Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Ký ức đời tôi (Phần 3, 4)- Đào Thương

KÝ ỨC ĐỜI TÔI
  Đào Thương
  (xem lại P1, P2)

PHẦN 3: XÓM CẦU THANH LONG, PHƯỜNG PHÚ BÌNH, THÀNH PHỐ HUẾ

     Như đã viết ở trên, năm 1949, gia đình tôi hồi cư về thành phố Huế, cha mẹ tôi thuê căn đầu dãy nhà cho thuê của bác Ngữ, người cùng họ Đào, cùng phái và cùng chi với chúng tôi. Vì đầu dãy nên nhà chúng tôi có 2 mặt tiền. Mặt phía nam có đường xóm nối liền với đường Bờ sông Đông Ba ( Quai de Dong Ba) - sau này Chính Phủ Đệ nhất Cộng hòa đổi thành Huỳnh Thúc Kháng để kĩ niệm cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng có tòa soạn báo Tiếng Dân nằm trên đường này, đoạn gần lối vào cửa Đông Ba ( Đông Nam Môn ) - chỗ chân cầu Thanh Long chạy đến bờ hồ bảo vệ Hoàng thành gần cống Lương Y, còn mặt phía tây là đường xóm nhỏ chạy về phía Bắc song song với đường Huỳnh Thúc Kháng. Bên kia đường xóm là dinh cơ rộng rãi của Bác Trưởng Nghiêm, sau này trở thành thông gia với gia đình chúng tôi. Bác Nghiêm có 2 bà vợ với 2 dòng con nhưng gia đình sống rất thuận hòa. Hai bác gái đều buôn bán giỏi và lo toàn bộ kinh tế gia đình còn bác trai thì sống rất phong lưu. Anh Đê của chúng tôi may mắn lọt vào mắt xanh của chị Tề, con gái trưởng của bà hai, chị đẹp nhất nhà, vừa đẹp người vừa đẹp nết. Kế tiếp chị còn 2 em trai, anh Nguyện, anh Ước, và 2 cô em gái, chị Hoa và o Nở.

Bến đò Kim Lâu xưa
Bến Kim Lâu xưa

     Bảy nhân khẩu gia đình chúng tôi sinh hoạt gọn gàng trong căn nhà thuê nhỏ. Cha tôi vẫn làm thợ mộc tại Hopital Militaire FranÇaise, anh cả của tôi- anh Thọ - tuổi Đinh Mão, làm nhân viên tùy phái cho Sở học chánh, anh thứ hai của tôi, anh Đê- tuổi Kỹ Tỵ, vẫn vừa làm vừa học việc tại bệnh viện nơi cha tôi làm, chị Hoa của tôi, hơn tôi hai tuổi chỉ học đủ biết đọc và biết viết, ở nhà giúp mẹ tôi và trông em gái út của tôi, o Xuân, riêng tôi được đi học với thầy Văn công Tộ ở đầu xóm. Nhờ vốn liếng có được từ cha tôi và hơn 4 tháng học cùng thầy Văn Công Tộ, tháng 9 năm đó tôi được nhận thẳng vào học lớp tư ( lớp hai ngày nay) tại trường Tiểu học Thanh Long, bên kia cầu Thanh Long, thuộc phường Phú Hòa thành phố Huế.

     Phía trước nhà tôi, như đã nói ở trên, là con đường xóm nhưng bên kia đường là vạt biền ( đất bồi) chạy thẳng đến con kênh nối con hào ( sông đào nhỏ) bảo vệ quanh hoàng thành và cống Lương Y. Đám đất này do bác Ngữ canh tác, bác trồng bắp, đậu và khoai lang. Mùa hè, sau vụ thu hoạch bắp, đây là nơi lý tưởng cho lủ trẻ chúng tôi thả diều, chơi duổi bắt, chơi trò thả khăn hoặc bịt mắt bắt dê hoặc bắt bướm, bắt chuồn chuồn hay đào đất bắt dế… Còn trong hồ, bác ấy trồng sen và rau muống nước; nhờ vậy nhà tôi tuy nhỏ hẹp nhưng rất thoáng mát nhất là thỉnh thoảng hương sen theo gió bay vào nhà thơm mang mác. Bãi tắm cho cả xóm là bến cầu Thanh long, nước rất mát và trong. Bọn trẻ chúng tôi, trai cũng như gái đều tắm truồng. Lần đầu tiên tôi tập bơi nơi bến sông này sau khi thơ ngây nghe các anh lớn bảo cho con chuồn chuồn voi ( loại chuồn chuồn lớn) cắn vào rốn đau điếng.

     Để tăng thêm hương vị cho bữa cơm, cha tôi vào những ngày chủ nhật nếu không sang chơi bài Tài bàn hoặc Ngủ kiệu bên nhà bác Trưởng Nghiêm thì đan lờ và đem thả dưới các về rau muống trong hồ, bắt được khi vài con cá giếc, cá rô có khi cả cá lóc.

Huế xưa
Cầu Gia Hội và bến đò Bao Vinh năm 1971

     Năm 1950 anh cả tôi lập gia đình với chị Võ thị Gạt nhà ở gần cầu Bao Vinh. Chị là người buôn bán giỏi, chuyên ngành nước mắm và chế biến các loại mắm. Chị được mẹ tôi để ý ngay từ hôm đầu chị đến bán nước mắm cho gia đình tôi . Sau đó chị được mẹ giới thiệu cho anh Thọ. Anh chị ý hợp tâm đầu, thế là họ quyết định đi đến hôn nhân. Nhà có thêm người lại cần chỗ sinh hoạt cho vợ chồng mới cưới nên cha mẹ tôi quyết định mua đất làm nhà. Đám đất gần 300 mét vuông, tọa lạc tại đầu ngõ xóm gần đồn Măng cá ( lúc bấy giờ gọi là xóm Kẻ trài ), vốn của ông bà Văn đình Thức, ba mẹ tôi mua với giá 2 lượng vàng. Do không có đủ, o Tánh ( em bác Ngữ ) đã cho cha mẹ tôi mượn 1 lượng vàng. Cha mẹ tôi thường kể cho chúng tôi nghe để nhớ ơn người bà con tốt bụng. Có đất rồi, cha tôi mua tre già đem ngâm xuống hào để khỏi mọt ăn sau này, chuẩn bị cho 1 căn nhà tre lợp tranh.

     Vào Tết năm đầu tiên, mẹ tôi may cho tôi một đồ mới, do không biết, mẹ tôi đã bảo thợ may may cho tôi 1 bộ pijama. Tuy không phù hợp để mặc đi ra ngoài nhưng đó là bộ đồ mới tôi được may đầu tiên sau những năm ở cồn Bà Điên, tôi rất sung sướng và biết ơn mẹ tôi. Có điều buồn cho tôi năm đó là do tiết kiệm tiền cắt tóc, mẹ tôi đã bảo chú Tường, thợ cắt tóc trong xóm, cắt tóc cho tôi theo kiểu ca rê để cho lâu mới phải cắt lại trong khi đó tôi ao ước được cắt dưỡng rẽ như phần đông các trẻ con trong xóm.

PHẦN 4: THẦY GIÁO DẠY VỠ LÒNG CHO TÔI

     Năm 1949, hồi cư về thành phố Huế, ngay sau khi ổn định chỗ ở gần cầu Thanh Long, Rue de Dong Ba ( đường Huỳnh thúc Kháng ngày nay), cha tôi nghĩ ngay đến việc cho tôi đi học. Chả là lúc ấy tôi đã 8 tuổi rồi.

     Không phải đi đâu xa, ngay đầu ngõ có trường thầy Văn công Tộ. Nói là trường nhưng thực chất chỉ là phòng khách nhà thầy, học sinh gần hai chục đứa, những đứa lớn ngồi ở bộ trường kỹ kê ở giữa nhà, một số đứa ngồi ở bộ bàn kề bên, còn tôi vào sau phải ngồi trên tấm phản gỗ cùng một số bạn khác, khi viết phải gò lưng cúi khom mình rất vất vả.


     Cùng học với chúng tôi có chị Liên, chị thường bắt nạt chúng tôi vì chị ỷ là con gái của thầy. Nhưng chị ấy có khuôn mặt bầu bỉnh với đôi má lúm đồng tiền rất dễ thương nên ai cũng muốn làm thân với chị . Học sinh nữ thứ hai là chị Gái em, con bác Ngữ. Chị có mái tóc dài đen tuyền mượt mà , khuôn mặt trái soan với nước da trắng sáng .Con nhà nông mà hai bàn tay của chị trông thật nuột nà. Còn các bạn khác tôi không thể nhớ tên họ trừ 2 bạn khác cùng tên với tôi . Khi đến lớp lần đầu, thầy hỏi : “ Trò tên gì? Trò ở đâu? “ Tôi đáp : “ Dạ con tên Thương, con ở gần chị Gái em của con.” Thầy đáp “ Trường chúng ta đã có Thương A và Thương B vậy thầy đặt tên con là Thương Gái” Tôi ngoan ngoản đáp “ Dạ “. Từ đó tôi có biệt danh Thương gái. Mỗi buổi sáng chúng tôi được phân công luân phiên đến trường sớm, quét dọn lớp học, rữa chiếc thau đồng, giặt khăn mặt để thầy rữa mặt khi thức dậy. Với thầy, tôi bắt đầu học chữ cái, học vần, học đọc và học toán cộng, toán trừ. Toán nhân rồi toán chia. Với thầy, tôi còn học được tấm lòng nhân ái, thương yêu học trò như con đẻ và nhất là tính kỷ luật cao. Thầy luôn luôn lên lớp đúng giờ, tận tâm giảng bài cho học sinh cho đến khi hiểu được bài mới thôi.

     Cùng với thầy Tộ, cha tôi là thầy dạy kèm tôi ở nhà. Cha tôi lượm các bao đựng xi măng ở bệnh viện Huế, nơi cha tôi làm việc, đóng thành tập rồi kẻ ngang bằng bút chì cho tôi tập viết. Cha tôi cũng dạy cho tôi một số tiếng Pháp và cả chữ Hán. Chả là cha tôi đã học chữ Hán được một số năm rồi mới chuyển sang tân học. Xong bằng sơ học yếu lược, cha tôi phải ở nhà giúp bà tôi công việc đồng áng vì ông nội tôi qua đời, nhà chẳng có ai để lao động nên việc học của cha tôi bị gián đoạn. Thế nhưng ở thôn quê bấy giờ, học hành được thế cũng hiếm hoi, nhất là con nhà nghèo như cha tôi. Cha tôi được chọn làm biện ( thư ký ) cho Họ Đào và tất nhiên được miễn sai ( làm lao dịch ) trong làng. Ngoài các chữ Hán trong Tam tự kinh, Cha tôi còn giảng cho tôi thế nào là tam cương, ngủ thường, tam tòng, tứ đức, hiếu, nghĩa… của Nho gia.

     Thầy Tộ và cha tôi đã lần lượt qua đời ở tuổi bát tuần. Tôi không còn dịp để nghe lời giáo huấn của thầy và cha nhưng những bài học đầu đời của Thầy và cha luôn là kim chỉ nam và ảnh hưởng sâu sắc cho định hướng cuộc đời tôi.

     Xin thắp một nén tâm hương để tưởng nhớ đển các vị thầy đầu đời của tôi.

(Xem tiếp Phần 5 )            

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian