Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Ký ức đời tôi ( Phần 7)- Đào Thương

KÝ ỨC ĐỜI TÔI
  Đào Thương
  (xem lại P1, P2, P3&4, P5, P6)

PHẦN 7: ÔNG RỘ

     Quanh nhà tôi, về phía nam, có nhà ông Rộ, ông cụ trên 70 sống một mình. Đằng sau nhà ông có cây vải thiều, trái rất ngọt. Ông có cây gậy vừa để tựa khi đi lại vừa dùng làm vũ khí để bảo vệ cây vải thiều khi vào vụ thu hoạch. Trên đầu gậy ông dùng ống nhôm nguyên dùng đựng cà phê trong khẩu phần lương khô của quân đội Pháp thế nên chúng tôi thường báo động nhau “ gậy cà phê sẵn sàng” khi chúng tôi thấy ông ngồi rình chúng tôi hái trộm vải của ông. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, tôi cũng theo các bạn nghịch phá.

Huế xưa

      Để bảo đảm các bạn khác hái trộm thành công, tôi thường vào nói chuyện với ông, có khi đọc truyện cho ông nghe. Nào là Phạm Công – Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều rồi các truyện Tàu như Tiết Đinh Quí chinh Đông, Tiêt Đinh Quí chinh Tây, Tàn Đường, Chung Vô Diệm, Tam quốc diễn nghĩa, Phong thần diễn nghĩa, Đông Châu Liệt Quốc, Thuỷ Hử… Có khi chuyển đề tài sang truyện Ngàn lẻ một đêm hay các truyện của nhóm Tự Lực văn đoàn như Hồn bướm mơ tiên, Đôi bạn, Bướm trắng .v.v. và tôi thường chấm dứt nhiệm vụ khi có tín hiệu của các bạn đã hái xong. Thật ra chúng tôi chỉ nghịch phá là chính. Chúng tôi chỉ hái vài chùm để cùng nhau ăn cho vui. Chúng tôi hiểu rằng việc trái vải bán được là một phần thu nhập quan trọng của ông nên không bao giờ nghịch phá quá đà. Ông là 1 người tốt bụng, không làm ai trong xóm mất lòng. Những lần đọc truyện cho ông nghe bao giờ ông cũng cho tôi khi củ khoai lùi tro nóng, khi mẫu sắn( củ mì) luộc- trích trong khẩu phần ăn điểm tâm của ông. Thời trai trẻ ông đi lính khố đỏ (tirailleurs indochinois),đã bị đưa sang làm lính thợ tại thành phố Lyon ở Pháp sản xuất đạn pháo phục vụ trong chiến tranh Pháp-Đức thời đệ nhất thế chiến. Tôi đã ngồi say sưa nghe ông kể nỗi nhọc nhằn ông trải qua khi làm lính thợ tại đó. Vào mùa đông thời tiết lạnh giá ông và các bạn đồng cảnh ngộ cũng phải lao động nhiều giờ để sản xuất đạn pháo cho kịp theo yêu cầu. Tháng 11 năm 1918, sau khi thế chiến chấm dứt ông được hồi hương với số tiền trợ cấp ít oi một lần đủ cho ông mua mãnh đất nhỏ và dựng 1 ngôi nhà tranh tre nói trên. Vợ ông mất sớm ở quê trước lúc ông sang Pháp. Ông không bước thêm bước nữa. Ông trang trọng lập 1 bàn thở để thờ cha mẹ và người vợ thân yêu của ông. Hồi mới về ông có mang theo 1 ống nhòm với các hình slides( phim dương bản) chụp các danh lam thắng cảnh ở Pháp và châu Âu và 1 cái kính vạn hoa. Ông mang chúng đến các trường học và cho học sinh xem trong giờ ra chơi mỗi lần 1 hào để mưu sinh nhưng vào cuối đời khi quá già yếu ông sống rất đạm bạc nhờ vào trợ cấp ít ỏi của cô con gái duy nhất đã có chồng vốn dĩ chẵng khấm khá gì.

      Tuổi thơ của tôi nơi xóm Kẻ Trài ( Kẻ = Cửa, được đọc trại) đã găn bó nhiều với ông cho đế khi tôi nhập học trường VBQG Đà Lạt vào đầu thập niên 1960. Rồi tôi thuyên chuyển làm việc ở nhiều vùng miền xa Huế nên tin tức về bà con lối xóm Kẻ Trài thưa thớt đến với tôi nên cho mãi cuối năm 1968, khi tôi được đổi về Huế tôi mới được biết ông đã qua đời năm trước. Ông mất thanh thản ở tuổi 87.

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian