Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Món quà Giáng sinh- Hà An

MÓN QUÀ GIÁNG SINH

Món quà Giáng sinh     Tân thong thả bước theo con đường dốc dẫn vào làng, xuyên qua những lô cà phê vuông vức vừa được thu hoạch xong, vang khẻ tiếng xào xạc của đám cành chà, lá khô dưới đất khiến cho không gian bớt tỉnh mịch trong đêm. Đến gần cuối đường, anh bắt gặp một âm thanh rộn ràng và ánh sáng chan hòa, lung linh một khoảng không gian- đó là tiếng thánh ca phát ra từ ngôi nhà thờ mới xây dựng xong và khánh thành nhân dịp lễ giáng sinh này. Công trình do một hội đoàn tôn giáo ở Mỹ tặng dân làng. Họ cử trực tiếp một phái đoàn qua giám sát và giúp đỡ xây dựng. Nhân dịp này, Tân làm quen với một cô gái trong đoàn, cả hai người có chung sở thich về nghệ thuật điêu khắc, hội họa nên dễ dàng gần gủi, quí mến nhau. Hôm nay, anh có món quà đặc biệt đợi lúc tan lễ nửa đêm sẽ dành tặng cho cô ấy…

      Họ gặp nhau thật tình cờ. Khi ấy, Tân đang cặm cụi tạc tượng nhà mồ cho một gia đình trong làng sắp làm lễ Pơ thi ( lễ bỏ mã) thì cô gái đi ngang qua khu nhà mồ, ngắm nhìn những tượng nhà mồ, Chợt cô đến một bức tượng gỗ, ngồi sụp xuống, hai tay đặt lên thân tượng, mắt nhìn đăm đăm và có một chút ươn ướt. Cô thốt lên:

     - Chúa ơi, sao bức tượng đẹp đẽ, có hồn quá! Anh ơi, anh biết ai làm không?

     - Đó là sản phẩm nghiệp dư của tôi. Tân nói.

      - Ồ! Của anh sao. Em thực sự cảm thấy xúc động khi nhìn tượng này. Nó có cặp mắt thâm sâu nhìn về một nơi xa vắng, cái miệng há lớn như muốn kêu lên một điều gì, những nét nhăn khắc chìm trên mặt đang bộc lộ sự đau đớn và hai tay dính vài vòng xiềng xích đang vươn ra như muốn nói lên nỗi thống khổ của con người đó. Lại ngầu nhiên được xếp đặt trước mấy cái hủ ghè, nồi đất sứt mẻ tạo nên một hình ảnh tuyệt vời, anh ạ.

      Tân cám ơn lời khen của cô gái và mời cô ngồi trên khúc cây đỗ, dưới tán rộng của một cây cổ thụ để trò chuyện.

      Cô gái tự giới thiệu:

      - Em tên là Hoài. Ba em có chân trong hội đoàn tôn giáo ở Mỹ và em được thay ba đi cùng một vài người qua đây để giúp đỡ làm nhà thờ cho dân làng. Còn anh?

      Tân kể, trước đây anh là giáo viên dạy mỹ thuật ở trường làng này. Cuộc sống thời bao cấp có quá nhiều khó khăn nên anh theo vài người trong làng đi khai thác gỗ quí trong rừng. Được một thời gian thì bị bại lộ, anh bị kỹ luật phải thôi việc. Gia đình ở phố nghèo nên anh vào làng đi làm đủ thứ việc để kiếm sống như: làm cỏ hái cà phê…, khai thác gỗ lũa( gốc cây) để tạo hình đồ mỹ nghệ và kể cả tạc tượng nhà mồ cho một số gia đình ở trong làng…

      - Nhưng em nghe nói, việc tạc tượng chỉ do thân nhân người đã khuất làm để bày tỏ tấm lòng tiếc thương của người còn sống. Hoài cướp lời anh nói.

      - Bây giờ việc tạc tượng chỉ do một số nghệ nhân lớn tuổi trong làng làm. Còn bọn trẻ thì không quan tâm, họ thường nhờ những người khác như anh làm hộ. Tân nói rồi anh trầm ngâm tiếp lời:

      - Em biết không? Tượng nhà mồ là một công trình điêu khắc và kiến trúc đôc đáo của người dân tộc.

      - Sao gọi là kiến trúc hở anh. Hoài hỏi.

      - Vì tượng nhà mồ thật ra là những trụ cột rào xung quanh nhà mồ và được trang trí bằng những công trình chạm khắc để làm đẹp nơi này, mang ý nghĩa giao lưu giữa người sống và người đã khuất, Trước đây, tượng được làm bằng gỗ quí như hương, cà chít…giảm được mối mọt, mục ruỗng theo thời gian. Tượng đươc đẽo khắc bằng rìu, dao chà gạc; phần trên khuôn mặt tạc nỗi, còn phần dưới thân thì khắc lõm các họa tiết như quần áo,vật dụng…Đặc biệt, tượng xưa thuòng chạm hình nhân có hai tay úp lên mặt nói lên sự tiếc thương của người thân dành cho người đã ra đi- nó mang tính cách rất riêng, rất có hồn của người Tây nguyên…


Món quà Giáng sinh

      Hoài thắc mắc:

      - Thế còn bây giờ, sao anh?

      - Gỗ hiện tại khan hiếm nên người ta thường dùng gỗ tap như: gạo( pơ lang), dầu … để tạc tượng nên nó không lâu bền theo thời gian. Hơn nữa, lớp trẻ đều thích tạc tượng theo phong cách hiện đại như tượng: anh lính, mẹ con, chim muông… khiến tượng dần dần mất đi nét truyền thống.

     - Tiếc nhỉ! Gía mà em có đươc những tượng mồ cũ ở đây mang về…

      - Uả em cũng yêu thích nghệ thuật điêu khắc thế à? Tân nói.

      - Em đang học ở College of art institute California. Hoài trả lời.

      - Hèn gì có nhiều cảm xúc về nghệ thuật.

      Họ say sưa trò chuyện đến khi mặt trời đứng bóng mới chia tay. Trong đầu óc của Tân nảy sinh một ý tưởng mới. Anh cặm cụi chạm khắc các tượng nhà mồ xưa theo mô hình thu nhỏ để làm món quà dành cho Hoài trước khi cô lên đường về Mỹ. Anh đợi sau khi tan lễ nửa đêm sẽ trao tặng phẩm cho Hoài, nhưng mọi người về gần hết mà không thấy Hoài đâu. Hỏi người trong đoàn với Hoài thì đươc biết tối nay cô xin phép vào làng, khi đi thấy cô khệ nệ mang nhiều túi xách to. Tân đoán được cô đã đi đâu. Anh vội vã bước nhanh về một “dông” đất nằm hướng đông của bìa làng.

      Qủa Tân đã đúng. Nơi Hoài đến là một khu đất nhỏ có 5 gia đình mắc bệnh phong đang sinh sống- hậu quả của hủ tục “liên táng”…Mắc bệnh nên họ sống tách biệt với dân làng, tập trung ở nơi đây. Điều kiện ăn ở rất khó khăn; mặc dù có chính sách cho họ tập trung điều trị và nuôi dưỡng, nhưng họ từ chối vì còn có những mối liên hệ với các người thân ở nơi đây nên nhân viên y tế phải đến tại nhà chữa trị và cấp thuốc cho họ.

      Tân sững sờ chứng kiến một không gian huyền ảo: Hoài mặc áo đầm trắng đứng trước một hang nhỏ xếp bằng đá xanh; trong khoảng trống của hang có bức hình bằng giấy cứng vẽ cảnh Chúa chào đời với những người thân đứng bên cạnh, được rọi bằng những ngọn nến nhỏ và đống lửa chụm bằng củi phía trước sân. Ánh sáng từ củi và nến hắt lên người Hoài, trông cô giống như một thiên sứ. Cô đang xướng những bài thánh ca cho mọi người hát theo. Họ ngồi quanh hang đá; già có, trẻ có, dùng bánh kem và đồ mặn mà Hoài mua cho. Mấy đứa trẻ còn có những món đồ chơi nho nhỏ nên nét mặt đứa nào cũng rạng rỡ. Tân thầm phục tấm lòng nhân ái của Hoài. Mặc dầu đến làng này chỉ trong thời gian ngắn, cô đi khắp nơi để tìm hiểu cuộc sống của dân làng và hôm nay cô đã thực hiện một món quà đặc biệt cho những người bất hạnh ở đây trong mùa giáng sinh này. 


Món quà Giáng sinh

      Đêm khá khuya, từ giã mọi người, Tân đưa Hoài trở về nhà thờ. Trời bắt đầu đỗ sương nhưng đi bên nhau, họ cảm thấy trong lòng ấm áp, quên cái không khí se lạnh bên ngoài. Dừng chân trước cổng nhà thờ, Tân trao cho Hoài món quà- đó là những bức tượng nhà mồ làm bằng gỗ quí tận dụng mà anh dày công đẽo khắc, nào là tượng nhà mồ úp mặt kiểu xưa, nào là tượng người khốn khổ…, tất cả đều nhỏ bé, xinh xắn. Không thể tả hết niềm vui của Hoài khi nhận được món quà của Tân. Chần chừ giây lát, Hoài tháo sợi dây chuyền trên cổ có hình trái tim băng pha lê, lồng ảnh mẹ Theresa đưa cho anh và dặn theo gương Mẹ cố làm từ thiện cho những người bất hạnh…

      Họ bịn rịn chia tay, rồi mai sẽ chia xa; dẫu buồn nhưng họ cảm thấy được ấm lòng vì có thể tưởng nhớ lại hình bóng của nhau qua những món quà giáng sinh đầy kỹ niệm. 


HÀ AN (12- 2016)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian