Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tướng quân bàn giấy và cái kết bi thảm của gần nửa triệu quân- ST

Tướng quân bàn giấy và cái kết bi thảm của gần nửa triệu quân

      Cuộc chiến Trường Bình giữa 2 nước Triệu - Tần thời Chiến quốc được ghi nhận lại là một trong những trận chiến tàn khốc nhất, với kết quả 5 vạn quân Triệu bị giết và 40 vạn bị chôn sống chỉ trong một đêm. Tất cả đến từ suy nghĩ hồ đồ, không biết mình biết người của tướng quân bàn giấy Triệu Quát

      Triệu Xa (danh tướng nhà Triệu) có người con trai tên là Triệu Quát, ngay từ bé đã đọc và bàn luận rất nhiều. Triệu quát vẽ trời vạch đất giảng giải lung tung, coi thiên hạ không ra gì, dẫu bố là Triệu Xa cũng không bắt bẻ được, nhưng Triệu Xa vẫn không cho là phải.

     Triệu mẫu thấy con được như vậy rất mừng, bà nói:

      - Quả là... tướng môn xuất tướng!

      Triệu Xa không vui, nói:

     - Quát không thể làm tướng được. Nước Triệu không dùng nó là đại phúc cho xã tắc.

      Triệu mẫu nói:

      - Quát đọc hết binh thư, bàn rất thấu đáo về binh sự. Thiên hạ không ai bằng nó, sao bảo là làm tướng không được?

      Triệu Xa nói:

Tướng quân bàn giấy và cái kết bi thảm     - Chính vì Quát tự cho thiên hạ không ai bằng mình, tôi mới nói rằng nó làm tướng không được. Việc binh cầm bằng cái chết trong tay, lo lắng, sợ hãi, cẩn thận từng bước, học hỏi từng người mà vẫn còn nhiều sai sót. Thế mà Quát lại cho là dễ dàng. Nếu nó được giữ binh quyền thì nó sẽ tự ý mà làm, do đó những kế hay không lọt vào tay nó, chắc chắn chuốc lấy sự thảm bại.

      Triệu mẫu đem lời nói với Quát. Quát nói:

      - Cha nay đã già nên nhát.

      Hai năm sau Triệu Xa bệnh nặng, trước lúc lâm chung kêu Quát đến dặn:

      - Binh hung chiến nguy, người xưa lấy đó làm răn. Cha mày mấy năm làm tướng giờ mới kịp mừng tránh được cái nhục thua trận. Mày không có tài làm tướng chớ nên dây vào cái nghiệp đó mà làm hại nước, hư nhà, thiệt dân.

      Triệu Xa lại dặn vợ:

      - Sau này nếu vua phong cho nó làm tướng, bà nên kể lại những lời của tôi và từ chối. Mất quân nhục nước là cái tội rất lớn.

      Dù vậy vua Triệu, sau khi Triệu Xa mất, vẫn phong Triệu Quát làm Mã Phục Quân, nối chức cha!

      Bấy giờ Triệu Huệ Vương đã qua đời, Hiếu Thành Vương lên kế vị. Tần sai Đại Tướng Vương Hạt đem quân tiến đánh 17 quận ở Thượng Đảng (của nước Hàn), tướng Phùng Đình liệu sức không giữ được bèn dâng đất ấy cho Triệu. Người đến tiếp nhận đất Thượng Đảng Bình Nguyên Quân Triệu Thắng.

      Phùng Đình nói với Triệu Thắng:

      - Công tử về Triệu cử danh tướng và đem đại quân đến đây mới giữ được đất này.

      Thế nhưng khi tiếp quản xong, Bình Nguyên Quân về Triệu ngày đêm tiệc tùng để vui mừng "chiến lợi lớn", 17 quận ở Thượng Đảng không đánh mà được. Trong lúc đó tướng Tần vây đánh đến hai tháng, Phùng Đình không giữ nổi đành phải bỏ thành mà chạy, vua Triệu liền cử tướng Liêm Pha đến thì Tần đã lấy xong Thượng Đảng và đang tiến quân đến Trường Bình.

      Liêm Pha phân quân chống cự với Tần hơn nửa năm bất phân thắng bại. Vua Triệu còn nhỏ không hiểu biết việc binh nhung lợi hại thế nào cứ xúi Liêm Pha xuất quân mà không được phép thủ.

      Lúc đó Tần dùng kế phản gián nhờ các gian thần của Triệu phao tin: "Tần chỉ sợ Mã Phục Quân Triệu Quát. Nếu Mã Phục Quân cầm binh thì Tần sẽ rút binh về". Vua Triệu hỏi Triệu Quát:

      - Khanh có thể đánh Tần được không?

      Triệu Quát nói:

       - Nếu Tần dùng Võ An Quân Bạch Khởi thì thần có thể tốn ít công phu trù mưu quyết kế, chứ Tần dùng Vương Hạt thì thần coi chúng không ra gì.

      Vua Triệu nghe Triệu Quát nói cứng như thế rất đẹp lòng, bèn phong Triệu Quát làm tướng chuẩn bị ra trận thay cho Liêm Pha. Lạn Tương Như đang nằm bệnh nghe vậy liền vào triều can:

       - Đại vương dùng Triệu Quát làm tướng chỉ vì nghe tiếng suông của ông ấy mà thôi, giống như gảy đàn không dây. Triệu Quát chỉ đọc sách chứ không có tài ứng biến.

Tướng quân bàn giấy và cái kết bi thảm
Liêm Pha (trái) và Lạn Tương Như, hai công thần nhà Triệu.

      Nhà vua không nghe. Triệu Quát thẳng ra giáo trường duyệt 45 vạn quân sĩ. Duyệt binh xong, Triệu Quát liền chở mấy xe vàng lụa đem về nhà chào mẹ. Triệu mẫu nói:

      - Lúc lâm chung, phụ thân con dạy những gì, nay con quên rồi sao?

      Triệu Quát nói:

      - Con cũng muốn từ chối, ngặt nỗi không có ai giỏi bằng Quát này!

      Triệu mẫu dâng thư cho vua, đại ý: "Xin đức vua chớ dùng Triệu Quát. Quát chỉ biết đọc sách chứ không biết lẽ biến thông, không thể làm tướng được". Nhà vua đòi Triệu mẫu vào triều. Bà nói:

      - Già này từng thờ cha nó, được biết mỗi khi đức vua ban thưởng vật gì đều phân phát hết cho tướng sĩ, cùng chịu khó khổ với quân sĩ. Đến khi thụ phong làm tướng thì ông không để ý gì đến việc nhà nữa. Còn Quát làm tướng thì ngồi ngoảnh mặt về phía Đông tiếp khách, không chịu nghe ý kiến ai. Vàng lụa của vua ban đều đem về nhà cất. Hằng ngày xem cái gì có lợi thì mua bán. Trước lúc lâm chung bố nó có dặn: "Nếu Quát làm tướng thì hại cho nước Triệu". Xin đức vua hãy chọn tướng khác.

      Nhà vua vẫn không nghe. Bà mẹ Triệu Quát biết không can được, chỉ xin sau này nếu Quát thua trận thì bà được miễn tội.

      Triệu Quát dẫn binh đến Trường Bình thay cho Liêm Pha. Bên kia Tần cũng cho Bạch Khởi thay Vương Hạt làm chủ tướng, giữ Vương Hạt làm phó tướng, lại hạ lệnh giữ bí mật việc đổi tướng, ai làm lộ thì chém. Trận đầu Bạch Khởi xuất ba ngàn quân, Triệu Quát xuất quân một vạn quân nên thắng được trận đó. Quát tự đắc khoa tay múa chân vạch trời, vẽ đất thuyết giảng om sòm, báo tiệp về triều.


Tướng quân bàn giấy và cái kết bi thảm
Trận Trường Bình.

      Qua trận thứ nhì, Quát đem quân đuổi theo quân Tần, bị Bạch Khởi tung quân ra vây chặt quân Triệu trong 46 ngày. Triệu Quát cùng kế, đành đích thân dẫn một cánh quân tinh nhuệ liều chết đi phá vây, nhưng không thành, Triệu Quát và cả cánh quân đi cùng bị giết tại trận. 40 vạn quân Triệu còn sống đầu hàng. Đêm đó Bạch Khởi cho chôn sống toàn bộ hàng binh quân Triệu. Tính ra trong trận Trường Bình, trước sau quân Tần đã giết sạch 45 vạn quân Triệu, dòng sông xanh Cốc Dương từ đó biến thành màu đỏ thẫm!

Lời bàn:

      Vua Triệu tin dùng Triệu Quát mà không chịu tin Liêm Pha và Lạn Tương Như, Triệu mẫu cũng vì xã tắc mà vào triều can, thế mà Bình Nguyên Quân Triệu Thắng đang làm Tướng Quốc không có một lời can gián. Nước Triệu bại trận này khiến cho binh lực của sáu nước phương Đông (Sở, Hàn, Ngụy, Triệu, Yên, Tề) phải xuống dốc, nước Tần có cơ hội thôn tính sáu nước. Đây là một bài học lớn cho các bậc trị quốc ngàn đời.

      Kẻ có tài năng (nhất là tài năng về quân sự) thì họ có thái độ điềm tĩnh, nói rất ít, nghe rất nhiều. Mỗi lời nói của họ vững như núi. Trong đạo làm tướng, ngoài tài năng thiên phú, người ấy còn phải mài luyện trên chiến trường để lấy kinh nghiệm xương máu, để biết địa hình địa thế, không thể ngồi trong tháp ngà mà nói chuyện chiến tranh.

      Qua cung cách của Triệu Quát, ta biết Quát không thể làm tướng được. Tác phong làm tướng phải trầm hùng, lạnh lùng, ít nói mà hiểu việc sâu sắc. Còn nói nhiều chứng tỏ Quát không có chiều sâu, chỉ có thiển cận, nông nổi.

      Một lẽ dễ hiểu, nói nhiều là để lộ cái sơ hở của mình cho địch biết. Làm tướng mà đa ngôn, lạm ngôn là điều tối kỵ trong binh gia.

(Theo Ngô Nguyên Phi - Thuật xử thế của người xưa- ST sưu tầm)
-------------------------------------------------------------

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian