Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

"Bắc kim thang cà lang bí rợ" là cái chi chi?- ST

'Bắc kim thang cà lang bí rợ' là cái chi chi?

      "Bắc kim thang cà lang bí rợ" có thể được coi là câu hát cửa miệng của tất cả chúng ta thời thơ ấu, thế nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó, thậm chí tôi dám cam đoan đến hơn 90% chúng ta hát sai câu hát này.


     Trước khi tìm hiểu thế nào là “bắc kim thang, cà lang bí rợ”, tôi xin kể lại một câu chuyện cổ tích mà mình nghe được trong chuyến đi công việc tại Long Xuyên khoảng 5 năm trước. Người kể câu chuyện này là một cụ bà khoảng gần 80 tuổi, tụ tập cháu chắt lại rồi vừa ngồi bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện. Chắc hẳn rằng nghe xong mọi người sẽ hiểu thêm về việc mà chúng ta đang bàn tới ở đây. Chuyện kể như sau:

     “Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ, có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng. Nhà họ dựng trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo. Do hoàn cảnh đơn chiếc, nên hai anh cũng thân thiết với nhau. Có lần vì mẹ già của anh bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán, vì thế mà anh bắt ếch càng quý trọng tình bạn của anh bán dầu.

     Một đêm nọ, trong lúc đi làm việc, anh bắt ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính tò mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp nằm trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau mới bất cẩn rơi vào bẫy của con người. Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẫy tha cho mình, rồi hứa sẽ đền ơn báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bắt ếch cũng xuôi lòng rồi giải thoát cho chúng.



     Vài ngày sau, hai con chim cùng bay đến nhà anh bắt ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe được hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bắt ếch, cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai. Vì hai con ma này chết đã lâu, nếu trong 7 ngày không bắt được người thay thế sẽ bị hồn phách tứ tán, không được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh khi trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bắt ếch về nhà, bởi vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.

     Ban đầu anh bắt ếch đem cớ sự nói anh cho bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh bán dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời không có ma, quỷ. Theo lời le le và bìm bịp, anh bắt ếch viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu, chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không ra chợ bán được. Ngày kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ, lại bày tiệc ăn uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.

     Hôm ấy là ngày cuối cùng của thời hạn 7 ngày ma da bắt hồn, do say xỉn nhiều ngày liền nên anh bắt ếch ngủ quên. Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày liền bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ. Do bước vội vàng qua cầu khỉ cheo leo, lại bị bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi xuống nước mà chết. Anh bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay. Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn biệt một người chết oan.”


Bắc kim thang cà lang bí rợ
Chim le le trong bài hát
     Đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ mọi người đều sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao “Bắc kim thang” có 4 câu cuối là:
Chú bán dầu, qua cầu mà té.
Chú bán ếch, ở lại làm chi.
Con le le đánh trống thổi kèn,
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.
     Thực chất là để diễn tả lại câu chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa. Thế nên vấn đề còn lại nằm ở hai câu:
Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo, là kèo qua cột.
     Ở câu đầu tiên, “cà, lang, bí rợ” là để chỉ cho 3 loại củ, quả có cùng một đặc tính là thuộc họ dây leo, trái cà, khoai lang và bí rợ. Đặc biệt với từ bí rợ, là một từ thuần chất của miền Nam, cũng đã nói lên xuất xứ của bài đồng dao này là từ miền Tây Nam bộ.

     Nói đến “bắc kim thang” thì phải hiểu hơi “hàn lâm” một chút, là từ kim thang ở đây hiểu cho đúng phải là cái thang hình chữ KIM -金- tức là hình tam giác cân. Từ “kim tự tháp” cũng là bắt nguồn từ chữ “kim” này mà có, do chỉ hình dạng cái tháp của người Ai Cập cổ là hình tam giác cân.

     Còn cái “kim thang” của con nít ngày xưa là do người lớn dùng hai thanh tre dài, bắt chéo vào nhau tạo thành một hình tam giác cân rồi cắm trên mặt đất, cách vài mét lại đặt một cái như vậy, tạo thành một hàng dài. Bản thân của cái kim thang này trở thành một cái cột (do không có cây cột dựng đứng giữa nên hai thanh tre chéo vào trở thành cột luôn). Những cái kim thang được nối vào nhau bởi cái “vì kèo” là những thanh tre chạy dọc theo giàn, cứ như thế tạo thành một giàn cốt là để cho cà, lang, bí rợ leo lên mà sinh sôi, phát triển.

     Vậy “cột qua kèo, kèo qua cột” là chỉ mối quan hệ gắn bó vào nhau của hai vật thể. Cả câu “bắc kim thang, cà lang bí rợ, cột qua kèo, là kèo qua cột” cốt để miêu tả mối quan hệ keo sơn, quấn quít, gắn bó vào nhau của anh bán dầu và anh bán ếch ở bốn câu sau.

     Cả bài đồng dao này được viết lại dựa trên câu chuyện cổ tích kia, nên cách lý giải cũng vì thế mà nên hiểu cho đúng. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, người lớn không còn kiên nhẫn để giải thích cho con trẻ hiểu về truyện cổ tích kia, thế nên bài đồng dao “bắc kim thang” cứ thế mà lưu truyền, gây ra sự hoang mang, khó hiểu cho người nghe.

     Bên cạnh đó, cũng còn nhiều lời bàn, tranh cãi xung quanh việc lý giải ý nghĩa cho bài đồng dao này. Điển hình là ông Nguyễn Hữu Hiệp ở An Giang đã phát biểu trong hội thảo khoa học tại trường Đại học Cần Thơ năm 2003, rằng hiểu cho đúng thì bài đồng dao này phải được hát là:

Bắt kim than, cà lang bí rợ
Cột quai chèo, chèo qua chèo lại,
Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít,
Hái lá mít, chùi đít ngựa ô.
     Tuy nhiên cách giải thích này lại khập khiễng và vô cùng tối nghĩa, khó hiểu.

     Vậy nên tôi mới mạn phép truy tìm nguồn gốc, đọc và thẩm định rồi giải thích để mọi người hiểu hơn về bài đồng dao này. Nếu mọi người thấy cách lý giải này là hợp lý thì nhớ đặng mà con cháu có hỏi, thì ta biết trả lời rằng vì sao trẻ con hay hát:

Bắc kim thang, cà lang bí rợ,
Cột qua kèo, là kèo qua cột…

Sưu Tầm (Theo Báo Đất Việt)< /span>
---------------------------------------------------------------------------------

Đọc thêm: nguyên văn bài viết của ông  Nguyễn Hữu Hiệp

"Bắc kim thang" hay "Bắt kim than"?

      Tình cờ tôi bắt gặp trong tập sách Hát nhạc lớp 2 (do Nguyễn Thị Nhung và Hoàng Long biên soạn, NXB Giáo dục 1997 - in lần thứ năm), ở các bài 26, 27 và 28 có dạy: “Học bài hát: Bắc kim thang”, dân ca Nam bộ, ghi là một bài hát vui của trẻ em nông thôn Nam Bộ, các em hát khi chơi trò “khoèo chân”.

      Nguyên văn:

"Bắc kim thang cà lang bí rợ
Cột bên kèo là kèo bên cột
Chú bán dầu qua cầu mà té
Chú bán ếch ở lại làm chi
Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tí tò te".
     Là người An Giang – Nam Bộ “chính cống”, ngay từ tuổi ấu thơ tôi đã từng hát và chơi trò dân gian này nên xin được phép phát biểu vài ý kiến.

     Trước hết, về nhan đề bài hát, theo tôi nghĩ, viết “Bắc kim thang” là không đúng, mà phải viết “Bắt kim than”. Vì sao, rất đơn giản, vì con ngựa kim màu nâu sậm. “Bắt kim than” là bắt con ngựa ấy (xin xem Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam quốc âm tự vị, in năm 1895).

      Với lời bài hát, theo như sách Hát nhạc thì cả về lời và ý nghĩa chừng như không hợp lý. Chẳng những nó hoàn toàn xa lạ với những gì chúng tôi – người trong cuộc – đã biết mà còn vô lý không muốn nói là có ác ý, và không mạch lạc. Xin nêu ra mấy nhận xét:

    - Ở câu 1: Có lẽ những người biên soạn hiểu “Bắc kim thang” là bắc cái thang màu vàng (hoặc cái thang nhỏ – kim) lên đùa giỡn trên đống bí, tất nhiên phải đổ choài xuống, lăn văng tung toé! Chơi như vậy vừa nghịch ngợm vừa rất nguy hiểm không thể chấp nhận được!

     - Ở câu 2: Kết cấu khung sườn nhà, người ta xẻ ngoàm (ngàm) đầu trên của cây cột để nó đội chịu cây kèo, chứ không thể rời nhau kiểu cột một bên kèo một bên. Đối với nhà lá cột tre hoặc “nhà đá nhà đạp”, cột cũng đỡ kèo bằng “con sẽ” xỏ ngang qua, tức nó có sự liên kết chắc cứng chứ không thể “kèo bên cột, cột bên kèo” (hay “kèo qua cột, cột qua kèo) như có một dị bản mà tôi đã bắt gặp trong một sách khác. Tuy có lời lắp láy – dụng ý nhấn mạnh chúng không liên quan gì nhau, nhưng xét ra câu này cũng không đến nỗi quá vô lý.

     - Ở những câu còn lại: Không chỉ quá gượng ép mà còn “nhẫn tâm”! Thấy chú bán dầu té cầu (rơi xuống nước, có khả năng bị chết đuối) đã không tim cách cứu mà còn chế nhạo chú bán ếch sao không té theo! Nói “ở lại làm chi” là muốn cho “chú bán ếch” phải té luôn đặng cùng nhau “chết chùm”, đặng cùng nhau cười cho thỏa thích. Tuy nhiên, chỉ chú bán dầu té thôi, lũ le le và bìm bịp cũng đã “nổi trống thổi kèn” lên cười chộ vang rân. Chứng kiến, các em cũng đã tỏ ra rất khoái chí (không một tiếng rầy la phê phán bọn ấy, cũng không tìm cách cứu giúp chú bán dầu, không thương xót, không giúp đỡ người lâm nạn)!

     Đề cập đến 2 loài chim, tưởng không thể không nói qua vài nét đặc trưng của chúng:

     - Chim le le là loài vịt chuyên sống dưới nước, săn bắt tép, cá, hễ gặp người thì lặn trốn rất tài tình. Nếu không nhờ bẫy lưới giăng ngầm dưới nước thì không ai dễ gì bắt được chúng, do đó le le trở nên quý hiếm. Hiếm thì đã rõ, nhưng vì sao quý? Ta đã biết, thịt chim le le không ngon thậm chí hôi, song dân gian cho rằng rất bổ dưỡng, đặc biệt là cường dương, có tác dụng giải quyết bệnh yếu sinh lý, vì vậy ca dao có câu:

"Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí nấu chè hột sen"
     - Con bìm bịp cũng gọi chim bịp, sách viết là báo triều điểu (khi nước lên thì nó kêu, nên gọi báo triều – Gia Định thành thông chí) to hơn, hình dạng xấu xí, trông rất buồn bã, được cái là có “dược tính”, song “dân số” bìm bịp rất ít nên cũng thuộc loại quý hiếm. Dân gian cho rằng, thịt bìm bịp là vị thuốc, ngâm rượu uống (rượu bìm bịp) trị được chứng tổn thương xương (gãy, trật khớp), đặc biệt là giải quyết được chứng nhức mỏi. Ca dao:

"Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê"
     Như vậy, cả hai loài chim này không hề tiêu biểu cho vui múa lăng xăng (lại luôn luôn tránh xa con người) nên đặc trưng của nó là không thể “đánh trống thổi kèn” vui nhộn!

     Còn trò chơi với bài hát này cũng không phải là trò “khoèo” chân với “bộ dạng chết cứng” như trong sách mô tả. Kiểu trò chơi như vậy là hoàn toàn xa lạ với lứa tuổi ham vui, hiếu động của các em thiếu nhi.

     Là người đã từng mê thích trò chơi này thời thơ ấu, và khi đã hết tuổi thiếu nhi, vẫn được nghe “đàn em” trong xóm diễn đi diễn lại nên cho đến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ đích thực bài hát và trò chơi ấy như sau:

"Bắt kim than
Cà lang bí rợ
Cột quai chèo
Chèo qua chèo lại
Bắt ngựa ô
Chạy vô vườn mít
Hái lá mít
Chùi đít ngựa ô"
     Bài hát được kết hợp với trò chơi vui nhộn thường được diễn ra lúc trời chập choạng tối, gồm 4 em nắm tay nhau, bung ra thành vòng tròn, em nào cũng chân trái đứng, chân phải đưa thẳng ra phía trước, gác lên chỗ tay của 2 em đối diện đang nắm chặt, 4 chân ấy của các em đan luồn vào nhau “xoắn xuýt” như dây quai chèo. Tuy mỗi em chỉ đứng có một chân nhưng nhờ được chịu vào nhau nên chắc, vững. Vì thế các em không cần nắm tay nhau nữa mà buông ra rồi cùng nhau hát bài này. Vừa hát vừa vỗ tay nghiêng mình qua, nghiêng mình lại ăn rập theo nhịp điệu, hình dung tư thế người chèo mái dài: một chân trụ chắc còn chân kia “thả” để cân bằng khi thân mình chồm tới hay ngã lui, nhịp nhàng theo động tác. Song do chỉ đứng một chân lâu nên không thể không tê mỏi, vì vậy thỉnh thoảng có em phải nhảy khựng khựng để lấy lại thế cân bằng. Một em “điều chỉnh” tất nhiên ba em kia cũng phải nương theo y như mấy con ngựa bị thắng dây cương nhảy dựng dựng tại một chỗ, nên gọi “bắt kim than”.

     Bắt xong con ngựa im màu nâu sậm (kim than) ở cà lang bí rợ (sân rộng chất toàn trái bí rợ – nông phẩm mới vừa thu hoạch ở rẫy, chờ chuyển xuống ghe đem đi tiêu thụ), các em tiếp tục “bắt ngựa ô” – ngựa ô là ngựa có sắc lông màu đen. Khi hát đến câu cuối (chùi đít ngựa ô) thì các em đồng loạt ngưng vỗ tay, đặng em này vỗ đít em kia và cùng phá lên cười ngặt nghẽo. Lúc này cả bốn em đều không thể không té nghiêng té ngửa. Rồi mạnh ai nấy lồm cồm ngội dậy, tiếp tục chơi.

     Bởi những lẽ ấy, tên bài hát không thể “Bắc kim thang” mà là “Bắt kim than”. Cần hiểu lại cho đúng.

     Đồng thời xin kiến nghị với những người có trách nhiệm hữu quan nên nghiên cứu bỏ ngay toàn bộ bài hát “Bắc kim thang” độc hại ấy, thay vào là bài (và trò chơi) “Bắt kim than” chính xác vừa nêu.


Nguyễn Hữu Thiệp(An Giang)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian