Cuối cùng bà nội mới nói ông bác tôi( anh kế ba ) lén ông nội tôi xúc lúa trong bồ đi xay ra gạo. Một phần để làm lương thực cho ba mang theo, một phần bán lấy tiền cho ba làm lộ phí. Bà nội đã dành cả buổi chiều để may cái ruột tượng rồi bà nhận gạo vào căng cứng đến nổi ba tôi vác đi đã thấy nặng. Cái ruột tượng đã thể hiện tình cảm yêu thương lớn lao của bà tôi dành cho đứa con trai út.

       Rời nhà, ba tôi đi xuống Cửa Lò để tìm việc. Không may việc thâu tuyển người lao động ở địa phương và các tỉnh phía Bắc không còn nữa. Ba và một số người đành phải đăng ký đi vào cao nguyên để làm việc cho một đồn điền cao su của người Nhật ( chiếm lại của Pháp ). Đoàn người xuôi vào Nam bằng chuyến tàu biển chạy từ Cửa Lò đến cảngThị Nại ( Quy Nhơn), biển động nên con tàu lắc lư ngang dọc khiến ba tôi say sóng,  nôn mửa đến mệt lữ người. Ba tôi ngồi dựa vách tàu, hai chân kẹp cái ruột tượng, hai tay ôm chặc lấy nó; nước mắt ba trào dâng, ông nức nở gọi “ Mệ ơi, mệ ơi…”. Rồi biển bắt đầu êm, ba quen với chu kỳ lắc của tàu nên sinh hoạt cá nhân trở lại bình thường. Tiếp đến, mọi người phải vượt qua những đoạn đường bộ dài mới tới đồn điền ở Buôn mê thuột.

       Nhìn trang trại cao su nằm thoi loi giữa núi rừng thâm u, trùng điệp , người ở vô cùng thưa thớt, chỉ có những lán nhỏ nằm dưới các tán cây ai nấy đều lắc đầu ngao ngán nhưng trót phóng lao phải theo lao, có hối hận cũng đã muộn! Nhóm quản lý người Nhật sau khi hướng dẫn các thao tác đơn giản về cây cao su đã bắt những lao động mới đi cạo mũ, làm cỏ cao su. Để có được miếng ăn, đồng tiền , mọi người phải làm việc quần quật suốt ngày, tối lăn ra ngũ, do đó ít có thời gian để nhớ nhà, nhớ về người thân. Ở nơi sơn lam chướng khí, ba tôi bị sốt rét phải nghỉ để điều trị. Nằm gối đầu trên cái ruột tượng, ba hình dung đang được mẹ gối tay ôm ấp khi còn bé, sống vô tư quay quần với người thân dưới một mái nhà mà những giọt lệ rơi ướt đẫm cái ruột tượng. Để phục hồi sức khỏe, ba lấy gạo từ cái ruột tượng để nấu( vì gạo ở đây khô mục, người đau thấy khó ăn). Ôi gạo quê nhà sao thơm dẻo, ba ăn vào thấy người đỡ ra. Và cũng may mắn, khi một người Nhật vào thăm ba, hắn thấy ba có cuốn sách bằng tiếng Hán mà ba mang theo để học vì ba đang học lớp Thành Chung, học ba thứ tiếng: Pháp, Hán Nôm vàQuốc ngữ. Thế là hai người nói chuyện bằng chữ viết trên giấy và ba được chuyển làm phiên dịch giữa Nhật và người Việt trong giao tiếp hằng ngày.

      Được ít lâu thì người Pháp tái chiếm lại cái đồn điền này, nhờ rành tiếng Pháp, ba lại tiếp tục được làm phiên dịch. Nhìn cái ruột tượng tên Pháp hỏi, ba giải thích và làm cơm mời hắn ăn, hắn khen ngon và dùng bữa vài lần. Người Pháp thấy ba hiền lành, cởi mở nên rất yêu quí ba.

      Trong khoảng thời gian này, đất nước có nhiều biến động , người quản lý  rủ ba tôi lên Dalat để sống an toàn hơn. Ba tôi cũng muốn thoát khỏi nơi hoang vắng này nên đồng ý đi theo. Họ tới Cité St. Benoit- phố cũ của Dalat, có nhiều người Pháp sinh sống-, mở quán bar bán rượu và thức ăn sáng. Tuy phụ vói người Pháp nhưng nhờ sáng dạ và khéo tay, ba tôi làm thức ăn Tây khá ngon và một bartender có tiếng nên quán khá đông khách, Rồi tình hình chính trị, quân sự bất lợi cho người Pháp nên họ lũ lượt rút về nước, ba tôi quản lý quán một thời gian thì hoàn toàn vắng khách, ông phải đóng cửa quán.

      Ba tôi phải đi lang thang hết nơi này đến nơi khác để tìm việc làm mới nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Những đồng tiền để mua thức ăn cũng như các thứ tiêu dùng cần thiết cũng dần cạn. Ba bốc từng dúm gạo trong cái ruột tượng một cách dè xẻn để nấu ăn qua ngày, mỗi lần ăn uống như vậy, ông cảm thấy nghẹn ngào vì gạo trong ruột tượng vơi đi thì cảm giác thân tình, gần gủi với mẹ cũng ít theo.

      Cuối cùng ba cũng có được việc làm nhờ một người trong một xưởng cơ khí hay ra quán ba tôi ăn sáng trước kia, thấy bây giờ ba tôi lâm vào cảnh thất nghiệp nên giới thiệu ba tôi vào phụ viêc trong xưởng. Từ đó, ba tôi vươn lên trong cuộc sống nhờ chịu khó học nghề lái xe và sửa chữa  máy móc. Người đưa ba tôi vào xưởng sau này chính là anh của mẹ tôi.

     Có được công việc ổn định, ba tôi không phải lo bữa đói bữa no nữa. Ba tôi đã trút phần gạo cuối cùng cho một gia đình người K`Ho có con nhỏ bị ốm nặng nhưng không có gạo để ăn… Ba thầm cầu mong bà nội tha lỗi vì phụ lòng chăm sóc của bà.

         Từ đó, ba tôi xếp cái ruột tượng, bỏ vào bao nylon cẩn thận đi đâu cũng mang theo  như giữ lại hình ảnh của người mẹ hiền thân yêu bên mình mãi mãi.


Nguyễn Ngọc Anh (4- 2018)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian