Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Re: Truyền thuyết bò điên- ST

Re: Truyền thuyết bò điên -Ngưu là trâu hay bò?
(nhân có bạn đọc thắc mắc từ bài viết Truyền thuyết bò điên...

         Âm Hán Việt ngưu = trâu thì hầu như ai cũng biết, nhưng ngưu còn có nghĩa là bò thì không phải ai cũng biết . Tìm hiểu vấn đề này cũng có nhiều thú vị:

1. Nghĩa chung của ngưu chỉ trâu bò

Ngưu là trâu hay bò          Ngưu 牛 là tiếng Hán Việt (HV), gần với các cách đọc của miền Nam Trung Quốc như Quảng
Đông ngau4. ngau2, au4, au2 (ngạc mềm hóa/velarised và có khi mất luôn phụ âm gốc lưỡi ng-), giọng Hẹ là ngiu2, ngieu2, niu2 ; giọng Minnan (Đài Loan) là gu5, ngiu5 ... và dạng ngạc cứng hóa (palatalised) nhiu6 của giọng Ngô (Thượng Hải) - giọng Hàn là wu, Nhật là gyuu. Theo như các vị tiền bối như P. Của trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895) hay Đào Duy Anh, Thiều Chửu (Hán Việt Tự Điển/HVTĐ), Lê Ngọc Trụ, theo Tam Tự Kinh, Việt-Hán Thông Thoại Tự Vị của Ðỗ Văn Ðáp … thì ngưu là trâu. Từ điển Hoa Việt thông dụng của Khổng Đức và Long Cương (NXB Văn hoá Thông tin – 1996), Trần Văn Chánh (TĐHV, 2005) thì cho ngưu là trâu bò… Còn theo học giả Nguyễn Văn Khôn (HVTĐ, 1960) ngưu là bò; Nhưng Đào Duy Anh (sđd) có thêm nhận xét rằng ta nhận lầm ngưu là bò!

          Bắt đầu bằng tiếng Anh có từ buffalo (buffle tiếng Pháp) là con trâu và cow (vache tiếng Pháp) là con bò. Các ngôn ngữ trong họ Ấn Âu có nhiều từ riêng chỉ con trâu, bò, bò rừng ... và thịt bò, thịt dê, thịt heo ... Tiếng Trung (Quốc) bây giờ dùng từ kép thuỷ ngưu HV (Hán Việt) 水牛 hay giọng Bắc Kinh (theo bính âm, pinyin) là shui3 niu2 dùng để chỉ con trâu. Còn con bò là mẫu ngưu HV 母牛 hay mu3 niu2 BK. Hoàng ngưu HV 黄牛 và hoả ngưu 火牛 cũng dùng để chỉ loài bò. Con bò đực (bull tiếng Anh, taureau tiếng Pháp) là công ngưu 公牛 hay ngưu 牛. Lựu ngưu 瘤牛 là loại bò có cục bướu (bò u, zebu). Bò Tây Tạng có lông và đuôi rất dài (yak) gọi là mao (ly) ngưu 犛牛. Tê hay con tê giác (rhinoceros) gọi là tê (tây) ngưu (hay tây ngu) 犀牛 có da dầy và sừng mọc ở mũi. Còn loại bò Mỹ nhiều lông (bison) gọi là dã ngưu 野牛 …v.v… Điều này cho thấy ngưu được dùng như một danh từ chỉ chung loại cũng như cá, chim … trong tiếng Việt. Các danh từ chỉ chung này cần thêm chữ để thêm chính xác như cá lóc, cá thu ... chim se sẻ, chim bồ câu ... Thành ra ngưu có thể là bò và cũng có thể là trâu. Người viết có làm một ‘thí nghiệm nhỏ’ bằng cách hỏi vài người bạn Bắc Kinh nghĩa của ngưu thì quả đúng theo nghĩa chung là trâu bò!

2. Cách dùng mơ hồ của cụm từ Sửu Ngưu

         Nghĩa chung của ngưu chỉ trâu bò dẫn đến cách dùng mơ hồ của cụm từ Sửu Ngưu 丑 牛 trong văn hóa Trung Quốc/TQ. Mười hai con giáp (sanh tiêu) của TQ thường là từ ghép như Tý Thử 子鼠 , Sửu Ngưu 丑 牛 , Dần Hổ 寅虎 , Mão Thố 卯兔 ... hầu như để nhắc nhở dân Hán nghĩa nguyên thủy của các loài vật tương ứng - điều này khác hẳn với văn hóa ngôn ngữ dân Việt. Người Việt không bao giờ nói ’Sửu Trâu’ cả (vì Sửu chính là tiếng Hán gốc Việt là Trâu rồim xem Nguồn gốc Việt Nam của tên con giáp Sửu/tlu/trâu (phụ lục 11A)), ta thường nói tuổi Sửu hay tuổi (con) trâu. Thêm vào đó là người TQ lại có khuynh hướng dùng bò (ox) thay vì trâu (buffalo, water buffalo) trong Sửu Ngưu 丑 牛thay vì trâu (buffalo, water buffalo) của Việt Nam.

3. Về ý kiến Trần Quốc Vượng và An Chi

           GS Trần Quốc Vượng/TQV có một bài viết về ’Con trâu và nền văn hóa Việt Nam’ in lại trong cuốn ’Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm’ (NXB Văn Học - 2003); Theo thiển ý người viết, dựa vào các dữ kiện phần trên, thì TQV đã không được chính xác cho lắm về sự ’hiểu lầm của các thầy đồ Nho học ... thường dạy học trò ’ngưu là trâu, mã là ngựa ..’, và ông cho ngưu là bò. Học giả An Chi đã đến gần mục tiêu hơn khi cho rằng ngưu chỉ con trâu ngày xưa và nếu đứng một mình thì chỉ con bò [1].

           Ta thấy trong các tranh cổ như Lão Tử kỵ ngưu (老子騎牛) và Thập Mục ngưu đồ (十牧牛圖) đều là hình dáng của loài trâu chứ không phải là loài bò!

Nhưng để ý là trong các món ăn Quảng Đông miền nam TQ (khác nhiều với Bắc Kinh, Thượng Hải ...) thì hủ tiếu thịt bò gọi là ngầu phảnh (ngưu phấn HV) cho thấy cách dùng ngưu là bò - so với ngưu xa HV (xe bò), ngưu nhục (thịt bò, beef/bœuf), ngưu nhũ (sữa bò) ...v.v...

4. Về ý kiến Lê Ngọc Trụ

          Trong vốn từ Hán có các chữ cổ 牯 (bò đực), khẩu (trâu bò) đáng chú ý : tiếng Phạn con bò là गो (go) cùng một gốc proto Ấn-Âu với cow (tiếng Anh) cu (tiếng Anh cổ), go (Mundari) , ko (Đan Mạch), koe (Hà Lan), kuh (Đức), ko (Thuỵ Điển), ko (Frisian/Frysk), kouh (Luxembourh), kau (Maori), bo (Ái Nhĩ Lan) ... Xem thêm các chữ chỉ bò của 539 ngôn ngữ và phương ngữ thế giới trên mạng http://www.arrakis.es/%7Eeledu/just... . Có thể cổ là tàn tích giao lưu văn hoá với Ấn Độ từ thời Thượng Cổ cũng như với các dân tộc khác ở phương Nam (tên 12 con giáp chẳng hạn). Cũng theo học giả Lê Ngọc Trụ/LNT trong "Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam" (1993) thì dạng ko गो môi hoá (labialisation) là bo và trở thành bò tiếng Việt, bos (La Tinh) ... so với niu, ngưu (từ gốc ku) : "Đây là những tiếng mượn có nguồn gốc xa ... mà ta không dè ..." (trang 51, sđd). Người viết chỉ ghi nhận ý kiến trên của LNT cho thấy những cách nhìn khác nhau mà thôi, tuy rằng không đồng ý với ông. Tiếng Thái bò có các dạng koh โค và wua วัว (môi hoá âm đầu của *bu hay bò ?) so với trâu là kwaai ควาย , grabèu ควาย ; Giao lưu văn hóa và ngôn ngữ Thái và Hán còn để lại dấu tích trong chữ ngua งัว (so với ngưu HV và các dạng đọc của giọng Hẹ, Quảng Đông đã viết ở trên) : ngua งัว cũng chỉ chung trâu bò.

         Theo Khang Hy - cổ 牯 : [廣韻] 公戸切 [集韻][韻會] 果五切,音古。[玉篇] 牝牛。[集韻] 牛名。 [ Quảng vận ] công hộ thiết [ tập vận ] [ vận hội ] quả ngũ thiết , âm cổ . [ Ngọc thiên ] tẫn(*) ngưu . [ Tập vận ] ngưu danh .

5. Phụ chú và phê bình thêm

Theo Tại Tuyến Tự Điển http://www.uname.cn/html/dic/9/99_7... 母牛 [cow]。俗稱閹割過的公牛 [bull]。亦泛指牛。如:牯子(牯牛。閹割過的公牛。多泛指牛);小孩不愛騎牯牛. Mẫu ngưu [cow] . Tục xưng yêm cát quá đích công(*) ngưu [bull] . Diệc phiếm chỉ ngưu . Như : cổ tử ( cổ ngưu . Yêm cát quá đích công ngưu . Đa phiếm chỉ ngưu ); tiểu hài bất ái kị cổ ngưu.

         ( Ghi chú : Bài "Truyền thuyết bò điên" được đăng ở mục Thư giãn ngày 02.04.2011)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian