Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Những ngày phiêu dạt- Hà An

NHỮNG NGÀY PHIÊU DẠT

     Hằng năm cứ mỗi dịp Vu Lan về, anh em tôi và đám con cháu thường tập trung về bàn thờ gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính, tưởng nhớ đấng sinh thành đã tạo ra mình. Nhìn khói hương dâng cao lững lờ, che mờ mờ bức di ảnh của má tôi. Tôi như đang thấy người mẹ dáng cao cao trong chiếc áo lam, khuôn mặt hiền từ, đôi mắt luôn thành kính nhìn thẳng về các vị Phật bồ tát, giọng đoc kinh sang sảng cùng thao tác gõ chuông mõ hòa nhịp, đều đặn; cầu nguyện cho con cháu đươc bình an, chúng sinh thoat khỏi bễ khổ. Nhớ về quá khứ, mỗi bước đi trong đời của má đầy dẫy nỗi thăng trầm, gian truân có, sung sướng có nhưng tất cả là vì những đứa con thân yêu. Hồi tưởng về những ngày tháng phiêu dạt đầy khó khăn của gia đình và sự hy sinh của má trong việc dưỡng nuôi một bầy con, quên cả thân mình khiến bây giờ tôi cảm thấy nghẹn ngào, xót xa.

Những ngày phiêu dạt

      Chưa đầy ba mươi tuổi, má đã sinh ra 4 người con ( ôi, các cụ thời xưa sao sản xuất nhiều thế!). Đến cô em gái thứ tư này thì nhà tôi lâm vào cảnh túng thiếu vì Dalat vốn là thành phố dành cho Tây và quan chức phong kiến triều Nguyễn nên sau hiệp định1954, những người làm công viêc phục vụ cho các tầng lớp này thường bị thất nghiệp trong đó có ba má tôi. Không có của cải nhiều, không nhà cửa, gia đình tôi phải đi tá túc hết nhà các cậu đến nhà bạn bè, cuối cùng nhờ một người quen của ba, gia đình tôi được ở trong dãy nhà của những người làm việc cho chủ nhân một vi-la người Tây đã bỏ về nước nên toàn bộ khuôn trang này bỏ trống.

      Vận hạn khó khăn vẫn tiếp tục đeo đuổi ba má tôi, cô em nhỏ vừa sinh ra thì má tôi bị áp- xe vú (tắc sữa) nên thường xuyên bị cảm sốt và không có sữa cho em bú. Gia đình phải bớt xén thêm chi tiêu ( vốn đã thiếu hụt) để mua từng lon Guigoz hay từng hộp sữa “ tổ chim” ( nest ) cho cô tư này. Tôi thường xuyên đi hái những trái su su treo lủng lẳng doc theo bờ rào của trại tù gần đó để thêm thức ăn cho gia đình.

      Trong lúc chật vật thì có vài may mắn cho ba má tôi: căn biệt thự phía trước được nhà nước bấy giờ dùng làm nơi quản thúc tù nhân chính trị (cấp cao?). Họ nhờ má tôi nấu ăn và giặt giũ quần áo. Mặc dầu còn đang thời gian ở cử và cơ thể không khỏe nhưng má tôi nhận lời để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thật tội nghiệp cho má sớm phải ra nước, ra gió!. Ba nhận được hợp đồng chạy xe chuyên chở học sinh cho Trường Mẫu giáo Âu Việt; nhờ đó, cô em kế của tôi vốn trắng trẻo xinh như Tây được các ma soeur yêu quí, cho ăn học miễn phí, còn cậu em trai theo ba suốt ngày ăn ở trên xe. Ba ngoài những giờ đưa đón học sinh còn chạy ra ngoại ô để chở khách vào thành phố, kiếm thêm tiền.

      Còn tôi ngoài thời gian đi học tại một trường tiểu học công lập gần đó phải tranh thủ giữ em cho má làm việc. Một chiếc võng giăng ngang phòng , tôi nằm một bên, em bé nằm ngược lại; hát nghêu ngao những lời hát ru học lóm từ má:

Ví dầu cầu váng đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…

Em tôi khát sữa bú tay
Ai cho bú thếp ngày rày mang ơn…
-...
     Hát dở, nhưng hát riết rồi em cũng ngủ hay hết khóc. Chả bù cho giọng Huế của mẹ, khi ru nghe ngân nga trầm buồn khiến mấy người ở trong vi- la cũng phải mở cửa sau để lắng nghe.

     Nhờ người quen bày cho cách điều trị bằng thuốc nam nên chứng áp-xe vú của má tôi dần dần qua khỏi và có sữa cho em tôi bú nên đỡ gánh nặng phải mua sữa ngoài. Cuộc sống nhà tôi đã ổn định hơn.

     Nhưng chỉ được gần hai năm thì nhà nước lấy khu biệt thự lại để làm công sở, trường Mẫu giáo không tổ chức xe đưa đón học sinh nữa. Viêc này khiến gia đình tôi mấp mé bên bờ vưc thiếu thốn, vô gia cư. Với số tiền cả nhà dành dụm được, mua một chiếc xe du lịch nhỏ, cũ đã cải tiến thành xe vừa chở hàng, vừa chở khách để làm ăn. Cả nhà đùm túm nhau lên Buôn mê thuột để tạo dựng cuộc sống mới.

     Thuê được căn nhà nhỏ nhưng có thêm một hộ đang ở, gần khu vực chùa Khải Đoan ,ba má tôi bắt đầu lo sinh kế.

     Chạy được giấy phép cho hoạt động do ban điều hành bến xe đò cấp, tuyến thị xã đi buôn Ko Tam, buôn Hồ; ba má tôi vừa kết hợp chở khách, vừa mua bán, trao đổi hàng hóa ở các buôn làng người Thượng. Công việc thực là vất vả; phải thức khuya, dậy sớm để đón khách, đi sâu vào những đường mòn đầy ổ trâu . ổ gà và suối khe mới tới làng. Má tôi phải lội đến mỏi cẳng để đổi thuốc rê, cá khô, muối… lấy măng, nấm, trái cây…, rồi về tranh thủ bỏ mối trong chợ.

     Má tôi lại có bầu đứa thứ năm nên sức khỏe không như người bình thường, má đành ở nhà, mọi việc giao cho ba. Hơn nữa, thấy anh em tôi nheo nhóc, lạc lõng giữa phố thị nên người muốn dành thời giờ chăm sóc chúng tôi.

     Cô em được sinh ra, không gian ở bỗng trở nên chật chội. Ba tôi quyết định mua nhà ở cây số 5 ( một vùng ngoại vi Buôn mê thuột- khu vực viện café Ea kmat bây giờ ). Khi dọn đến nhà mới, má và anh em chúng tôi đều bở ngỡ, ngạc nhiên vì nơi đây còn là cánh rừng cây cối rậm rạp, dân cư đến khai phá còn ít ỏi, lại ở thưa thớt nên chưa phải là khu thị tứ. Dầu sao nơi ăn, chốn ở rộng rãi, không phải lo tiền nhà hằng tháng nên gia đình tôi chấp nhận và làm quen cuộc sống hoang vắng, buồn tẻ này.

     Nhớ lại thời gian ở cây số 5, tôi vô cùng cảm phục sự can đảm và mạnh mẽ của má tôi – người phụ nữ trẻ với 5 con nhỏ sống gần như xa cách với nếp sống văn minh, nhộn nhịp của thị thành. Ba lúc đó phải chạy xe kiếm thu nhập, nhiều khi đến khuya mới về hoặc ngủ lại bến xe để đón khách đi sớm. Việc nhà ngày cũng như đêm đều do má quán xuyến.

     Ban đầu, nhà tôi ở gần một gốc cây đa, sẫm tối có bầy cú về đậu trên tán cây, chúng kêu ra rả đến rợn người trong đêm thanh vắng. Má và anh em tôi sợ hãi, không dám ngủ. Người mới kê một bếp than, quạt cho đỏ hồng rồi thả muối lên trên. Tiếng tí tách làm cho lũ cú im bặt, nhưng khi không có tiếng nổ của muối thì cú lại kêu. Để cho các con ngủ yên, người thức gần như thâu đêm để quạt than và rắc muối. Đám em đã ngủ, riêng tôi vẫn còn thức nhìn má ôm em bé mới sinh ngồi cạnh cái bếp với dáng mệt mõi, nhiều khi ngủ gục, xém ngã chúi đầu vào bếp khiến tôi thấy xót xa và thương người vô cùng.

     Được ít lâu thì ba tôi nhờ người dựng lại nhà, lùi sâu vào khoảng trăm mét. Nhà mới đàng hoàng, chắc chắn hơn có rào bằng tre, gỗ bao quanh nhưng không phải là đã bình yên vì còn rừng nên còn nhiều thú như nai, mang, lợn rừng, chồn, cáo… thỉnh thoảng đi lạc qua nơi gần nhà. Má tôi phải chặt những cây có gai như hồng quân…để tấn làm lớp rào phụ đề phòng thú vào nhà. Âý vậy, có lần một con lợn rừng phá được rào, vào vườn, kêu ột ột khiến cả nhà kinh sợ. Má tôi đánh vào chiếc thùng thiếc ầm ỉ và kêu cứu. May mắn, cách nhà không xa, có người thợ săn gốc miền Nam cùng một vài hàng xóm khác chạy tới vây bắt, hạ được con lợn rừng này. Từ việc này, má trở nên ít ngủ hơn, người thường thủ sẵn môt cái rựa, đồ dùng báo động gần bên mình.

     Rồi người đến khẩn hoang nơi đây càng ngày càng nhiều, hình thành xóm làng nhộn nhịp, cảnh quan thoáng đảng hơn xưa. Má tôi quay ra mở quán tạp hóa, nấu cơm tháng cho những người lính mới đến đóng quân gần nhà nên có thu nhập tương đối hơn đủ để lo anh em tôi ăn học.

     Nhưng ba tôi bi động viên đi lính nên gia đình phải sang hết cơ ngơi: nhà cửa. xe cộ… theo ba phiêu dạt trên các tỉnh cao nguyên. Cuối cùng định cư ở Phố Núi này. Má tôi nhờ nhanh nhẹn, tháo vát trong mua bán, lại gặp thời nên tạo nên cơ ngơi vững chải, cuộc sống khấm khá hơn nhiều.

     Về sau này tôi có thêm vài đứa em nữa, nhưng nhờ vào sự tần tảo của má nên các anh em tôi ai nấy đềù nên người.

     Tuổi xế chiều, má giảm bớt công việc làm ăn, dành thời giờ lên chùa tụng kinh, niệm Phật. Mượn cửa chùa làm nơi giải thoát những phiền muộn, những tội lỗi mà má nói trên thế gian này ai cũng vướng và người hăng say đọc kinh, làm công quả với ước mong ơnTrên phù hộ cho người thân sống bình yên, sung sướng và người đã khuất sớm siêu thoát về nơi đất Phật.

     Thời trẻ cực khổ thường được người khác giúp đỡ nên trong má là một tấm lòng nhân ái rộng lớn, người rất hay đi làm từ thiện. Kết hợp với một số đạo hữu khác, má đã đi thăm và ủy lạo phần lớn số chùa trong tỉnh từ chùa trung tâm đến chùa xa xôi hẻo lánh. Những công việc người làm thường lặng lẻ, không khoe khoang hay phô trương…

     Chính vì vậy, ngày má ra đi có biết bao người thương tiếc. Nhìn dòng người mặc áo vàng (thượng tọa, đại đức…) lẫn áo lam (Phật tử ) từ các nơi đổ về đông đúc, đứng trên đường Lý Thái Tổ của thành phố Pleiku tiễn má về nơi an nghỉ, tôi mới biết cảm nhận về đạo hạnh, công đức của mọi người dành cho má ấn tượng biết dường nào…

     Một mùa Vu Lan nữa đã đến, tôi thành tâm tưởng nhớ đến người mẹ kính yêu, cầu mong người sớm về cõi niết bàn.
Báo hiếu con đến chùa đây
Tịnh tâm kinh kệ những ngày Vu Lan
Song thân giờ khuất non ngàn
Để cho con cháu nặng mang nỗi sầu
Thời gian vội vã qua mau
Tóc con đã bạc nghe đau đáu lòng
Thương cha đầu óc mênh mông
Nhớ mẹ nước mắt lưng tròng ứa rơi…
 Hà An ( Rằm tháng Bảy/ 2018 )

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian