Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

La Phum thôn- Huy Uyên

Thiếu nữ Plei Phum

La Phum thôn

Hai mắt em có đuôi lá răm
sáng nay về đâu mà coi đìu hiu lắm
về La Phum thôn với giáo đường đầy nắng
hay về D'ko Tu chuyến chợ phiên buồn .

Ai theo em để kịp cùng đường
nơi có lưng đồi và bầy nghé ọ
bên suối em gái bản làng hồng đôi má
và những hàng tre sớm mai hơi sương

La Phum thôn nắng reo mùa vụ
thoáng môi ai hơi ấm ắp giọng cười
hay em đi rồi bỏ lại mình tôi
bước thơ thẩn mà lòng căng bảo tố .

Chiều tiếng chuông nhà thờ chầm chậm đổ
giọng của ai êm dịu tiếng kinh cầu
La Phum thôn hai ngã về đâu
ngày ấy hai ta chia đôi bóng nhỏ .

Bao nhiêu năm rồi lệ người mắt đỏ
đọng bóng chiều chờ ai bước quay về
bỏ tình ở lại để cả đời tiếc nhớ
La Phum thôn mãi tiếng gọi làng quê .
                             tháng 11-2012
                                 Huy Uyên

Chú thích:
        La Phum (còn gọi là Plei Phum) và D' Ko Tu ( còn gọi là  Đê K’Tu) là hai điểm đến du lịch văn hóa nổi tiếng của Gia Lai và chỉ cách TP Pleiku khoảng hơn 30 cây số. Cả hai làng đều có lịch sử hàng trăm năm và vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng cho các dân tộc Tây nguyên như quần thể nhà rông, nhà mồ, nhà sàn gỗ..., các bộ chiêng, ché đàn Tơ rưng ..., nếp tín ngưỡng, phong tục tiếp khách, lễ hội... rất đặc sắc và độc đáo.

 Xem thêm:      
1-Video giới thiệu về Plei Phum (Chương trình VN vẻ đẹp tiềm ẩn VTV):


2- Bài viết "Đê K’tu mời gọi" (Thegioianh.vn).

      Làng Đê K’tu thuộc xã Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai là một điểm dừng chân lý thú của các du khách ưa thích loại hình du lịch khám phá. Đến đây, du khách sẽ được thả mình trong một không gian xanh bạt ngàn của những ruộng lúa, nương ngô, được tham quan chiêm ngưỡng những ngôi nhà rông cao sừng sững, uy nghi, thể hiện một ý chí, khát vọng sống phi thường của cộng đồng người Ba Na

     Với hơn 500 nhân khẩu sinh sống tập trung, quỹ đất dồi dào, làng Đê K’tu có một vị trí thuận lợi để phát triển mọi mặt, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhiều hộ dân nơi đây vẫn giữ được các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát… vừa để phát triển du lịch, vừa phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, du khách đến Đê K’tu còn có thể tham quan, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Ba Na như khu nhà mồ, tín ngưỡng thờ cúng, những nếp nhà sàn bằng gỗ tồn tại qua bao thế kỷ, những điệu múa quyến rũ của các cô gái, tiếng cồng chiêng cuốn hút của các chàng trai chân đất trong các lễ hội độc đáo của người bản địa làm say lòng bao du khách. Nơi đây còn lưu giữ được 2 bộ cồng chiêng, mỗi bộ 18 chiếc và các loại đàn dân tộc như Tơ rưng, Goong… tại nhà rông để mỗi dịp hội hè, đồng bào và du khách lại được thưởng thức âm thanh của các loại nhạc cụ truyền thống này. Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham quan công trình thủy điện A Yun, thác Lồ Ô…

Đê K’tu mời gọi 1
Cùng múa

Đê K’tu mời gọi 2
Uống thử rượu cần

Đê K’tu mời gọi 3
Mọi thứ đều lạ

Đê K’tu mời gọi 4
Đan gùi

Đê K’tu mời gọi 5
Đẽo tượng

Đê K’tu mời gọi 6
Dệt cui

Đê K’tu mời gọi 7
Sàng gạo

     Những năm gần đây, nhiều hộ dân trong làng đã biết mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đặc biệt biết dựa vào lợi thế vị trí, điều kiện thiên nhiên để phát triển du lịch. Điều này chẳng những giúp bà con đồng bào dân tộc có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo mà đời sống tinh thần cũng ngày một nâng cao. Chính bởi vậy, Đê K’tu là một trong 20 thôn, làng trên cả nước được chọn để đầu tư, bảo tồn, xây dựng “Làng văn hóa truyền thống”. Đó sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng người Ba Na, tỉnh Gia Lai. 

                                                         Hoàng Thắng - Ngọc Linh


COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian