Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Vài cảm nhận về tác phẩm DƯỚI BÓNG THÙY DƯƠNG và CÒN LẠI CHÚT HƯƠNG của Nguyễn Đoan Tuyết- Nguyễn Minh Triết

Vài cảm nhận về hai tác phẩm
DƯỚI BÓNG THÙY DƯƠNG và CÒN LẠI CHÚT HƯƠNG
của Nguyễn Đoan Tuyết

(Phát biểu nhân dịp ra mắt tác phẩm tại Cofee Morning- Pleiku chiều thứ 7 ngày 08. 07.2017)

Nguyễn Đoan Tuyết
     Thưa các anh chị, các bạn:
" Vì yêu dấu quá nàng Thơ
Với em vô tận nên ngơ ngẩn buồn
Thần Tiên, Thánh Phật bao dung
Hiểu lòng tôi lắm - Tôi khùng vì thơ.
"
    ( Vì sao khùng - Bùi Giáng )
     Chúng ta hôm nay ngồi đây, có lẽ không khùng vì thơ như Thi sĩ Bùi Giáng để làm nên những bài thơ tuyệt tác. Nhưng chúng ta là những người có tâm hồn, say mê văn thơ, lắm lúc cho hồn bay bổng, thăng hoa viết những câu thơ, bài văn, đem nỗi niềm tâm sự, trang trải lòng mình, để thư giãn, chia sẻ với mọi người lúc tuổi đà xế bóng. Chính những vần thơ đã làm chúng ta gần nhau hơn. Do vậy, trong niềm vui, chia sẻ với bạn bè có sự hiện diện của các anh chị từ nơi xa xôi như Đà Lạt, Ban Mê Thuộc, Kon Tum hay vùng đồng bằng Bình Định, Qui Nhơn cùng quý thân hữu, các em ở Pleiku tham dự.

     Qua bao năm thai nghén, Nguyễn Đoan Tuyết cho ra mắt 2 tập Dưới Bóng Thùy Dương và Còn Lại Chút Hương, bao gồm Tập Truyện & Ký - Tản Văn & Bút Ký . Qua 2 tác phẩm trên, tác giả đã trải lòng mình về tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, tình yêu thương, kính trọng về ông bà , cha mẹ, dòng tộc.Là nỗi niềm, trăn trở về xã hội, là chia sẻ những ký ức khó phai mờ khi còn là nữ sinh hay đã trở thành cô giáo . Đăc biệt dành nhiều tình cảm cho phố núi Pleiku.

cảm nhận về hai tác phẩm  DƯỚI BÓNG THÙY DƯƠNG và CÒN LẠI CHÚT HƯƠNG

     Nguyễn Đoan Tuyết đã thừa hưởng cái " gen " di truyền từ ông nội - một nhà nho uyên thâm, một người cha tài hoa với đủ môn nghệ thuật cầm, kỳ, thi, họa.Tác giả là người được học hành bài bản, chính quy, tốt nghiệp Đại họcvới chuyên ngành ngữ văn nên đến với văn thơ rất sớm là điều dễ hiểu. Hầu hết các tản văn, truyện ký của tác giả có nội dung sâu sắc, tính nhân văn cao, có cái nhìn rất tinh tế. Ngòai ra chị là người yêu thiên nhiên nên đứng trước phong cảnh , con người mỗi nơi đến, chị đã ghi lại trong bút ký để làm kỷ niệm.. Lối hành văn của Nguyễn Đoan Tuyết mượt mà, súc tích, từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, không cầu kỳ nhưng để lại cho người đọc một cảm xúc lắng đọng.. Qua 2 tác phẩm của chị, tôi mạn phép được ghi vài cảm nhận.

     Thưa quý vị,

     Không hẳn ngẫu nhiên mà khi nói đến phố núi thì ai cũng hiểu đó là Pleiku. Pleiku đựoc chấp cánh, thêm mơ mộng, đã đi vào lòng người khi được các văn thi sĩ tên tuổi sáng tác những bài thơ, bản nhạc tồn tại mãi với thời gian.Ai cũng lưu luyến khi phải chia xa và náo nức về thăm khi có thể. Pleiku, ngày ấy sương mù giăng kín các lối đi,thời tiết lạnh quanh năm. Hình ảnh nữ sinh trong chiếc áo dài trắng, lúc nào cũng có chiếc áo khoát, nô nức đến trường, tung tăng giờ tan lớp là một biểu tượng đẹp, một ký ức khó phai mờ trong lòng mỗi người.Nguyễn Đoan Tuyết từng là nữ sinh TH Pleime, Pleiku, mỗi ngày đến trường, đi qua con đường với hai hàng cây thông xanh, rợp che bóng mát, từng chứng kiến nhiều mối tình học trò, có cặp đã thành vợ chồng, sống hạnh phúc đến ngày hôm nay.Kỷ niệm một thời cắp sách, khi trở thành cô giáo, chị có cái nhìn thấu đáo , vị tha cái tình yêu đầu đời, trong sáng học trò cấp 2 qua câu chuyện hai em của lớp do chị chủ nhiệm. Hay như mối tình của GS Ngô Bảo Châu ( Tình Học Trò )


     " Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người " ( Đỗ Trung Quân ). Nguyễn Đoan Tuyết rời quê hương khi còn nhỏ, những ký ức êm đềm của tuổi thơ, của làng mạc, ruộng đồng, lũy tre xanh bao bọc bên dòng sông Côn thơ mộng. Những tên làng Tân Đức, Tân Nghi, Đại An, Đại Chí ( xã Nhơn Mỹ ) được chị nhắc lại nhiều lần.Chị cũng tự hào quê hương văn võ " roi Thuận Truyền, quyền An Thái hay trai An Thái, gái An Vinh " Những địa danh đã đi vào lịch sử như căn cứ Kỳ Đông, Bàu Sấu, nơi diễn ra trận thủy chiến ác liệt của nghĩa quân Tây Sơn do tướng Mai Xuân Thưởng chỉ huy tháng 3/ 1887 Do vậy, dù đã trưởng thành nơi quê hương thứ hai ( Pleiku ), chị lúc nào cũng canh cánh nỗi nhớ về quê cha đất tổ của mình ( Hình bóng quê hương ). Nguyễn Đoan Tuyết là người sống có tình nghĩa,dành tình cảm sâu đậm cho ông bà, cha mẹ nên khi các người đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại chị nỗi ngậm ngùi, trống vắng.
" Thôi còn đâu bóng dáng thân thương
Không có Mẹ cửa nhà quạnh quẽ
Không có Mẹ đời con trống vắng
Trong bơ vơ con gọi Mẹ âm thầm "

      ( Niềm Vọng Tưởng )
     Khi tưởng nhớ về ba , người đã nuôi dưỡng, đùm bọc, hướng dẫn cho chị nên người :
" Nỗi niềm một thuở ly hương
Chén cơm manh áo tìm đường đến đây
Một tay thi họa cầm kỳ
Một tay chai sạn sá gì nắng mưa "

      ( Nhớ người xưa )
cảm nhận về hai tác phẩm  DƯỚI BÓNG THÙY DƯƠNG và CÒN LẠI CHÚT HƯƠNG

     Về phần thơ của Nguyễn Đoan Tuyết với đa dạng đề tài, dồi dào, phong phú về nội dung. Năm tháng dần trôi, mỗi mùa xuân, hạ , thu, đông theo vần vũ trụ qua đi để lại tâm trạng khác nhau, nhưng có lẽ mùa thu mang nỗi buồn da diết nhất. Bỡi lẽ mùa thu Pleiku với hoa Dã quỳ trên sườn đồi, trên con đường ngoại ô tạo thành một thảm thực vật vàng rực rỡ, nổi bật trên nền trời xanh biêng biéc. Mùa thu là mùa yêu thương nhưng cũng là lúc chia xa mang nỗi buồn da diết. Khi nhìn những chiếc lá vàng rụng đấy sân vườn, chạnh lòng chị nhớ đến một người .
" Sao mãi nhớ về một dáng xưa
Anh yêu thu biết mấy cho vừa
Cốm Vòng, mùa cuối thu mơ ấy
Tỉnh giấc chỉ còn nghe tiếng mưa "

         ( Thu vọng )
     Nguyễn Đoan Tuyết là người khiêm tốn, chịu khó sưu tầm, học hỏi các thầy cô, các bậc đàn anh, bạn bè, đồng nghiệp nên có kiến thức tương đối sâu rộng, có cái nhìn khách quan, chắc lọc về mọi vấn đề. Vì thế, chị đã tổng hợp, biểu cảm văn thơ của mình theo cách riêng của Nguyễn Đoan Tuyết.Ví như Sở trà Bàu Cạn, nơi lần đầu tiên theo gia đình lên sinh sống, nơi gắn lièn tuổi thơ, giờ này hồi tưởng lai, chị mãi không quên " Nếu có thể sống lại quá khứ lần nữa , tôi vẫn muốn được trải qua ở Sở trà Bàu Cạn - Catecka " ( Chuyện về một đồn điền trà )Hay khi nói về Pleiku, một thành phỏ nhỏ ấm áp tình người , Nguyễn Đoan Tuyết là người có tâm hồn nghệ sĩ, thích giao lưu , tâm sự với bạn bè bên tách cà phê đậm đà hương vị. Do đó hầu hét các quán cà phê nổi tiếng nào chị cũng đến. Tỷ như quán Dinh Điền với ly cà phê đặc trưng mà thời chúng tôi đểu thích và nhớ mãi đến bây giờ


     Có lẽ thiếu sót nếu như không nói đến tình thầy trò, bạn học, các em học sinh khi chị từng là nữ sinh và cô giáo..Với tinh thần " Tôn Sư Trọng Đạo ", chị đã dành cho quý thầy cô sự kính trọng, biết ơn, một tấm chân tình thắm thiết với bạn bè.Đối với học trò , chị dành một tình cảm thân thương, trìu mến, thông cảm , thấu hiểu tâm trạng tùng mỗi em để hướng dẫn, dìu dắt các em một kiến thức nhất định, một chuẩn mực đạo đức làm hành trang cho các em vào đời .Trong bút ký " Thời gian và khoảng cách " , tình thầy trò khi xưa, gửi tăng Thầy Nguyễn Đăng Dự, Cô Lê Mỹ Dung; chị đã viết " Thưa Thầy, theo em đúng là hồi ấy thầy cô và học sinh vẫn luôn có một khoảng cách, khoảng cách này là cần thiết đẻ thầy ra thầy, trò ra trò, ( chứ không làm xa cách tình cảm ), bằng chứng là khoảng cách ấy đến hôm nay vãn còn hiện hữu và vẫn được tôn trọng! Còn tình thầy trò dường như gần gũi, thân mật hơn xưa cho dù có cách xa đến hơn nửa vòng trái đất ! "

     Còn nhiều đề tài trong 2 tác phẩm trên của tác giả mà thời gian không cho phép. Xin chúc mừng Nguyễn Đoan Tuyết và mong còn nhiều, nhiều hơn nữa đứ con tinh thần để anh chị em được dịp gặp mặt giữa không gian đầm ấm, thân mật này .Xin cảm ơn quý vị!

Nguyễn Minh Triết

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian