Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tiếng lòng- Đêm hội ngộ ( Minh Triết PK)

"Tiếng lòng"- Đêm hội ngộ
------------------------------------------Minh Triết PK-----------


     Những cơn mưa giông đầu tháng 5 đã làm Pleiku dịu mát sau một mùa nắng nóng. Pleiku đẹp hơn khi các hàng cây đủ sắc màu trên đường phố lung linh dưới ánh đèn đêm. Pleiku, thân thương hơn khi có ngày Sinh nhật 70 của anh Đỗ Văn Ngọc. Đây cũng là buổi ra mắt Tản Văn "Tiếng Lòng" có sự tham dự của một số thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, học trò cũ.
Đêm Pleiku - Mùa hoa phượng nở
Tím bằng lăng rực rỡ ngát hương
Sinh nhật anh vừa bảy mươi tròn
Bao kỷ niệm vui buồn từng trải
Có đắng cay xen niềm hạnh phúc
Vẫn dạt dào nhớ thuở đôi mươi
"Tiếng lòng"- Đêm hội ngộ ( Minh Triết PK)     Xuyên suốt 30 tản văn của anh, phải nói anh là một người có tâm hồn, một trái tim đầy nhiệt huyết. "Văn là người", anh là người có cái tâm, chân thật, hiền hòa. Anh luôn luôn tôn trọng thầy cô, quí mến, chân tình đối với bạn bè. Độ lượng, vị tha đối với lớp đàn em, con cháu.

      Tôi với anh có rất nhiều kỷ niệm mà "cái dĩ vãng vui, hồn nhiên ấy còn vương vấn mãi trong tôi ".

      Tôi về học Đệ Tam (1967). Anh học trên tôi một lớp. Anh là thần tượng của tôi thời bấy giờ. Bởi ngoài việc học, anh là người có năng khiếu về các mặt văn, thể, mỹ. Anh tham gia hầu hết các phong trào của trường và cùng đồng đội mang lại nhiều thành tích cao. Lúc đó, anh cũng có vài bài văn ngắn đăng trên tuần báo "Tuổi Ngọc".

      Tôi với anh thân thiết hơn khi Bân (em trai anh) rủ tôi về học chung nhóm 5 bạn tại nhà anh. Từ đó, tôi đã xem anh như người anh của mình. Ngược lại, anh gần gũi, thân mật với tôi như người em ruột thịt. Cũng vào năm ấy, các nữ sinh đệ nhất cấp đã chuyển về trường mới Pleime. Không khí trường tôi, thiếu các bóng hồng như thấy thiếu mùa xuân... Do vậy, có những lúc tan trường hay buổi chiều rảnh rổi, anh rủ thằng em khờ khạo như tôi, xuống nhìn các người đẹp Pleime tan học.

      Có nhiều kỷ niệm lúc đi học đã đi vào ký ức của chúng tôi. Khi ấy, ngoài giờ đi học anh thường rủ tôi uống cafe "Dinh điền" sáng sớm trước khi vào lớp, hoặc café Văn buổi tối để rồi lang thang trên đường phố vắng - (Tiếng lòng)

Anh để lại Pleiku một thời áo trắng
Tuổi trẻ dạt dào mộng ước tương lai
Vui đến trường cùng thầy cô, bè bạn
Café Dinh điền mỗi sớm, trưa uống vội
Hay Quán Văn đêm phố vắng lang thang
Những chuyện tình ngây ngô thời mới lớn
Nữ sinh trung học Pleime Pleiku xưa
     "Tiếng lòng" là những mẫu chuyện ngắn, trải lòng mình khi anh bước qua ngưỡng "xưa nay hiếm". Anh là người học trò luôn luôn nhớ ơn thầy cô, là một bạn tốt, là một người thầy khả kính. Anh đã xem Pleiku như "một vùng trời kỷ niệm", dù anh vào Saigon sinh sống đã mấy mươi năm. "Tiếng lòng ", phần nào đó là hoài niệm, là ký ức của một thời và tim anh đã thổn thức mỗi lần trở lại nơi này (Về Nguồn, Trở lại trường xưa .v.v.).

      Trong “Tản mạn” cùng cựu nữ sinh Pleime, anh đã gởi gấm nhiều cảm xúc: “Khi xe chở đoàn vừa vào cổng, tôi bồi hồi, xúc động, có một người phụ nữ một mình loay hoay đứng dưới mưa với máy ảnh trong tay. Các thao tác nhanh gọn, nhuần nhuyển … Nhưng tôi thấy chạnh lòng…”

      Có lẽ tình cảm của anh đã bay bổng về lại thời anh từng đến nơi này, nhìn những nàng Pleime, thướt tha trong tà áo trắng khi tan trường nên anh chạnh lòng. Hôm sau, khi uống café tại quán Hạ Vàng, hồ Đức An, tôi đã giới thiệu anh làm quen. Kể từ đó, anh luôn gọi HĐ là “cô phóng viên”. Cái duyên ngày ấy, đã kết nối tình cảm giữa những người lớp trên, lớp dưới và giờ trong “Tiếng lòng”, chúng ta đã nhìn lại được hình ảnh của một HĐ luôn giúp mọi người, trong đó có cả tôi.

      Một phần tư tập tản văn là tâm huyết của anh và thể hiện sự: “Tôn Sư Trọng Đạo - Kính Thầy - Mến Bạn”. Trong bài “Thầy tôi”, anh đã viết về người thầy kính yêu nhất mà anh thường hay nhắc: “Thầy bao giờ cũng dõi theo, cũng lo lắng đến sự an nguy của học trò. Thầy tôi đó, bao dung, độ lượng vô bờ…”.

     
      Đúng như anh đã viết, buổi lễ, tiệc nào có các thầy tham dự, đều trang trọng, đầm ấm và gần gũi. Nhớ, hôm đám cườn của con tôi tại Bình Dương (7/2012), anh Ngọc đã mời được thầy Trung. Đó là vinh dự, là niềm vui vô hạn của tôi và các bạn ở xa về (Sa Đéc, Tây Ninh…).

      Khi đã làm thầy và dạy tại An Phú, anh hòa đồng với đồng nghiệp và yêu quí học trò. Mỗi lần về Pleiku là họp mặt : “Thật vui mừng, chỉ trong hai tiếng đồng hồ mà như tiếng chim kêu gọi đàn, tiếng chuông ngân xa, đã qui tụ đầy đủ thầy trò về họp mặt”.

      Nhiều câu chuyện anh viết về người thân, đặc biệt là nêu những tình cảm, suy nghĩ, trăn trở của các bậc cha mẹ đối với con cái trong quá trình khuyên răng và định hướng. Theo anh, quan hệ của cha mẹ và con đôi khi xem như bạn, anh luôn dành thời gian lắng nghe. Nghe tâm tình và ý kiến của con. Từ đó anh chọn cách thích hợp để giáo dục hướng theo điều hay, lẽ phải. Đề tài về con, được anh nêu rộng, anh còn đứng cương vị của người mẹ, để khuyên con sống thế nào khi làm vợ, làm dâu cho trọn đạo. - (Cảm xúc khi con vào Đại học, Lần khác nghe con, Tiếng “Mẹ”, Thư cho con gái…”. Ngoài ra anh còn nhìn xa hơn về tương lai lớp con cháu và mong “Tình người và nếp sống đạo đức” không bị mai một.

      Phần còn lại của “Tiếng lòng” là những câu chuyện tình cảm động, có hậu, mang tính nhân văn và súc tích, có lúc hài hước, dí dỏm, nhưng anh khiêm tốn và viết: “Đây chỉ là những mẫu chuyện nhỏ, chỉ vài trăm trang, câu từ thô mộc, vụng vuề, nhưng gói ghém tất cả nỗi lòng của tôi”. Theo tôi, “Tiếng lòng” là kỷ niệm vô giá trong cuộc đời anh.

      Xin chúc mừng sinh nhật anh và chúc mừng sự thành công của “Tiếng lòng”. Chúc anh dồi dào sức khỏe và rất mong được đón nhận các tập “Tiếng lòng” tiếp theo.

Đêm Pleiku - “Tiếng lòng” thổn thức
Gặp thầy xưa, bạn cũ - vui mừng
Học trò nhỏ nay thành cơ nghiệp
Vòng tay thương nước mắt nghẹn ngào
Pleiku của tôi - hoài niệm cũ
Hẹn ngày về ấm áp tình thân!...
Nguyễn Minh Triết
Pleiku - 05/2013

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian