Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tưởng nhớ nhà thơ Hữu Loan- ST

TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ HỮU LOAN

     Nhân tròn 8 năm ( 18.3.2009 – 18.3.2017 ) nhà thơ HỮU LOAN về với cõi vĩnh hằng, PNBB xin đăng lại phần cuối hồi ký của ông kể về thời gian sau khi ông sáng tác bài thơ bất hủ "Màu tím hoa sim" đến cuối đời...


Tưởng nhớ nhà thơ Hữu Loan     Đó là thời năm 1955-1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút cam tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cặn. Làm thơ phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì ! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng … Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn 1 tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông … Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động.. Tôi phản động ở chỗ nào ? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc ?

     Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được ! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có 2 cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi … Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi ! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi ! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi. 

     Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mết chuộng. sau năm 1956, khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm ! 

     Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954-1955. 

Tưởng nhớ nhà thơ Hữu Loan     Lúc đó còn là chính trị viên của tiểu đoàn, tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học, lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần 500 mẫu tư điền. 

     Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Thế rồi, một hôm, Tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố . Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại 2 cái đầu đó, cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng. 

     Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ, nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. 

Tưởng nhớ nhà thơ Hữu Loan     Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi ; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. 

     Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ. 

     Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó, bữa đói bữa no … Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa ! 

     Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ. Thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm ra nhập làm gì. 

     Năm 1988, tôi « tái xuất giang hồ » sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gío. Tôi lang bạt gần 1 năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự. 

     Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyền bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với gía 100 triệu đồng. Họ bảo, đó là một hình thức bảo tồn tài sản Văn hoá. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia « lộc » cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi gìa, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. 

     Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán…”. 

Nhà Thơ HỮU LOAN

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian