Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai: Quỳnh Hương

Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai: Quỳnh Hương 
(04.11.2016)

     Sáng ngày 04.11.2016, tại quán cafe Tri Âm của nghệ sỹ ngâm thơ Lan Hương- nhóm bạn hữu Phố núi và bạn bè cùng các anh chị em thân thi hữu Pleiku lại có dịp họp mặt đông đủ chung vui với nhà thơ Hương Ngọc trong buổi ra mắt tập thơ thư hai của chị- tập thơ Quỳnh Hương. Và như bao lần- một cuộc mạn đàm nho nhỏ, vài tiết mục giao lưu văn nghệ đơn sơ, chút ấm nồng của đôi ly rượu... sẽ mãi mãi còn đọng lại, ghi dấu tình thân của những người yêu thơ Phố núi.

     Phố núi và bạn bè xin được giới thiệu cùng Quý độc giả Lời đề tựa tập thơ Quỳnh Hương của nhà thơ Văn Châu và vài hình ảnh buổi giao lưu. 

***

ĐÔI NÉT VỀ TẬP THƠ QUỲNH HƯƠNG- 
Thi phẩm thứ hai của Nhà Thơ Hương Ngọc

Nhà thơ Hương Ngọc     Tôi và chị Nguyễn Thị Ngọc Hương vốn đã quen biết và cũng là đồng nghiệp của nhau từ lâu lắm, thế nhưng chỉ vài năm trở lại đây, tôi mới biết chị làm thơ với bút danh Hương Ngọc.

     Điều ấy xác tín rằng “ Văn là Người”.- Thật đúng như vậy! Tính cách riêng của chị trong đời sống hàng ngày vốn luôn hiền hòa, đôn hậu, kín đáo, không thích ồn ào, vì thế chị làm thơ cũng âm thầm, tĩnh lặng như để tìm vui, để giải bày tâm sự cho riêng mình và để giao lưu cho bạn bè thân quen thưởng lãm mà thôi.

     Sau thi tập đầu tay Quang Gánh Mẹ Tôi - in năm 1014 và vài tập nữa in chung cùng nhóm thân hữu ở Pleiku, nay chị ấp ủ và sắp cho ra mắt thi tập thứ hai bao gồm những bài thơ đã đăng rải rác trong các trang Liên trường Pleiku, Phố núi và Bạn bè, Hương xưa và trên Facebook...

     Tôi có niềm vinh dự là được chị tin gửi, nhờ viết cho đôi lời này.Thực sự tôi cảm thấy rất khó và lúng túng. Bởi tôi vốn dĩ thường quen làm thơ hơn là viết văn- huống hồ đây lại là một lời bạt, một bài giới thiệu. Lỡ nhận lời, thôi thì tôi cũng mạnh dạn chấp bút ghi lại một vài cảm nhận qua cách cảm, cách nghĩ của riêng cá nhân mình.

     Phải nói rằng thơ của chị rất đa dạng và phong phú từ thể loại đến đề tài. Ngôn ngữ dung dị, không trau chuốt cầu kỳ. Cung bậc cảm xúc trong từng bài đạt độ chín rất cao, rất dạt dào. Có lẽ vì thế người đọc luôn cảm thấy sự rung động nhẹ nhàng, nhưng cũng rất nồng nàn; tha thiết trong từng bài thơ dù ngắn hay dài của chị.

     Dù xa lìa cố quận Quảng Nam- nơi chôn nhau cắt rốn từ ngày còn thơ bé, nay thi thoảng lắm mới có dịp về thăm, thế nhưng trong lòng chị mãi luôn thao thức; đau đáu niềm thương nỗi nhớ về Đất và Người của một miền quê dẫu khó nghèo nhưng mãi luôn hiền hòa, thơm thảo

     Về Quê là một bài như thế- rất đáng đọc! Mà đã đọc là phải đọc hết cả bài, chứ không thể ngắt ra để trích dẫn một đoạn hay vài câu tiêu biểu được:
Hàng tre bơ phờ trong nắng hè trưa
khom lưng xuống che đường làng mát rượi
Gặp dấu chân ai tưởng mình xưa mười tuổi
Mà rưng rưng thương lắm chốn quê nhà.

Làng ngoại tôi bên dòng sông Vu Gia
Đêm lanh canh tiếng vạn chài đánh cá
Mùi rơm rạ đang mùa gặt thơm quá
Chim sẻ đồng lót tổ hót ríu ran

Dây trầu cay bò lêu lổng dọc ngang
Ngoại không còn, bình vôi khô vỡ miệng
Cây khế ngọt vươn mình soi gương giếng
trái rụng vàng con trẻ chẳng buồn ăn.

Quê nhà ơi! bao hình bóng xa xăm
Chôn mãi trong tim chiều vàng quê nội
Tiếng gọi nghé về chuồng nghe bổi hổi
Rặng cau già lưng bạc trắng đu đưa.

Tôi về quê- nơi của những ngày xưa
Cứ như rứa có chi mô đổi khác
Quen lam lũ, đời giản đơn mộc mạc
Đất Quảng mình sâu nặng chẳng đâu hơn!

                     (Về Quê)
     Hay bài Tình Quê cũng vậy:
Quê ơi! lâu lắm chưa về
Vu Gia sông nhớ đã nghe mát lòng
Cầu Bà Rén nhịp hoài mong
Quế Sơn đất Quảng nặng lòng mẹ cha.
Sông Thu núi Quế nào xa
Muốn ăn "phở sắn"xuýt xoa chịu thèm
Có gì nhiều nhặng cho cam?
Bờ tre ruộng lúa xanh lam khói chiều.
Mái chùa cong kéo trăng lên
Trẻ chơi rồng rắn bên thềm ríu ran
Xa quê nắng biển mưa ngàn
Trong tôi luôn cả muôn vàn tình quê!

           (Tình Quê)
     Những tưởng nhiều bài thơ trong thi tập Quang gánh Mẹ Tôi, chị đã giải bày hết nỗi lòng của người con đối với bậc sinh thành dưỡng dục, nào ngờ chị vẫn như chưa nói hết, mãi còn hoài niệm và thương nhớ khôn nguôi:
Đoan Ngọ rồi con lại nhắc con thôi
Nấu mì Quảng và tìm chanh nhỏ mắt*
Nhà trống vắng con thạch sùng trốn mất
Khói nhang mờ di ảnh mẹ trầm tư.

                (Đoan Ngọ)
     Để rồi nhân mùa Vu Lan báo hiếu chị đã thành tâm lên chùa lễ Phật cầu siêu lạc độ cho người quá vãng:
Khói hương chùa trầm mặc từ bi
con khẽ nguyện có bao điều về mẹ
chữ hiếu thôi, suốt cuộc đời mãi thế
mưa giăng đầy rơi ướt cả mắt con.

          (Lên chùa tháng Bảy)
     Hay:
Vu lan năm có một mùa
Mẹ ơi!biết mấy cho vừa lòng con
Hiếu tình bao chút cỏn con
Vai gầy mẹ gánh nước non dặm dài
Nhớ thương nào có phôi phai
Mênh mang lòng mẹ nặng hoài nghĩa con.

                 (Mùa Vu lan)
     Rưng rức nhất là ngày giỗ 10 năm ngày anh xa vắng, chị như nghẹn lời nên chỉ viết được 1 tứ thơ rất ngắn mà khắc khoải, lắng sâu:
Mười năm người xa vắng
thăm thẳm chốn suối vàng
a bùi ngùi trong dạ
nén hương tưởng nhớ chàng...

           (10 năm)
     Để lại sự ngậm ngùi nơi lòng chị:
Trăng vẫn mùa trăng cũ
người vẫn người năm xưa
mà sao lòng trống vắng
mà sao đời quạnh hiu...

          (Mùa Xưa)
     Hay:
Tôi đi tìm tôi chiều xuống, trăng lên
liu riu hoàng hôn mà trăng thì nhạt bóng
tay đan tay, hóa ra mình mơ mộng
rệu rã buồn, quạnh quẽ lại mình thôi!.

                 (Tìm)
     Pleiku, dẫu không phải là nơi sinh ra, thế nhưng- có thể nói rằng chính phố núi này là nơi chị đã chọn để gắn bó và coi như là ruột thịt đến trọn đời mình. Dẫu rằng giờ đây con cái chị đã thành đạt và lập nghiệp ở nơi xa. Do vậy tôi có thể gọi thơ của chị là thơ của một người con phố núi:
Em cầm chút nắng lên tay
mà nghe thương nhớ tháng ngày đã qua.

                (Nhớ)
     “Tháng ngày đã qua” ấy chính là tình bạn của thời hoa niên cắp sách đến trường, sau này thành cô giáo và nay trong tuổi xế chiều vẫn còn thân thương, thắm thiết bên nhau:
Phố núi của tôi phố bạn bè
Nặng tình trang lứa nói nhau nghe
Cà phê mấy quán chôn lòng nhớ
Hội ngộ sớm hôm nở hội hè

              (Bạn)
Tìm về với tóc pha sương
Vụng về tay nắm vấn vương bạn bè

          (Viết cho ngày hội ngộ)
     Và nhớ những kỷ niệm học trò đã xa:
Trời dịu dàng sau những cơn mưa
Sương như áo học trò trắng phố
Bạn bè về với trường xưa lớp cũ
Pleiku thửi ấy mãi mong chờ…

          (Pleiku chốn cũ ta về)
     Cũng như đa số những người làm thơ khác, mãng thơ tình trong chị Hương Ngọc chiếm một dung lượng không nhỏ. Những cung bậc; trạng thái của từng bài thơ mang rất nhiều âm hưởng, giai điệu, sắc màu, nhưng tựu trung lại- thơ tình của chị đều buồn như những nốt trầm sâu; lặng. Cũng phải thôi, bởi đó là những cuộc tình của hoài niệm, của ký ức ly tan như khói; như sương mong manh huyền ảo:
Em đưa tay vớt hạt tròn bong bóng
Có hạt buồn da diết tuổi thơ qua
Chút lạnh lùa mơn man trên da
Em đong mãi có đầy đâu kỷ niệm…

           (Mưa không như buổi ấy anh về)
Hết nắng rồi mưa đó thôi
Giận hờn yêu thương trở lại
Mà sao mình còn mê mải
Đợi chờ khắc khoải vì nhau

              (Đợi mưa)
     Chút hoài niệm:
…Có một chiều đông xa xưa thật xa
Em bối rối theo anh về phố núi
Năm đó lạnh mà em thời nông nổi
Cũng điệu đàng khăn áo thả bên anh

               (Có một chiều đông)
     Để rồi:
…Biết bao điều khác muốn mà thôi
Gói lại cả gởi vào năm cũ
Bên thềm nắng chiều đông đang ngủ
Có hay đâu chúm chím nụ mai vàng

                  (Mà thôi)
     Điều đặc biệt hơn nữa là thơ của chị- ngoài câu từ mộc mạc; trong sáng, ngoài vần điệu nhẹ nhàng; uyển chuyển, ngoài ý tứ thanh tao; tinh tế...còn rất giàu tính nhạc cảm. Chính vì lễ ấy mà nhiều bài thơ của chị đã được quý bạn bè thân hữu chọn để phổ thành những bản nhạc hay với những giai điệu mượt mà; sâu lắng. Như các bài: Ngày Xưa (Nguyễn Bích Hằng), Cà phê một mình (Nguyễn Tâm), Một ngày & Nghiêng chiều (Lê Hát Sơn)… (tập thơ Quang gánh Mẹ tôi- Hương Ngọc)

     Hy vọng một ngày nào đấy, hội đủ “cơ duyên” các tác giả thơ – nhạc sẽ biên tập, hòa âm, phối khí chỉnh chu hoàn thiện hơn để ra mắt một CD để làm kỷ niêm và là tặng phẩm cho đời. Mong lắm thay!

     Mãi cho đến những ngày gần đây, khi đã quyết định sẽ cho in thi phẩm thứ hai này, sau khi đã tuyển chọn kỹ càng- chị vẫn loay hoay chưa tìm ra được cái tên cho xứng nghĩa. Hôm hẹn đến nhà để trao cho tập bản thảo, chị còn nhờ tôi cho chị một góp ý. Bất chợt nhìn ra góc sân nhà, tôi thấy một khóm quỳnh mà lá cành xanh mướt, mang những nụ mầm đang chờ đêm về để được khai hoa, tỏa làn hương tinh khiết. Tôi biết chính góc ngồi rất thơ mộng này, chị trang trải cảm xúc của lòng mình để chắp cánh cho những vần thơ hay:
Có hờn có giận chi đâu
Mà hoa nở giữa đêm thâu hở Quỳnh?

           (Quỳnh hương)
     Không chút đắn đo, tôi đề xuất: Quỳnh Hương! Nào ngờ mắt chị bỗng sáng lên, không chút ngần ngừ chị đáp: được đấy- và cho biết chị cũng đã từng nghĩ đến. Hình như đó là sự giao cảm rất kỳ diệu trong văn chương, sự đồng điệu trong tâm hồn của tôi và chị- dẫu chưa hẳn là tri kỷ, những ít nhiều cũng đã “tri tâm” cùng nhau.

     Chúc Quỳnh Hương mãi tinh khiết, ngát thơm!

     Rất mừng và chung vui cùng Nhà thơ Hương Ngọc!

     Và xin trân trọng được giới thiệu thi phẩm này đến với tất cả bạn bè, thân thi hữu gần xa!
                                Phố núi , đêm hạ huyền cuối thu 2016
                                                          Văn Châu

Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai


Nhà thơ Hương Ngọc ra mắt tập thơ thứ hai

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian