Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Phóng sinh- Đào Duy An

PHÓNG SINH.
“Đau niềm đau trần thế!”
Việt Nam Quốc tự 21/1/2008;
Phú Nhuận 25/7/2014
Đào Duy An

     Mía anh cố lết vào bụi rậm bụt rìa Việt Nam Quốc tự, cánh rã sệ không thể chấp chới.

      “Đau quá! Lạc Mía em rồi.”

      Ngoái cổ nhìn cánh phải lông rỉa rói, máu rịn rịn, khẽ xuýt xoa mà Mía anh lo cho Mía em. “Mình còn gãy cánh huống hồ thằng em?”.

      “Sao chóng thế?”. Mới hôm qua thôi, Mía anh Mía em ríu rít, đá cánh phành phạch, tập cho Mía em nhón chân, sải bước. Mới đó, mới đó...


Phóng sinh- Phố núi và bạn bè

      Bên ngoài tiếng bước chân chùa ken kịt; rằm mà. Hương khói nghi ngút. Tiếng ê a chào mời rộn rịp. Mía anh cố ngóc đầu ra nhìn cho rõ, không phải để ngắm (ngắm cái nỗi gì, đang đau hơn cắt đây) mà để nghe, để ngờ vì lúc nãy thằng bé bán chim phóng sinh la toáng lên là một con mía khuỵu cánh râm bụt. Ngàn cân treo sợi tóc, không phải mà là thân côi núp râm bụt, nương nhờ rìa Phật (chả phải cửa đâu, đây là mé rào).

      “Liệu Mía em có bị bắt lại không?”, “Ồn quá không nghe rõ tụi phạt sinh nói gì”. Mía anh phịa ra một từ mà ông Hoàng Phê hay ông “rộng Hán” như Đào Duy Anh có dùng cỗ máy thời gian Đô-rê-mon quay lại đời để truy cũng chả thấy.

      “Không phạt sinh thì là gì?” “Cứ rằm, mồng một là chùa rợp chim bay mà toàn chim sệ cánh hệt hội chứng teo cơ delta ở cái giống gọi là văn minh. Người bán chim thản nhiên vừa nắn giập cánh chim tụi như Mía anh, Mía em vừa huyên thiên chuyện tết về quê có chút ít lòe làng lòe xóm. Người thiếu ăn đi bắt tụi như Mía anh, Mía em bán-thế là chết. Người đi chùa làm phước (hay lạm phước) mua để thả ra-thế là sống. Triệt sinh, phóng sinh, bố thí, rồi hãm sinh...thế không phải phạt sinh thì là gì? Tự điển tiếng Việt cần giống wikipedia hiện nay thì có lẽ tốt cho dân tộc Việt hơn. ”

      Đau, đau quá!

      “Mía em ở đâu? ”

     Khuya, gió rít qua bụi râm bụt rát như bão Sa-ha-ra và khứa như Bắc Băng Dương.

      Trăng trong veo.
      Sao lấp lánh.
      Không nhắm mắt.

      “Mía em nơi đâu?”

       Ngẫm mình, Mía anh mới thấy cái giống thậm xưng là văn minh mới là văng mộng làm sao!

      Hôm trước ở bãi mía nhà, đang chỉ Mía em thế võ cựa thì bỗng ầm ầm ca nhạc lưu động, rộn ràng lời ước “Nếu là chim…”. Chắc chắn nếu thoát được râm bụt thì ngày nào Mía anh lên mạng nhắn nhe gã văn mộng kia sửa lại lời là “Nếu là chim, sẽ chết rã hoặc tật nguyền vì...phóng sinh của...giống thậm xưng văn minh”.

      Khẽ nhích cánh gãy, khép che thân xác mẹ cho, Mía anh rũ đầu nghe gió rít, ma tru tréo ngoài bụi râm bụt. Kể cũng lạ, khi cần thì người ta có thể “đi đêm với quỷ”. Tuy nhiên, suy cho cùng, tất cả là sinh linh mà, là cái có, là cái không và là cả hai mà cũng chẳng phải cả hai. Vết hằn cánh rũ khiến Mía anh mụ mẫm. Mía anh thấm mệt và đau đời.

      “Mía em ơi, có thoát được lưới trời (à mà không, lưới của giống ăn đủ thứ)?”

      Anh lo cho em quá, Mía em ơi! Lông cánh chưa đủ mà bay sao khỏi tầm tay tụi phạt sinh. Cứ nhìn mấy cậu bé vé số ngay tại Việt Nam Quốc tự mà rõ, mặt ngơ ngác, sầu héo giữa đời, cái đời mà giống văn minh vênh váo “dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”. Xa tổ ấm, em sống ra sao hả Mía em? Không đúng, phải nói là xa tổ ấm, em chống đỡ làm sao được với cái chân non què? Anh biết rõ chân phải em, đoạn trên cựa bị bọn phạt sinh bấm nhẹ một tí vì khi tụi nó vặn cánh anh, anh vẫn cố ngoái nhìn em, xem em ra sao, em có nghe tiếng hét thất thần của anh không, anh cố gào “Không được đánh trẻ em!”; à mà không, anh gào là “Xin đừng bẻ chân em tôi, làm thế thì sao em tôi bước trên đường vạn dặm như ông Khổng răn được?“. Có lẽ họ không nghe hoặc họ tảng lờ, vì anh không thấy thớ cơ mặt họ động đậy, họ thản nhiên quăng em vào lồng bên cạnh lồng anh và nói “Thế này thì đỡ nhọc sức, ít ra cũng được vài đợt phóng sinh”.

      Trời trở giấc, trăng chênh chếch đỉnh tòa Việt Nam Quốc tự, ma thôi tru tréo, trách phận chưa chuyển kiếp được, Mía anh vẫn ê ẩm niềm đau lạc Mía em.

      “Ôi cánh mỏng chân cong vòng lượn chỗ nào mà anh nghĩ mãi không ra hả Mía em?”

      Cũng kỳ thật, chỉ mất vài ngàn đồng là mua được thanh thản, là sám hối, là làm phước, là là bao thứ khác nữa mà cái đầu mụ mị của Mía anh giờ này không tài nào liệt kê hết. Chả thế mà rằm, mồng một mấy cái lồng sắt trước cổng chùa đầy ắp tiếng kêu than của tụi được “phóng sinh” như Mía anh, Mía em.

      Cũng chỉ ít hơn chừng ấy tiền mà mẹ sẽ quặn đau, cha sẽ sầu khổ vì không biết tương lai của mình đang trong lồng hay trong nồi lẩu.

      Chắc giờ mẹ mong lắm.

      Chợ xa liệu mẹ kịp về?

      Khép lại niềm đau, mở toang mắt, Mía anh nghe chồi non rạo rực.


Đào Duy An

COMMENTS G+/FB:

2 Comments:
  1. Một phật tử8/8/14

    phóng sanh hiện nay phần lớn chỉ chú trọng vào việc phóng thích sinh mạng của chúng sanh, đôi khi chỉ quan tâm đến số lượng sinh mạng mà không đảm bảo các điều kiện sống kèm theo, nên đã tạo ra những thảm trạng đau khổ cho một số giống loài. Theo cảnh báo của Hiệp hội Môi trường và Động vật tại Đài Loan, hàng năm có hàng chục triệu loài sinh vật bị chết, môi trường sống của sinh vật bị đảo lộn do hoạt động phóng sanh. Dự kiến, họ sẽ đề nghị chính phủ ban hành đạo luật cấm phóng sanh

    ReplyDelete

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian