Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Kim hôn lặng lẽ- Nguyễn Bàng

KIM HÔN LẶNG LẼ

1.
Kim hôn lặng lẽNhờ có hai đứa cháu, một nội một ngoại mà hơn một năm nay, hai vợ chồng ông giáo già không phải xem phim truyền hình trên Tivi với tràn ngập quảng cáo. Thằng Minh cháu nội, dân IT đang sống và làm việc ở Canada, con Thu cháu ngoại, dân quản trị kinh doanh đang sống và làm việc ở Úc. Hai anh em nó hẹn nhau cùng về Việt Nam thăm ông bà và làm một số việc riêng. Ngay ngày đầu tiên về nước, sau bữa cơm chiều, tầm 8h tối, thấy ông bà ngồi trước Tivi xem phim truyền hình, hai anh em Minh và Thu bảo nhau xem cùng ông bà. Cái Thu khẽ hỏi bà ngoại:

- Phim này chắc hay lắm, hả bà?

- Phim Việt Nam lên sóng giờ vàng đấy cháu ạ. Đây là thời gian hầu hết mọi người đã có thì giờ nghỉ ngơi giải trí, nhà đài thu hút được nhiều người xem phim Việt Nam nhất nên quý như vàng. Bà thấy phim này cũng không hay lắm nhưng quỹ thì giờ nhàn rỗi của ông bà khá nhiều mà tối rồi nên xem một chút phim để chờ đến giờ đi ngủ.

Bà vừa nói xong thì trên màn hình ngừng chiếu phim để chạy quảng cáo. Những hình ảnh chói rực màu sắc loang loáng trước mắt và những lời nói có cánh như nước chảy bên tai người xem ca tụng hết sữa đến thực phẩm chức năng rồi nước lau nhà rửa chén, nước rửa bồn cầu, băng vệ sinh... Thằng Minh thấy ông nội lấy cái điều khiển vặn nhỏ âm lượng lại, bèn nói:

- Người ta quảng cáo dài quá ông nhỉ?

- Đúng thế cháu ạ. Mỗi lần quảng cáo đến 7, 8 phút mà có tới cả 3, 4 lần trong một tập phim. Vì thế, mỗi tập phim chỉ có thời lượng 40 phút nhưng phải ngồi kéo dài cả tiếng đồng hồ mới xem xong khiến nhiều lúc ông bà cũng thấy mệt mỏi và khó chịu cứ như người bị khát mà phải uống nước bằng...thìa vậy. Nghe nói bên Trung Quốc, người ta cấm các đài truyền hình phát các đoạn phim quảng cáo khi đang trong giờ chiếu phim; ước gì ở ta cũng được như họ?

Sáng hôm sau hai anh em Minh và Thu xin phép ông bà cho đi chơi. Nhưng đến trưa, khi chiếc taxi đưa chúng về đem theo một cái thùng các tông và một cái túi xách. Con Thu hồ hởi lễ phép nói:

- Ông bà ơi! Chúng cháu mua cái Tivi Sony và cái laptop Dell này để ông bà dùng đấy ạ.

Cả hai ông bà đều tròn mắt nhìn hai đứa cháu rồi nhìn hai thứ đồ anh em nó mang về rồi bà xuýt xoa nói:

- Cái Ti vi cũ vẫn còn tốt chán, các cháu mua mới làm gì. Lại còn cái máy tính nữa, ông bà già rồi có biết máy móc gì đâu mà dùng đến nó.

Nghe bà nội nói thế, thằng Minh cười vui vẻ:

- Cái Panasonic 21 inch đít lồi cổ lỗ quá rồi, giờ có còn mấy ai dùng nữa đâu, hả bà? Cái Sony 32 inch loại mới này với thiết kế tinh tế, nhỏ gọn, giúp người xem tivi với những hình ảnh sắc nét và có chiều sâu lại dễ di chuyển, không chiếm nhiều không gian rất phù hợp với căn phòng phòng khách có diện tích nhỏ của nhà mình. Còn cái máy tính, nó sẽ đóng một vai trò quan trọng không chỉ cho ông bà mà cho cả nhà ta đấy ạ. Cháu chỉ xin kể ra vài việc của nó: Trước tiên, nó là một nguồn phim vô tận, ông bà thích xem phim gì thì lên mạng tải vào cái USB này rồi cắm vào cái Tivi Sony để xem, sẽ không phải bực mình về quảng cáo nữa vì hầu hết phim đưa lên mạng, đã cắt bỏ quảng cáo mà nếu chưa cắt thì ta sẽ lướt bỏ nó đi chỉ trong nháy mắt. Thứ hai, với cái máy tính này, ông bà sẽ không cần đến báo in hàng ngày mà sẽ được truy cập hàng trăm tờ báo trên mạng để đọc. Thứ ba, nó sẽ là tiện ích giúp cho cả đại gia đình nhà ta tuy xa mà gần, cho dù ông bà ở trong nước, nhà cháu ở Canada, nhà em Thu ở Úc, bất cứ lúc nào cũng đều có thể gửi thư điện tử, tài liệu, tranh ảnh cho nhau, nói chuyện được với nhau miễn phí, trông thấy nhau trên màn hình khi cùng nhau kết nối máy tính. Còn cách dùng nó, lát nữa cháu sẽ hướng dẫn ông bà, nhanh và dễ lắm ạ!

Y như lời thằng cháu nội nói, ngay ngày hôm đó, chiếc máy tính đã cho hai ông bà nhìn thấy và nói chuyện được cả giờ với con giai, con dâu, con gái, con rể và hai đứa cháu còn đang đi học ở nước ngoài, em gái thằng Minh và em trai con Thu.

Còn việc xem phim thì quả là thú vị thật, cứ vào trang web nào cho xem phim hay tải về phim chất lượng cao mình thích vào cái USB bé con như hai đốt ngón tay rồi đem cắm sang cái cổng USB của cái tivi mà xem. Hình ảnh đẹp sắc nét và đúng là không bị quảng cáo quấy rầy khiến phải bực mình nữa.


Kim hôn lặng lẽ
2.
Một ngày cuối Xuân, ông giáo già lên mạng tìm phim rồi vui vẻ bảo vợ:

- Hôm nay, chúng ta sẽ xem một bộ phim tình cảm của Trung Quốc, mình ạ. Cư dân mạng khen phim này hay lắm.
- Là phim gì hả mình?
- Kim hôn phong vũ tình.
- Cái tên nghe dài và khó hiểu quá.

- Đúng thế! Kim hôn là đám cưới vàng nhưng không dễ gì dịch đủ cả 5 tiếng KIM HÔN PHONG VŨ TÌNH sang Tiếng Việt nên người dịch phim đã khéo léo chuyển ngữ cho nó sang cái tên là NGHĨA VỢ TÌNH CHỒNG, một thành ngữ rất gần gụi với người Việt chúng ta, mặc dù cái tên ấy không diển tả hết những phong vũ gió mưa của một cuộc tình để đến được cái Kim hôn.

Và rồi họ bắt đầu xem phim đó mỗi chiều.

Bộ phim kể về 50 năm kết hôn của cặp vợ chồng Thư Mạn - Cảnh Trực hay và cảm động trong từng hình ảnh từng lời thoại.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1958, anh hùng chiến đấu Cảnh Trực 28 tuổi, xuất thân từ con nhà lao động và nữ bác sỹ Thư Mạn 22 tuổi yêu nhau ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Không lâu sau đó, hai người kết hôn, việc đó cũng đồng nghĩa là Cảnh Trực phải rời bỏ quân ngũ, vì Thư Mạn thuộc tầng lớp tiểu tư sản, bố là tư sản đã vậy lại đã chạy trốn ra nước ngoài.

Những ngày đầu chung sống, do xuất thân, nếp sống, tính cách khác nhau nên hai vợ chồng có những bất đồng. Nhưng chính những cãi vã thường nhật của cuộc sống hôn nhân, họ lại yêu nhau hơn.

Cuộc đại cách mạng văn hóa diễn ra đã khiến nhiều phần tử trí thức như Thư Mạn, Quý Thành - bạn thân của Thư Mạn... lâm vào cảnh khốn đốn. Đã có lúc họ đau khổ dằn vặt phải ly thân và định ly hôn.

Sau cách mạng văn hóa, cuộc hôn nhân của cặp đôi Thư Mạn - Cảnh Trực rơi vào cuộc khủng hoảng. Gánh nặng gia đình, sự nghiệp khiến cả hai đều thấy mệt mỏi...

Thư Mạn luôn canh cánh trong lòng: “ Nếu không phải vì mình chắc chắn anh ấy sẽ thành tướng quân chỉ huy thiên binh vạn mã. Đó là nỗi mơ ước cả đời của anh ấy”. Nhưng Cảnh Trực thì lại nói mình luôn ghi tạc trong dạ: “Anh sống cùng với em hạnh phúc suốt cuộc đời”. Những lúc Thư Mạn nói với chồng: “Kiếp này em đã nợ anh một ân tình”, cũng là lúc Cảnh Trực chân tình đáp lại: “Em là vợ của anh, ai nợ ai chứ!”

Nhờ có tình yêu lớn lao và nghĩa vợ tình chồng sâu đậm, họ đã vượt qua mọi chông gai, tay trong tay bước tới ĐÁM CƯỚI VÀNG và hạnh phúc bên nhau trọn đời.

Bộ phim dài 51 tập, phải mất 26 buổi xem mới đến tập cuối với chuyện đám cưới vàng của Thư Mạn và Cảnh Trực:

Gần đến kỉ niệm 50 năm ngày kết hôn, Thư Mạn hỏi chồng:

- Anh nói đi, anh sẽ tổ chức thế nào?

Cảnh Trực vốn hồn nhiên hay vui đùa, trả lời:

- Em muốn theo kiểu Ta thì anh làm theo kiểu Ta, theo kiểu Tây thì anh làm kiểu Tây. Em muốn đi Châu Phi Nam cực, anh sẽ tìm cách theo em.

- Toàn những câu vô tích sự- Thư Mạn trách yêu chồng.

Rồi họ gọi điện cho con trai, con gái, con dâu, con rể ở xa về.

Bố Cảnh Trực:

- Biết nói thế nào nhỉ? Các con cũng xem phim Truyền hình ĐÁM CƯỚI VÀNG rồi chứ?

Con gái Cảnh Cảnh :

- Con biết bố mẹ rất thích phim ĐÁM CƯỚI VÀNG, nhưng bố mẹ gọi chúng con từ xa về đây không phải là để thảo luận về phim này chứ?

Bố Cảnh Trực:

- Các con nói thế là không hề quan tâm và hiểu bố mẹ. Các con có biết bố mẹ cưới nhau bao lâu rồi không?

Tất cả các con đều cười vui vẻ hiểu ra ý của bố mẹ, rồi rôm rả đưa ra các ý kiến: Người thì nói, anh em chúng ta tổ chức long trọng một đám cưới vàng, người thì bảo, chúng ta sẽ cho bố mẹ uống rượu giao bôi; và, chúng ta sẽ đặt cho bố mẹ một đôi nhẫn, hiện nay giới trẻ kết hôn đều thịnh đeo nhẫn cưới…

Trong bữa cơm quây quần, khi các con đưa ra quyết định sẽ thuê một sảnh tiệc để tổ chức thì bố Cảnh Trực nói:

- Đâu phải là họp cơ quan, sảnh tiệc cái gì, nghe không được.

Hai đứa cháu nội chưa chịu ngồi vào bàn ăn, mải mê chụm đầu vào cái máy tính bỗng cùng lúc đứng dậy. Thằng cháu đích tôn nói như reo lên:

- Ông bà nội ơi, tìm được rồi. Ở khu Á vận hội có nhà hàng tên là TÌNH SI KHÔNG ĐỔI. Tình si không đổi nghĩa là chung thuỷ rất giống ông nội.

Thế rồi ĐÁM CƯỚI VÀNG của họ được con cháu tổ chức rất vui và đầy cảm động. Khách mời chỉ có hai vợ chồng Quý Thành, bạn cùng thời thân thiết với họ còn sống.

Sau buổi lễ, hai vợ chồng đưa nhau đi xem vở múa Ba lê Hồ Thiên Nga, một nghệ thuật mà Thư Mạn hằng yêu thích từ thời trẻ cùng với nhạc của Su-be mà đã nhiều năm, những cái đó bị cấm đoán vì bị coi là uỷ mị tiểu tư sản.

Hồi mới lấy nhau, Cảnh Trực chỉ quen nghe những bài hát cách mạng, thấy Thư Mạn mở đĩa nhạc, hỏi:

- Bài nhạc gì vậy?
- Dạ khúc của Su-be
- Của bác Su à, chắc chắn bác ấy là họ hàng nhà em rồi!

Cảnh Trực mới chỉ được xem Kinh kịch. Biết vợ khao khát được xem múa Ba lê nên mặc dù chẳng biết múa Ba lê là gì, nhưng một lần hai vợ chồng phải băng qua bãi tuyết, để làm vui lòng Thư Mạn, anh co chân nhảy tưng tưng trên mặt băng:

- Anh có thể múa Ba lê với em cả cuộc đời.
- Đó gọi là múa Ba lê ư, không khác gì cóc nhẩy.
- Thế mới gọi là cóc ghẻ ăn thịt Thiên nga chứ!

Bây giờ cả hai vợ chồng tóc bạc mới cùng nhau vào Nhà hát vũ kịch xem múa Ba lê. Bởi thế, mới lưng chừng vở, trong khi Thư Mạn cùng cả nghìn người xem say mê nhìn lên sân khấu thì Cảnh Trực đã bắt đầu gà gật rồi rơi đầu xuống vai vợ chìm sâu vào giấc ngủ. Thấy nặng vai, Thư Mạn cúi xuống , nghiêng đầu nhìn chồng mỉm cười âu yếm. Và khi khán giả rời ghế ra về hết, bà từ từ ngả đầu xuống sát bên đầu Cảnh Trực, hoà chung vào giấc ngủ cùng chồng giữa những hàng ghế trống không của nhà hát. Một giấc ngủ êm đềm hạnh phúc nhất trong 50 năm nghĩa vợ tình chồng của họ!

3.
Thế rồi, khi màn hình chiếc Tivi Sony 32 inch vừa báo hết phim thì một cơn gió bỗng lay động rèm cửa sổ, thổi vào căn phòng một làn se lạnh. Bà vợ ông giáo già đứng lên, đến bên tủ quần áo, lấy ra hai tấm áo len mỏng lại gần chồng, khoác lên vai ông một tấm và âu yếm bảo:

- Rét nàng Bân năm nay lại về rồi đấy! Mình mặc thêm tấm áo này vào, kẻo lạnh.

Ông giáo già nhẹ đứng lên, cầm tấm áo còn lại trên tay vợ và khoác vào đôi vai gầy của bà:

- Mình cũng mặc thêm áo vào đi, kẻo lạnh.

Rồi ông chớp chớp mắt, cảm động nói tiếp:

- Tôi nhớ, tối hôm cưới của chúng mình, khi tan tiệc chè ở phòng cưới là một lớp học của nhà trường, tôi đưa mình về bằng xe đạp. Vừa vào tổ ấm riêng của hai đứa thì gió nàng Bân se lạnh về lay động tấm rèm cửa sổ và mình cũng lấy trong hòm sắt ra tấm áo rét khoác cho tôi như hôm nay

- Vậy mà đã 49 năm rồi, mình nhỉ!
- Phải! 49 năm, không tiết rét nàng Bân nào, mình quên khoác áo cho tôi kẻo lạnh.
- Thì mình cũng đâu có quên khoác lại áo cho em! Mà mình ạ, mùa Xuân năm sau là tròn 50 năm ngày cưới của chúng mình đấy
- Ý mình định bắt chước trong phim, năm sau tổ chức ĐÁM CƯỚI VÀNG ?
- Thế mình nghĩ sao?

- Ở các nước thịnh vượng, người ta còn bày ra đám cưới đồng, đám cưới nhôm, đám cưới bạc rồi mới đến đám cưới vàng. Còn ở nước mình, thời xưa chỉ thấy dân ta khi thách cưới, nhà gái đòi với số lượng lớn trầu rượu, cau, trà, bánh trái, gạo, heo lại còn thêm nhiều vàng hay ít vàng nữa như câu ca dao “Cưới em một chĩnh vàng hoa/ Mười chum vàng cốm bạc là trăm nong” cho hôn lễ thực tại chứ không mấy ai coi trọng đám cưới vàng 50 năm sau. Nhưng ngày nay, “phú quý sinh lễ nghĩa”, đám cưới vàng, đám cưới bạc đã trở nên phổ biến Nhiều nhà giàu sẵn sàng chi tiền cho buổi tiệc đám cưới vàng, đám cưới bạc đình đám, gây nhiều ấn tượng cho hàng xóm và người tham dự. Nghĩ cho cùng, cũng không nên trách họ vì trong cuộc sống, tìm được người bạn đời như ý đã khó, để giữ cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc viên mãn lại càng khó hơn. Không dễ gì đôi nào cũng đi tới được cái mốc son KIM HÔN đầy hạnh phúc ấy. Vì vậy nếu có điều kiện, cũng nên kỷ niệm cái ngày hạnh phúc đó.

- Nhưng con cháu mình, chúng đâu có ở trong nước. Chẳng nhẽ sẽ gọi chúng đem nhau về tổ chức Đám cưới vàng cho bố mẹ, ông bà?

- Là nói chung thế, còn nhà mình thì sao lại thế cho được - Ông giáo già trầm tư khẽ nói - Việt Nam ta hiện giờ đang nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á – Đối với những người nghèo khó thì được ra nước ngoài dù trong thân phận xuất khẩu lao động, làm ô sin hay cô dâu bất đắc dĩ… vẫn là một giấc mơ đổi đời và họ sẵn sàng chớp lấy một khi có cơ hội dù phải đánh đổi bất chấp thứ gì như những đồng bào của họ từng dám liều chết hơn 40 năm trước đây khi đặt chân lên thuyền hướng ra biển cả. Những người lắm tiền nhiều của thì đang tìm cách ôm tiền ra ngoại quốc gây ra một cuộc tháo chạy mới ở Việt Nam. Đám quan chức , kể cả cấp chóp bu ở ta cũng đã và đang lên kế hoạch đi “tị nạn” ở nước ngoài. Còn nói riêng về bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi học thì con cái các quan chức, lãnh đạo… vẫn được âm thầm đưa đi du học ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Thụy Sĩ… với những chi phí lớn đi kèm như xe, nhà riêng… lên đến hàng triệu Mỹ kim. Trong bối cảnh ấy có thể nói, con cháu nhà mình đã ra nước ngoài bằng con đường sạch sẽ và tử tế nhất. Thằng Minh theo bố mẹ nó định cư bên Canada theo diện di dân đầu tư, sau bao tháng đợi chính quyền cả hai nước xét duyệt, khảo sát và phỏng vấn mới được chấp thuận. Con Thu chăm chỉ, kiếm được học bổng ở Úc, học xong tự xin được việc làm rồi được định cư và bảo lãnh bố mẹ và em nó sang. Chúng đang như những cánh chim trời ở các miền đất mới, sao lại bắt chúng nghỉ việc và tốn kém tiền nong về chỉ vì cái kim hôn của hai thân già chúng mình. Nên tôi tính mình sẽ kỷ niệm kim hôn trong lặng lẽ, nhớ về ngày cưới nhau 50 năm về trước trong niềm thủy chung son sắt với nhau và chúc phúc cho con cháu ở nơi xa vui khỏe và thành đạt. Chỉ thế và thế thôi, mình ạ!

Bà vợ âu yếm nhìn chồng và khẽ gật đầu:

- Em cũng nghĩ thế như mình!

4.
Rồi mùa xuân năm sau đã về đem đến ngày kỷ niệm 50 năm thành hôn của vợ hai chồng ông giáo già . Y hẹn năm trước, họ kỷ niệm kim hôn trong lặng lẽ. Buổi sáng, ông chở bà đi chợ rồi cả hai cùng vào bếp hý húi làm mấy món ăn họ cùng ưa thích nhất cho cả ngày. Thời gian còn lại, họ ngồi bên nhau mở tập ảnh đen trắng đã cất giữ mấy chục năm qua biết bao lần chạy mưa chạy bão và cả biết bao ngày chạy bom chạy đạn của máy bay Mỹ. Rồi họ ôn lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của mối tình đầu và cũng là mối tình sau cuối nhất của hai người. Nàng là con nhà thành phố xinh đẹp nết na, có nhiều nhà giàu sang quyền chức đã nhờ mai mối đánh tiếng xin nàng về cho con trai họ. Chàng là gã trai quê nghèo khổ, học xong được lên tỉnh làm thầy giáo. Thế mà vẫn yêu nhau, vẫn thành chồng vợ với nhau, cùng nhau khuya sớm làm ăn để nuôi dạy con cái nên người suốt một thời bao cấp đầy thăng trầm khổ ải chỉ với niềm mơ ước sinh tồn “Ăn no mặc ấm” chứ đâu dám nghĩ “Ăn ngon mặc đẹp” trong cảnh “Hai vợ chồng son, thêm hai con thành sáu”

Và, suốt một ngày dài hôm ấy, chỉ một lần ông giáo già nghe thấy vợ thở dài rồi buồn buồn nói:

- Tự nhiên, em thấy nhớ các con các cháu quá, mình ạ! Không biết giờ chúng đang làm gì nhỉ?

Ông nhẹ giọng an ủi bà:

- Sao mà không nhớ chúng cho được. Nhưng mình đã hứa với nhau là chỉ kim hôn lặng lẽ nên cố đừng nghĩ tới chúng nữa.

Nhưng thật bất ngờ, sau bữa tối, khi bản nhạc Ave Maria êm dịu thánh thót ngân lên từ chiếc đồng hồ cổ Odo treo tường, cả hai ông bà bỗng nghe tiếng chuông reo vang từ chiếc laptop đặt trên bàn. Ông giáo già bảo:

- Lại con cháu, đứa nào nó gọi đấy.

Nói xong, ông đứng dậy, cầm tay bà cùng đến ngồi bên bàn máy tính và nghe òa lên những tiếng reo mừng:

- Ông bà đây rồi.

Thì ra, các con cháu họ ở nước ngoài đang kết nối một cuộc gọi video nhóm miễn phí cho cả đại gia đình khiến hai ông bà cùng một lúc được gặp con trai, con dâu cùng hai cháu nội ở Canada với con gái con rể và hai cháu ngoại ở Úc. Căn phòng nhỏ lần lượt vang lên những lời tốt đẹp của con cháu chúc mừng đám cưới vàng của bố mẹ, ông bà khiến vợ chồng ông giáo già vui mừng và xúc động không biết nói gì với chúng. Phải giây lâu, bà mới nghẹn lời hỏi:

- Sao các con các cháu lại biết hôm nay tròn 50 năm ngày cưới của bố mẹ?

Anh con trai năm nay cũng vừa 50 tuổi thưa:

- Hồi ở nhà, hai anh em con đã mấy lần xem tờ giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ. Con còn nhớ, đó là một tờ giấy mỏng màu vàng xỉn, có chữ ký của bố mẹ và dấu của UBND khu phố thời đó

Cô con gái kém anh ba tuổi bổ xung:

- Mặt sau tờ giấy đăng ký kết hôn ấy còn có ghi chú của mấy cửa hàng xác nhận đã bán phân phối đầy đủ cho cô dâu chú rể; 3 cân bánh kẹo, 1 tút thuốc lá, 2 gói chè loại hai, 1 chiếc giường ba xà. Có đúng thế không ạ?

Rồi con dâu con rể, cháu nội cháu ngoại, mỗi người mỗi tiếng mỗi lời hỏi chuyện về đám cưới ngày xưa của ông bà và chúc ông bà sẽ nắm tay nhau hạnh phúc trọn đời khiến cuộc gọi video nhóm chỉ kéo dài hơn nửa giờ mà ông phải mấy lần lau mắt kính và bà phải mấy lần đưa khăn tay lên mắt.

Sau lời chào tạm biệt với con cháu, ông giáo già nâng chiếc ấm đã pha trà rót ra một chén ân cần đưa cho vợ:

- Mình uống đi, trà sen đặc biệt đấy chứ không phải chè loại hai hồi đám cưới ngày xưa đâu. Nhưng nghĩ lại thấy thật hay, chén trà loại hai hồi ấy, mọi người đến dự đám cưới đôi mình ai cũng nức nở khen thơm ngon.

Bà vợ cảm động, một tay đón chén trà từ chồng , một tay nâng ấm rót một chén trà khác trìu mến đưa cho ông:

- Mình uống cùng em đi, coi như đây là chén giao bôi trong đám cưới vàng hôm nay của chúng ta.

Ông giáo già đón chén trà từ tay vợ và thấy khuôn mặt bà hồng hào ngời lên những nét trẻ đẹp như thuở đôi mươi:

- Xong chén giao bôi này, ta sẽ cùng nhau xem lại bộ phim Đám cưới vàng của Thư Mạn và Cảnh Trực đã xem từ mùa xuân năm ngoái, mình nhé?

- Những 51 tập, tối nay sao mà xem cho hết được, hả mình?

- Không phải là xem toàn bộ 51 tập mà chỉ xem tập cuối. Mà cũng không phải là cả tập cuối mà chỉ mấy phút của trường đoạn cuối phim thôi.

- Em nhớ ra cái trường đoạn ấy rồi: Cái phút mà Cảnh Trực rơi đầu xuống vai vợ chìm sâu vào giấc ngủ. Thư Mạn cúi xuống vai mình, nghiêng đầu nhìn chồng mỉm cười âu yếm. Và khi khán giả rời ghế ra về hết, bà từ từ ngả đầu xuống sát đầu Cảnh Trực, hoà chung vào giấc ngủ cùng chồng giữa những hàng ghế trống không của nhà hát, một giấc ngủ êm đềm hạnh phúc nhất trong 50 năm họ cùng nhau nghĩa vợ tình chồng…

Thế rồi, khi màn hình chiếc TiviSony 32 inch báo cái trường đoạn cuối Đám cưới vàng của phim đã hết thì một cơn gió bỗng lay động rèm cửa sổ, thổi vào căn phòng một làn se lạnh. Bà vợ ông giáo già đứng lên, đến bên tủ quần áo, lấy ra hai tấm áo len mỏng lại gần chồng, khoác lên vai ông một tấm và âu yếm bảo:

- Rét nàng Bân năm nay lại về rồi đấy! Mình mặc thêm áo vào, kẻo lạnh.

Ông giáo già cảm động đứng lên, cầm tấm áo còn lại trên tay vợ rồi nhẹ khoác vào đôi vai gầy của bà:

- Mình cũng mặc thêm áo vào đi, kẻo lạnh!

Sài Gòn cuối Xuân 2017
NGUYỄN BÀNG
Email: bnguyen37@gmail.com

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian