Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Quê- Đào Duy An

QUÊ
Cây Quéo 21/12/2014; Đào Duy An

1. Tôi sinh ra bên dòng sông Trà, chính xác là tại Phú Nhơn A, gần Quán Cơm thuộc xã Sơn Long, quận Sơn Tịnh (địa danh trước 1975), tỉnh Quảng Ngãi mà sau này mới biết là cùng quê với Lê Văn Duyệt[1] và Trương Định[2]. Ký ức nguyên sơ đầu tiên về quê có lẽ là đợt lụt năm 1972 ba cõng gởi chùa Linh Sơn sát Quán Cơm, rồi sau đó là những chiều mấy chị em được ba chở ra bờ nam sông Trà thỏa thê với cát.

2. Lịch sử chuyển dòng: ngay sau 25/3/1975 theo bà nội đi bộ về quê cha đất tổ ở Tịnh Minh; đoạn đường 17 km mà đi cả ngày. Đau thương và lam lũ khắc sâu. Tôi lúc thì ở với bà nội, khi thì về với má cũng thôn Minh Khánh nhưng khác xóm.

Chỉ 11 năm ở quê thôi nhưng buồn vui quyện lẫn khắc tâm khảm trẻ lên 10.


Hình ảnh Quãng ngãi

3. Có lẽ quê sâu nặng trong tôi là nhờ cuốn “Non nước xứ Quảng” ba mua mà may mắn trải điêu linh tôi còn giữ. Tôi yêu “Thiên Ấn niêm hà”, “Thiên Bút phê vân”, “Long đầu hí thủy”, “Cổ Lũy cô thôn”, yêu “cô gái lòng son không bằng tô don vạn Tượng”, yêu “cá bống sông Trà”...mà sau này tìm lại mới ngỡ ngàng tình yêu và thực tại...

4. Quê là nơi gia đình, dòng họ mình đã qua nhiều đời làm ăn, sinh sống, thường có sự gắn bó tự nhiên về tình cảm với mình; đó là Từ điển tiếng Việt 2014 của Vietlex định nghĩa.

Quê (trong tâm tưởng Việt tộc) là nơi tổ tiên sống từ đời thứ sáu trở đi (đời sau con, cha, ông, cụ, kị). Nhớ xưa quê của Việt tộc lúc đầu là vùng Thanh Hoá, sau đó trải dài đến 18 tỉnh Tàu hiện nay nên mới có câu ca “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước sông Nguồn chảy ra”. Dần dà Việt tộc mất đất, mất chữ...mới quay về cố hương là vùng đất Thanh Nghệ Tĩnh và bắc bộ cùng dân Việt vốn sinh sống trước đó dựng nước Văn Lang[3]; khoảng 700 năm trở lại đây tổ tiên mở đất từ Hà Tĩnh trở vào hình thành quê là dải chữ S huyền diệu thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và xương máu tiền nhân. Tại Quảng Ngãi, dấu chân Việt sớm nhất là 1402, sau đó là 1471 và các đợt di dân trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Tổ tiên tôi vào Nam trong dòng lưu dân mở đất đó.

5. Quê ngai ngái mùi rạ, rơm mới; mỗi lần về quê hay đi đâu đó ngang đồng mùa gặt, hít mùi rơm mới là ký ức quê dội về, nhớ ngày đi mót lúa cúc cu bà cháu nuôi nhau. Gốc rạ, vốn xuất phát là nền văn minh lúa nước sớm nhất trên thế giới[3], là gốc của Việt tộc mà chữ Việt bộ mễ tạc rõ.


Hình ảnh Quãng ngãi

6. Quê là luỹ tre làng cọt kẹt trưa hè râm ran ve. Cái luỹ tre làng bảo tồn văn hoá Việt mà ở đó “phép vua thua lệ làng” [5]. Cây tre đã nên hình tượng Thánh Gióng, phản ánh ý chí giữ nước của Việt tộc. “Tre già măng mọc” [5] chỉ quy luật và tiến hoá muôn đời. Chính cây tre, mái tranh đã góp phần tạo nên chợ Đồng Có buổi ban sơ mà ngày sau 1975 tôi lẽo đẽo cùng bà nội sớm hôm tảo tần. Ôi mái nhà tranh, luỹ tre làng và chợ Đồng Có tạc trong tôi những ngày quặn thương bên bà nội!

7. Quê là tiếng gà gáy sớm mỗi sớm trở giấc khi về thăm quê ngủ lại nơi ngày xưa trong vòng tay chai ấm của bà nội. Tổ tiên cũng đã thuần hoá gà sớm nhất trên thế giới[3] và thông qua hình ảnh gà tổ tiên nhắn nhủ “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” [4]. Thêm một sát na, thêm một giấc nồng lại càng cảm nhận trí huệ tiền nhân sâu sắc.

8. Quê là hình ảnh sen hồng, là những buổi trưa trốn bà nội ngụp lặn Bàu Sen nhổ gốc sen về nấu. Sen quen thuộc của tuổi thơ, sen tinh khiết, sen thanh cao và sen vô nhiễm mà sau này mới vỡ:

             “Trong đầm gì đẹp bằng sen
               Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng.
               Nhuỵ vàng bông trắng lá xanh,
               Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” [5]3


Hình ảnh Quãng ngãi

9. “Hỏi quê? rằng mộng ban đầu đã xa” [6] nhưng với tôi quê đó là thế giới nhỏ nhoi này, là nước Việt yêu thương và có địa chỉ là Tịnh Minh, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, nơi in dấu những đêm ba má hò hẹn thuở hoa niên, nơi đậm mồ hôi tổ tiên thuở khai phá vùng đất mới và là nơi các cô bác đang lưng còng và mồ mả ông bà xanh ngày cuối 2014.
 -----------------------------------

[1]. http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_%C4%90%E1%BB%8Bnh.
[2]. http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_V%C4%83n_Duy%E1%BB%87t
[3]. Hà Văn Thùy. Tiến trình lịch sử văn hóa Việt. San Bernardino; Nhà xuất bản SG; 2014.
[4], [5]. Ca dao, tục ngữ, quy tắc ứng xử Việt Nam.
[6]. http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=225

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian