Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Nụ hôn đầu - ST



     Nụ hôn đầu
                                            (Trần Dạ Từ)
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông


Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời


Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh,
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa…


Đọc thơ “Nụ hôn đầu”
                                    
(Nguyễn Hưng Quốc)
Phượng và nụ hôn đầu

      “Nụ hôn đầu” là một trong những bài thơ tình hay của Trần Dạ Từ. Nó vượt qua hai thử thách cực lớn: thơ tình và là thơ tình được viết bằng thể lục bát.

      Bài thơ được mở đầu bằng một khung cảnh tuyệt đẹp:


          Lần đầu ta ghé môi hôn
          Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
          Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
          Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông.

 
     Vừa là ngoại cảnh vừa là tâm cảnh. Ngoại cảnh: nơi nhà thơ, lần đầu tiên trong đời, cúi xuống hôn lên đôi môi một người con gái, là dưới những tàng phượng vĩ huy hoàng, trong khu vườn xanh, trên bãi cỏ biếc và giữa buổi trưa vàng nắng. Chung quanh hai người, những tiếng ve kêu rộn rã.


      Nhưng ngoại cảnh ấy cũng chính là tâm cảnh, hay có khi, chỉ thuần là tâm cảnh. Những màu sắc rực rỡ kia chính là tâm trạng ngây ngất yêu đời của một thanh niên bắt đầu yêu người. Và cả tiếng ve nữa. Không nhất thiết phải là tiếng ve kêu thật. Có khi chỉ là những tiếng ngân xôn xao của một trái tim đang rạo rực tình yêu và hạnh phúc. Nhớ thơ Huy Cận, ngày xưa:


          Hồn em đây đủ muôn ánh nghê thường
          Anh hãy bận hồn em màu sáng chói
          Anh có biết, hôm nay là ngày hội
          Của lòng ta. Em trần thiết, trang hoàng.

 
      Dù là ngoại cảnh kết hợp với tâm cảnh hay chỉ là tâm cảnh, đoạn thơ trên của Trần Dạ Từ cũng phác hoạ lại một sự thực đã thuộc về quá khứ xa xăm.


      Đoạn thơ thứ hai bắt đầu pha trộn giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái thực và cái ảo:


          Trên môi ta, vạn đoá hồng
          Hôn em trời đất một lòng chứa chan
          Tiếng cười đâu đó ròn tan
          Nụ hôn ngày đó miên man một đời.

 
      Hai câu trên là ảo giác lúc hôn. Hai câu dưới là ảo giác sau khi hôn. Cái có thật là hương vị hạnh phúc vẫn còn ngọt ngào trên đôi môi nhà thơ.
Đến đoạn thứ ba, hoàn toàn là hiện tại nhưng tất cả lại là hư ảo:


          Hôm nay chợt nhớ thương người
          Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
          Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
          Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.


Phượng và nụ hôn đầu

      Hư ảo vì mất mát. Mất mát vì xa cách. Người con gái được tác giả gọi là “em” ở đoạn thơ thứ hai, đến đây, biến thành “người”, “nhớ thương người”, một cách bâng quơ và mơ hồ. Một hình dáng cụ thể đã bắt đầu nhạt nhoà trong cái ý niệm “người” trừu tượng ấy. Người con gái của mối tình đầu đã bị tan chìm trong thế giới lấp lánh kỷ niệm của một thời đã qua.

      Rồi “môi hôn” biến thành “môi ai”. Môi đã lìa khỏi môi để đậu trên từng chùm phượng vĩ.


      Câu thứ ba của đoạn thơ này hoàn toàn giống câu thứ ba của đoạn thơ thứ nhất, chỉ có một chi tiết nhỏ thay đổi: “Trưa vàng” ở vị trí cuối câu được đẩy lên vị trí đầu câu. Lý do đầu tiên chắc chắn là vấn đề hiệp vần. Nhưng có lẽ đó không phải là lý do duy nhất.


      Thử so sánh hai câu trên mà xem. Có sự khác biệt khá xa trong nhạc điệu. “Vàng” và “xanh” đều là âm bằng. Nhưng “vàng”, với dấu huyền, thành nặng hơn, trầm hơn. Tưởng tượng câu thơ “Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh” là một đòn cân. “Trưa vàng” hơi trĩu xuống, gần mặt đất. “Vườn xanh” nhẹ thênh, bay bềnh lên cao, xa ngoài tầm tay.


       Ở vị trí đầu câu, “trưa vàng”, do đó, có âm hưởng lắng hơn. Nó không còn là buổi trưa nắng vàng cụ thể nữa. Ngờ như nó đã trở thành một thời khoảng trong đời người, cái thời khoảng, từ đó, nhà thơ nhìn lại, ngậm ngùi nhớ và tiếc kỷ niệm “cỏ biếc, vườn xanh”, hay nói cách khác, kỷ niệm “biết yêu người thuở mười lăm”, như một câu thơ khác, cũng của Trần Dạ Từ.


      Hư ảo vì mất mát. Nhưng hư ảo cũng còn là vì nhà thơ không đành tâm với sự mất mát. Ông cố níu giữ cái mà ông vĩnh viễn không còn. Người con gái không còn. Nụ hôn không còn. Thì nhà thơ giữ lại những tiếng ve kêu, những chùm phượng đỏ. Tiếng ve và hoa phượng là sự thực, đang trong hiện tại, hoàn toàn cụ thể, thế nhưng, tất cả đều bị nhà thơ ảo hoá trong cái thế giới kỷ niệm của riêng ông. Tiếng ve hiện tại thành “tiếng ve mùa cũ”. Cành phượng bây giờ thành những “cành phượng xưa”.


      Mất mát, nhớ tiếc và ảo hoá hiện thực thành kỷ niệm: đó là ba nét nổi bật nhất trong dòng thơ về tình yêu và tuổi trẻ của Trần Dạ Từ. Những bài thơ khác nhau về đối tượng, về giọng điệu vẫn gặp gỡ nhau ở một điểm chung. Là mất mát trong cuộc sống. Là nhớ tiếc trong tâm hồn. Và là ảo hoá thành kỷ niệm trong động tác thơ:


          Lá rụng bao nhiêu hè phố cũ
          Sao nghe lòng rưng rưng nhớ người

                                                                                                              (NPV st)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian