Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Một chuyện vui...(NPV)

Một chuyện vui...

     Tôi vừa nhảy lên từng bậc thang lầu vừa huýt sáo một điệu nhạc vui vẻ. Không vui làm sao kia chứ! “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ đã ai quên”, quen Phượng đã mười mấy hai ba tháng rồi, mãi đến chiều này Phượng mới nhận lời mời của tôi cùng đi xem phim vào tối thứ bảy tuần tới. Chà, coi bộ chờ cũng... ná thở nhưng không sao, dấu hiệu đầu tiên ấy là một dấu hiệu tốt đầy hứa hẹn. Cô bé dễ thương mà “khó” tính ghê. Mãi suy nghĩ tôi bước chân đến cửa phòng hồi nào không hay.

     - A, thằng Văn dìa tụi bay ơi!
     - Đâu, đâu? Vào đây!
     - Ha...ha....ha, hi...hi..., hô...hô....

     Cùng một lúc với mấy câu nói rối rít, có đủ 36 kiểu cười vang lên từ cửa miệng của chừng 10 con người. Những ánh mắt đổ dồn vào tôi, rõ ràng tôi đang là mục tiêu của sự ồn ào ấy. Tôi nhìn tụi nó với cái nhìn... cảnh giác. Gì thế nhỉ? Chẳng lẽ tụi nó biết chuyện mình có hẹn với Phượng sao? Vô lý. Mình đã cẩn thận thủ tiêu cả mấy mảnh giấy chuyển qua chuyển lại rồi mà. Ờ mà... có biết thì cũng... hay hay chứ ăn nhằm gì. Vui vui với ý nghĩ đó, tôi cười theo:

     - Có chuyện gì vậy anh em?

     Hình như có sự thống nhất trước, cả bọn lập tức im “ghe” (nói theo ngôn ngữ các bạn miền Tây: Con cá “gô” bỏ trong “gổ” kêu “gột gột” í mà!). Rồi thằng Hưng, cái thằng có biệt tài giả đủ thứ giọng: từ giọng dê kêu, giọng gà cục tác đến giọng khỉ khọt khẹt... đứng dậy. Lần này nó giả gọng bà già trang nghiêm, đạo mạo:

     - E hèm, e hèm! “Con trai yêu quý của má...”
     - Ha...ha...ha, hi...hi..., hô...hô...

Mẹ. Một chuyện vui. Pleiku phố núi và bạn bè
          Cả phòng đồng loạt rộ lên cười khoái chí. Tôi giật thót cả người. Thôi chết cha rồi, cái thư của má tôi gửi làm sao lọt vào tay tụi nó vậy kìa? Thấy tôi ngơ ngác, tụi nó càng cười to hơn, đứa ôm bụng mà cười, đứa bò lăn ra giường mà cười, đứa giơ cả hàm răng sún ra mà cười, cười chảy cả nước mắt, nước mũi.

     Tôi nổi quạu lên:
     - Nè, vừa phải thôi nghe. Đứa nào lấy thư tao đó hả? Tao mà bắt được thì...
     - Ê! Đừng nóng. Mày bỏ gió bay lung tung thì anh em tò mò phải coi chứ. Tụi bay im đi chút nào. Cười gì cười dai nhách! E hèm!
     Thằng Hưng giang hai tay ra, cố nín cười. Cái giọng giả bà già của nó cứ ngững ngững:

     - “Con lên Sài Gòn... có khỏe... hông con? Tội nghiệp con má... Híc... hic... Nghe lời má... ráng giữ gìn sức khỏe... và học giỏi...”

     Mấy đứa còn lại đồng thanh đọc như đọc kinh:

     - “Nghe...en co...on”...
     - Ha...ha...ha, hi...hi..., hô...hô...
     - Im, im coi! Bis, bis!

     Thằng Hưng càng nổi hứng tiếp:

     - “Đừng hút thuốc lá...”
     - “Nghe...en co...on”...
     - “Đừng để tóc dài...”
     - “Nghe...en co...on”!
     - “Đừng cà phê, rượu chè...”
     - “Nghe...en co...on”!
     - “Đừng có bồ bịch lung tung...”
     - “Nghe...en co...on”!
     - Ha...ha...ha, hi...hi..., hô...hô....

     Cứ dứt mỗi câu tụi nó lại lăn ra mà cười. Tôi đành cười gượng theo một cách “thê thảm” vì biết mọi phản ứng khác vào lúc này chỉ càng làm cho tụi nó khoái chí thêm mà thôi. Tôi đâm bực má tôi. Ai đời đã là sinh viên rồi, biết... yêu rồi mà má tôi cứ xem như tôi còn bé bỏng lắm. Cứ dặn dò đủ thứ. Tôi bực cả tôi nữa. Sáng nay trong lúc lục tìm tờ giấy pơ luya thật đẹp để viết thư mời Phượng đi xem phim, tôi đã để lá thư của má tôi gửi cho tôi từ ngày nhập học rồi vô ý quên khuấy đi mất. Thật tai hại quá. Lại gặp mấy thằng bạn trời đánh ấy nữa. Tụi nó chẳng chọc một lần mà thôi đâu.

     Thật vậy! Cứ mỗi lần tôi hút thuốc, đi uống cà phê là tụi nó lại chọc. Không không chẳng biết làm gì cho khỏi ngứa ngáy chân tay, tụi nó cũng chọc. Nhàn cư vi....bất thiện mà. Tôi cay cú nhất là hễ có đứng gần đứa con gái nào một chút thì từ phía sau thế nào cũng có tiếng lao xao:

     - Ê Văn! Hút thuốc mậy!
     - Đi uống cà phê với tao, mậy!

     Rồi một giọng khác ra vẻ người lớn.

     - Này! Đừng có “ Gũ gê” lôi kéo bạn bè nghe không ! Hổng nhớ má nó viết thư lên dặn . “ Đừng hút thuốc....”
     - Nghe...en co...on!
     -“Đừng để tóc dài...”
     - Nghe ...en co...on!

     Vẫn cái thằng Hưng đầu têu chứ không ai khác. Lại những kiểu cười – tất nhiên là khúc khích thôi nhưng đủ làm tôi quê mấy cục và lảng đi chỗ khác thật lẹ. Nghĩ cũng thật tức cười. Lâu ngày tôi đành kệ ...cha tụi nó. Đứa nào cười hở 10 cái răng, còn tớ ăn nhằm gì?

     Một lần xui khiến thế nào tụi nó lại bàn cãi sôi nổi về Phượng và ước ao này nọ tùm lum. Cuối cùng tụi nó thách thức nhau làm thế nào để mời Phượng đi xem phim hoặc ăn chè thập cẩm. (Thì đã bảo Phượng dễ thương nhưng khó tính lắm). Cãi nhau chán tụi nó lại lôi tôi ra để mà trêu chọc. Quen thói mà. Tôi phớt lờ, lòng thầm kêu hãnh. Ừ tụi mày cứ cười cho khỏe đi, cười rồi có ngày trố mắt ếch ra mà tôn “ông” làm quân sư. Chờ đấy !

Mẹ. Một chuyện vui. Pleiku phố núi và bạn bè
     Buổi tối “thiêng liêng” ấy rồi cũng đến. Tôi đến điểm hẹn thật sớm, lòng xao xuyến hồi hộp và bỏ qua tất cả mọi tiếng cười đuổi theo đã xưa như trái đất của lũ bạn nội trú cùng phòng. Kệ tụi nó. Tình yêu làm cho con người ta độ lượng với nhau hơn. Tôi cũng vậy. Phải thừa nhận tối thứ bảy hôm ấy thật tuyệt vời, và có cả bất ngờ nữa...

     Xem phim xong, còn sớm tôi cùng Phượng đi dạo và nói với nhau đủ chuyện trên trời dưới đất, không đầu cũng chẳng đuôi. Sau đó tôi cùng Phượng vào một quán chè nổi tiếng và không xa ký túc xá lắm. Nếu bình thường chắc tôi đã nhớ rằng quán chè là nơi đóng đô thường xuyên của tụi bạn tôi, nhưng tối hôm đó tôi hoàn toàn quên mất. Phượng nhận lời sau một lúc ngần ngại. Câu chuyện chuyển hướng thật tình cờ:

     -Văn có hay nhớ nhà không ? Phượng con gái nên khỏi nói. Nhớ đủ chuyện...

     Phượng hỏi, tôi trả lời:

     - Nhớ chứ. Nhớ nhà, nhớ những kỷ niệm hồi còn học phổ thông. Mau quá phải không Phượng?
     - Ừ ! Mà nè- Giọng Phượng hỏi ngập ngừng – hồi phổ thông anh đâu có hút thuốc, uống cà phê, đâu có để tóc dài thế này phải không ?

     Tôi ngạc nhiên nhìn Phượng , hồi đó tôi và Phượng đâu có quen biết gì đâu nhỉ? Tôi hỏi:

     - Sao Phượng biết?
     - Biết chứ – Phượng bật cười khúc khích. Từ chuyện cái thư của má anh đấy mà – “Nghe lời má, nghe...en...co...on!”...

     Í trời đất ơi! Tôi gần muốn... khóc luôn. Cái chuyện chẳng lấy gì làm hay ho ấy mà Phượng cũng biết! Giá biết phép độn thổ như Tề thiên đại thánh, chắc tôi đã biến mất, bỏ Phượng ngồi một mình quá! Mặt tôi đỏ rần lên. Lại thằng Hưng chú không ai. Đồ trời đánh! Đồ miệng mắm miệng muối! Đồ ba que! Đồ hại bạn!....Tôi thầm nguyền rủa nó chẳng tiếc lời rồi ấp úng thanh minh:

     - Phượng đừng cười. Tính má Văn vẫn vậy. Nhiều khi Văn cũng phát bực. Làm như Văn còn bé bỏng lắm.

     Phượng nhìn tôi, mắt có ý trách:

     -Đừng nói vậy,anh Văn. Bà mẹ nào lại không lo lắng cho con, vì lo lắng quá nên mới thấy con mình lúc nào cũng bé bỏng. Mẹ Phượng cũng vậy thôi.

     Tôi nói rất thực:

     - Là Văn nói vậy thôi. Nhưng lớn rồi, trong phạm vi xã giao cũng cần có vài thói quen .Gọi là thói quen chứ Văn cũng biết tự chủ lắm chứ.

     Phượng gật đầu:

     - Phượng đồng ý với anh thôi. Căn bản là con người phải làm chủ thói quen chứ đừng để thói quen làm chủ mình. Còn chuyện cái thư... miễn hỏi tại sao Phượng biết nha...

     Ánh mắt Phượng nhìn tôi trìu mến, gần gũi. Tôi “ừ” mà lòng nghe rộn rả niềm vui. Câu chuyện cứ thế dần đi xa. Rồi tôi chợt nhớ ra, kêu lên

     - Về thôi Phượng! Khuya rồi đó.

     Phượng giật mình cười khẻ:

    - Ừ nhỉ! Phượng cũng quên mất. Buổi tối qua mau ghê.

Mẹ. Một chuyện vui. Pleiku phố núi và bạn bè

     Tôi cùng Phượng luyến tiếc đứng dậy. Và thật...bất ngờ, đúng lúc ấy thằng Hưng cùng lũ bạn trời đánh của tôi bước vào quán. Lại đi uống cà phê khuya thôi. Tôi đành...phớt tỉnh cùng Phượng vừa mỉm cười vừa đi ra trong khi tụi nó cứ ngẫn cả lũ mà nhìn theo. Sao, còn cười nữa không các bạn? Cười là một thói quen đáng yêu mà! Lúc ấy giá trên môi tôi có một điếu xì gà La Habana thật sự, bự tổ chảng đang cháy đỏ chắc cũng chẳng có đứa nào chú ý đến đâu. Kể cũng lạ thật.

                                         NPV-10/1982-(viết cho diễn đàn SV)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian