Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Điều kỳ diệu cuối năm- Hà An

ĐIỀU KỲ DIỆU CUỐI NĂM

     Cửa khẩu Lệ thanh- nơi ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia- nhộn nhịp hẵn lên vào những ngày cuối năm vì số công nhân làm việc ở nước bạn nghĩ về quê ăn Tết khá đông. Xe khách, xe tải đậu chật trước sân chờ người của mình vào thị thực hộ chiếu và kiểm tra hành lý. Nhân viên hải quan ở đây ít ỏi nên mọi người phải chờ chực mất thời gian.


Điều kỳ diệu cuối năm-

      Tiến- kỹ sư điện đang làm việc cho một công ty ở A- tô-pơ (Lào)- hòa mình vào đám đông để làm thủ tục kiểm tra. Trong khi đứng chen chúc, anh chợt để ý đến người phụ nữ đội chiếc nón rộng vành, che gần khuất khuôn mặt đang cố gắng lấn lên phía trước, sự thôi thúc sớm về quê nhà nên cô có vẻ nôn nóng. Khi cô đi ngang qua chỗ Tiến đứng thì anh nhìn rõ khuôn mặt người phụ nữ:

      - Hạnh…Có phải Hạnh đấy không. Anh kêu lên.

      Cô gái quay nhìn anh, thốt lên :

     -Uả anh Tiến. Trời đất ơi, lâu quá rồi mới gặp anh.

      - Ờ, Chờ xong giấy tờ, tụi mình ra ngoài nói chuyện chút nghen. Anh nói.

      Mọi việc xong xuôi, Tiến và Hạnh cùng ra ngồi dưới bóng mát của một chậu kiểng trồng cây sanh đã cao. Họ tíu tít thăm hỏi nhau về hoàn cảnh sống của mỗi người sau nhiều năm xa cách, nhưng có lẻ họ không quên về chuyện ngày xưa của hai người. Họ nhìn sâu vào ánh mắt của nhau, rồi có một chút lặng im hồi tưởng về quá khứ…

      Ngày ấy, khi đất nước đổi thay, cha của Tiến rời phố thị đi ra vùng ven khai khẩn đất hoang để lập trang trại. Tiến học xong cấp 3 nhưng vì lý lịch của gia đình nên anh không thể tiếp tục học lên (chỉ vài năm sau, nhờ chính sách cởi mở nên anh mới có thể hoàn tất bậc đại học). Trong thời gian đó anh ra phụ giúp với cha làm nương rẫy. Ban đầu, giữa rừng núi hoang vắng, người ở thưa thớt làm cho Tiến cảm thấy buồn nản, nhưng càng ngày càng có đông người đến tạo thành xóm nhỏ lân cận nhau nên anh nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở đây. Tuy vậy, gia đình của Tiến vẫn ở hai nơi, mẹ anh ngoài phố với các em sống bằng nghề buôn bán tạp hóa phụ giúp cho cha con anh ở rẫy trong lúc chưa làm ra sản phẩm. Cuộc sống của anh sẽ nhẹ nhàng, bình lặng nếu không có một sự cố xảy ra…

      Một gia đình ở gần nhà Tiến, không thích sống cảnh buồn tẻ, thiếu thốn ban đầu nên đã sang nhà, vườn cho chủ khác để trở lại phố. Chủ nhà mới là vợ chồng trung niên khoảng trên dưới 50 tuổi, tên gọi người đàn ông là Bốn hay còn gọi là Bốn Phương vì hay đi đây, đi đó nhiều nơi, hết Long khánh, Bà rịa- Vũng tàu… trồng cà phê, tiêu, điều…không thành công, bèn dắt 2 thằng con khoảng 16, 17 tuổi lên Saigon buôn bán cà phê vỉa hè; học làm kẹo kéo, bánh bò để kiếm thêm thu nhập. Tình cờ, ông Bốn gặp Hạnh dẫn đứa bé gái còn nhỏ đi lang thang, phiêu bạt vào tận thành phố; không có việc làm ổn định nên hoàn cảnh họ vô cùng khốn khổ nên ông ra tay cứu giúp, cho mẹ con ăn ở và phụ việc cho gia đình ông. Biết Hạnh ly dị chồng (dẫu có một mặt con) vì nhà nghèo khó, ông Bốn đã đòi lấy Hạnh cho bằng được. Tứ cố, vô thân, Hạnh đành châp lão làm chồng mặc dầu tuổi Hạnh không lớn hơn các con ông là mấy.

      Được một thời gian, công việc làm ăn không thuận lợi; theo giới thiệu của một người bà con, ông Bốn cùng mọi người trở lại Tây nguyên và sang phần đất cạnh nhà vườn của cha Tiến. Ở đây họ vừa trồng lúa, hoa màu, vừa làm bánh kẹo đi bán ngoài phố. Hạnh được phân công ở nhà làm rẫy. Giao du và vần công qua lại. Hạnh và Tiến trở nên thân thiết và từ đó họ chịu nhiều điều tiếng và mọi chuyện không dừng ở đó nếu không có sự việc xảy ra vào ngày cuối năm.

      Tiến cờn nhớ những ngày cận tết cách đây 10 năm, cha anh phải về ngôi nhà chính ở phố để sửa soạn đón xuân. Trước khi về, ông sắm bông hoa, rượu trà và dặn Tiến làm con gà để cúng thổ thần nơi vườn trại của mình. Chiều hôm đó sau khi bày mâm cúng lễ xong, anh kiếm người ngôi lai rai với mình nhưng không gặp ai vì phần lớn về phố, số còn lại tụ tập ở những nhà khác ăn tất niên.

     Thấy bóng Hạnh thấp thoáng ở sau nhà cô, Tiến bèn hú mời cô qua chơi. Mọi người trừ Hạnh trong gia đình ông Bốn đều đi ra hội chợ bán bánh kẹo, bong bóng…kiếm tiền nên khi nghe Tiến gọi, Hạnh liền bước qua nhà.

      Hai người lăng xăng bày mâm cúng xuống chiếc chiếu giữa nhà rồi cùng ngồi đối ẩm với nhau. Để xua tan cái không khí vắng lặng của buổi chiều hôm, họ vừa cụng ly, vừa nói đùa vui vẻ. Rượu và mồi không mấy chốc đã vơi dần và tửu lượng kém nên cả hai cùng lăn ra ngủ trên chiếu rươu mà không biết trời trăng, mây nước gì nữa.

      Đến nửa khuya, khi hội chợ trên phố tan, gia đình ông Bốn lục tục về nhà. Không thấy Hạnh đâu, họ bèn đổ xô đi kiếm và bắt gặp cô đang gối đầu ngủ trên bụng Tiến trong tình trạng cả hai đều say mèm. Dìu Hạnh về, trong lòng lão Bốn tăng thêm nỗi ghen tuông dữ dội vì trước đó ông thường nghe tin đồn đoán về sư thân mật của Hạnh và Tiến lúc họ đi vần công với nhau. Có câu chuyện mà mấy bà hàng xóm đã trêu ghẹo Hạnh khi cô và Tiến cùng đi thu hoạch lúa nếp cho một gia đình hàng xóm; anh tích cực ôm những bó lúa to đến cho những người khác đập, thấy vậy Hạnh mới buộc miệng nói: “Anh Tiến ôm… đã ghê”. Cô nói mà xót chữ “ lúa” nên mọi người cười phá lên và diễn câu nói theo một ý nghĩa khác. Việc đến tai ông Bốn khiến ông âm thầm để ý. Hình ảnh của hai người hôm nay khiến lão Bốn không thể kiềm chế nỗi nghi ngờ nữa, ông ta bắt đầu đay nghiến, hành hạ cô…

     Qua Giêng thì bất ngờ Hạnh mang bầu và cuối năm đó, cô sinh hạ một cậu bé xinh xắn, dễ yêu cho gia đình ông Bốn. Nhưng lại thêm một oan nghiệt nữa đến với Hạnh: thằng bé càng ngày càng bụ bẫm và các bà hàng xóm trong trò chuyện đã có những phát ngôn thiếu cân nhắc, suy nghĩ- họ đùa rằng thằng bé giống ai đâu chứ không giống ông Bốn. Viêc này khiến cho lão Bốn càng ghen tuông đến lấn áp cả lý trí, lão ta bắt Hạnh thường xuyên lên giường với lão khi thằng bé mới được vài tuần tuổi. Hậu quả là Hạnh bị hậu sản phải đi cấp cứu, không còn nguồn sữa cho con bú . Nhà ông Bốn phải mua sữa đặc và xen thêm nước hồ cho nó bú. Dạo đó sữa là mặt hàng đắt đỏ, khan hiếm nên thằng bé không được cung cấp nguồn dinh dưỡng thường xuyên nên nó đói và quấy khóc nhất là về ban đêm. Lão Bốn ngủ không được liền qua đánh Hạnh vì không biết dỗ con!

      Qúa ấm ức, đau khổ; một hôm Hạnh lợi dụng cả nhà ông Bốn đi phố buôn bán, cô dẫn đứa con gái riêng lớn đi biệt tăm, đứt ruột bỏ đứa bé sơ sinh ở lại.

      Bà vợ lớn của ông Bốn thay Hạnh nuôi dưỡng thằng bé. Bà là người chậm chạp, đầu óc ngẫn ngơ nên việc chăm sóc không bằng mẹ ruôt của nó nên nó càng ngày càng còi cọc; Tiến mỗi lần đi ngang qua gắp nó, anh cảm thấy xót thương, anh có ý định xin nó về nuôi nhưng ngại vì không biết ông Bốn nghĩ về anh như thế nào và có đồng ý không?

      Dịp may cho anh chợt đến.

      Một hôm ông Bốn mời cha con anh qua nhà uống trà và dùng đồ ngọt. Sau vài tuần trà, ông ta mới đặt vấn đề. Ông nói:

      - Như chú và anh biết đó gia đình tôi chỉ biết buôn bán, không quen làm nông nên tụi tôi phải rời bỏ nơi đây đến một chỗ khác làm ăn. Nghiệt có thằng bé còn nhỏ quá, bà xã lại vụng về nên tôi muốn gởi nó cho gia đình chú nuôi vì biết nhà chú kinh tế còn rộng rãi và chú thím cũng như anh Tiến luôn có lòng thương người. Vậy chú và anh cố gắng ra tay giúp đỡ cho tụi tui. Có được không ạ.

      Tiến thầm nghĩ “ lão này ghê thiệt, ý muốn nói thằng bé là con của mình đây”. Anh chưa kịp nói gì, cha anh đã phản ứng:

      - Chú Bốn nói hay vậy. Gia đình tôi thương người có chỗ, khi không chú muốn áp đặt tụi tui phải nuôi thằng bé. Làm như nó là máu mủ trong gia đình tôi không bằng. Tui nghe tiếng đồn đoán chuyện thằng Tiến và con Hạnh nhưng chắc có phải là sự thật?

     Hai người tranh cãi qua lại. Ông Bốn thấy không có lý do gì để ép buộc cha con Tiến, ông muốn sự ra đi của gia đình ông được nhanh chóng dễ dàng nên xuống nước năn nỉ. Tiến mới nói:

      - Thôi để tụi tui về bàn bạc với mẹ và mọi người ở ngoài phố rồi trả lời cho anh Bốn sau.

Đoạn anh nhỏ nhẹ khuyên can cha nguôi giận và cáo từ ra về.Việc này quả hợp ý anh. Anh vội vã thuyết phục mẹ và mọi người chấp nhận nuôi đứa bé với lý do chỉ là lòng nhân đạo Cuối cùng, tất cả đều đồng ý với sự cầu xin của anh.

***

      Hạnh ngồi ôm mặt khóc nức nở khi nghe Tiến kể về đứa con của mình. Mặc cảm tội lỗi của người mẹ bỏ rơi con ruội của mình khiến chị thút thít nhiều hơn. Chị không ngớt kêu lên: “ Trời ơi, đứa con của tôi!”. Chờ cho Hạnh bình tâm, Tiến khẻ hỏi:

      - Thế từ ngày đó đến giờ Hạnh sống ra sao?

      - Em dắt con bé lớn về quê ở tạm nhà bà con rồi đi làm thuê sinh sống qua ngày. Con bé lớn đã lấy chồng, cuộc sống ổn định. Hạnh sau đó theo người chị họ đi sang Lào buôn bán quán ăn. Còn anh như thế nào rồi? Cô hỏi.

      - Tiến ở ngoài rẫy với cha khoảng một năm sau( kể từ khi Hạnh bỏ đi) thì sang nhượng đất, rồi về phố sống. Vì chính sách nhà nước mở nên Tiến thi đậu vào đại học, ngành điện. Ra trường, không xin được việc làm trong nước nên Tiến qua Lào làm cho một công ty nông nghiệp…

      - Thế anh đã lập gia đình chưa? Hạnh hỏi.
      - Chưa, Tiến còn chờ…
     - Chờ ai? Hạnh hỏi.
     - Chờ Hạnh.

      Hạnh la lớn lên:

      - Ông này điên sao chớ. Ông là trai tân còn tôi là gái nạ dòng, tôi có gì tốt đẹp đâu mà ông ưng.

      Tiến chậm rãi nói:

      - Hạnh biết không? Sau khi đưa thằng bé về nhà, một thời gian sau như có linh tính mách bảo, một lần nó đau nặng, tôi đưa nó đi Saigon chữa bệnh và nhân tiện thử ADN. Kết quả xác nhận nó là con của “anh”và Hạnh. “ Anh” lục lọi trong ký ức để nhớ lại, hình như cái buổi nhậu hôm đó , anh và Hạnh có làm “chuyện ấy” nhưng sau đó “tụi mình” say quá nên quên đi, không hay biết gì…

      Trầm ngâm một lát, anh nói tiếp:

      - Tôi đã đặt tên cho thằng bé là Hạnh Ngộ với ước mong Hạnh trở lại để chúng mình có thể thành một gia đình nhỏ, sống hạnh phúc bên nhau nhưng chờ đăng đẳng đã bao nhiêu năm mà … “em” vẫn bặt tin. Trong tôi, em vẫn là người phụ nữ duyên dáng, tháo vát…

      Nước mắt Hạnh lại tuôn rơi, cô nấc lên nghẹn ngào, cảm động trước tình cảm mà Tiến dành cho mình.

      Tiến cầm tay Hạnh rồi hỏi:

      - Thế bây giờ em có đồng ý làm vợ anh không? Em có muốn gần thằng Ngộ không?

      Im lặng, đắn đo trong vài phút; Hạnh khe khẻ gật đầu.

      Hai người thương lượng với nhà xe để ngồi cùng chung với nhau, cùng về đến một nơi. Con đường từ huyện biên giới Đức cơ ngày thường không xa lắm, chỉ mất vài tiếng đồng hồ để tới trung tâm thành phố, nhưng hôm nay họ thấy nó dài đăng đẳng, có lẻ họ đang sốt ruột mong chóng về tới ngôi nhà thân yêu, nơi mọi người chứng kiến cảnh đoàn viên của họ. Đó là một điều kỳ diệu trong thời khắc cuối năm, một sự ban ơn của bề trên sau nhũng tháng năm sống lưu lạc, chia cách của Hạnh Tiến và cậu con bé nhỏ. Một mùa Xuân sẽ ngập tràn hạnh phúc cho môt gia đình mới…


HÀ AN (Tháng Chạp- Bính Thân 2017)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian