Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Về miền Tây- Cẩm Tú Cầu

VỀ MIỀN TÂY

Suy nghĩ đã lâu, hôm nay vợ chồng chúng tôi mới thực hiện được, một chuyến đi về miền Tây, miền đồng bằng sông Cửu Long, nơi có ruộng cò bay thẳng cánh, có những danh thắng tôi chưa một lần đặt chân đến bao giờ. Tối hôm ấy trên chuyến bay bảy giờ tối, từ Pleiku phố núi mây ngàn, quanh năm thời tiết lành lạnh. sương mờ giăng giăng...

Chúng tôi đến Sài Gòn, vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã thấy khí hậu khác biệt, vừa nóng, vừa ồn ào, người người tấp nập, tuy đã hơn chín giờ tối mà Sài Gòn vẫn còn bị kẹt xe, tôi có cảm giác như Sài Gòn chẳng bao giờ ngủ. Cái nóng hâm hấp của thời tiết cuối thu, những cơn gió hanh hao của ban ngày còn vươn lại, làm cho lòng người thấy chênh chao, lạ lẫm.

Ngày hôm sau chúng tôi ở nhà, nhà của con gái mua cho cháu ngoại ở học cũng thuận tiện, chiều lại có vợ chồng đứa cháu kêu bằng dì và đứa con gái nhỏ của cháu đến chơi, rồi rủ đi ăn tối. Nhà hàng nào cung đông nghẹt, quán cafe hết chỗ ngồi

Về miền Tây

Hôm sau mới năm giờ sáng vợ chồng tôi đã lên đường, xe được đặc sẵn từ trước, một chiếc xe bảy chỗ, trên xe ngoài vợ chồng tôi tài xế có thêm đứa cháu ngoại hiện là sinh viên năm hai đi theo. Bốn người trên chiếc xe bẩy chỗ thật thoải mái. Buổi sớm không lạnh,không có sường mờ vây phủ như ở thành phố Pleiku, nhưng tiết trời thật mát mẻ, xe chạy men theo đường bờ sông Sài Gòn rất ít xe cộ, hai bên đường còn sáng toả ánh điện vàng. hắc xuống mặt đường một thứ ánh sáng le lói buồn buồn. Ra khỏi thành phố, trước mắt tôi vỡ oà một không gian mênh mông quang đãng, toàn là ruộng lúa chạy xa tít tận chân trời, trên không mây trắng im lìm chẳng di chuyển. Thoáng chốc xe chạy qua sông Vàm cỏ Đông, một con sông nhỏ, rất nhiều bèo lục bình, mùa này chẳng cỏ hoa, tôi ngở ngàng, tự nhủ là con sông Vàm cỏ Đông đây sao? Nó nhỏ và nằm trơ vơ giữa những ruộng lúa

Rồi xe chạy qua đường cao tốc, đường rộng rãi, xe chạy nhanh, hai bên đường thỉnh thoảng có những chiếc cầu vượt, ruông lúa, có nơi đang thì con gái, có nơi nước mênh mông, vì mùa này là mùa nước nổi, xa xa chẳng thấy núi non mà tất cả đều bằng phẳng, nhà cửa thưa thớt, một buổi sáng yên bình, trong lành, mặt trời chưa lên, nhưng phía Đông vừng hồng đã ưng ửng, làm sáng một góc trời

Vừa qua khỏi đường cao tốc, chúng tôi đã gặp ngay quán hủ tiếu Mỹ Tho. Ăn sáng xong, chúng tôi đi xuống Bac Liêu. Đoạn đường này dài hơn hai trăm cây số. Xe chạy khoảng năm mươi cây số, đến thị trấn Cai Lậy, nơi đây có những dãy nhà thật lớn chất toàn gạo, gạo bát ngát, gạo lan tràn

Hai bên đường, phần nhiều là ruộng lúa, chuối, dừa và nhưng cây linh tinh, không có tre như ở miền Trung. Chỉ những khi qua thị trấn mới thấy phố xá và các trạm dừng chân bên đường bán toàn đặc sản như bánh pía, lạp xưởng, bánh tráng sữa kẹo dừa..v...v còn lại đường vắng ít xe cộ, thỉnh thoảng có cầu ngắn, bắt qua các con kênh lạch nhỏ, có đi về miền Nam mới thấy công lao của các bậc tiền nhân, của chúa Nguyễn và ông cha ta ngày xưa đã Nam tiến, đã đồng hoá dân tộc Chiêm Thành, Chân Lạp, đã khai khẩn đất đai, ở cái thuở mà phương tiện rất thô sơ, sơn lam chướng khí, thú dữ muôn trùng. Nghĩ về các tiền nhân, lòng tôi lại thấy bùi ngùi một nỗi xót xa và đầy khâm phục.

Về miền Tây

Qua bao thị trấn đông người, gần trưa chúng tôi đến cầu bắc Mỹ Thuận, ngang qua thành phố Vĩnh Long, cầu thật lớn và rất mới. nhìn xuống con sông Tiền Giang rộng lớn, nước mênh mông, lòng tôi nao nao nhớ đến ba tôi, dòng sông này đã bao lần in bóng ba tôi. Ông đã từng làm việc tại Vĩnh Long, thuở ấy chưa có cây cầu này, mọi người đều qua sông bằng phà. Ông làm ở đây từ năm 1958 đến 1962. Bốn năm trời mà ba chỉ về Qui Nhơn thăm mẹ và chị em chúng tôi ba lần vào dịp tết. Vì mỗi lần về là hết tháng lương còn đâu tiền để gửi cho chị em tôi ăn học. Nghĩ đến sự hy sinh của ba mà tôi ứa nước mắt, tôi thường được mẹ cho đọc những đoạn thư ba gửi về, ba đã diễn tả nỗi lòng ba nhớ mẹ, nó miên man bất tận, nó ray rứt trái tim ba từng ngày. Đôi lúc nhớ vợ con quá, nhất là những buổi chiều, có lúc ba nhìn cảnh đoàn tụ gia đình, cảnh ấm cúng của các bạn cùng sở làm, mà ba thấy trái tim mình nhói đau, ba muốn vội vàng về bên mẹ.... Nghĩ đến lòng thương con, vì con của ba mẹ, lòng tôi lại dâng lên những cảm xúc dạt dào sâu lắng. Bây giờ hai người không còn nữa, chắc ba mẹ đang hạnh phúc nơi cõi vĩnh hằng

Đến trưa chúng tôi đến nhà thờ cha Diệp, một người tử vì đạo, nơi đây là chốn linh thiêng rất nhiều người khắp nơi đến cầu xin cha mọi điều.

Trưa hôm đó chúng tôi ăn trưa một quán bên đừờng, bữa ăn toàn món đặc sản miền Nam, gồm cá kèo kho tộ, bồn bồn xào tôm thịt, canh chua, bồn bồn là những cọng màu trắng bằng ngón tay, ăn vào mềm ngọt rất hấp dẫn, món này tôi chưa ăn lần nào. Rồi chúng tôi ghé nhà công tử Bac Liêu, một ngươi ăn chơi nổi tiếng thời Pháp thuộc, một người mà có rất nhiều giai thoại phung phí tiền bạc như đem tiền đốt để luộc trứng....

Buổi chiều đó chúng tôi ghé chùa Dơi, chùa của người Khmer có từ 400 năm trước, vừa bước vào sân, nhìn vào chùa tôi đã thấy một tượng Phật nằm rất lớn, nét mặt vui tươi, như chào đón khách thập phương. Trong chùa có nhiều bảo vật rất quý, quanh chùa cây cối bao phủ mát rượi, nhìn lên cây cao có những đàn dơi đu dưa trong gió, thu mình như quên mất thời gian và không gian. Nhìn chúng thật thảnh thơi trong ánh nắng chiều xuyên qua kẻ lá. Trong chùa có tượng bà Đen rất linh thiêng. Rời chùa Dơi chúng tôi qua chùa Đất sét, những thánh tượng nơi đây đều làm từ đất sét, có những cây nến cháy hàng nửa thế kỉ chưa hết, Sóc Trăng có được hai ngôi chùa đáng quí, thuận tiện nhất là chùa được toạ lạc gần thành phố.

Lúc này mặt trời đã ngả về hướng Tây, những tia nắng vàng tươi của tiết cuối Thu mềm và dịu vô cùng. bầu trời đầy mây trắng như những khối bông xốp khổng lồ đứng im một chỗ.

Về miền Tây

Chúng tôi lên đường về bến Ninh Kiều, Trong buổi hoàng hôn, trong cái ánh sáng yếu ớt của buổi chiều, trên sông Hậu Giang, bến Ninh Kiều vẫn còn rộn ràng, thuyền tàu vẫn di chuyển trên sông, sóng nước bập bềnh gợi lòng lữ khách bao nỗi khoắc khoải bâng khuâng.....Tôi đứng rất lâu trên bến Ninh Kiều, nhìn cảnh vật, sông nước nơi đây, lòng lắng xuống và tâm tư chất chứa đầy nỗi niềm

Chúng tôi chọn khách sạn ngay trước bến Ninh Kiều, đi ăn nhẹ và dạo phố đêm, đêm Cần Thơ đẹp và trầm, thành phố lớn, người dân nơi đây có vẻ thoải mái, thảnh thơi bổng tôi nhớ câu " Cần Thơ gạo trắng nước trong " của ai đó trong dân gian, tôi nhìn chung quanh, thấy có nhiều bảng hiệu mang chữ thơ, như Ngọc thơ, kim thơ, hoàng thơ ..v....v

Năm giờ sáng chúng tôi đã dậy chuẩn bị đi chợ Nổi cái Răng, một nơi buôn bán trên sông, con đường đến bến đò tranh tối, tranh sáng, những ánh đèn vàng hiu hắt vắng lặng, giờ này chưa có người đi bộ thể dục như ở miền Trung. Bước xuống thuyền đều mặt áo phao tuy dòng sông không sâu lắm, sóng đập vào bờ, vào mạn thuyền, dòng sông như bị khuấy động suốt ngày bởi tàu thuyền

Buổi sáng trên sông, mát dịu, cảm giác lâng lâng trong lòng, nhìn qua bên kia sông là làng mạc im ắng, như một làng quê thanh bình, có những bóng dừa nhô cao giữa bầu trời, thật bình lặng và quyến rũ. Chúng tôi ngồi thuyền quan sát trên sông Hậu Giang, có nhà hàng khách sạn nổi rất lớn, có cây xăng trên sông, những cụm bèo lục bình trôi nổi nhấp nhô theo sóng. Bây giờ mặt trời đã lên, phía trời Đông có những đám mây hồng, ánh nắng đầu tiên trong ngày chiếu sáng, lấp lánh trên mặt sông đẹp và yên bình. Chợ toàn là thuyền mua bán phần nhiều là trái cây, có thuyền cafe, thuyền điểm tâm sáng, thuyền nào bán thực phẩm gì thì có cây sào treo thực phẩm đó ví dụ như thuyền bán chuối treo nải chuối trước thuyền. Những thuyền lớn, đầy ắp bí đỏ, khoai lang, dừa và trái dứa ( thơm ), nhìn những trái vú sửa láng bóng, trái xoài ưng ửng vàng, mẫn cầu chín mơn mởn, đã kích thích vị giác của tôi ......

Về miền Tây

Một điều làm tôi xúc động miên man, hình ảnh này cứ mãi ám ảnh, day dứt tôi, có một người đàn ông khoảng ngũ tuần bị liệt hai chân, bán vé số trên sông, điều khiển thuyền bằng ba sợi dây, lòng tôi cứ thấy áy náy không biết sẽ ra sao khi, thuyền bị trục trặc.

Buổi đi chơi trên sông làm cho tâm hồn tôi thư giản thoải mái vô cùng, tôi như quên đi bao lo âu phiền toái của cuộc sống thường ngày.

Trên đường về chúng tôi ghé thành phố Vĩnh Long vì ngày hôm qua chúng tôi chỉ đi ngang qua cầu bắc Mỹ Thuận, ngang qua sông Tiền Giang không vào thành phố. Thành phố rộng và nhiều con đường rợp bóng mát. Ông xã tôi tìm nhà thăm một người bạn cùng khoá, từ hồi còn trong mái trường Võ Bị Đà Lạt, cách đây năm mươi tư năm, ông bạn này, tất cả anh em đồng đội đều ngở đã mất, đã đưa vào danh sách tử trận, danh sách những cánh chim lìa đàn. Mới tìm ra được hai tháng nay.

Cuộc hội ngộ thật cảm động, hai người cứ nhìn nhau, nhìn nhau mãi, đến lúc chia tay, ánh mắt lại rưng rưng, như nói với nhau ngàn lời tha thiết, nắm chặc tay nhau không muốn rời...

Nơi thành phố này mới chính là chỗ làm, chỗ ở của ba tôi thuở trước . Tôi nhìn quanh, lòng phân vân không biết nơi nào ba đã ở, nơi nào ba đã đi qua, tôi cứ nhìn những ngôi nhà cũ kĩ, những cây cổ thụ rêu mờ, hy vọng tìm được chút hương vị thời gian đã khuất chìm theo năm tháng, nhưng cảnh vật nơi đây cũng lưu lại trong tôi bao nỗi nhớ về người cha thân yêu, bao hoài niệm về người cha một thuở nào xa xôi mà tôi luôn luôn ghi khắc....

Trên đường về chúng tôi đi qua hầm Thủ Thiêm, con đường dưới lòng sông Sài Gòn, hầm ngắn và ít xe

Có đi đó đây tôi mới mở rộng tầm mắt, mới thấy đất nước mình xinh đẹp và đáng yêu vô cùng, Tôi tự hẹn với lòng mình, một ngày không xa tôi sẽ về miền Đông, Nam bộ, sẽ đi khắp đất nước mến yêu, để được ngắm nhìn những lũy tre làng xanh biếc và những đồi núi chập chùng, ẩn hiện cuối chân mây Thật biết bao danh thắng đang mời gọi tôi...

CẨM TÚ CẦU

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian