Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Đứng im trong chiều- Hoàng Thị Viễn Du

ĐỨNG IM TRONG CHIỀU
-HOÀNG THỊ VIỄN DU-

Đứng im trong chiều      Vy đang loay hoay xếp đống thư theo thứ tự ngày tháng thì Hạo đến. Nhìn lướt qua đống thư trên bàn
Hạo hỏi:

     - Lại thư lính ?

     Vy hồn nhiên:

     - Ừ! Từ hôm văn nghệ trường mình, Vy ngâm hai bài thơ đó, một tuần sau nhận thư lính quá chừng nè Hạo. Người thì thích Vy ngâm bài “Đôi mắt người sơn tây” của Quang Dũng. Người thì thích bài “Gửi người dưới mộ” của Đinh Hùng. Hạo thích bài nào?

     Hạo buông thỏng:

     - Cả hai.

     Vy háy:

     – Nói vậy nói làm gì? Có thư viết Vy thích quá đọc thuộc luôn nè “Đêm nay ta đã gặp người với giọng ngâm buồn rười rượi. Hồn ta đắm chìm……”

     Hạo tằng hắng:

     - Bộ Vy thích lính lắm hả?

     - Ừ! Lính nhìn oai thấy mồ, nếu chọn người yêu Vy chọn lính chứ không chọn thư sinh như Hạo đâu – Trói gà không chặt.

     Hạo mím môi:

     - Nếu tổng động viên Hạo cũng đi lính, Vy thích lính gì? .

     - Vy á! Thấy mấy ông sĩ quan Thủ Đức cũng oai nhưng Vy thích Biệt Động hơn, họ mặc quân phục rằn ri, đội mũ bê rê nâu, oai ơi là oai. Nhưng Hạo ốm nhách, ốm nhom thế kia đi lính không oai đâu.

     Hạo không trả lời, đẩy về phía Vy:

     - Mở ra xem đi, Hạo về Buôn Ma Thuột nghỉ hè giờ lên tặng Vy đó.

     - Thích quá để Vy xem.

     Hai cuốn sách của Nhã ca – “Vy ơi! Bước Tới”, rồi cuốn “Bước Khẽ Tới Người Thương” làm Vy ngẩn ra nhìn Hạo – Ý gì đây?

     Cái mũi tội nghiệp của Hạo đã đỏ lên.

     - Không có gì đâu, thấy dễ thương thì tặng Vy thôi mà!

     Vy lườm Hạo – Sao Vy nhìn mặt Hạo thấy gian gian à.

     Hạo cười – hàm ria mép mờ mờ, mặt đầy mụn trứng cá và cái mũi luôn đỏ nhừ khi có chuyện gì bối rối làmVy buồn cười và luôn thích chọc để Hạo đỏ mũi.
    ***

     Hạo với Vy cùng tuổi, học cùng lớp lại sinh hoạt cùng bút nhóm. ­­­­Lần đầu gặp Hạo trong nhóm với vẻ ngoài đó của Hạo, V­­y không thiện cảm lắm, nhất là cái dáng ngồi nghiêng nghiêng, luôn tay bứt mấy cọng cỏ gà quanh chỗ ngồi, rồi đưa lên miệng nhấm.

     Thường mỗi chiều chủ nhật, bút nhóm “Tuổi học trò” của Vy (do BTD học Bồ Đề sáng lập)

     Tập trung ở Tuyên Úy Phật Giáo để bình luận, trao đổi với nhau những tác phẩm mới của các thành viên trong nhóm rồi vui chơi và hát hò. Thỉnh thoảng nhóm lại dời sang Biệt Điện để sinh hoạt.

     Hạo và Vy quen nhau ở nhóm nhưng không ngờ lúc Vy chuyển trường theo bạn mới lại cùng lớp với Hạo. Trong lớp, Hạo ngồi sau lưng Vy, đôi lúc có cảm giác nhồn nhột sau gáy, Vy quay phắt lại bắt gặp Hạo đang nhìn mình, lập tức cái mũi Hạo đỏ lên. Bộ ria mép lún phún, cái mặt đầy mụn trứng cá, Hạo vội nhìn đi phía khác, Vy hậm hực nguýt Hạo rồi quay lên.

     Những buổi tan học, dù nhà Hạo trên đường Lý Thái Tổ nhưng Hạo thường đi sau Vy đến đoạn trường Nam Tiểu Học thì quay ngược lên. Rồi những lần đi sinh hoạt nhóm ở TUPG, mỗi lần chuyển sang Biệt Điện, nhìn qua Tòa Nhà Hành Chính, thấy mấy chiếc M113 bên đó là Vy cuống cuồng nấp sau lưng Hạo, chạy lúp xúp đến gốc thông to để trốn. Vy sợ gặp bố vì Vy biết chi đoàn của bố đi yểm trợ khi có mấy ông tướng hay gì gì đó về họp. Rồi những lần nhóm đi picníc Suối Nâu hay Đồi 37 Pháo Binh. Biết Vy mang giày cao không nhảy qua hào chống tăng được, Hạo bảo Vy đưa giày cho Hạo cầm rồi tìm mọi cách giúp Vy nhảy sang. Nhìn thảm cỏ mịn màng Vy sung sướng la hét, kéo tay mấy cô bạn chạy chân trần hát vang. Hạo thủng thẳng đi sau lưng như một sự che chở. Dần dần Vy thôi ghét khuôn mặt đầy mụn và cái mũi “cà chua” của Hạo. Nhưng những cử chỉ của Hạo, Vy vẫn mơ hồ cảm nhận được tình cảm của Hạo dành cho mình, những lúc một mình Vy lại bĩu môi - Biết tỏng ông nghĩ gì rồi nhé! nhưng đây chỉ thích lính thôi.

    Nghĩ đến lính bất giác Vy đăm chiêu nhớ đến chị Thành ở cùng xóm. Chị học hơn Vy ba lớp lúc Vy còn học nữ trung học Pleime, vì hay đi cùng xe đưa đón học sinh của Thiết Đoàn nên khá thân. Có những sáng chủ nhật chị rủ Vy đi chùa Trà Bá cùng chị, thay vì đi chơi đâu đó chị dỗ Vy

    - Đi với chị rồi chị kể cho nhỏ nghe chuyện tình cảm của chị.

    Nghe vậy Vy cười tít mắt, chị Thành nói đi chùa để cầu bình an cho người yêu của chị, chuẩn úy Mai Sơn Nam, hai người hẹn thi xong tú tài hai sẽ cưới. Vy nghe với tất cả nỗi hào hứng tò mò và nói: “mai mốt em cũng yêu lính như chị”, chị cốc đầu Vy nói: “lo học đi, còn bé lắm…..”

     Vậy mà!

    Buổi trưa, Vy đang ngồi chép bài. Cu Long em chị Thành thập thò ngoài cổng gọi - Chị Vy ơi! sang chị Thành bảo gì đấy!

     Vy vội xếp tập vở xin mẹ chạy sang.

     Vừa nhìn thấy Vy chị Thành ôm chầm lấy rồi òa khóc - Nhỏ ơi! Anh ấy chết rồi.

     - “Chết rồi!” - Vy bàng hoàng - gì chị?

     Chị Thành nức nở

     - Chị mới nhận thư ảnh hôm qua hôm nay bạn ảnh báo ảnh tử trận rồi.

     Nước mắt giàn dụa, Vy chỉ biết ôm chặt chị im lặng. Chị Thành nằm lịm mấy ngày rồi rủ Vy ra nghĩa trang thăm mộ. Vừa nhìn thấy tấm mộ ghi: “Cố thiếu úy Mai Sơn Nam” chi nấc lên, phục xuống ôm trầm nắm đất khóc nức nở. Vy đốt nhang, nhìn khói vờn trên nấm mộ mới còn tươi màu đất mà lòng xót xa.

     Vy chuyển trường khác nên thời gian sau Vy và chị ít gặp nhau, nhưng cũng từ lúc đó trong Vy hình ảnh người lính là một cái gì đó vừa oai phong vừa bi tráng. Rồi tuần lễ văn hóa của tỉnh Pleiku tổ chức với sự góp mặt của các văn nghệ sĩ như nhà văn Mai Thảo, Du Tử Lê, vợ chồng ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương và họa sĩ Hạ Quốc Huy. Vy được giấy mời tham dự. Mải chờ chị nên đến nơi đã đông cứng không chen vào nổi. Vy còn đang bối rối bỗng nghe có tiếng - hai bé theo anh! - trước mặt là hai chàng lính Biệt Động múa nhị khúc, mọi người né ra, hai chị em men theo đến được chỗ ngồi thì hai người đã quay lưng đi, không kịp nhìn mặt, không kịp biết tên. Vy bỗng thấy lòng xao xuyến lạ.
      ***

     Bỗng nhiên bút nhóm của Vy xuất hiện mấy người lính Biệt Động, họ quen trưởng nhóm nên được mời tham gia. Vy quen anh từ đó. Mỗi lần hành quân về, anh đến nhà Vy chơi. Thường anh mời đi cà phê nhưng Vy nói không dám sợ bố mắng không lo học, anh cứ đến nhà chơi là được rồi. Anh nhìn Vy và cười mãi làm Vy đỏ mặt, bối rối.

      Anh vẫn đi về giữa rừng núi và phố thị. Vy dấu kín bạn bè và cũng không cho anh lộ ra. Mỗi lần sinh hoạt nhóm, anh thường đón Vy ở ngã tư Trịnh Minh Thế góc hội quán Phượng Hoàng, kín đáo đi sau Vy hoăc Vy bên này, anh bên kia đường cho đến Tuyên Úy Phật Giáo. Hôm nào về muộn không còn thời gian đón Vy, anh đến Tuyên Úy đứng dựa cây thông chờ. Nghe tiếng cười nói xôn xao của bọn Vy ùa tới, anh nhìn Vy mắt sáng lên với nụ cười ấm áp, thấy anh trong bộ đồ rằn ri bê rê nâu dắt cầu vai. Vy tưởng như cả bầu trời rạng rỡ hẳn lên.

     Chiến cuộc ngày càng căng thẳng. Anh ít về phố, những lá thư từ rừng về trường nhiều hơn. Hạo luôn là người nhận thư hộ Vy, lầm lì vất thư lên bàn cộc lốc - “thư”! - rồi xoay lưng bỏ đi, Vy nhìn theo lẩm bẩm: “Đồ đáng ghét”. Có lần anh về lúc phố lên đèn. Anh nói anh về có việc, sáng mai anh đi sớm rồi, bé đi cà phê với anh nhé! Vy ngại ngùng sợ anh buồn nên cuối cùng đành nói thật: - Vy sợ bố đánh, mẹ chỉ mắng thôi nhưng bố sẽ bắt Vy nằm dài để quất (dù Vy đã mười bảy tuổi) nên VY rất sợ bố - Anh thở dài bảo Vy đưa giấy bút cho anh. Anh tặng Vy bài thơ rồi đi, Vy học thuộc lòng bài thơ.
Mãi mãi là chim không phải ná
Anh bay hồi hộp trên đường yêu
Sợ nhất lúc em cười lơi lả
Là lúc tên hồng sắp sửa buông

Mãi mãi là chim không phải ná
Nên anh do dự nhánh cây tình
Em dẫu là hoa hay là lá
Cũng làm lo sợ trái tim anh
                  HN
     Vy ép vào hai cuốn sách anh tặng “Mùa hè đỏ lửa” của Phan Nhật Nam và tập thơ “vọng” của Nguyễn Đức Sơn. Để dưới gối như một thứ bùa linh.

     Anh đi biền biệt, mỗi lần sinh hoạt nhóm không có anh, Vy bồn chồn, Vy nhớ nhưng không dám hỏi thăm. Rồi một hôm đến lớp thấy nhỏ bạn H bạn cùng bàn mắt sưng húp, nhìn Vy khóc rấm rứt. Hai đứa bỏ học tiết sau, Vy theo nhỏ bạn ra nghĩa trang công giáo. Ở đấy người yêu của nhỏ bạn nằm bình yên dưới mộ. Anh mới tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức, trận đầu tiên anh trở về “hòm gỗ cài hoa”. Tấm bia mộ với ảnh người sĩ quan trẻ tên Andre LD như có gì đó bóp nghẹt tim Vy – anh mới 22 tuổi.

      Về lại nhà Vy lại nghe bố kể về Đại Úy DPH. Anh mới làm lễ đính hôn với chị A gần nhà. Đám hỏi có xe lính chở hẳn con heo quay to. Vy với lũ bạn trong xóm đi xem, nghe mọi người xôn xao bàn tán về đám hỏi linh đình này. Vậy mà họ chưa kịp cưới anh đã lên cố thiếu tá. Chị A ngồi bên quan tài vừa khóc, vừa cười. Bất giác Vy nhớ anh và lo sợ, mạng sống của người lính sao mong manh quá. Vy cầu yên bình cho anh cho những người lính đêm ngày ngoài chiến tuyến. Thư từ rừng về thưa dần cho đến mùa xuân năm 75 thì mất luôn liên lạc. Bài thơ cuối cùng Vy nhận được là bài:
KHI TRỞ LẠI KON TUM

Qua đây một sáng mai nào
Gió reo chân giặc, súng gào mái tranh
Những vườn phố chợ mùa xanh
Thương em còn nhỏ không đành ngả nghiêng
Bao giờ trở lại bình yên
Hàng cây vú sữa trái nghiêng nụ tình
                HN
     Vy âm thầm khóc, ngóng đợi. Cái ngu ngơ của Vy là không biết anh ở đơn vị nào, chỉ nghe anh nói mỗi lần từ rừng về là anh ở thành Pleime.

     Chiến sự xảy ra khốc liệt. Gia đình Vy theo dòng người di tản theo đường Phú Bổn. Những hình ảnh bị thương hỗn loạn không nói được thành lời, gia đình Vy bị lùa vào rừng để tránh bom. Khi thấy tình hình yên, những người bên kia cho dân ra khỏi rừng. Cả nhà mười sáu người, chín đứa trẻ con, nhỏ nhất mới tám tháng, bồng bế dắt díu nhau đi vô định. Hình ảnh đầu tiên ra khỏi rừng là hình ảnh người lính chết ưỡn trên xe tăng. Những người lính dùng dây giày treo cổ, xác người trúng đạn nằm rải rác khắp nơi. Không còn nước mắt để khóc Vy bồng bế những đứa em lầm lũi đi, ra đến một bến sông, cây cầu gãy đôi, bao nhiêu xe lính dồn ứ, từng đống giày, quân phục nằm trơ trên đất, xác người trương to hôi thối.

     Nhìn lại gia đình mỗi người còn vỏn vẹn một bộ quần áo trên người. Bố mệt mỏi bảo mọi người vào làng dân tộc bên bờ sông tạm nghỉ để bố thăm dò đường đi. Người lớn chia nhau đi tìm đồ ăn, quần áo của những người cùng di tản vất lại, đang lúi húi bên bờ sông vò mấy bộ quần áo vừa nhặt được, bỗng Vy nghe tiếng bước chân ào ào như xé nước tới gần. Vy bật dậy vừa kịp nghe tiếng Hạo - “Vy ơi!”. Hai đưa nắm chặt tay nhau, Vy rưng rưng nước mắt luôn miệng hỏi Hạo – “Hạo! Hạo đây sao? gia đình Hạo đâu?”

     - Lạc hết rồi Vy ơi! Hạo bị lùa vô rừng mới tìm đường ra đây.

     Vy đưa Hạo vào giới thiệu với bố mẹ rồi hỏi thăm gia đình và hành trình của Hạo. Hạo kể lúc đoàn xe của dân trúng pháo kích, mọi người chạy toán loạn, gia đình Hạo cũng tan tác. Hạo chạy vô rừng với hai chị em cô gái xa lạ, cũng lạc gia đình cô em chín tuổi, cô chị mười lăm tuổi. Hai chị em chết cách nhau một ngày vì khát. Hạo kể lúc đầu còn tìm được nước, sau không thấy nước Hạo tìm lá giang cho hai chị em nhai, dần dần cũng không tìm được nữa. Vừa đói, vừa khát cô em lịm dần Hạo cố trún nước bọt qua đôi môi khô nẻ của cô bé. Nhưng nước bọt cũng chả còn mà nước thải của cơ thể cũng không có nốt cô em chết, cô chị không còn sức để gào khóc, lâu lâu nấc lên rồi phụ Hạo dùng cây đào, moi một lỗ cạn để đặt em xuống. Cả hai thất thểu bước, đói, khát, nhìn đâu cũng thấy nước nhưng chỉ là ảo ảnh, suốt một ngày lang thang trong rừng, đêm xuống Hạo và cô gái ngồi dựa vào góc cây vì chả còn sức để đi. Mệt quá Hạo thiếp đi từng chặng vì luôn trong trạng thái đề phòng sợ rắn rết, thú rừng, trời mờ mờ sáng Hạo lay cô gái bên cạnh. Nhưng cô bé đã chết từ lúc nào. Hạo ngồi lặng nhìn trân trân. Cũng chả còn sức để moi đất vùi cô. Hạo để cô bé dựa nguyên đấy cúi chào rồi lê bước. Chỉ vài trăm mét Hạo bắt gặp mấy xác lính và bi đông còn nước. Giọng nghẹn lại, Hạo quay mặt đi, hai vai run bần bật. Hạo khóc với lần đầu tiên chôn và đối diện với cái chết mòn của hai cô bé.

     Bố mẹ Vy giữ Hạo ở cùng với gia đình Vy để tìm cách quay lại Pleiku, Hạo lặng yên. Được vài hôm Hạo rủ Vy ra cầu, nơi đoàn xe bị dồn đống tìm thực phẩm, thấy những xác lính vắt trên xe, dưới đất Vy sợ hãi không chịu đi tiếp. Hạo bảo Vy ngồi yên một chỗ chờ Hạo. Hạo leo lên những chiếc xe, chạy tới, chạy lui một lúc ôm về một đống đồ hộp. Hạo bảo Vy kéo vạt áo ra để Hạo chất lên rồi đi lấy tiếp. Thấy đã nhiều Hạo nhặt chiếc mũ lăn lóc gần đấy bỏ vô vài hộp thịt, túm lại cho mình rồi bảo Vy đem về cho bố mẹ và mấy em ăn đi, Hạo đi đây.

    Vy thảng thốt - Hạo đi đâu, Hạo phải đi với gia đình Vy chứ, Hạo đâu còn ai.

     Hạo lắc đầu - Hạo không muốn thêm gánh nặng cho bố mẹ Vy. Hạo đi tìm gia đinh Hạo đây. Vy về với gia đình đi!

     Hạo xoay lưng đi thẳng – Vy hét lên:

- Hạo không được đi!

     Hạo cắm cúi bước, tay giơ lên vẫy vẫy, không nhìn lại. Vy ngồi phịch xuống òa khóc.

     Bến sông không còn an toàn, thỉnh thoảng có tiếng may bay lượn qua. Bố sợ bị ném bom nên bảo Vy vào làng dân tộc (họ cũng bỏ đi) tìm ít thực phẩm rồi cả nhà đi ngược lại Phú Bổn tìm cách về Pleiku. Vy chui hết nhà sàn này đến nhà sàn khác để tìm thì găp thầy A. Thầy là sĩ quan biệt phái về trường, có cái thẹo trên mặt nên nhìn thầy có vẻ dữ dằn. Biết thầy không nhận ra mình , vì cả trường hơn ngàn học sinh nam mới lọt vào mười mấy nữ, lại mới học hơn nửa niên khóa nhưng Vy vẫn chào và hỏi thăm gia đinh thầy. Thầy nói đại gia đình thầy cũng tan tác, mỗi người một nơi giờ không biết sống chết ra sao? chỉ mỗi gia đình thầy là chạy đến đây thôi. Nói chuyện một lúc Vy chào thầy rồi quay về lán trại gia đình, phụ bố mẹ đưa các em lội qua sông vào lại Phú Bổn. Đến được một ngôi làng hoang vắng vì người dân đã bỏ đi cả, bố nói cả gia đình nghỉ tạm cho trẻ con có sức mà đi tiếp. Ổn định chỗ ăn, nghỉ cho gia đinh xong Vy lang thang trong làng, mong nhìn thấy Hạo, ngang qua một căn nhà nghe có tiếng người nói chuyện Vy ghé mắt nhìn vào thì thấy thầy K, một giáo sư của trường trung học Pleiku em ruột thầy A. Vy bước vào chào và hỏi thăm. Thầy bật khóc - “Mất hết rồi em ạ! - gia đình ly tán, đứa con nhỏ nhất của thầy, lúc pháo kích cô giúp việc bế chạy cũng lạc mất rồi”. - Nghe Vy báo em mới gặp thầy A bên kia sông thầy mừng rỡ bóp chặt tay Vy hỏi:

     - Thật không ?

     Vy nói: - Thầy cứ ở đây chờ, đừng đi đâu, em chạy qua sông gọi thầy A cho. Vậy là Vy chạy, chạy mãi, lội qua được bến sông Vy lại sợ thầy a không còn ở đó, Vy hổn hển leo lên nhà sàn, ào vào thấy thầy A và gia đình đang ăn cơm. Vy nói không kịp thở - thầy ơi! em gặp thầy K bên kia sông, thầy K nhờ em đi gọi thầy.

     Thầy A đẩy nồi cơm qua bên nhổm dậy - Đâu! đâu em dẫn thầy đi

     Giọng thầy nghẹn lại chả mũ nón, nắm tay Vy lôi đi xềnh xệch. Hai thầy gặp nhau ôm chầm lấy nhau, khóc lóc kể lể rồi cám ơn Vy rối rít. Nghe Vy kể về Hạo, hai thầy cùng an ủi - Hạo có sinh hoạt Hướng Đạo, kỹ năng sống tốt lắm, em không phải lo đâu. - Vy cũng tạm yên lòng.

    Chia tay hai thầy, Vy cùng gia đình vào lại Phú Bổn. Nhìn xe ủi gom xác người để đốt, Vy và mẹ khóc nức nở, trên đường đi gặp xác lính rằn ri hay xác thanh niên là Vy như muốn ngưng thở, Vy lo sợ, không đủ can đảm nhìn, dù biết nhìn cũng khó nhận ra vì cả tuần lễ các xác ít nhiều đã biến dạng. Vy cùng gia đình lầm lũi đi. Mẹ biết Vy lo cho Hạo nên thấy xác thanh niên là nắm tay Vy đi thật nhanh.

     Về lại được Pleiku. Mọi cái dần dần ổn định nhưng trong tim Vy có hai vết xước. Vy tìm đến nơi Hạo ở, nhưng không ai biết tin tức gì về gia đình Hạo cả. Anh bặt tăm và Hạo cũng mịt mù.

    Vy đi học lại, rồi học sư phạm, trường gần nghĩa trang nên chiều nào sau hai giờ tự học, Vy cũng lững thững một mình ra nghĩa trang. Khi thì ôm bó hoa quì, khi thì đám hoa dại ven đường, ra thăm mộ hai người không quen. Cứ thế! thời gian trôi đi. Âm thầm, ngóng đợi mỏi mòn – mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm….

     Những cuốn sách của Anh và Hạo tặng đã bị mối xông hết. Không còn chút gì của Hạo, còn chăng là hai câu thơ vu vơ Hạo viết, khi thấy Vy ngồi dựa cửa sổ đan tóc.
“Tóc em ngàn sợi xinh xinh quá!
Mỗi sợi dài, mỗi sợi anh yêu.”
     Vy cất trong đầu nên còn mãi.

   Của anh nay còn sót lại vài lá thư, dù có bức đã bị mối xông (vì sợ bị tịch thu nên Vy gom hết sách và thư bỏ vảo túi ni lon rồi chôn dưới đất. Giờ mỗi lần đọc bài thơ, vừa hào hung, vừa bi tráng “Nửa Hồn Xuân Lộc” của Nguyễn Phúc, sông Hương Vy vẫn nghe hồn mình rưng rưng. Vy thương qúa những câu thơ.
“Thân ta là ngựa sao không hí
Cho nỗi đau vang vọng đất trời”


“Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận
Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi….”
     Chinh chiến tàn rồi. Vy muốn tìm nhưng lại sợ. Vy sợ người ta còn đâu đó, nhưng không hề nhớ đến Vy.

     Với anh! người lính từng trải, có thể Vy chỉ là chiếc bóng lướt qua. Và Hạo, những rung động đầu đời của tuổi mới lớn chắc gì còn đọng lại.

     Nên Vy sợ - Biết đâu lúc Hồi sinh cũng là lúc giãy chết.

     Phải không Anh?
     Phải không Hạo­­?
BC .11 – 09 – 2015

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian