Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Ải Nam Quan chưa bao giờ là của Việt Nam- Lữ Giang (ST sưu tầm)

ẢI NAM QUAN CHƯA BAO GIỜ LÀ CỦA VIỆT NAM
----------Lữ Giang----------

     BBT: Từ xưa đến nay mỗi khi nói về Tổ quốc Việt Nam, dân ta hay nhắc đến câu: Núi sông liền một dải từ ải Nam Quan đến mũi Cả Mau. Gần như mặc định, trong tâm thức mỗi người Việt, ải Nam Quan là một phần thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Nhưng thực sự ải Nam Quan có đúng là của Việt Nam, hay chỉ là một địa danh được định vị  để xác định chủ quyền của Việt Nam bằng một từ "TỪ" ?

      BBT Phố núi và bạn bè xin trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu của Tiến sỹ Lữ Giang về chủ đề này


Ải Nam Quan

     LTG: Muốn chứng minh hay tranh luận về chủ quyền lãnh thổ phải căn cứ vào sử liệu và các quy luật dẫn chứng (rules of evidence), trong vấn đề này các văn kiện chính thức và các văn kiện pháp lý đóng vai trò quan trọng nhất. Các sử liệu đó hiện còn được lưu trử trong văn khố của Pháp. Trước đây chúng tôi phải nhờ các thân hữu ở Pháp sao chụp giúp những phần chính để viết. Nay toàn bộ hồ sơ này đã được in trong cuốn “Biên Giới Việt – Trung 1885 – 2000” từ trang 257 đến 273 (bản đánh máy lại) và từ trang 274 đến 324 (bản hình chụp), ai cũng có thể tham khảo một cách dễ dàng.

Những tài liệu chính thức nói trên cho thấy Ải Nam Quan là của Tàu, chưa bao giờ là của Việt Nam. Ai cho rằng các tài liệu chính thức nói trên không đúng có thể dùng phản chứng (counterevidence) để chống lại, nhưng phản chứng cũng phải căn cứ vào sử liệu và các quy luật dẫn chứng, chứ không thể "chọi đá đường rày xe lửa" hay nói theo cảm tính của cá nhân hay số đông, vì một triệu con số không cộng lại cũng là số không (A million zeros joined together equal zero).

Sau đây là tóm lược những dẫn chứng đã được chúng tôi đã trích dẫn.

TÀI LIỆU LỊCH SỬ CHO THẤY NAM QUAN CỦA TÀU:

1.- Tài liệu của nhà Nguyễn
Về phương diện lịch sử, sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” viết bằng chữ Hán do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức, đã viết rất rõ về ải Nam Quan như sau:

"Cửa [Nam Giao] này dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại; có tên nữa là "Đại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở giữa, có biển đề ba chữ "Trấn Nam quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở.. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia", dựng từ năm Tân Sửu đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có Chiêu Đức đài, đằng sau đài có Đình tham đường (nhà dừng ngựa), của nước Thanh; phía nam có Ngưỡng Đức đài, của nước ta, bên tả bên hữu đài có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan, thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ"
[Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 4, trang 385, NXB Thuận Hóa năm 1997].

Như vậy theo sử của Triều Đình nhà Nguyễn, ải Nam Quan được Tàu xây từ đời Gia Tỉnh nhà Minh (1522 – 1567), đến thời Ung Chính nhà Thanh (1723 – 1736) được tu chỉnh lại và gọi tên là “Trấn Nam Quan”, qua thời Càn Long nhà Thanh (1736 – 1796) dựng thêm cái bảng “TRUNG NGOẠI NHẤT GIA” (Trung Quốc và bên ngoài là cùng một nhà) ở tầng trên.

Đây là sử liệu chính thức. Không hề có tải liệu nào cho thấy ải đó do Việt Nam xây. Nếu ải đó là của Việt Nam và do Việt Nam xây thì phải gọi là Bắc Quan hay Củng Bắc(cổng phía Bắc - như người Tàu thường dùng), chứ không bao giờ gọi là Nam Quan.

2.- Ai giữ Ải Nam Quan?
Đại Nam Nhất Thống Chí cũng cho biết ải Nam Quan “có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở.” Vậy ai là người canh giữ cửa quan này?

Sử Việt Nam có kể lại năm 1308 Mạc Đỉnh Chi đi sứ Trung Quốc, khi qua ải Nam Quan đã bị chận lại không cho qua vì đến trể hẹn. Sau đó quan Tàu bắt phải làm câu đối mới cho qua

Mạc Đĩnh Chi (1280 – 1346) quê ở Chí Linh, Hải Dương, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304), được sung chức Nội Thư Gia và bốn năm sau (1308) được cử cầm đầu một phái bộ sứ giả sang Trung Hoa mừng Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Ông người bên ngoài thấp bé, xấu xí, nhưng có một trí tuệ rất  sắc sảo và thông minh tuyệt vời.

Hôm đó, vì đường sá xa xôi và mưa gió, phái bộ của Mạc Đỉnh Chi đến cửa ải Nam Quan trễ mất một ngày, không đúng với ngày hẹn, nên viên qua Tàu giữ cửa làm khó dễ, không chịu mở cửa cho đi qua. Thấy sứ bộ Đại Việt cứ biện bạch mãi, viên quan phụ trách canh cửa ải đã thả từ trên lầu cao xuống một câu đối, bảo nếu đối được sẽ mở cửa. Câu đối có nội dung như sau:

"Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan."
(Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua..)

Đây là một câu đối khá hóc búa, có đến 4 chữ quan và 3 chữ quá. Nhưng Mạc Đĩnh Chi nhanh trí, dùng mẹo để đối lại như sau:

"Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối."
(Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời tiên sinh đối trước.)

Vế đối của ông có 4 chữ đối và 3 chữ tiên, đúng với yêu cầu câu đối của viên quan Tàu đã ra. Quan Tàu rất phục, liền mở cửa ải để đoàn sứ bộ của Mạc Đĩnh Chi qua biên giới.

Khống lẽ “Nam Quan là của ta” mà khi sứ giả Việt Nam đi qua lại bị quan Tàu làm khó dễ sao?

PHÁP PHÁ SẬP ẢI NAM QUAN

Đầu năm 1885, Thiếu Tướng De Négrier đem quân đánh vào Lạng Sơn rồi tiến lên Đồng Đăng. Quân Tàu chạy về hai ngả, một phần qua cửa ải Nam Quan, còn một phần chạy lên Thất Khê cách Lạng Sơn khoảng 70km. Tướng De Négrier đuổi quân Tàu lên đến cửa Nam Quan, truyền phá sập ải Nam Quan rồi quay về giữ Lạng Sơn.

Nhưng sau đó quân Tàu trở lại đông hơn và ngày 22.3.1885 đã đánh bại quân Pháp ở Lạng Sơn. Tướng De Négrier bị thương ở Kỳ Lừa. Tháng 4 năm 1885, Trung – Pháp mở hội nghị đình chiến, quân Tàu rút khỏi Bắc Kỳ, sau đó Công Sứ Patenôtre và Lý Hồng Chương ký hiệp ước Thiên Tân ngày 6.9.1885, Pháp rút khỏi Cơ Long, Đài Loan và Bành Hồ, còn Tàu trao Bắc Kỳ lại cho Pháp những được phép giao thương buôn bán tự do.

TÀI LIỆU PHÁP LÝ CHO THẤY NAM QUAN CỦA TÀU

1.- Pháp và Trung Hoa ấn định biên giới Việt - Trung
Theo điều 3 của hiệp ước Thiên Tân, 6 tháng sau khi ký hiệp ước này, phái đoàn của hai bên sẽ họp và ấn định biên giới Việt – Trung. Loạt bài “Sur les frontières du Tonkin” (Trên các biên giới của Bắc Kỳ) của Bác Sĩ Néis, người đi theo phái đoàn Pháp phụ trách việc ấn định biên giới Việt – Trung, đã cho chúng ta biết nhiều điều thú vị trong công việc khó khăn này. Chẳng hạn như chuyện Pháp làm thế nào để có thể buộc Tàu chấp nhận cột mốc trước ải Nam Quan nằm rất gần cửa ải.

Mặc dù quân Tàu đã rút về Trung Quốc, nhưng vùng trước ải Nam Quan kéo dài qua Đồng Đăng (cách cửa ải 3 km) cho đến phía bắc sông Kỳ Cùng (cách cửa ải 18 km), đều không có người Việt sinh sống. Dân ở vùng đó đều là các sắc tộc thiểu số của Tàu. Ông De St Chaffray, trưởng phái đoàn Pháp, tin rằng Tàu sẽ đòi lấy sông Kỳ Cùng, làm biên giới, nên nói với các nhân viên dười quyền:

Chúng ta phải xem Đồng Đăng như thuộc về Bắc Kỳ, và, nếu phái đoàn Trung Hoa muốn đến ở thành phố này,  chúng ta phải tiếp đón họ như những người khách của chúng ta, nhường cho họ những nơi tốt nhất, nhưng phải cho họ biết họ đang ở trên đất chúng ta.”

“Nous devions regarder Dong-dang comme faisant partie du Tonkin, et, si les commissaires chinois désiraient venir habiter cette ville, nous voulions les recevoir comme nos hôtes, mettre en cette qualité les meilleurs logements à leur dispositions, mais le bien montrer qu’ils étaient chez nous).

Năm 1886, khi phái đoàn Pháp đến Nam Quan, một cổng Nam Quan mới đã được xây lại bằng đá đẽo để thay thế cổng cũ đã bị Tướng De Négrier phá sập năm 1885. Kiểu của cổng này cũng gióng kiểu các lầu canh của Vạn Lý Trường Thành, trên cổng có khắc ba chữ Trấn Nam Quan. Một cầu thang bằng đá nối từ cổng lên núi dài 377m. Năm 1953 Trung Quốc lại xây một cổng khác thay thế cổng cũ.

Đúng như ông De St Chaffray đã tiên đoán, ra khỏi Đồng Đăng, phái đoàn đã thấy cờ nheo của Tàu cắm đầy trên các ngọn đồi. Khi phái đoàn đến, lính Tàu đứng hai bên đường phất cờ nheo chào. Vào cuộc họp, gặp ông Đặng Thừa Tu (Tseng-Tcheng-Siéou), Chủ tịch Ủy ban Trung Hoa, Pháp đánh phủ đầu ngay, đòi cắm cột mốc biên giới sát chân cổng Đại Nam Quan.. Sau những cuộc tranh luận gay cấn, cuối cùng, phái đoàn Trung Hoa đồng ý cắm cột mốc biên giới chỉ cách chân ải Nam Quan 100m về phía nam, chứ không phải ở sông Kỳ Cùng, cách chân ải Nam Quan đến 18 cây số như Trung Hoa đòi hỏi. Nếu không có mưu lược và áp lực của Pháp, chúng ta đã không có biên giới Việt - Trung như ngày nay.

2.- NHỮNG VĂN KIỆN PHÁP LÝ CĂN BẢN
Sau đây là những văn kiện pháp lý căn bản liên quan đến Ải Nam Quan:

- Hiệp Ước Hòa Bình, Hữu Nghị và Thương Mại (Traité de Paix, d'Amitié, et de Commerce) ngày 9.6.1885 giữa Pháp và Trung Hoa.

- Công Ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ngày 26.6.1887 được bổ sung bởi Công Ước ngày 20.6.1895 với biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo.

- Các biên bản và bản đồ cắm mốc thực hiện tại hai Công Ước vừa nói ký kết từ ngày 15.4.1890 đến ngày 13.6.1897.

- Biên Bản của Ủy Ban Phân Định Biên Giới Trung - Việt, phần phía Đông tỉnh Quảng Tây (Procès Verbal de la Commission d'Abornement de la Frontière Sino - Anamite, Section Est du Kouang Si) lập ngày 21.8.1891, được đính theo Hiệp Ước Thiên Tân ngày 26.6.1887, đã ghi rõ:
“De Nam Quan à Bình Nhi, 1 ère borne: sur le chemin de Nam Quan à Dong Dang (à 100m au sud de la porte)”
(Từ Nam Quan đến Bình Nhi, cột mốc thứ nhất, trên đường từ Nam Quan đến Đồng Đăng (100m về phía nam của cổng).

Nói rõ hơn, cột móc phân chia biên giới giữa hai nước đã được cắm cách ải Nam Quan 100 m về phía Nam xác định Nam Quan là của Tàu.

Khi vẻ các bản đồ quân sự vùng biên giới Việt – Trung, người Pháp và người Mỹ đều ghi Ải Nam Quan là “Porte de Chine” (Cửa của Trung Hoa).

Rất nhiều hình ảnh do nhà nhiếp ảnh Pierre Dieulefils (1862-1937) của Pháp chụp về Ải Nam Quan từ 1902 – 1924 cũng đều ghi tương tự, chẳng hạn như tấm bưu thiệp mang số 111, chụp đường đi vào Ải Nam Quan, có đông người đang ra vào và ghi: “Entrée de la Porte de Chine et la grande Muraille” (Lối vào Cửa của Trung Hoa và Bức Đại Tường Thành)

LỊCH SỬ LÀ LỊCH SỬ

Như vậy các tài liệu lịch sử chính thức cũng như các văn kiện pháp lý đều xác định Nam Quan là của Tàu, nằm ở phía Bắc đường ranh giới giữa hai nước, cách đường ranh giới 100 m.

Tiếng la của số đông, dù rất dữ dội, cũng  không bao giở trở thành bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền về lãnh thổ. Đức Dalai Lama đã nói: “History is history, and my statement will not change past history.” (Lịch sử là lịch sử, và lời tuyên bố của tôi không làm thay đổi lịch sử đã qua được).

Dĩ nhiên, nón cối hay "chọi đá đường rầy xe lửa" cũng không thể làm thay đổi lịch sử được!

Ngày 20.3.2014
Lữ Giang

COMMENTS G+/FB:

1 Comments
  1. Bài viết với những chi tiết lịch sử chứng minh sự việc một cách rất rõ ràng.
    Nội ba chữ Ải Nam Quan đã mang đầy đủ ý nghĩa chủ quyền ải này là của tàu. Chả lẽ nước ta lại xây dựng Ải Nam Quan để canh chừng chính chúng ta.
    Rất ngưỡng mộ bài viết

    ReplyDelete

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian