Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Hẻm Gà cồ TP Pleiku- Trần Việt

HẺM GÀ CỒ TP PLEIKU.

      Phố núi nhỏ nhắn thân thiện, con hẻm Gà cồ Tp Pleiku cũng được hình thành khá sớm, khoảng năm 1950-1960 của thế kỷ 20. Không biết cái duyên như thế nào trước năm 1987 khi gia đình tôi đi chọn và lựa mua căn nhà để ở, bố tôi lại chọn một căn nhà ở ngay hẻm Gà cồ, gia đinh đã sống khá lâu và ông có vẻ thích thú về ngôi nhà tuy không lớn nhưng thời ấy nhà cấp 4 làm đá rửa là oách lắm nhất xóm và bố tôi bảo ở trong hẻm nó yên tĩnh và sạch sẽ đỡ khói bụi, ồn ào vì tiếng xe chạy ngày đêm (ông làm nghề y mà). Khi ấy mua căn nhà ngoài đường Hùng Vương so với nhà trong hẻm ( không sâu) giá cả không chênh lệch nhiều tôi chìu ý của bố và cả nhà quyết định chọn và tiếp tục thương thảo để mua.

( Dốc Gà cồ xưa 1965)

     Thành phố Pleiku có bao nhiêu xóm, bao nhiêu cái chợ, bao nhiêu con hẻm chẳng rõ, riêng con hẻm Gà cồ hễ nhắc tới thì người Pleiku không ai không biết. Người kín tiếng thì giữ suy nghĩ trong lòng, còn người bạo miệng hễ nhắc tới chốn này thì chép miệng: “Dân hẻm Gà cồ, dân chợ Nhỏ . dân hẻm Chùa hả, chắc dữ dằn lắm!”. Hai con hẻm Gà cồ, hẻm Chùa Bửu quang nó liên kết có “dữ dằn” thật không, vì sao con hẻm này lại nổi lên giữa bao nhiêu địa danh, bao nhiêu tên xóm, tên làng như vậy? Khi đi tìm lời giải cho những thắc mắc này, chúng tôi phát hiện thêm vô số điều thú vị.Cái tiếng “dân hẻm Gà cồ, xóm chợ Nhỏ” ở Pleiku nổi lên “dữ dằn” sau giải phóng nhất là những thanh niên xóm khác đồng thanh vỗ ngực tự xưng cho oai, khiến người ta nghĩ sai về người dân ở hẻm này.


(Dốc Hội Phú 1965 - Đường Hoàng Diệu xưa)

     Dân ngụ cư xóm Chùa, hẻm xóm Gà cồ hình thành cho đến nay khoản 120 nóc nhà hơn 560 nhân khẩu đa phần là người Bình Định, Quảng Ngãi- gia đình di dân theo diện chính sách khai hoang lập ấp của Ngô Đình Diệm hay là thân nhân gia đình có người đi lính VNCH phục vụ tại tiền đồn, căn cứ Tây nguyên vợ theo chồng lên đất Pleiku để trú ngụ sinh sống lâu ngày thành xóm làng. Vào con hẻm này bắt gặp đầu tiên là tiếng máy xay bột chạy rầm rập suốt ngày đêm, sực mùi thum thủm nước ngâm bột mì tỏa ra ngai ngái. Hẻm này được mọi người biết đến là nơi sản xuất bột củ mì (củ mì tươi xay làm bột đầu hẻm có nhà bác Lực, ở hẽm có vài nhà làm nghề này) và từng là nơi cung cấp bột thành phẩm cho các lò tiếp tục chế biến: lò bánh tráng, các lò làm bún ở chợ Nhỏ cung cấp bún tươi cho cả thị xã Pleiku trước và sau giải phóng. Do vậy, hẻm Gà cồ này có một thời liên quan mật thiết đến xóm chợ nhỏ là như thế, như một khâu sản xuất khép kín liên kết với “xóm lò bún” cái tên ” xóm anh chị” từ đó mà ra cả. Nhiều lưu dân của xóm từ những năm 1960 thế kỷ trước vẫn luôn nhớ âm thanh tiếng cối chày giã bột làm bún thình thịch, tiếng máy xay xát củ mì chạy đều ...rất thân thuộc của tuổi thơ nơi xóm nghèo.


(Một góc ở xóm Chợ nhỏ xưa )

     Mấy chục năm trước suối Hội Phú đầy lau lách ven bờ, nước rất sạch. Hai bên đường Hùng vương lác đác vai căn nhà nửa xây nửa làm băng gỗ, cây cỏ mọc um tùm dẫn đến ngả ba Diệp kính. Đi thẳng lên theo hướng Tây là khu chợ mới, cứ hễ mưa xuống là đục ngầu, đất đỏ nhão nhoẹt trơn trợt, mùa mưa khi vào nhà ai chủ và khách thường có thói quen để dép bên ngoài và lấy cái dao cùn do chủ nhà để sẵn để cạo lớp đất đỏ bám dày vào đôi dép trước khi vào nhà, đến nay đô thị đã bị xi măng hóa hình ảnh trên đất tự mất, nước mưa thì một màu đỏ quạch từ bụi mái tole nhưng để vài hôm nước lắng trong trở lại người ta có thể sử dụng được. Do vậy, trước những năm 1960 ở đây đã hình thành đội quân gánh nước thuê, người lớn tuổi trong hẻm Gà cồ kể lại ở khu này có đông cư dân và là khu gia binh nên được cung cấp nước sạch hằng ngày do chiếc xe DODGE thường xuyên chở xi téc nước sạch đến trước đầu hẻm cho bà con lấy về dùng. Sau này dân cư đông dần lên, nước thải sinh hoạt đổ hết về suối Hội Phú các gia đình bắt đầu phải đào giếng, với tôi cái giếng được tận mắt thấy lần đầu xem ra cũng khá ngồ ngộ; giếng nước chỉ đào thẳng xuống đến có nước là dùng, giếng không bỏ bộng đất nung hoặc bộng xi măng như giếng ở quê, miệng giếng khi ấy người ta dùng 2 đến 4 miếng ống cống mạ kẽm hai nửa ghép lại bằng ốc vít đường kính cỡ 1-1,4m ( loại ống cống làm hầm dã chiến của Mỹ). Cái giếng đào nó sâu hắm có nơi sâu đến hơn 20 -> 30m muốn múc gàu nước lên dùng phải dùng tay quay với cái gàu múc to tướng đến 20 lít. Cả gàu nước và tay quay nặng thế mà chúng ngoan ngoãn nằm yên trên hai cái trụ giản đơn, làm bằng gỗ tạp với 4 cây đan trụ chéo, bù lại là nước rất trong, ngọt và mát không có nước vùng nào sánh được và như đúng với câu tục ngữ ( muốn ăn đi xuống, muốn uống đi lên). Tay quay giếng có gắn cái ru lo là trục chỉ dây điện thoại thông tin quân đội là chiến lợi phẩm được bà con tận dụng, do vậy nghề cơ khí sản xuất dụng cụ nhà nông tận dụng vật tư phế liệu chiến tranh rất thịnh hành và lan rộng cả xóm Gà cồ (Hội Phú). Đã có một thời xóm Hội phú ăn nên làm ra, sản xuất chủ lực làm ra các dụng cụ phục vụ nông nghiệp: Máy tuốt lúa, xe cút kít, xe cải tiến, tay quay giếng, lưỡi cuốc, cày, mũi de búa chẻ củi...Xem ra những nông cụ cải tiến một thời khá hữu ích và bài bản đã giải phóng sức lao động chỉ có trên vùng đất đỏ bazan. Về sau cây công nghiệp hồ tiêu, cà phê... lên ngôi; Xóm Gà cồ nói riêng xóm Hội Phú nói chung các ông chủ tiện hàn, tiện mọc lên như nấm : Bốn Xứ, Bác Cần, chú Chín, chú Sỹ, chú Mã, chú Lộc, thằng Hải .thằng Lộc, thằng Long.... Khách đến đặt hàng máy tách vỏ cà phê là các nông dân nơi xa đến lập nghiệp. Khách ra vào tấp nập các tiệm hàn tiện, buồn đồ sắt. đồ điện nước luôn bận rộn. Nơi đấy được xem là cái nôi đầu tiên ở Gia lai chế tạo, cải tiển và mua bán thiết bị phục vụ ngành công nghiệp mũi nhọn tỉnh nhà và ông chủ của nhà tôi mua cũng có một thời đã sống bằng nghề như thế.

(Nhà thờ Thánh Tâm (1966) cách tiệm Gà cồ không xa

     Còn về cái tên Gà cồ như theo lời cháu nội chủ tiệm Gà cồ ( hiện là hẻm 502) là ông Mã (*) kể lại; trước đây nhà làm nghề xay lúa gạo nên lấy hiệu Gà cồ, (hình ảnh dân quê như con gà quen thuộc nhặt thóc) hồi đó hầu hết dân làng ít biết chữ nên ông chủ mới đẽo một con Gà Cồ thật bự bằng gỗ để mọi người dễ tìm thấy cửa hàng của mình. Như vậy trong xóm đã có tiệm Gà Cồ, người ta gọi luôn là xóm Gà Cồ, hẻm Gà Cồ, chợ Gà Cồ; cái tên ấy người dân đã thuộc và thân thương đến thế. Sau đó chủ nhà đã chuyển sang bán tạp hóa và kinh doanh làm nhiều công việc khác, dù làm nghề gì nhưng hình ảnh “ con gà cồ” chủ nhà vẫn tiếp tục giữ. Ngay hẻm Gà Cồ đi vào trong xóm chợ có tiệm thuốc Bắc của gia đình bác người Bình Định lúc ốm đau bà con trong xóm đến mua chai "Tiêu ban lộ" hay viên "Búa bổ đầu", chai dầu gió khuynh diệp... để qua cơn cảm sốt. Tụi nhỏ trong xóm cứ thế hồn nhiên, lớn đứa thi đậu vào lớp sáu trường Pleime, có đưa vào trường Tàu Tuyên Đức, học chậm hơn phải vào Trường tư thục Bồ Đề, trường Nam tiểu học. Trường công lập cũng là lựa chọn vì nơi ấy gần phố ...Chiến sự xảy ra lũ nhóc chơi thân với nhau bây giờ tứ tản, xóm Gà Cồ tan tác. Nhiều gia đình chủ nhà đi đâu không rõ, người vào miền Nam, kẻ tự lập nghiệp ở nơi nào đó, không thể liên hệ được. Nhà thuốc Bắc chuyển xuống ở cầu Hội Phú. Phiên bản hình con gà trống đang cất cao tiếng gáy dõng dạc được nhiều lần ông Mã ( cháu nội) phục dựng lại lần sau to đẹp hơn lần trước, được làm bằng tole chống rỉ sơn phết kỹ càng chỉnh chu. Con gà được chểm chệ đặt trước sân nhà như bản xi nhanh báo hiệu, cho đến khi nhà nước giành và lập lại trật tự vỉa hè theo NĐ 36 thì thương hiệu “con gà cồ “ bay cao hơn nằm trên nóc hiên trước nhà... Nhiều việc làm tình làng nghĩa xóm đã làm cho bà con ở xóm Gà cồ gắn bó với nhau xem như cùng một gia đình.


Dốc Gà Cồ hôm nay (đại lý dầu hoả xưa, chỗ hẻm vào chùa Bửu Long )

     Tôi ở và đã gặp khá nhiều người ở hẻm Gà cồ, từ bà bán bún đầu đường, cô bán cà phê bình dân, ông chủ lò bột... Ngày ấy khí hậu Tây nguyên chỉ hai mùa mưa nắng, cái lạnh khi ấy như cắt da thịt. Nhân cơ hội ấy xóm Gà cồ Hội phú đã mở nhiều nhà giặt là thuê, tiệm tắm nước nóng bình dân phát triển. Nước nóng được đun bằng trấu hoặc mùn cưa thứ nguyên liệu dễ kiếm không mất tiền mua. Lò nấu nước được đốt liên tục cả ngày khi có khách đến chỉ cần khuấy bếp trấu cho lửa cháy bùng là có nước nóng phục vụ. Xem ra nghề này thời ấy làm ăn có vẻ phát đạt, chỉ duy có tiệm BÌnh Định đến nay chủ nhà vẫn còn mạnh khỏe, còn lại đa số những con người sống xuyên qua hai thời kỳ nay đã gần đất xa trời. Chính họ đã xóa tan sự nghi ngại cho chúng tôi bằng sự chất phác từ giọng nói, ánh mắt. Hẻm này nghe họ bảo dữ dằn đâu không thấy, chỉ thấy đó là những người hiền khô, còn nguyên cái chất quê kiểng của người Bình Định mấy chục năm vẫn còn đậm đà, không lẫn vào đâu. Cái thế giới hung hăng lũ trẻ một thời đã đi vào dĩ vãng, ở hẻm nào xóm nào tật xấu đều có cả đấy thôi. Đặc biệt khu này là dân ngụ cư lâu năm, thu nhập thấp việc đời sống không dư dật, đa phần buôn bán nhỏ chạy chợ, làm thợ, may vá, làm nghề chạy xe ôm ... Thiếu vốn làm ăn, nên nhiều hộ dù có nhà ở mặt tiền nhưng khả năng mở ra kinh doanh không đủ lực, họ đều lựa chọn phương án cho thuê mặt tiền để bán shop thời trang. Tổ 4 Phù Đỗng tên gọi mới (Hội phú) quản lý hai con hẻm xóm Chùa và xóm Gà cồ đã trải qua mấy đời bí thư Chi bộ, khi sinh hoạt địa phương nghe ông Bí thư tâm sự tìm nguồn nhân lực địa phương để phát triển Đảng viên mới, thật sự khan hiếm. Đến đầu năm 2017, nghĩa là sau hơn 42 năm ngày thống nhất đất nước lần đầu Chi bộ 4 mới kết nạp được 01 đảng viên mới, xem đó là thành tích nổi bật do chị Thái Hà làm bí thư , tôi nghĩ thật vô cùng “hiếm” nhưng không “quí “. Xóm không những nghèo về tài chính nguồn nhân lực cũng không khá hơn được mấy, như một vòng lẩn quẩn, thế hệ trẻ lớn lên đa số tìm cách đi làm ăn nơi xa vì TP Pleiku ít các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp địa phương qui mô nhỏ đầu tư thiếu bền vững, lớp trẻ đa phần trưởng thành được học hành, hy vọng tìm kiếm công việc được họ lựa chọn nơi đất khách quê người với khác khao hy vọng đổi đời.

     Tuổi của TP Pleiku đã hơn 90 năm ngày càng phát triển theo vóc dáng đô thị. Tôi biết , đọc và tôi cũng nghe những thay đổi của Pleiku mãi đến hôm nay, mất có được có. Hẻm Gà cồ, Phường Phù Đổng hôm nay đang góp phần đồng hành làm đẹp đô thị..Còn đó những câu chuyện, không nhiều người muốn nhắc tới nhưng tôi tin ở một lớp người đã dám từ giã quê cũ để bắt đầu một cuộc sống nơi đất lành này, lớp cháu con sẽ tiếp tục nối tiếp những câu chuyện về nơi mình đã sống như để bắt đầu một giấc mơ không bao giờ là quá muộn

(Trần Việt)
------------------------------------------
(*) : Ông Mã là con (không phải cháu nội) ông chủ hiệu Gà Cồ. Ở đây tác giả đã nhầm (BBT)

COMMENTS G+/FB:

17 Comments:
  1. HOÀNG VIỄN PHỐ11/7/17

    Theo tôi thấy tác giả bài này đã mượn một số từ ,câu trong truyện Lũ nhóc Xóm gà cồ của tác giả Hoàng thị Viễn Du )đã đăng trong trang này tháng tư 2015 và trang Newvietart năm 2012 )xào xáo lại mà không chú thích hoặc đóng mở ngoặc .mong tác giả cho lời giải thích

    ReplyDelete
  2. HOÀNG VIỄN PHỐ13/7/17

    "Ngay hẻm Gà Cồ đi vào trong xóm chợ có tiệm thuốc Bắc của gia đình bác người Bình Định lúc ốm đau bà con trong xóm đến mua chai "Tiêu ban lộ" hay viên "Búa bổ đầu", chai dầu gió khuynh diệp... để qua cơn cảm sốt. Tụi nhỏ trong xóm cứ thế hồn nhiên, lớn đứa thi đậu vào lớp sáu trường Pleime, có đưa vào trường Tàu Tuyên Đức, học chậm hơn phải vào Trường tư thục Bồ Đề, trường Nam tiểu học. Trường công lập cũng là lựa chọn vì nơi ấy gần phố ...Chiến sự xảy ra lũ nhóc chơi thân với nhau bây giờ tứ tản, xóm Gà Cồ tan tác. Nhiều gia đình chủ nhà đi đâu không rõ, người vào miền Nam, kẻ tự lập nghiệp ở nơi nào đó, không thể liên hệ được. Nhà thuốc Bắc chuyển xuống ở cầu Hội Phú." (Hẻm gà Cồ Pk)

    "Ngay hẻm Gà Cồ đi vào trong xóm chợ có tiệm thuốc Bắc của gia đình bác người Bình Định cũng đông con lắm. Lê nghe mẹ với các bác trong xóm bảo hai bác ấy rất nhân hậu, các anh chị lớn của nhà bác nhỏ không quan tâm lắm, chỉ có con nhỏ Ngọc thu hút sự chú ý của Lê, nhỏ có vẻ hiền lành bẽn lẽn. Thỉnh thoảng mẹ sai Lê xuống mua chai "Tiêu ban lộ" hay viên "Búa bổ đầu" gặp nhỏ ở quầy." (Lũ nhóc xóm gà Cồ -Hoàng Thị Viến DU)

    "Cứ thế bọn nhóc hồn nhiên lớn. Lê thi đậu vào lớp sáu trường Pleime, Hoá vào trường Tàu Tuyên Đức, Sinh Bồ Đề, Phong, Phước Phạm Hồng Thái, Bình nam tiểu học vì nhỏ tuổi hơn."
    " Chiến sự xảy ra. Lũ nhóc chơi thân với nhau ở xóm Gà Cồ tan tác. Gia đình bác chủ nhà đi đâu không rõ."
    © Tác giả giữ bản quyền
    Cập nhật theo nguyên bản của tác giả HOÀNG THỊ VIỄN DU từ ĐakLak ngày 16.01.2012.
    . Đăng Tải Lại Xin Vui Lòng Ghi Rõ Nguồn Newvietart.com
    NHỮNG CÂU VÀ Ý ĐƯỢC XÀO XÁO MỘT CÁCH TINH VI . MONG TÁC GIẢ TỰ TRỌNG HƠN

    ReplyDelete
  3. Phố núi và bạn bè đề nghị tác giả Trần Việt liên hệ lại BBT hoặc có ý kiến chính thức qua comments về vấn đề bản quyền theo yêu cầu của tác giả Hoàng Viễn Phố. Xin cám ơn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tran Viet23/7/17

      Khi văn thơ chưa cần in ấn xuất bản, tác giả không cần giới thiệu rầm rộ, nhưng có người đón chờ và tự tìm đến tôi đã đọc và đồng cảm với hình ảnh”lũ nhóc xóm Gà cồ” của tác giả Hoàng thị Viễn Du đã hình thành cảm xúc bài viết.Trong thường nhật đời thường nơi ấy trong tôi còn nhiều hình ảnh đồng cảm với tác giả. Nếu BBT nhận thấy không tốt cho trang tin BBT cứ xóa và tôi ghi nhận trao đổi thẳng thắng tác giả. Cảm ơn

      Delete
  4. Hoàng viễn Phố24/7/17

    ở đây tôi chỉ nhấn mạnh những câu , ý và từ của Trần Việt thêm bớt từ những nguyên văn của HTVD ? Dựa vào đâu Trần việt nói "văn thơ chưa cần in ấn, xuất bản, tác giả không cần giới thiệu rầm rộ "..?
    đồng ý " Văn chương hạ giới rẻ như Bèo " nhưng không có nghĩa cứ xào xáo thêm bớt để làm của mình...." Chiến sự xảy ra. Lũ nhóc chơi thân với nhau ở xóm Gà Cồ tan tác. Gia đình bác chủ nhà đi đâu không rõ."
    bạn chỉ cần đổi " Nhiều chủ nhà đi đâu không rõ..." là thành văn của bạn ư đấy Ư ?

    ReplyDelete
  5. HOÀNG VIỄN PHỐ7/8/17

    Cám ơn anh Thanh Phong Nguyễn đã rất thẳng thắn và trung thực
    Qua sự việc này em tin vẫn còn có Lục Vân Tiên "Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha "
    Và cũng cay đắng thấy rằng vây quanh mình còn có quá nhiều Lý Thôn

    ReplyDelete
  6. Anonymous6/11/17

    TV có viết hai bài về những địa danh ở Pleiku: "Hẻm Gà Cồ TP Pleiku" và "Chợ Thần Phong Pleiku".
    Bài "Lũ nhóc xóm Gà Cồ" của HVP tả nhiều về kỷ niệm, bạn bè thời thơ ấu ở xóm này. Bài của HVP ít chi tiết về xóm Gà Cồ hơn bài Hẻm Gà Cồ của TV.
    Sau khi đọc hai bài, đoạn tả về các đứa nhỏ trong bài của TV rất đáng nghi ngờ vì câu thứ nhì trớt quớt chẳng ăn nhập gì với câu đầu. Đang nói về tiệm thuốc Bắc (trước đó không có đoạn nào nói về lũ nhóc) rồi bồi ngay: "Tụi nhỏ trong xóm cứ thế hồn nhiên, ..." !
    "Ngay hẻm Gà Cồ đi vào trong xóm chợ có tiệm thuốc Bắc của gia đình bác người Bình Định lúc ốm đau bà con trong xóm đến mua chai "Tiêu ban lộ" hay viên "Búa bổ đầu", chai dầu gió khuynh diệp... để qua cơn cảm sốt. Tụi nhỏ trong xóm cứ thế hồn nhiên, lớn đứa thi đậu vào lớp sáu trường Pleime, có đưa vào trường Tàu Tuyên Đức, học chậm hơn phải vào Trường tư thục Bồ Đề, trường Nam tiểu học."
    Tìm thấy một bằng chứng khá rõ ràng (trừ trường hợp Hoàng Ngọc, người viết bài "Chuyện xóm chợ Nhỏ", cũng là Trần Việt) vì câu "Mấy chục năm trước suối Hội Phú đầy lau lách ven bờ, nước rất sạch" trong bài "Chuyện xóm chợ Nhỏ" lại được đem bỏ vào trong bài Hẻm Gà Cồ !
    Nguồn: http://baogialai.com.vn/channel/1622/201703/chuyen-xom-cho-nho-5525678/
    Trích một đoạn trong "Chuyện xóm chợ Nhỏ":
    Ở tuổi 87, tuy hơi lãng tai nhưng ông Trần Của có một trí nhớ tuyệt vời. Ông kể: “Tôi ở quê Bình Định lên đây từ những năm 1960, làm nghề gánh nước thuê cho xóm này từ hồi đó, chủ yếu cho các lò bún. Mấy chục năm trước suối Hội Phú đầy lau lách ven bờ, nước rất sạch. Cứ hễ mưa xuống là đục ngầu, nhưng để vài hôm nước lắng trong trở lại người ta có thể sử dụng được .... (Hoàng Ngọc)

    ReplyDelete
  7. Anonymous28/11/17

    Hình nhà thờ trong bài này là nhà thờ Thăng Thiên gần Diệp Kính chứ không phải nhà thờ Thánh Tâm gần dốc Gà Cồ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xin cám ơn bạn đã góp ý để BBT sửa lỗi. Chúc bạn luôn khỏe, vui và có những phút giây thư giãn thú vị cùng PN&BB nhé!

      Delete
  8. Người viết kể là nghe nguồn gốc con gà từ ông Mã rằng nhà ông nội của ông Mã làm nghề xay xát lúa gạo nên mới có hình tượng con gà mổ thóc!!!- Thực tế thì chính ông Mã nói đến 1977-78 gia đình mới chuyển sang nghề xay xát lúa gạo, còn ban đầu bán tạp hóa và dầu hỏa. Mời xem ông Mã viết trên facebook:(Trích) "nếu nói cho thật tường tận về thương hiệu gà cồ nhà mình thì cũng rất nhiều giai đoạn: Vào năm 1958 sau khi bố tôi xuất ngũ ông đón gia đình về số nhà 225 Hoàng Diệu ( bây giờ là 506 hùng vương) lúc đó còn là nhà tôn vách đất bố mẹ tôi mở tiệm bán tạp hóa lấy hiệu là Trung Tín Lúc bấy giờ người dân tộc rất nhiều và không biết chữ nên đi kiếm nhà tôi rất khó bố tôi mới nghĩ ra và làm một con gà cồ bằng gỗ và các tông sơn rất đẹp bố tôi rất thích con nít ,người dân tộc khi đến mua hàng thường địu con theo nên sau khi mua bán xong ông thường cho các cháu khi thì bánh lúc thì kẹo.Rồi ông viết lên mặt tiền nhà:Má ơi đến tiệm con gà
    Mua hàng giá hạ có quà con ăn
    Còn khi đó bố mẹ tôi cũng có bán dầu lửa nhưng mà hiệu con sò
    Theo năm tháng con gà được làm lại rất nhiều lần và đủ các loại vật liệu. Theo như trên hình thì năm đó vào khoảng năm mậu thân lúc đó bố mẹ tôi đã mua lại căn nhà 221 H D nay là 500 hùng vương lúc đó con gà làm bằng gỗ nhưng cái đầu thì làm bằng nắp thùng phuy và con gà này được dùng tốt đến năm 1975.

    Vậy là ho tưởng tượng ra đó vì trước năm 1975 vùng này (tức xón Gà Cồ) không ai làm nông cã nếu mở nhà máy xay xát lúa thì xay cho ai

    ReplyDelete
    Replies
    1. Rất cám ơn anh về những tư liệu quý giá. Nếu có thể, xin anh link facebook của ông Mã để bạn đọc có có thể tìm hiểu thêm.

      Delete
    2. Dạ, link facebook của Ông Mã Gà Cồ đây ạ!
      https://www.facebook.com/profile.php?id=100005771865042&fref=ts

      Delete
  9. Copyright © 2010• Disgned By NhuY Gialai.
    Kính gửi a Nhụy: Dòng trên ở cuối trang web của anh, có lẽ anh nên xem và sửa lại. Cám ơn nhiều.
    Góp ý này bên Facebook Comments nhưng có vẻ ít được xem! -Trang có 2 tùy chọn để viết comments là 1 ưu điểm nhưng cũng có khi là nhược điểm của trang nhà chăng? Vì có nhưng ít ai để ý đến cách thứ 2!

    ReplyDelete
    Replies
    1. KG: anh Hiền
      1- Do tôn trọng tác giả nên BBT chỉ đính chính bằng chú thích- không sửa lại bài đăng.
      2- Comments FB chỉ hiển thị cùng bài đăng, không hiển thị gộp ra ngoài giao diện chung (vì FB không hỗ trợ) nên khó theo dõi và trả lời kịp thời. Mong anh thông cảm !!!
      Cám ơn anh đã quan tâm góp ý. Kính chúc anh luôn an lành, nhiều niềm vui và có những giây phút thư giãn thứ vị cùng Phố núi và bạn bè...
      NPV

      Delete
    2. KG a Nhụy - Mình không nói về nội dung bài nhưng trên trang web, ở dòng cuối cùng của trang nên sửa chữ Disgned thành Designed (chữ disgned viết không đúng) và chữ NhuY thành Nhuy (vì nếu không sẽ đọc nhầm là Như Ý chứ không phải Nhụy). Đây là lỗi chính tả khi thiết kế trang web chứ không liên quan gì đến nội dung bài viết của tác giả nào hết, anh Nhụy thân mến. Cám ơn anh đã quan tâm trả lời bạn đọc.

      Delete
    3. KG: anh Hiền
      Lỗi chính tả vậy mà bao nhiêu năm không phát hiện ra đó anh. Còn NhuY là bút danh nên không sao.Hi

      Delete

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian