Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Anh hàng xóm (phần 2)- Phương Lan

ANH HÀNG XÓM  ( tiếp theo )
                                  Truyện Phương Lan


      Sự hối lộ trắng trợn của anh làm tôi tự ái, anh coi tôi là loại người nào? anh mua tình cảm của tôi bằng một vé xi nê có vài đồng bạc?  Xấu hổ lẫn tức giận làm cho tôi mất bình tĩnh, tôi ngước cặp mắt oán hận nhìn anh, nói như hét:
-        Khỏi mua vé, em sẽ đưa thơ cho anh, nhưng em không đi xi nê đâu.
     Nói xong, tôi chộp lấy lá thơ, chạy bay ra cửa, mặc anh ngơ ngác trông theo, đúng là anh không hiểu gì cả.  Chị Quỳnh Hương quả là có một trái tim sắt đá - chỉ đối với anh thôi -  Nhận được thơ anh, chị không ngần ngại vò nhàu, quăng ngay vào thùng rác, rồi quay qua cằn nhằn tôi:
-        Ai biểu mày nhận thơ hắn?  Từ nay đừng bao giờ làm vậy nữa, nghe chưa?
     Tôi bất bình dùm cho anh:
-        Ít nhất chị cũng nên coi xem anh ta viết gì chứ?
-        Mày thích thì mày coi đi.  Chị cười mũi, hừm! thằng cha cù lần đó mà đòi tán tao? đừng có mà nằm mơ.
     Nói xong chị bỏ đi chỗ khác.  Chờ cho chị đi khỏi, tôi lặng lẽ lượm thơ, vuốt cho phẳng phiu rồi đem vào phòng riêng đọc.  Thơ anh viết mùi tận mạng, những lời dịu dàng tình tứ, ngọt ngào còn hơn cả trong tiểu thuyết tình, làm tôi rung động cả con tim.  Tôi ấp lá thơ màu tím, thơm ngát mùi nước hoa lên ngực, mơ màng tưởng tượng đó là những lời anh viết cho tôi, và tôi sung sướng.  Chắc anh cũng đang sung sướng với sự tưởng tượng của anh, chắc anh tưởng chị Quỳnh Hương cảm động lắm khi đọc những lời tỏ tình của anh, chắc chị đang nóng lòng mong đợi cái ngày hẹn hò anh viết trong thơ.  Anh mơ một ngày nào đó anh và chị Quỳnh Hương sẽ sánh vai nhau trên con đường tình… Thôi cứ để cho anh mơ, giấc mơ yêu nào mà chẳng đẹp, tôi không đành phá tan giấc mộng của anh.  Nhưng anh không đợi được lâu, chỉ ba hôm sau, anh đã tìm gặp tôi ở cổng trường, dáng anh bơ phờ trông thật là tội nghiệp.
-        Mấy hôm nay anh không ăn ngủ gì được.
     Tôi đi guốc vào bụng anh, nhưng vờ hỏi:
-        Tại sao?
-        Anh mong Vân hết sức…
     Thái độ nôn nóng của anh khiến tôi lại nổi cơn tức, anh mong gì tôi? anh chỉ sốt ruột muốn biết phản ứng của chị Quỳnh Hương.  Tôi chỉ muốn nói huỵch tẹt hết sự thực, để nhìn anh đau khổ cho hả dạ, nhưng rồi tôi lại không nỡ.
     Khi anh hỏi:
-        Chị Quỳnh Hương có đọc thơ anh không?Anh hàng xóm 1
      Tôi nói dối:
-        Có! 
     Mắt anh sáng lên:
-        Thế chị ấy có nói gì không?
-        Không, không nghe chị nói chi hết.
      Thấy mặt anh xìu đi, tôi lại phải nói dối lần nữa:
-        Nhưng chị ấy mỉm cười.
      Lập tức mặt anh tươi trở lại:
-        Quỳnh Hương nghĩ sao mà lại mỉm cười, em nhỉ?
-        Em đâu có biết.
-        Sao không hỏi?
-        Ai hỏi kỳ vậy? mà có hỏi chị cũng không trả lời đâu, chuyện riêng của chỉ mà.
-        Ừ nhỉ, khó hiểu quá…
Nghĩ ngợi một lúc, anh lại đề nghị:
-        Vân giúp anh một lần nữa đi!
-        Lại đưa thơ nữa à?
-        Ừ.
-        Đưa gì mà đưa hoài vậy?
      Anh gãi tai, cười ngượng nghịu:
-        Thì đưa cho tới khi chị trả lời anh.
      Tôi ngần ngừ vì sợ nhận thơ sẽ bị chị Quỳnh Hương mắng, nhưng rồi sự tò mò và thích thú được đọc thơ anh đã thắng, tôi gật đầu bằng lòng.  Cũng như lần trước, số phận lá thơ thật là hẩm hiu, chị Quỳnh Hương cau mày gắt:
-        Chị đã nói rồi, sao mày cứ nhận thơ của người ta làm gì? Biểu anh ta thôi đi, đừng có vớ vẩn nữa.
-        Chị ác ghê!
      Miệng tôi trách chị, nhưng lòng tôi vui sướng như vừa trút được một gánh nặng, chị Quỳnh Hương không ưng anh thì tôi còn hy vọng, tôi hy vọng sẽ lấp được chỗ trống trong trái tim anh.  Thấy chị cầm lá thơ oan xé, tôi hốt hoảng ngăn lại:
-        Đừng! chị không đọc thì cho em.
      Chị nhìn tôi hơi thoáng chút ngạc nhiên, rồi mỉm cười:
-        Đây, cầm đi!  Mày có tò mò thì cứ việc đọc, còn tao thì đừng hòng, chẳng tội gì mất thì giờ vô ích.
      Nói xong, chị ngồi xuống ghế trước bàn phấn, sửa soạn trang điểm, hôm nay chị có hẹn với anh Khánh.  Tôi bỏ vào phòng riêng, đem theo lá thơ.  Đêm hôm đó tôi nằm mơ, một giấc mơ thật đẹp, tôi mơ được cùng anh lạc vào một khu rừng vắng, có suối róc rách, có chim hót, có hoa thơm bướm đẹp, có hoa cỏ xinh tươi, anh cầm tay và nói yêu tôi… Tỉnh giấc, tôi khóc ướt gối, anh Vinh ơi! nếu giấc mơ mà là sự thật, em sẽ hạnh phúc biết bao. Anh cứ đuổi theo một cái bóng, sẽ hoài công thôi, chị Quỳnh Hương không yêu anh đâu, chị đã có người khác.  Nhưng còn em, sao không bao giờ anh nghĩ đến em? sao anh không hiểu tình em?  Đừng coi em là trẻ con anh nhé? em đã biết yêu rồi, em yêu anh đó.  Anh có biết anh đã vô tình dẫm lên con tim của em khi anh nhờ em giúp anh tỏ tình với người khác? Em đã đau khổ thế nào, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, bởi vì em muốn thấy anh sung sướng.  Nhưng bây giờ thì em biết chắc anh chỉ hoài công thôi.  Đọc thơ anh mà thương anh quá đỗi, anh đặt tình yêu sai chỗ rồi, em không biết anh sẽ buồn đến thế nào khi biết được sự thật?  Nếu anh hiểu tình em, nếu những lời ngọt ngào ân tình kia anh dành cho em, em sẽ không bao giờ làm anh buồn lòng đâu.
Anh hàng xóm 2       Bây giờ thì tôi sợ phải chạm mặt với anh Vinh, vì tôi sợ sẽ phải nói ra sự thật. Trong nhiều ngày, anh nôn nao chờ đợi lá thơ hồi âm của chị Quỳnh Hương, mà không biết rằng những lá thơ tình say đắm anh viết cho chị với tất cả con tim của anh đã bị chị quăng bỏ, và hiện đang nằm dưới gối của tôi.  Trời ơi! tình yêu sao mà ngang trái? Tim anh chỉ mang hình bóng của chị Quỳnh Hương, còn tim tôi lại mang đầy hình bóng của anh.  Nhưng tôi biết tôi chỉ là người đứng bên lề cuộc đời của anh thôi, mười lăm tuổi, tôi vẫn bị anh coi là trẻ con, không bao giờ anh thèm để ý, thì làm sao anh hiểu được tình tôi? Trốn anh được một tuần, một hôm anh lại đến tìm tôi nơi cổng trường.
-        Tại sao Vân cứ tìm cách lánh mặt anh?
      Tôi buộc lòng phải nói ra sự thật:
-        Tại em không muốn làm anh đau lòng, chị Quỳnh Hương bảo anh thôi đừng viết thơ cho chị ấy nữa.
-        Tại sao vậy?
      Mặt anh tái mét thấy tội nghiệp, nhưng đã trót nói ra rồi, tôi đành phải tiếp tục:
-        Tại chị ấy đã có người yêu rồi.
-        Thật à? Anh bật ra một tiếng rên nghe xé lòng.
      Tôi cũng đứt từng khúc ruột, tôi đau đâu có kém anh khi thấy anh thất tình kẻ khác.  Tôi nói mà không dám nhìn vào mặt anh:
-        Em nói thật, không tin anh cứ đi tìm chị ấy mà hỏi.
-        Không, anh tin chứ, nhưng anh buồn quá.
      Anh thẫn thờ một hồi rồi bỏ đi.  Nhìn anh lên xe Honda rồ máy phóng đi, tôi lo sợ, không hiểu bằng cách nào anh về đến nhà mà không gặp tai nạn. Từ hôm đó không thấy anh đàn hát gì nữa, anh lánh mặt mọi người, anh tránh luôn cả tôi.  Năm sau, chị Quỳnh Hương lên xe hoa về nhà chồng.  Trước đám cưới một tuần, anh bỏ nhà đi mất, sau này nghe nói anh tình nguyện đăng lính.  Ba năm sau, gia đình tôi rời xóm, dọn nhà đi nơi khác, nhưng Hiển vẫn tới lui thăm viếng.  Lúc này cả hai chúng tôi đều đã lên đại học, Hiển học giỏi lắm và trúng tuyển kỳ thi học bổng đi du học ngoại quốc, hắn chọn ngành hàng không.  Trước khi chia tay, Hiển rụt rè ngỏ lời:
-        Hiển đi bốn năm, Vân có buồn không?
     Tôi thờ ơ:
-        Việc gì phải buồn?
      Hiển cau mày trách:
-        Vân vô tình quá, còn Hiển thì nhớ Vân, đi không muốn đành… Đã có lúc Hiển muốn bỏ ý định đi du học đấy.
-        Đừng dại!  Tôi thành thật, đâu có dễ gì xin được học bổng?
-        Vẫn biết thế, nhưng phải xa Vân, tôi… tôi…chịu không nổi.
-        Rồi sẽ quen đi mà.
-        Khó lắm, mình là bạn của nhau mười mấy năm trời, bỗng chốc phải xa nhau không khổ sao được?  Hiển đi mà để hồn lại đây…
-        Đừng! không hồn thì chết mất còn gì? hồn bao giờ cũng phải đi với xác chứ?
-        Vân cứ đùa, chẳng lẽ Vân không hiểu lòng tôi ư?
-        Vân hơi… hiểu hiểu.
-        Vậy Vân chờ tôi nhé?
-        Hiển sợ Vân lấy chồng à?
-        Ừ, sợ!
-        Nếu thế Hiển đừng lo, Vân sẽ không lấy chồng đâu.
      Hắn cười, nét mặt rạng rỡ:
-        Hiển coi đó là một lời hứa hẹn của Vân đó nghe?
-        Vân có hứa gì đâu?
-        Thì Vân vừa hứa là sẽ không lấy chồng đó thôi?
-        Ừ, cái đó thì đã hẳn, Vân đã nói thì sẽ giữ lời hứa.
Anh hàng xóm 3      Hiển sung sướng, hắn nắm lấy tay tôi thật lâu mới buông ra, hắn còn bịn rịn thêm một hồi nữa rồi mới chịu quay bước.  Hôm đưa tiễn Hiển ra phi trường, có cả anh.  Trông anh phong sương trong bộ áo nhà binh, mặt anh nâu xạm vì nắng gió và đôi mắt rất buồn.  Tôi chờ hoài một ánh mắt, nhưng anh không nhìn ai cả, cứ cắm đầu lầm lũi bước.  Nhìn dáng anh thiểu não, lòng tôi quặn thắt, tôi biết anh chưa quên chị Quỳnh Hương, anh không bao giờ quên… Tôi bật khóc khi Hiển nói lời chia tay, tôi đã khóc thật sự, tôi khóc cho tôi, tôi khóc cho anh, và khóc cả cho Hiển nữa.  Hiểu lầm những giọt nước mắt của tôi, Hiển nói giọng cảm động:
-        Vân đừng buồn, thời gian rồi sẽ qua nhanh lắm.  Cám ơn những giọt nước mắt của Vân, Hiển sẽ nhớ mãi giây phút này.  Mai này Hiển về, hy vọng mọi chuyện sẽ không thay đổi.
Tôi gật đầu:
-        Sẽ chẳng có gì thay đổi đâu, Vân lúc nào cũng vậy, bây giờ và mãi mãi.
      Tôi vẫn giữ lời hứa, nhưng là hứa với chính tôi, chứ chẳng phải vì Hiển.  Những lá thơ chứa đầy thương nhớ của Hiển không làm tôi cảm động, tuy nhiên thỉnh thoảng tôi cũng viết thơ qua lại, khuyến khích hắn chăm lo học hành.
      Bốn năm sau, Hiển về nước, hắn tìm đến thì tôi lánh mặt.  Mẹ ngạc nhiên:
-        Không phải con vẫn chờ đợi nó hay sao?
-        Không phải đâu, mẹ ạ.
-        Sao mấy năm nay con từ chối tất cả mọi đám mai mối?
-        Tại con không muốn lấy chồng.
-        Ở nhà làm mắm à? Bà có vẻ bực mình, nhưng vẫn nhẹ nhàng khuyên, con gái chỉ có một thời thôi, đừng để tuổi xuân qua đi uổng lắm.  Mẹ thấy thằng Hiển được quá chớ, nó đẹp trai, có địa vị, có tương lai, lại yêu con hết lòng.  Đừng bỏ lỡ cơ hội, mai mốt lại tiếc.
-        Con sẽ không tiếc đâu.
-        Mày còn muốn gì hơn nữa? nó bây giờ là một chàng phi công hào hoa phong nhã, là thần tượng của các cô gái thời nay, thiếu gì con gái đẹp vây quanh, mà nó lại chọn con.
-        Hân hạnh lắm, nhưng con không yêu hắn.
-        Mày chê nó ở điểm nào?
-        Con đâu dám chê, chỉ tại không thích thôi.
-        Thật mẹ không hiểu được mày, cứ kén cá chọn canh mãi, đám nào cũng từ chối.  Năm nay cô đã hăm lăm, hăm sáu, trẻ trung gì nữa, không lẽ muốn ở vậy để làm gái già?
-        Gái già thì đã sao? Tôi ôm mẹ nũng nịu, tại sao mẹ cứ muốn tống con đi? ở nhà với mẹ không phải sướng hơn sao? 
-        Thôi đi cô! nhà một bầy con gái, gả được con Quỳnh Hương mẹ đã mừng, bây giờ thì đến lượt mày, con chị đi trước thì con em mới theo sau được chứ?
-        Mẹ cứ gả các em trước đi, còn con, xin mẹ để cho con yên.
      Mẹ giận dỗi bỏ đi chỗ khác.  Tôi đâu muốn làm mẹ buồn lòng, tôi cũng đâu muốn làm gái già?  Chỉ tại duyên số, tại con tim tôi không thể rung động được nữa, tôi không muốn đem về cho chồng một thân xác vô tri.
      Hiển chờ tôi thêm hai năm nữa không được thì cưới vợ, vây quanh hắn có biết bao nhiêu cô gái trẻ đẹp, và Hiển đã chọn được một cô đẹp nhất.  Đám cưới, Hiển không mời tôi, nhưng tôi cũng lịch sự gởi mừng hắn một món quà đáng giá.  Đã lâu không ghé qua xóm cũ, sợ chạm mặt Hiển, bây giờ Hiển đã cưới vợ và dọn nhà ra riêng, một hôm tôi về thăm lại chốn xưa.  Tới đầu ngõ, tự dưng tôi thấy lòng bồi hồi.
Dừng chân trước cửa nhà chàng
Thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau
Tìm chàng chẳng thấy chàng đâu
Lá rơi lả tả bên lầu như mưa
( Thơ Nguyễn Bính )
Anh hàng xóm 4     Căn nhà của anh vẫn y nguyên như xưa với hai cánh cửa màu xanh, với giàn bông giấy quanh năm trổ đầy bông tím, nhưng trước cửa có móc một ổ khoá to tướng, chắc chủ nhà đi vắng.  Tôi đứng tần ngần rất lâu dưới giàn bông giấy, nơi trước kia tôi vẫn tụ tập cùng bầy con nít đứng nghe anh đàn…
      Một bà cụ hàng xóm, không nhận ra người quen, nhưng cũng đon đả chạy ra đón chào:
-        Cô vào nhà tôi chơi, đứng ngoài này nắng chết.
      Tôi chỉ ổ khóa to tuớng trước cửa:
-        Chủ nhà đi xa, phải không bác?
      Bà cụ gật đầu:
-        Phải, họ về quê ăn Tết, ra giêng mới trở lên.  Cô đi thăm ai ở nhà này?
     Tôi mỉm cười:
-        Bác Năm không nhận ra cháu sao? khi xưa cháu ở xóm này, cháu là con của ông bà Hưng làm ở sở bưu điện đó.
      Vừa nói, tôi vừa trỏ ngôi nhà cũ ở giữa xóm, bây giờ đã có chủ mới.  Bà Năm nheo mắt nhìn tôi chăm chú, rồi chợt à lên một tiếng:
-        Tôi nhớ ra rồi, cô có người chị đẹp lắm, lấy chồng làm bác sĩ ở bảo sanh viện Hùng Vương đó chứ đâu.  Cả xóm đi ăn cưới cô ấy mà, còn cô lúc đó còn nhỏ.  Chóng thiệt, mới đây mà đã mười mấy năm qua rồi, cô thay đổi nhiều quá, tôi nhận không ra.  Bây giờ cô đã có chồng con gì chưa?
-        Chưa bác à, cháu cao số nên không ai thèm cưới.  Bây giờ thì cháu đã ngoài ba mươi rồi.
-        Úi chao! ba mươi thì ba mươi, đã có làm sao?  Bà an ủi, thời buổi nay người ta lấy chồng trễ cũng là sự thường.  Hay cô còn chờ đợi ai?
      Tôi cúi đầu, xấu hổ:
-        Có ai thương cháu đâu mà chờ với đợi?
-        Dạo đó thấy cô với cậu Hiển thân nhau, tôi cứ tưởng…
-        Không phải vậy đâu bác, tụi cháu chỉ coi nhau như bạn.
-        Đâu có ai dè, chừng thấy cậu Hiển cưới vợ, mọi người mới vỡ lẽ.  Bây giờ cậu Hiển đã có con rồi, thỉnh thoảng hai vợ chồng đem con về xóm này, ở chơi với ông bà nội mấy bữa.  Thằng nhỏ mới lẫm đẫm biết đi, cái mặt giống in hệt ba nó, coi dễ thương hết sức… 
-        Thế còn anh Vinh? Tôi sốt ruột hỏi.
-        Nó buồn chuyện chi không biết nên bỏ học, đăng lính, xông pha hòn tên mũi đạn, nghe đâu nó liều lĩnh lắm. Thiệt dại dột quá, người ta chạy tiền chạy bạc để trốn lính, đàng này…
      Bà ngưng lại không nói tiếp, tôi cố nén hồi hộp đễ giữ giọng cho tự nhiên:
-        Anh Vinh có hay về thăm nhà không? bây giờ ảnh ở đâu hả bác?
-        Nó đi luôn rồi, không về nữa đâu.  Tội nghiệp quá…
-        Bác nói vậy nghĩa là sao?  Tôi hỏi mà tim đập tưởng như vỡ lồng ngực.
-        Vinh tử trận hồi đầu năm, không tìm thấy xác.
-        Trời ơi!
Anh hàng xóm 5
      Tôi không thể ngăn được tiếng kêu đau đớn như xé lòng, thế là người tôi thương, thế là niềm hy vọng cuối cùng của tôi đã tan thành mây, thành khói rồi.  Nỗi tuyệt vọng khiến tôi không cầm được nước mắt, tôi ngước nhìn lên bầu trời cao, anh đang ở trên ấy, bay xa khỏi tầm tay của tôi, còn gì mà chờ với đợi?  Giấc mơ một đời đã tắt, vì anh đã không còn, anh không có cả một nấm mộ cho tôi đặt một vòng hoa.  Anh Vinh! anh Vinh ơi… tôi gọi tên anh bằng tiếng nói từ trong tim, bao giờ anh mới đến với tôi? sao chẳng bao giờ anh là của tôi, ngay cả sau khi anh đã chết? Tôi vẫn nhìn lên trời cao, tìm bóng dáng anh, nhưng chẳng thấy, chỉ thấy mênh mông mây trắng… Trời hôm nay nắng say như chói lòa, làm hoa cả mắt, mây như bềnh bồng dưới chân, tôi lảo đảo đứng không muốn vững.  Mơ hồ có tiếng bà Năm hốt hoảng:
-        Cô làm sao vậy? trúng gió à? khi không sao mặt mày lại tái lợt đi thế kia?
      Tôi giật mình ra khỏi cơn mộng du, gượng gạo trả lời:
-        Không sao đâu bác, cháu chỉ hơi chóng mặt, chắc là tại trời nắng quá.
-        Đúng vậy, mấy hôm nay thời tiết xấu quá, vừa nóng vừa hầm, chính tôi cũng thấy khó chịu.  Thôi, cô hãy uống hết ly nước mát này, rồi ngồi nghỉ một lát sẽ khỏi.
-        Cám ơn bác.
      Tôi cầm ly nước mà tay run run, nước sóng sánh tràn cả ra ngoài.  Bà Năm chợt nhìn tôi nghi ngờ:
-        Nè! nói thiệt với bác đi, có phải cháu là người mà Vinh vẫn đợi? Hèn chi bao nhiêu năm rồi, nó nhất định không chịu cưới vợ, cho dù ba má nó cứ dục dã hoài.  Hai người giận nhau chuyện chi để nó buồn phải đi đăng lính?  Bất nhân dữ hôn, có giận cũng giận vừa vừa thôi, giận chi dai dữ khiến cả hai đều khổ?  Mà nó cũng tự ái nữa, sao không về xin lỗi cháu?
      Bà còn nói nhiều nữa, nhưng tai tôi ù rồi, chỉ nghe câu được câu mất. Tôi cũng không còn hơi sức đâu để cải chính, anh đâu phải vì tôi? trước sau gì anh cũng không yêu tôi, cho đến chết anh vẫn không hiểu được tình yêu thầm kín của tôi đối với anh, bởi vì chưa một lần nào tôi dám ngỏ.   Có những người trời sinh ra chỉ yêu có một lần trong đời thôi, là anh và tôi đó, nhưng cả hai đều không đạt được ước vọng.  Hai tâm hồn cô đơn của chúng ta sao không tìm về với nhau nhỉ?  Anh và tôi suốt đời chỉ đuổi theo những chiếc bóng, đã là bóng thì làm sao bắt được? nên chúng ta suốt đời hụt hẫng…  Bây giờ nói chi thì cũng đã muộn.  Anh hàng xóm ơi! anh đã đi xa thật rồi, anh đi không bao giờ về nữa, nhưng anh đi sao lại mang theo trái tim của tôi? 
PHƯƠNG  LAN
( trích trong tập truyện Lấy chồng xa )

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian